Trang chủ Diễn đàn Suy cử nhân sự Giáo hội các cấp: Hình thức?

Suy cử nhân sự Giáo hội các cấp: Hình thức?

162

Trong thời gian vừa qua, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương (cấp huyện và cấp tỉnh) đã và đang tổ chức Đại hội Đại biểu theo theo nhiệm kỳ, nhằm đánh giá tổng kết công tác Phật sự của các cấp, rút ra bài học kinh nghiệm, đường hướng hành đạo cho nhiệm kỳ mới và kiện toàn nhân sự Ban hành đạo, giới thiệu đại biểu đi dự Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp trên.

Và hạn cuối cùng cho việc tổ chức cấp huyện là tháng 6, cấp tỉnh là tháng 9 phải kết thúc để tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào cuối tháng 11 năm 2012.

Và như vậy, đến thời điểm này cấp huyện cũng mới chỉ đạt đến 95% và cấp tỉnh đạt 85%  đã tổ chức Đại hội.

Đọc nhanh qua các bản tin Phật sự của trung ương và địa phương, cũng như qua tìm hiểu thực tế, việc tổ chức Đại hội Phật giáo cấp địa phương trong thời gian qua có mấy việc mà theo đánh giá khách quan chúng tôi có mấy nhận xét:

1. Địa điểm, hình thức tổ chức Đại hội cơ bản có chung một kịch bản, từ cấp tỉnh đến cấp huyện không khác gì đại hội của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp như Hội Nông dân, Hội Người mù,… chưa toát lên được mầu sắc của tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.

2. Nội dung nhàm chán, giáo điều như một bài ca không bao giờ quyên, thậm chí có những nơi báo cáo tổng kết, chương trình hoạt động Phật sự và tham luận được sao chép lại từ những khóa trước và copy những bài viết trên mạng.

3. Công tác nhân sự Ban hành đạo các cấp Giáo hội chưa có bước đột phá và vẫn trong tình trạng kê đặt cho đẹp đội hình, thậm chí là mất đoàn kết sâu sắc, không suy cử được các chức danh như trong Hiến chương quy định (vi hiến).

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi xin được đề cập đến một khía cạnh về công tác nhân sự:

Công tác nhân sự Ban hành đạo các cấp Giáo hội là Phật sự quan trọng bậc nhất, vì con người là chủ thể thành công hay thất bại trong mỗi công việc của cá nhân hay của một tập thể. Trong suốt những năm qua, từ Giáo hội trung ương đến Giáo hội địa phương có chung một cách thức tổ chức là “suy cử” cho đẹp đội hình, (mặc dù Hiến chương hiện hành và quy chế hoạt động của Ban Trị sự tỉnh, huyện đều có quy định: Đại hội suy cử Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự bầu cử Ban Thường trực, Ban đại diện).

Hiến chương quy định là như vậy, song Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cũng không hướng dẫn cách thức tổ chức bầu cử và suy cử như thế nào, nên mỗi địa phương áp dụng theo một kiểu, tùy thuộc vào sự ứng dụng và hiểu biết của quý vị lãnh đạo đương nhiệm ở địa phương đó, song cũng tựu trung là công cử (gọi là Tăng sai) nên không cần quan tâm ý kiến khác, kể cả có ý kiến khác thì cũng chỉ là “đá ném ao bèo” không thể thay đổi kết quả dự kiến của quý vị lãnh đạo tiền nhiệm.

Vừa qua, Đại hội của một tỉnh ở phía Bắc, có sự hiện diện chứng minh của Đức Pháp Chủ, khi chủ tọa đoàn hỏi xin ý kiến Đại hội về việc thông qua danh sách nhân sự, cả Đại hội không thấy ai ý kiến gì, thì bỗng nhiên Đức Pháp Chủ nói “Tôi có ý kiến”, cả hội trường hình như “chết lặng”, không biết Đức Pháp Chủ có ý kiến việc gì.

Đức Pháp Chủ nói: “Tôi thấy danh sách nhân sự Ban Trị sự khóa này có vấn đề, Tôi nói ra thì dài, những thôi để xử lý nội bộ”.

Từ chủ tọa đoàn đến tất cả đai biểu tham dự Đại hội người này nhìn người kia, thậm chí là dung nhan quý vị chủ tọa cũng chuyển sắc thái. Và cuối cùng nghị quyết Đại hội vẫn thông qua, không cần bận tâm gì đến “Đạo từ” của Đức Pháp Chủ – vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội về Đạo Pháp và Giới luật.

