Trang chủ Thời đại Giáo dục Suy nghĩ về việc xây dựng một nền giáo dục Phật giáo...

Suy nghĩ về việc xây dựng một nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam

107

Giáo dục Phật giáo nhấn mạnh sự học tập và thực hiện giới, định, tuệ, hướng đến sự giải thoát cho mình và đóng góp vào sự giải thoát của mọi chúng sinh. Những người tu theo giáo lý của Đức Phật đều tin rằng một nền giáo dục Phật giáo có thể được áp dụng hữu hiệu cho mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, tầng lớp… theo các phương pháp, biện pháp giáo dục thích hợp.


Tin tưởng vào giáo lý của Đức Phật, tin tưởng Ngài là một nhà giáo dục vĩ đại, chúng ta lạc quan trước tiền đồ của một nền giáo dục Phật giáo, con đường giải quyết những bế tắc, nguy nan của thời đại. Chúng ta cũng không bi quan trước tình trạng chưa ổn định của Giáo dục Phật giáo Việt Nam mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan ban ngành Phật giáo đang nỗ lực xây dựng.


Chúng tôi xin được nêu một số nhận định về giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay trên hai lĩnh vực hoạt động: Giáo dục Tăng Ni và Giáo dục Cư sĩ Phật tử.


Về vấn đề Giáo dục Tăng Ni


Hiện nay GHPGVN có 3 Học viện Phật giáo, 07 Lớp Cao đẳng Phật học, 30 Trường Trung cấp Phật học và một số lớp Sơ cấp Phật học rải rác tại một số chùa hoặc một số cơ sở do Ban đại diện Phật giáo cấp quận, huyện quản lý. Đó là chưa kể các khóa bồi dưỡng được tổ chức khá đều đặn cho các giảng sư và các khóa đào tạo giảng sư của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội. Dù chất lượng giáo dục chưa đồng đều ở các cơ sở giáo dục do hoàn cảnh và điều kiện khách quan, nhưng ngành Giáo dục Tăng Ni đã có sự phát triển trong chừng mức nhất định.


Cũng do hoàn cảnh khách quan, cơ cấu tổ chức trường lớp, đặc biệt là chương trình và cấp học, chúng ta đã tiến hành thực hiện chưa hợp lý. Chúng ta mở Trường Cao cấp Phật học, tức Học viện Phật giáo trước, sau đó mở các Trường Cơ bản, tức Trường Trung cấp, rồi sau đó đến các lớp Cao đẳng và cuối cùng là một số lớp Sơ cấp. Như thế, rõ ràng ngành giáo dục Tăng Ni đã thiết lập từ cao đến thấp, sơ đồ các cơ sở giáo dục các cấp có vẽ như một hình tháp cuốn trôn ốc. Các con số thống kê sau đây cho thấy điều ấy: 03 Học viện gồm 1.200 Tăng Ni sinh, 08 Lớp Cao đẳng gồm hơn 1000 Tăng Ni sinh, 30 Trường Trung cấp gòm 3000 Tăng Ni sinh và các lớp Sơ cấp gồm gần 2000 Tăng Ni sinh. Điều đáng lưu tâm ở đây là các cơ sở giáo dục nói trên chỉ có một số ít cơ sở tổ chức được nội trú. Trong tình hình đất nước đổi mới và đang phát triển, Tăng Ni đảm nhận nhiều công việc cần di chuyển hằng ngày, cộng thêm với gần 9000 Tăng Ni phải đến trường học, hình ảnh chư Tăng Ni di chuyển ngoài đường đông đúc làm giảm đi vẻ trang nghiêm của người tu sĩ. Lại nữa, cái không khí tu học ở chùa, ở các Học viện có vẻ như đã mất đi khá nhiều nét đẹp truyền thống trang nghiêm, tĩnh lặng đầy thiền vị của Phật giáo Việt Nam.


