Hai ngàn năm Phật giáo vẫn tồn tại, vẫn phát triển, vẫn oằn mình cùng dân tộc để vượt qua bao thử thách, đói nghèo, chiến tranh, xây dựng đất nước vững mạnh đó sao?
Thời gian dài của lịch sử đã chứng tỏ Phật giáo với dân tộc và văn hóa Việt Nam có mối đồng nhất ăn nhập vào nhau. Một dân tộc muốn tồn tại và phát triển là một dân tộc trước hết phải biết ĐOÀN KẾT, vì đoàn kết là sức mạnh của tư tưởng bao trùm yêu nước thương nòi, tình yêu thương đồng bào, đồng loại, là tập hợp tài trí, mưa lược để bảo vệ và xây dựng đất nước. Tình yêu thương ấy cũng là tính “Từ Bi” “Hỷ Xả”, tinh thần “Minh mẫn” của Phật giáo. Rõ ràng miếng đất mở màng của tình yêu thương văn hóa Việt đã dễ dàng tiếp nhận tư tưởng “Từ bi” của Phật giáo.
Từ xưa đến nay, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo luôn luôn hòa nhập và gắn bó với dân tộc; văn hóa Phật giáo đã đóng góp rất lớn vào nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam, thăng hoa nền tảng văn hóa và lý tưởng của người dân Việt Nam. Lịch sử dân tộc đã phản ảnh chân thực những triều đại biết vận dụng tinh thần giáo lý, tư tưởng của Phật giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của triều nhà Lý (1010-1225), triều nhà Trần (1226-1400) đều là những triều đại hưng thạnh, hùng cường, phát triển và chống ngoại xâm thành công nhất. Tuy nhiên theo thăng trầm của đất nước, Phật giáo Việt Nam trải qua nhiều khó khăn. Phật giáo Việt Nam mãi đến 1981 mới được thống nhất vùng miền, hệ phái theo nguyên tắc: “Thống nhất ý chí hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhưng vẫn tôn trọng sự tu hành việc truyền đúng chánh pháp…”
Công việc thống nhất của Phật giáo Việt Nam thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đáp ứng vào nguyện vọng tha thiết chính đáng của Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong nước. GHPGVN đã tiếp tục đóng góp nhiều thành quả lớn lao trong sự nghiệp đại đoàn kết chung của MTTQVN, một tổ chức chính trị xã hội có mục tiêu đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam, bao gồm tập thể và cá nhân thuộc tất cả các giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo, người trong nước, người ở nước ngoài, không phân biệt quá khứ cùng nhau giữ vững độc lập thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu thoát nghèo nàn lạc hậu, biến nguyện vọng lâu đời của nhân dân ta thành hiện thực: “Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh” (Chương trình đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước của MTTQVN).
Với mục tiêu đó,GHPGVN đã thiết lập những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các công việc phát triển kinh tế – xã hội, đất nước, đồng thời phát huy tác dụng tích cực của tinh thần Phật giáo trong công việc từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt, giáo dục tín đồ phật tử sống có văn hóa, an lạc, lành mạnh, đẩy lùi và chống các tệ nạn xã hội. Vậy đạo Phật là đạo nhập thế chứ không phải là đạo xa đời, xa người. Đầu thế kỷ XX nhà sư Thiện Chiếu nói: “Đạo Phật là đạo đi sát với người, là đạo gây hạnh phúc cho người cực điểm, chứ không phải là đạo xa người, chán đời làm chướng ngại cuộc tiến hóa như những người không hiểu phật pháp đã phê bình lầm vậy” (Con đường học Phật). Gần một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày GHPGVN thống nhất, Phật giáo đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, đồng thời làm tăng trưởng đạo tâm – “trang nghiêm Giáo hội”. Con số hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng vẫn không bằng con số ẩn chìm trong tư tưởng của đồng bào Phật tử: biết tu và hướng thiện, đoàn kết và yêu thương để góp phần cho xã hội, an lạc, hạnh phúc thịnh vượng. Đó là thành quả, là tính ưu việt của sự thống nhất PGVN. Một dân tộc đã độc lập thống nhất thì lẽ nào PGVN lại tách rời, chia rẽ, không chấp nhận lịch sử là điều không tưởng.
Một lần nữa xin khẳng định rằng tư tưởng Phật giáo đã hòa nhập trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, sự quyện kết vì mục tiêu an lạc và thịnh vượng, vì mọi người trong cộng đồng dân tộc và đồng loài toàn cầu. Bản chất Phật giáo là không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cơ hội, giáo điều. Chỉ chấp nhận sự hòa nhập chứ không hòa tan, chấp nhận và ủng hộ sự ổn định, tiến bộ chứ không a dua vì lợi ích cá nhân, lợi dụng sự khó khăn về vật chất tạm thời của xã hội để gieo rắc những mầm phân hóa, gây bất ổn dưới chiêu bài “tự do -tôn giáo” để chống đối. Do đó, đã là Phật tử có ý thức cần phải nhận định đúng sai để hộ trì Tam bảo. Những việc nêu trên là ý kiến nhỏ, chúng tôi ước mong mọi người tôn trọng văn hóa dân tộc, vì văn hóa dân tộc còn thì đất nước và Phật giáo còn, nếu văn hóa dân tộc không được tôn trọng thì Phật giáo cũng như đất nước mất.
Chúng ta đang sống những ngày đầu của năm mới 2007, thật thú vị và tự hào cả dân tộc đang đổi sắc thay da trong đó có Phật giáo. Nếu có chăng sự ưu phiền nhỏ nhoi trong cuộc sống thì cũng như đám mây mờ rồi sẽ tan nhanh, cầu mong xã hội an bình, cuộc sống an lạc. Kính chúc chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam mãi mãi là ngọn đuốc sáng ngời để góp phần vào sự vinh quang đất nước.