Trang chủ Thời đại Xã hội Sức sống và sự phát triển tốt đẹp của xã hội

Sức sống và sự phát triển tốt đẹp của xã hội

82

Một xã hội tốt đẹp khi có:

– Một hướng đi tiến bộ được đa số đồng thuận, tin tưởng.

– Một tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa vững chắc, hài hòa.

– Một sự ổn định trật tự, nghĩa là có tinh thần chịu chấp nhận những kỷ luật chung
bắt nguồn từ trong tâm.

– Chia sẻ với nhau và cùng tham dự những giá trị chung.

– Tin tưởng nhau, hợp tác với nhau để xây dựng, có những trách nhiệm chung.

– Phân công xã hội không phải để chia rẽ mà để đoàn kết, nghĩa là sự phân công không do áp đặt mà do tự nguyện.

– Sự chia sẻ hài hòa giữa những trung tâm và ngoại vi, giữa trên và dưới, giữa mạnh và yếu…

Xã hội tốt đẹp là môi trường, là điều kiện sống để tạo lập Con Người viết hoa, con người phát triển về mọi mặt, toàn diện và toàn thiện.

Để có được một xã hội như vậy, như đã từng xảy ra trong lịch sử nhiều nước, Phật giáo có Năm Giới và Mười Việc Thiện. Đây là những điều phổ quát cho cả loài người.

Chúng ta thấy rằng không có một tôn giáo nào, một nền văn hóa nào trên thế giới bác bỏ những điều ấy. Không một tôn giáo nào, một nền văn hóa nào nói rằng giết người là tốt, nói dối là tốt…; rằng để hoàn thiện mình cần phải giết người, cần phải nói dối.

Nội dung của giới là không làm tổn hại bản thân, không làm tổn hại người khác và sự sống chung quanh. Đó chỉ mới chỉ là yếu tố “không nên làm điều xấu ác”, còn yếu tố “nên làm tất cả mọi điều tốt thiện” thì càng tích cực và tốt đẹp hơn nữa. Ở đây chúng ta chỉ nói về phần “không nên làm”.

Tôi ăn uống một thứ gì rồi thuận tay vất bao plastic bừa bãi. Nếu trong một trăm người chỉ có vài người như tôi, thì trong cả nước, một ngày chúng ta vứt ra gần cả triệu bao, một năm là hơn 300 triệu bao. Ai dọn? Số tiền mà xã hội chi phí để dọn dẹp là bao nhiêu? Chỉ một cử chỉ của cánh tay gây thiệt hại bao nhiêu về kinh tế?

Mỗi ngày có bao nhiêu tai nạn xe do uống rượu, lái ẩu? Một người bị thương đưa vào bệnh viện chăm sóc tốn bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu công sức của bác sĩ, y tá – thay vì lo cho những người bệnh khẩn cấp khác – thì phải hao phí vì điều không đáng có, có thể tránh được.

Phạm giới là tự phá hoại mình, làm hao tổn tài nguyên và năng lượng của mình, thay vì dùng chúng để cống hiến cho sự tốt đẹp của xã hội. Chẳng lẽ càng phát triển người ta lại phải càng tốn thêm tiền để có thêm cảnh sát và xây thêm nhà tù?

Những công ty lương thực biết chất kia là độc, pháp luật cấm, nhưng vẫn dùng vì rẻ, nên gây bệnh tật cho nhiều người. Thiệt hại không nhỏ. Một công ty nhà nước lấy ngân sách thay vì mua những máy móc mới thì đem về những thứ đáng ra đã phế thải chỉ sử dụng được một hai năm rồi bỏ. Thiệt hại cho xã hội.

Chỉ cần vi phạm hai giới mà thôi, giới tham (phạm điều thiện thứ tám) và giới dối trá (giới thứ tư), thì chúng ta đã làm thiệt hại về kinh tế đến không thể thống kê được.

Sự suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, từ Mỹ kéo theo cả thế giới, cũng là hậu quả của lòng tham quá đáng và cách làm ăn không thật vượt quá những quy định của luật lệ trong nhiều năm của một số nhà kinh tế tài chính. ‘

Hóa ra sự tham lam thái quá của một số rất ít người giàu đã gây ra sự nghèo khó của rất đông người khác.

Bệnh Sida và nạn ma túy là do tà dâm và say sưa không tự chủ mà ra. Những căn bệnh này đã tiêu tốn bao nhiêu tiền của công sức của xã hội. Chúng ta phải kết luận rằng những tệ nạn xã hội làm tiêu hao sức sống xã hội đều do không giữ giới mà có.

Một trong những sức mạnh kinh tế là tiết kiệm, nhất là ở những nước còn nghèo. Không hoang phí, biết quý trọng tiền bạc, biết tiết kiệm nguyên liệu là một thái độ có từ việc giữ giới.