Do đó, ngành Giáo dục Tăng Ni cần có biện pháp khuyến khích việc tu học ở chùa, tự viện, tịnh xá… cho giới Sa di trẻ, tu tập tứ oai nghi, giữ gìn phẩm hạnh nhiều hơn trước những hiện tượng xã hội cùng lúc phát triển văn minh, nhưng cũng đồng thời cùng lúc có chiều hướng tuột dốc, xuống cấp, sa đọa… về mặt tinh thần đạo đức của thời đại. Chúng ta cần lập lại sự cân bằng trong phát triển: Tăng cường các Trường, Lớp Sơ cấp, củng cố các Trường Trung cấp và các Lớp Cao đẳng cũng như các Học viện… Điều nầy, không những chỉ riêng ở Việt nam, mà ngay cả những lớp học, những khóa học với số học viên không nhiều tại các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ… như: Tích Lan, Thái Lan, Myanma, Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ v.v… Làm thế nào để những người có trách nhiệm đào tạo và những người tham gia thọ học, tiếp nhận sự đào tạo cùng có chung một mục tiêu, một định hướng, lý tưởng… là HỌC ĐỂ TU. Nét đẹp đặc sắc của Giáo dục Phật giáo là đưa con người từ phàm phu đến hiền thánh. Qua giáo dục Phật giáo, con người được thọ học Kinh Luật Luận của giáo pháp Đức Phật hiểu biết một cách rõ ràng, chắc chắn và với năng lực tự thân, tỉnh giác, biết ứng dụng pháp học, chuyển hóa chính mình, làm nên một đời sống tốt đẹp. Thân có Giới, con người làm chủ được bản thân không còn những hành động xấu, ác quấy. Khẩu và Ý có Định-Tuệ… con người sẽ làm chủ được mình trong mọi lúc mọi nơi, không còn có những lời nói, ý tưởng xấu, ác, quấy… gây nhiễu hại cuộc sống xã hội, nhân sinh và vạn loài.


Có thể nói chung, dù ở bất cứ quốc độ nào, các cơ sở giáo dục của Phật giáo cần nên giữ vững truyền thống tốt đẹp của Giáo dục Phật giáo là đặt nặng vấn đề tu tập là chính, đó là phát triển tâm linh, đạo đức hơn là chỉ chú trọng việc mở rộng kiến thức. Bởi trên thế giới nầy, người có kiến thức thế gian và học giả Phật học không thiếu, nhưng hiện nay –điều mà thế giới và xã hội đang cần là những con người thật sự có khả năng hoàn thiện chính mình và đem sự hoàn thiện đó góp phần phụng sự nhân sinh.


Về vấn đề Giáo dục Cư sĩ Phật tử


Nếu trước kia, Phật giáo Việt Nam từng có hệ thống trường Bồ Đề trên các tỉnh ở miền nam từ Tiểu học đến Trung học và có Trường Đại học Vạn Hạnh cho các sinh viên thuộc các gia đình Phật tử và không phải Phật giáo theo học thì nay hệ thống ấy không còn nữa. Lại nữa, các cháu nhỏ đi vườn trẻ, mẫu giáo do các Sơ Thiên chúa giáo phụ trách khá nhiều ở khắp các thành phố, thị xã, quận, huyện. Trong khi đó, chưa có một cơ sở nào của Phật giáo đảm trách phần giáo dục trẻ thơ, lứa tuổi rất cần thiết có những ấn tượng Phật giáo để sau này trở thành những Phật tử chân chính, thuần thành.


Các Phật tử đi chùa để mở mang kiến thức Phật học nhưng các buổi giảng tại chùa lại chung cho các thành phần, lứa tuổi v.v… cho nên sự tiếp thu không đồng đều. Lại nữa, đa số Phật tử, nhất là những người lớn tuổi cũng nghĩ rằng được nghe Thầy giảng là được thêm phước đức cho nên việc suy gẫm, tìm tòi để hiểu biết kinh sách Phật hầu như không được họ lưu tâm. Chùa thì mỗi tuần hoặc có khi chỉ vào dịp lễ lớn mới có Thầy giảng, cho nên đây khó có thể hiểu là một cơ sở giáo dục được. Việt Nam hiện có 8 ngàn Huynh trưởng và 65 ngàn đoàn sinh gia đình Phật tử. Gia đình Phật tử chủ yếu sinh hoạt mỗi tuần một lần, giúp các em vui chơi, rèn tập đạo đức và một ít kiến thức Phật học sơ đẳng. Đây là một tổ chức tốt, có gây được ảnh hưởng tốt trong các em, nhưng vẫn là một loại hình sinh hoạt ngoài giờ học chính, chưa phải là một hình thức giáo dục theo nghĩa chính thức.


Để đóng góp vào nền giáo dục nước nhà, xây dựng và phát triển giáo dục Phật giáo tại nước ta, chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải tập trung công sức quan tâm, có kế hoạch định hướng lâu dài, trước mắt tổ chức hình thành ngay một Ban Giáo dục Phật giáo có nhiệm vụ chuyên trách lo việc giáo dục Tăng Ni và Cư sĩ Phật tử. Nhà nước ta trong những năm gần đây đã cho phép mở các Trường tư thục, dân lập, Giáo hội cần bắt tay vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự để xin mở các mô hình trường nói trên, kể cả các vườn trẻ, các trường mẫu giáo. Tất cả đều dạy theo chương trình, giáo trình của Nhà nước, chỉ cần thêm một hay hai tiết giáo lý mỗi tuần cho con em phật tử.


