Tại Việt Nam, từ một lễ thuần túy của người Ki-tô giáo, Noel đã trở thành một dịp lễ hội của giới trẻ, mùa làm ăn của các doanh nghiệp, mùa mua sắm của người tiêu dùng. Lễ hội Noel, từ một lễ hội của người phương Tây đã hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, trở thành một ngày lễ trong nhiều ngày lễ của thời hiện đại, như ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Hiến chương các nhà giáo, ngày Quốc tế Phụ nữ… Trang trí nhà hàng, khách sạn với cây thông, ông già Noel, tuyết rơi…trở thành trào lưu để thu hút khách hàng. Mua sắm mùa Noel trở thành cái thú của các bà, các cô. Đi chơi đêm Noel trở thành cái thú tò mò của trẻ con, thú chơi sành điệu của các cặp tình nhân
Các phương tiện truyền thông, văn hóa tiêu dùng phương Tây, tâm lý sính ngoại cộng với đặc tính bao dung và dễ dàng chấp nhận văn hóa bên ngoài của người Việt đã giúp đưa ngày lễ phương Tây này ngày càng phổ cập và bám rễ ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là sự chủ động của tín hữu Ki-tô giáo trong việc truyền bá ngày lễ này, và qua đó, cũng là một cách để truyền bá văn hóa Ki-tô giáo, kể cả truyền đạo. Nếu có dịp đi qua các xóm đạo, các nhà thờ, chắc hẳn quý vị sẽ thấy không khí giáng sinh rất đậm nét. Nóc nhà thờ được treo ngôi sao chổi, bên dưới là hang đá được trang trí đầy màu sắc, bên trong và bên ngoài giáo đường được trang trí đủ thứ loại đèn màu lấp lánh. Nhà thờ Làng tám, một nhà thờ của một khu lao động nghèo của Hà Nội gần nơi tác giả bài viết này cư trú cũng được trang hoàng rực rỡ. Việc trang trí ở nhà thờ này không chỉ có hang đá cổ điển, mà còn có bức hình in cảnh Chúa giáng sinh khổ lớn bằng công nghệ in quảng cáo hiện đại, có máy chiếu multimedia chiếu phim chủ đề giáng sinh và truyền hình trực tiếp buổi lễ bên trong nhà thờ ra bên ngoài.
Việc trang trí nhà thờ sinh động, rực rỡ, hiện đại, nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm, thiêng liêng, hoành tráng, cộng với thái độ nghiêm túc, tự hào, kính Chúa của giáo dân đã để lại cho những người đến chơi và xem Noel ấn tượng sâu sắc. Và không biết có ai tìm hiểu liệu có bao nhiêu người từ ấn tượng đó mà quyết định theo đạo Thiên Chúa.
Từ những gì diễn ra trong dịp Noel này, chắc hẳn không ít Phật tử suy tư về con đường đưa những giá trị Phật giáo vào cuộc đời, mà cụ thể hơn là tổ chức các lễ hội Phật giáo ra sao. Phật Đản – ngày lễ quan trọng nhất của những người con Phật, nhưng tầm ảnh hưởng trong xã hội còn rất hạn chế. Chúng ta nói hơn 70% người dân Việt
Tất nhiên, chúng ta không cố tổ chức ngày lễ của mình cho giống tôn giáo bạn, bởi cố bắt chước thì không thể bằng người. Trái lại, ngày Phật đản phải được tổ chức mang đậm nét văn hóa Phật giáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống, làm nổi bật những giá trị của Phật giáo với dân tộc và nhân loại. Nhưng đồng thời, việc tổ chức lễ Phật đản cũng phải ứng dụng công nghệ hiện đại, mang sức sống thời đại, nội dung sinh động, hấp dẫn giới trẻ, gắn kết nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt lễ hội. Ngày lễ Phật đản đó phải lấy ngôi chùa làm trung tâm, lấy khu dân cư làm gốc rễ, lấy Phật tử trẻ và người dân làm mục tiêu hoằng pháp.
Tất nhiên, đạt được điều đó không đơn giản và chưa có tiền lệ. Đã đến lúc các cấp, các ban của Giáo hội, đặc biệt là ban Nghi lễ, ban Văn hóa, các quý thầy trụ trì các chùa, và quý Phật tử cần đóng góp trí tuệ để tìm ra một mô hình tổ chức Phật Đản thống nhất để Phật đản không chỉ là lễ của những người Phật tử, mà còn là ngày hội của tất cả mọi nhà. Và còn nhiều ngày lễ Phật giáo có ý nghĩa nữa đang chờ chúng ta thổi sức sống của thời đại.