Rồi gần đây, Đại hội ở một tỉnh lớn phía Nam, khi Ban Nhân sự trình danh sách Ban Trị sự khóa mới trước Đại hội, vị chủ tọa đã hỏi ý kiến: “Ai có ý kiến gì về danh sách nhân sự, nếu không thì thông qua và cho tràng pháo tay chúc mừng”.

Một câu hỏi liền mạch, vừa đặt câu hỏi, vừa trả lời luôn, không để cho ai được phát biểu gì khác ngoài tràng vỗ tay kéo dài.

Ở một số địa phương còn vi Hiến, không suy cử được đầy đủ các chức danh của Ban Thường trực Ban Trị sự theo quy định của Hiến chương, như không suy cử được chức danh Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự, một người kiêm nhiều chức vụ, vì nội bộ không ai chịu nhường ai.

Chúng tôi thiết nghĩ, việc “suy cử” hay “bầu cử” thực ra bản chất của nó không có gì khác nhau. Trong tôn giáo thông thường sử dụng các từ ngữ có tính trang trọng, để cho nó khác với cách làm thông thường của thế tục, nên hay dùng những ngôn từ tôn giáo, như suy tôn, tấn phong, giáo phẩm,…

Song dù thế nào, thì quý vị lãnh đạo Phật giáo ở các địa phương cũng không nên biến tấu bản chất của ngôn từ “suy cử” hay “bầu cử”, trở thành những việc làm mất dân chủ, thiết đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ tổ chức giáo hội.

Trong Giáo – Luật Phật chế, chư Tăng (từ 04 người trở lên) làm bất kể việc gì của Tăng đoàn, như truyền giới cho đệ tử, nghi thức bá tát, nghi thức an cư kết hạ, hay nghi thức tự tứ,…

Để thực hiện những Phật sự này, Tăng đoàn đều phải làm phép yết ma. Nếu tập thể Tăng đoàn có một Phật sự cần phải cử người thay mặt để đứng ra gánh vác việc chung thì đều phải đem ra hỏi xin ý kiến của tập thể đại chúng, nếu trong đại chúng có một người hoặc nhiều người quan tâm đến đức hạnh, năng lực của người được công cử, mà có ý kiến khác thì ban lãnh đạo cũng phải tạm dừng để xem xét những ý kiến khác nhau của người nêu ra trên cơ sở Giáo – Luật trước đại chúng để kiểm chứng và nếu đúng thì phải có biện pháp để xử lý. Và phép yết ma phải bảo đảm 04 điều kiện căn bản: Pháp – Nhân –  Sự – Xứ.

Do đó, trên góc độ của Giáo – Luật Phật chế, chủ trương tôn trọng tập thể và ý kiến khác nhau của một hay nhiều vị Tăng rất được tôn trọng và được Phật quy đinh rất rõ ràng trên cơ sở của “Tứ nhiếp” “Lục hòa” “các phép bất thoái để cho Tăng già được cường thịnh”,…

Kinh, luật, luận của Phật đều rất rõ ràng trên mọi phương diện, tuy nhiên, lâu nay không biết cố tình làm sai hay vô tình không để ý, hoặc do hạn chế về nhận thức mà cả hệ thống hành chính trong Giáo hội cứ coi phép “suy cử nhân sự” là phép Tăng sai như là sự chỉ định có tính chủ quan của người có trách nhiệm được phép tiến cử và đã tiến cử rồi thì không ai được làm thay đổi nó mà cách thức và mục tiêu của nó là “vỗ tay” tán dương hoặc “niệm Phật ba lần”, coi đây là chư Tăng đã đoàn kết, hòa hợp và nhất tâm rồi.

Là người lãnh đạo, được tập thể trao trách nhiệm lãnh đạo tứ chúng phải có tầm, có tâm thiện trong sáng trong mỗi Phật sự, chăm lo cho Phật sự không chỉ là chủ trương lời hay ý đẹp trong văn kiện để trình Đại hội làm cho mọi người nghe cho sướng lỗ tai, mà phải vun trồng nó trở thành hiện thực trong cuộc sống chính pháp.

Mỗi địa phương đều có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, việc vận dụng đường hướng chung để cho phát triển là sự năng động của mỗi tập thể và cá nhân có chức sự.

Như vậy, dạo qua các địa phương tổ chức Đại hội, xin được mạo muội nêu lên những vấn đề cụ thể ngõ hầu các bậc lãnh đạo Giáo hội quan tâm để sớm có cách thức tổ chức tốt hơn và nên quan tâm những phần nội dung chính pháp và nhân sự tiêu biểu đó mới là nội dung chính của mỗi Phật sự.