Trang chủ Tuổi trẻ Suy nghĩ về sáng tác Phật giáo dành cho Thiếu nhi

Suy nghĩ về sáng tác Phật giáo dành cho Thiếu nhi

97

Từ cuộc thi văn học dành cho thiếu nhi


Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em vừa phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi “Vì hạnh phúc tuổi thơ”. Chủ đề của cuộc thi tập trung vào các đối tượng: trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại.


Nhân buổi phát động cuộc thi tại các tỉnh phía Nam hôm 30-5, các nhà văn đã tổ chức buổi hội thảo văn học thiếu nhi với 10 bài tham luận được đọc. Hầu hết các nhà văn đều cho rằng những đối tượng trẻ em nêu trên hoàn toàn có thể là nguồn cảm hứng sáng tác; thậm chí, đó chính là trách nhiệm của các nhà văn. Trong khoảng 10 năm trở lại, có khá nhiều cuộc thi văn học dành cho các em thiếu nhi; NXB Kim Đồng cũng đã bốn lần mở các cuộc vận động sáng tác văn học dành cho các đối tượng này, thế nhưng sách dành cho thiếu nhi đến nay vẫn được xem là khan hiếm. Dĩ nhiên không phải khan hiếm đầu sách, mà là khan hiếm những quyển sách hay, những quyển sách có chỗ đứng trong lòng độc giả nhỏ tuổi.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhà thơ Cao Xuân Sơn – Trưởng ban Biên tập NXB Kim Đồng, chi nhánh phía Nam – cho biết: “Về mảng văn học thiếu nhi, không chỉ ở Việt Nam mới thiếu, mà ngay cả những nước có truyền thống, lừng danh trên thế giới về mảng văn học này cũng trăn trở không ít. Sở thích của các bạn đọc trẻ tuổi thay đổi theo thời gian, trong khi sản phẩm của các nhà văn lại không đáp ứng được nhu cầu ấy”. Theo ông Cao Xuân Sơn, một truyện hay dành cho thiếu nhi trước tiên phải đáp ứng được nguyện vọng của tuổi thơ. Vì vậy, nhà văn viết cho đối tượng này phải đạt được tâm thế ấy. Sách hay cho thiếu nhi không nhất thiết phải là sách hay đối với người lớn – nếu đạt được cả hai yếu tố đó thì quá tốt. Nhưng biết bao lâu mới có được một Hoàng tử bé (của Saint-Exupéry); Hai vạn dặm dưới đáy biển (của Jules Verne) hay gần đây là Harry Potter (của J.K.Rowling)…?


Để có được những tác phẩm dành cho thiếu nhi đã khó, có được những tác phẩm hay viết về 3 đối tượng thiếu nhi nêu trên càng khó hơn. Đề tài này rõ ràng đặt ra những thách thức đối với các nhà văn viết cho tuổi nhỏ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng đây là đề tài vốn khan hiếm tác phẩm hay và là một đề tài hết sức thiết thực trong thời đại ngày nay.


Nghĩ về các sáng tác Phật giáo dành cho thiếu nhi


Nếu tác phẩm hay dành cho thiếu nhi nói chung vốn khan hiếm thì những sáng tác hay dành cho thiếu nhi Phật giáo lại càng khan hiếm. Mảng sáng tác này gần như vắng bóng trên diễn đàn văn học Phật giáo trong nhiều năm qua. Ngoài một vài tác giả với một số tác phẩm thỉnh thoảng xuất hiện trên tuần báo Giác Ngộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy hiện nay ở Việt Nam chưa có tác giả văn học nào chuyên viết cho thiếu nhi Phật giáo. Rất nhiều phật tử muốn giáo dục con em theo nếp đạo đức Phật giáo đã cố tìm mua những tác phẩm văn học như thế và hầu hết họ đều cảm thấy thất vọng!


Thật ra, nếu xem truyện tranh phật giáo là những tác phẩm dành cho thiếu nhi thì hiện này chúng ta cũng có khoảng trên chục đầu sách. Đó là bộ truyện tranh về những lời dạy của Đức Phật do THPG TP. HCM ấn hành vào năm 1997 (tranh: N.Hiroshi, lời: S.Hirotoshi, Lê Công Danh dịch) và 3 năm sau là bộ Lịch sử Đức Phật bằng tranh, Truyện tiền thân Đức Phật,  Thập đại đệ tử Phật Thích Ca của nhóm tác giả Lý Thái Thuận, Trương Quân, Phi Long… Song, về mảng sáng tác văn học, trên kệ sách Phật giáo nhiều năm qua chưa hề xuất hiện một tác phẩm nào.


Giáo dục thiếu nhi theo tinh thần Phật giáo hẳn nhiên sẽ rất cần những tác phẩm văn học vừa sinh động, gần gũi với các em, vừa chuyển tải được tinh thần, giáo lý nhà Phật. Đây là một đề tài rộng và có khá nhiều “đất” để thể hiện. Nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn thì: “Đề tài Phật giáo dành cho thiếu nhi là một mảnh đất tốt để các nhà văn khai thác. Bởi Phật giáo vốn rất gần gũi với người Việt, và trong dòng máu của bất kỳ đứa trẻ con nào cũng mang chút gì đấy của nhà Phật. Thuở nhỏ, chúng tôi đến chùa vui đùa như ở nhà, nhìn nhà sư thấy hết sức gần gũi, thân thiết. Vì vậy viết cho trẻ em về đề tài Phật giáo không nhất thiết phải viết về giáo lý, mà chính là viết về những hình ảnh thân thương ấy”. Đơn giản là thế, song tại sao đến nay vẫn chưa có những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi Phật giáo?


Có lẽ, sự thiếu vắng những tác phẩm văn học Phật giáo dành cho thiếu nhi nói riêng và văn học Phật giáo nói chung là do Phật giáo chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Tại các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí Singapore,… người ta đã xuất bản khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi, trong đó mảng truyện tranh được đầu tư khá kỹ lưỡng. Liên kết, trao đổi vưói một số nhà xuất bản của các quốc gia này để dịch thuật những tác phẩm nêu trên ra Việt ngữ thiết nghĩ không khó; tổ chức sáng tác, biên soạn những tác phẩm văn học Phật giáo dành cho thiếu nhi không phải chúng ta không làm được. Vấn đề chính là chúng ta đã thật sự quan tâm đến vấn đề này hay chưa?