Trang chủ Diễn đàn Suy nghĩ về việc Tổng thống Nga đi lễ chùa Trấn Quốc

Suy nghĩ về việc Tổng thống Nga đi lễ chùa Trấn Quốc

105

Bản tin video chiếu trên VTV cho thấy Tổng thống Liên Bang Nga và vị sư đón tiếp đã đi bộ thong dong trên lối đi nhỏ trong chùa, ngắm nhìn kiến trúc và phong cảnh, trong khi được người thuyết minh giới thiệu về ngôi chùa lịch sử, một biểu tượng của Văn hóa Việt Nam bên bờ Hồ Tây, Hà Nội.

Lời tường thuật bản tin Đài Truyền hình Việt Nam dẫn lại phát biểu của Tổng thống Nga về chuyến viếng chùa, rằng ông cảm thấy rất bình an.

Cùng lúc, bản tin Đài Truyền hình Việt Nam thể hiện những hình ảnh tuyệt đẹp của chùa Trấn Quốc trong nắng chiều Hồ Tây.

Chúng ta có thể có một số lời bình luận ở đây:

Việc mời Tổng thống Nga viếng chùa Trấn Quốc trong chuyến thăm Việt Nam là một điều rất hay. Chúng ta có dịp giới thiệu với vị quốc khách một bảo vật của Văn hóa Việt Nam.

Về phía Tổng thống Nga Dimitry Medvedev, ông tỏ ra hết sức hài lòng, một sự hài lòng chân thực thể hiện rõ qua khuôn mặt của ông, được ống kính truyền hình đặc tả. Điều đáng chú ý là Tổng thống đi bộ rất chậm trong vườn chùa, rất đúng phong cách thiền hành chậm của Phật (có thể so sánh với tốc độ đi bộ nhanh hơn của Tổng thống trên đường phố Hà Nội trong cùng bản tin video).

Tổng thống Nga đã hưởng thụ được trọn vẹn một cuộc đi chùa Việt Nam.

Điều này cho thấy, việc mời các vị quốc khách đến thăm chùa Trấn Quốc, một ngôi chùa tiêu biểu cho Văn hóa Việt Nam là điều rất nên làm. Chắc chắn, không chỉ Tổng thống Nga, mà nếu các vị quốc khách khác được mời đến thăm đều sẽ rất hài lòng với những chuyến thăm chùa… “rất Việt Nam”, với từ “Việt Nam” ở đây dùng trong tiếng Nga như là một tính từ, là một nhận định xác đáng của Tổng thống và rất đáng suy nghĩ.

Với chùa Trấn Quốc, người Việt Nam và khách quý gặp nhau ở từ “rất Việt Nam” này.

Chưa đưa chùa Trấn Quốc và những ngôi chùa tiêu biểu khác ở Hà Nội vào lịch trình thăm viếng thường xuyên của các vị quốc khách, là chúng ta chưa khai thác hết được giá trị những hạt ngọc văn hóa của mình.

Và các vị quốc khách cũng chưa thụ hưởng được những giá trị rất Việt Nam trong các chuyến thăm viếng của mình, như Tổng thống Medvedev đã có, nếu chưa được thăm chùa Việt như Tổng thống Nga.

Gần như cùng lúc với Đài Truyền hình Việt Nam, các kênh truyền hình phát toàn cầu của Nga, như Perviy Kanal, PTP, RT… cũng trình chiếu hình ảnh Tổng thống Nga đi chùa, an lạc và hoan hỷ trong không gian rất Việt Nam.

Tháp chùa Trấn Quốc, một tháp chùa “rất Việt Nam”, vì dáng dấp mảnh khảnh, thanh tao đặc thù ở chùa cổ Việt, hiện ra huyền hoặc trên các kênh truyền hình Nga.

Rõ ràng, dấu ấn văn hóa “rất Việt Nam” đã được  trình bày ở cấp độ đắc địa nhất với toàn thể khán giả truyền hình Nga, đang theo dõi chuyến công du Việt Nam của vị tổng thống kính mến của họ.

Một cách trình bày rất dễ tạo nên những rung động tình cảm tích cực, tạo sự thấu hiểu văn hóa Việt từ những hình ảnh đẹp đến nao lòng của chùa.

Trên các kênh truyền hình Nga, người xem có thể nghe được bước chân rất khẽ của đoàn khách trong sân chùa chiều tĩnh mịch.

Một điểm nữa cần chú ý, tuy là Tổng thống, nhưng vị quốc khách cũng là một khách du lịch, đến chùa trong tư cách là một người đến chùa trước hết để du lịch (theo Wikipedia, tôn giáo của Tổng thống Nga Medvedev là Chính thống giáo Nga). Cảm nhận về chùa Trấn Quốc của ông chắc chắn cũng là cảm nhận của các khách du lịch phương Tây khác khi họ đến thăm chùa.

Gieo được những cảm nhận “rất Việt Nam” vào lòng du khách nước ngoài là điều hết sức có lợi cho đất nước Việt Nam thời kỳ mở cửa nói chung, và cho Phật giáo Việt Nam nói riêng trên hành trình tái khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc.

Như vậy, chuyến viếng chùa của Tổng thống Nga cũng là một trường hợp điển hình để chúng ta soi vào đó để lý giải mối quan hệ  giữa chùa chiền, văn hóa Việt và hoạt động du lịch.

Chắc chắn, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga đến chùa Trấn Quốc, sẽ có rất nhiều khách du lịch Nga rất muốn đến thăm ngôi chùa mà vị Tổng thống của họ đã đến thăm ngay trong chuyến công du Việt Nam đầu tiên và cảm thấy hài lòng trong sự “bình an”. Họ mong và cũng sẽ hưởng được sự an lạc từ một không gian văn hóa Phật giáo “rất Việt Nam”.

Chắc chắn, là Tổng thống Nga cũng như mọi vị khách đều thêm thiện cảm đối với đạo Phật nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.