Chúng ta không thể nói hết về những tổn hại do phạm giới gây ra trong mọi lĩnh vực của xã hội. Phạm giới làm hao phí năng lượng xã hội, đưa xã hội đi theo chiều xuống thấp. Mà làm tổn hại, làm hư hỏng xã hội tức là làm tổn hại và hư hỏng chính đời sống của mỗi chúng ta, vì mỗi chúng ta sống là sống trong xã hội.

Trong viễn tượng này, chúng ta thấy rằng giữ được giới là những yếu tố tích cực để xây dựng một xã hội tốt đẹp và phạm giới là những yếu tố tiêu cực phá hoại một xã hội tốt đẹp. Nhưng những tác nhân nào làm cho xã hội biết giữ gìn giới?

Đó là: 

1. Xã hội,

2. Pháp luật,

3. Lương tâm, và

4. Sự nhận biết về định luật nhân quả và nghiệp báo.

Trong đó, định luật nhân quả khiến người ta phải giữ giới từ trong tâm ý, cho nên tin và hiểu nhân quả là cái hữu hiệu nhất. Xã hội phải dạy cho những thành viên của nó tin và hiểu định luật nhân quả thì xã hội ấy mới tiến bộ đến chỗ càng ngày càng tốt đẹp.

Xã hội luôn luôn đòi hỏi bình đẳng như là điều kiện để sống còn và để phát triển của nó. Người ta bình đẳng trước công luận xã hội, bình đẳng trước pháp luật.

Nhưng người ta còn bình đẳng trước giới luật. Giới luật là bình đẳng, không chừa một ai dù người ấy đang ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, vì giới luật đặt căn bản trên định luật nhân quả.

Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước định luật nhân quả vì như Đức Phật đã nói, “Chúng sinh là kẻ thừa tự duy nhất những hành động (nghiệp) của mình”. Không có sự bình đẳng nào tuyệt đối hơn.

Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước giới luật, nghĩa là tất cả chúng ta đều bình đẳng trước tự do. Đó là sự tự do không làm điều xấu ác, và tự do làm tất cả mọi điều tốt thiện. Đó là tự do của tiến bộ, chứ không phải tự do của thoái bộ.

Nhờ giới mà một cá nhân trưởng thành, trở thành một công dân tốt. Trưởng thành là thế nào? Biết tự chủ, biết nói không với cái xấu gây tổn hại cho mình và cho người, và biết nói vâng với mọi điều tốt đem lại lợi lạc cho mình và cho người.

Xã hội hiện đại trên thế giới đã chuyển qua thời đại hậu công nghiệp hay như có người quan niệm là đã chuyển qua thời đại hậu khoa học (ý kiến của Christopher T. Hill, giáo sư về Công nghệ và Chính sách công, Đại học George Mason, Virginia, trong bài “Xã hội hậu khoa học và những gợi suy cho Việt Nam” của Nguyễn Mạnh Quân, Tia Sáng số 18, tháng 9/2010).

Chúng ta thì chưa đến đó. Chúng ta chỉ sắp bước vào thời đại công nghiệp. Nhưng mặc dù ở đâu trên con đường phát triển kinh tế thì giới cũng là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh về mọi mặt của xã hội.

Giới bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Phạm giới là phạm vào chính chúng ta, làm tổn hại thân khẩu ý của chúng ta. Chúng ta cứ xem có một tổn hại nào, một tai nạn hay một tai họa nào của chúng ta mà không do từ phạm giới mà ra? Vì giới là nền tảng cho sự phát triển và tiến hóa của con người nên nó vẫn gắn bó với con người chừng nào còn có con người.

Một xã hội mà không ai nói dối lừa gạt ai, không ai giết hại hay tìm cách giết hại ai, không ai tìm cách khơi gợi hay hành động tà dâm với ai, không ai say sưa khiến mất tự chủ và rủ rê người khác say sưa đến mất tự chủ… đó là xã hội lý tưởng mà con người mãi mãi hướng đến.

Xã hội đó từng có lúc hiện hữu trong những thời đại thịnh vượng mọi mặt của lịch sử Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa… Chúng ta biết xã hội ấy rất khó thành lập ở trên trái đất này – nó cần có đủ phúc đức và trí huệ của cả một dân tộc.

Nhưng ít nhất xã hội ấy đang có mặt hiện giờ ở đây dù trong dạng tiềm năng. Nó là năm giới trong lòng mỗi chúng ta.

Giới thì rất cũ nhưng vẫn luôn luôn mới. Như con người là rất cũ nhưng vẫn luôn luôn mới. Bởi vì giới là con đường của con người.