Một điều đáng cho chúng ta lưu tâm là tại rất nhiều trường Đại học Âu Mỹ, nơi mà số Phật tử hãy còn rất ít, vẫn đang có phân khoa Phật học. Nước ta là nước có truyền thống Phật giáo với 2000 năm giữ nước và dựng nước, đa số đồng bào là Phật tử hoặc những người có cảm tình với Phật giáo, lại không có trường Đại học nào có phân khoa Phật học. Nếu các Trường Đại Học Quốc Gia chưa có đủ giáo sư chuyên môn ngành Phật học thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với rất nhiều tôn túc mà đức hạnh và kiến thức Phật học thâm sâu cũng như nhiều học giả cư sĩ, có thể được qua sự giới thiệu của Giáo hội để phụ trách môn Phật học tại các Đại học khoa học xã hội nhân văn … Theo ý chúng tôi, việc thành lập vườn trẻ, mẫu giáo của Phật giáo cho hiện nay là rất cần thiết, cấp bách; kế đến là các trường Trung Tiểu học và sau đó là các Đại học. 


Chúng ta đang chuẩn bị mở trường Đại học Phật giáo, khởi đầu là Phân khoa Phật học và sẽ tiến hành mở rộng nhiều phân khoa khác. Đây là thể hiện sự lớn mạnh của đất nước và của Giáo hội, xứng đáng với những đóng góp lớn lao mà Phật giáo Việt Nam đã thực hiện cho đất nước suốt 2000 năm qua. Nhưng nếu chúng ta chỉ lo phát triển Đại học mà quên đi phần căn bản là giáo dục đào tạo con em Phật tử từ cấp thấp nhất cho đến hết cấp Trung học thì chúng ta quay trở lại sự phát triển thiếu cân đối của ngành giáo dục Phật giáo như thời gian qua. Điều quan trọn nhất, cần phải cân nhắc, suy nghĩ là: Nếu Đại học Phật giáo khởi sự đào tạo cấp Cử nhân Phật học trong 4 (hoặc có thể 3) năm thì hiển nhiên các Tăng Ni sinh sẽ chú trọng vào việc học lấy bằng tốt nghiệp Trung học theo chương trình của Nhà nước để thi tuyển vào Đại học Phật giáo theo cấp cử nhân. Như thế, hệ thống giáo dục Tăng Ni hiện nay sẽ rất xáo trộn và có thể đối với số đông Tăng Ni, trở nên không cần thiết, mất thì giờ, vì Tăng Ni sinh phải ít nhất trải qua 4 hay 7 năm ở các Trường Trung cấp hoặc 3 hay 4 năm ở Cao đẳng hay Học viện. Một bên là chỉ cần 4 năm để có thể có bằng cử nhân Phật học, một bên phải cần gần 10 năm để có thể có được văn bằng ấy! Và như thế thì các lớp Sơ cấp, các Trường Trung cấp, các lớp Cao đẳng và có thể cả các Học viện Phật giáo hiện nay sẽ bị chi phối, giảm thiểu, thậm chí phải biến mất, hoặc tồn tại thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ý nghĩa tu học truyền thống của Phật giáo cũng theo đó mà dần dần mai một đi.


Vấn đề đặt ra là: Một Trường Đại học Phật giáo hiện nay là rất tốt, rất cần thiết; nhưng cả một hệ thống tu học Phật học của Tăng Ni từ các cấp dưới phải được quan niệm, được tổ chức như thế nào để tinh hoa truyền thống luôn tươi nhuận, đồng thời đáp ứng được hướng phát triển của thế giới hiện đại? Các cấp học từ mẫu giáo đến hết bậc phổ thông có thể được Giáo hội thiết lập theo hình thức dân lập được không? Từ đây, cần phải bàn thêm mục tiêu, đối tượng, tổ chức của giáo dục Phật giáo hiện nay là gì? Như thế nào? Làm sao để xóa bỏ tư tưởng cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là mục đích tối hậu của việc học của một tu sĩ Phật giáo? Làm sao để đưa Phật giáo đến với tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử bằng một hệ thống giáo dục, có tổ chức, được Nhà nước và nhân dân ủng hộ, tín nhiệm ?        


TP.HCM 12 / 7 / 2006


(Bài viết Hội thảo: “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức”)