Trang chủ Văn hóa Du lịch Sức sống các di sản nơi quê gốc nhà Trần

Sức sống các di sản nơi quê gốc nhà Trần

219

Nhà Trần là một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, với những dấu tích còn hiện hữu ở nhiều nơi cho đến ngày nay. Nhưng không ở đâu, các di tích nhà Trần lại phong phú, đậm đặc và còn nhiều dấu tích dưới lòng đất như ở Đông Triều, nơi được coi là quê gốc của nhà Trần.

f
Các di sản nhà Trần tại Đông Triều qua thời gian hầu hết đều chỉ còn là phế tích, chìm dưới lòng đất. Ảnh: Kiến trúc bồn hoa với trang trí gạch hình hoa chanh được phát lộ qua khảo cổ tại di tích đền An Sinh.

Qua các kết quả nghiên cứu lịch sử cho thấy, các di sản nhà Trần tại Đông Triều hiện nay được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền thuần Việt với tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời. Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều.

Cùng với đó, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo. Trần Nhân Tông cũng đã chọn Ngọa Vân làm nơi tu hành và viên tịch vào năm cuối đời. Vì thế, nơi đây còn được xem như là một trong những trung tâm lịch sử, văn hoá đặc biệt tiêu biểu, là “trung tâm Phật giáo” của nước Đại Việt dưới thời Trần, là vùng “thánh địa” linh thiêng của Thiền phái Trúc Lâm.

Trong đó, Ngọa Vân được xem là di tích rất đặc biệt của quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều, vốn có sự gắn kết ngay từ lịch sử hình thành và phát triển với không gian rộng lớn của Yên Tử xưa.

TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, người dành nhiều tâm huyết cho những nghiên cứu về các di sản nhà Trần ở Đông Triều, khẳng định: Nơi đặc biệt nhất của Yên Tử xưa là Ngoạ Vân, còn nơi đặc biệt nhất của Ngoạ Vân là am Ngoạ Vân – điểm kết thúc hành trình tu hành, đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ngoạ Vân với tư cách là “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm đã được xây dựng và không ngừng mở rộng cho đến thời Nguyễn thế kỷ XIX, với tổng số 15 điểm di tích lớn, nhỏ.

f
Am Ngoạ Vân – điểm kết thúc hành trình tu hành, đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm.

Không chỉ Ngọa Vân mà kết quả khảo cổ giai đoạn từ năm 2007 đến nay ở hầu hết các di tích lăng mộ, đền, miếu, chùa tháp, đạo quán thuộc quần thể di sản nhà Trần nơi đây đã vén lên những bức màn bí mật về một thời vàng son xưa kia. Như đền Thái chính là Thái miếu, nơi thờ hoàng tộc của nhà Trần với kiến trúc mặt bằng hình chữ Vương độc đáo bậc nhất còn lại tới ngày nay. Đền An Sinh qua khai quật khảo cổ đã làm phát lộ một quần thể di tích kiến trúc thời Trần với nhiều lớp kiến trúc, phản ánh quá trình phát triển của điện An Sinh dưới thời Trần.

Các di vật đặc biệt quý giá thời Trần cũng được tìm thấy tại đây, như tượng phượng bằng đồng, chậu gốm hoa nâu lớn trang trí hoa sen và rồng, rồi việc phát lộ một bồn hoa kè đá tròn và khối gạch xếp hoa chanh trang trí cho bồn hoa được đánh giá là cực kỳ độc đáo, lần đầu thấy ở các di tích thời Trần tại Đông Triều…

Hay khu vực Đá Chồng cho thấy nhiều am nhỏ được xây dựng dưới thời Trần, nhưng dưới thời Lê Trung hưng, khi Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo thì nơi đây đã được xây dựng và phát triển thành một quần thể chùa tháp lớn và hoàn thiện nhất trong các cụm kiến trúc chùa tháp tại Ngọa Vân, bao gồm khu vườn tháp, sân vườn, khu nội tự và khu tịnh thất…

Xin nói rõ thêm, mặc dù có quy mô, giá trị rất lớn như vậy nhưng trải qua thời gian với nhiều biến động lịch sử, các di sản nhà Trần ở Đông Triều hầu như đã trở thành phế tích, chỉ còn nền móng nằm sâu dưới lòng đất; các bia ký, tư liệu thành văn của các đời có chép cũng rất hiếm hoi, có nhiều khoảng trống.

Chính vì thế, kết quả khảo cổ học các di tích nhà Trần vô cùng quý giá, là những bằng chứng gốc góp phần tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của quần thể di tích này, nằm trong tổng thể giá trị của quần thể khu di sản Yên Tử đang được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phối hợp lập hồ sơ đề cử danh hiệu Di sản văn hóa thế giới hiện nay.

f
Lễ hội Thái Miếu đã được TX Đông Triều phục dựng lại vào năm 2019.

Khoảng 10 năm trở lại đây, TX Đông Triều phối hợp với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm “đánh thức” những di sản quý giá của tiền nhân. Cùng với sự đầu tư từ ngân sách là việc huy động xã hội hóa cả nghìn tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích, khôi phục một số lễ hội, mở rộng đường giao thông, đầu tư hệ thống dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, vừa tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Đáng nói hơn, thời gian qua, việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản được thị xã khá chú trọng việc gìn giữ những giá trị nguyên gốc của di tích. Với những công trình tới đây, thiết nghĩ việc thiết kế, xây dựng cần tiếp tục theo định hướng thân thiện, hài hòa với môi trường, cảnh quan xung quanh, theo khuyến nghị của các nhà khoa học.

Ví như việc quy hoạch đền An Sinh cần có sự kết nối với di tích lăng Tư Phúc, khai thác tốt địa hình và cảnh quan tự nhiên để tạo thành khu công viên lịch sử văn hóa. Ngọa Vân có thể giữ lại mặt bằng và cảnh quan tự nhiên hiện nay, việc phát huy giá trị có sự kết nối tạo thành một tổng thể chùa, am – tháp và tịnh thất như nguyên gốc. Quần thể di tích Đá Chồng có thể phục dựng, tôn tạo lại theo cấu trúc và quy mô mặt bằng thời Lê Trung hưng xưa kia, quy hoạch thành hai phân khu với vùng lõi là kiến trúc văn hóa tâm linh và vùng khai thác cảnh quan, phát triển dịch vụ, xây dựng Đá Chồng trở thành một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo và du lịch tâm linh…

Làm được như vậy, tin rằng không chỉ phục hồi tốt các di sản, làm sống lại một thuở vàng son năm xưa của nhà Trần mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ, phát triển kinh tế địa phương theo xu hướng bền vững hôm nay.


Ngọc Mai/ Quảng Ninh