Trang chủ Thời đại Sức mạnh mềm Phật giáo

Sức mạnh mềm Phật giáo

163

Sẽ có câu hỏi, tu Phật thì khuất phục ai, chỉ huy ai, điều khiển ai, mà nói đến sức mạnh? Đạo Phật là đạo nội tâm, đạo hướng nội, thì cần gì đến sức mạnh?

Đúng là khái niệm sức mạnh mềm mà GS J. Nye nêu ra có liên hệ đến đối tượng tác động, với ý muốn điều khiển, chi phối. Sức mạnh mềm khác với sức mạnh cứng ở tài nguyên, phương thức, nhưng cũng đều là sức mạnh, đều có mục tiêu là điều khiển, chi phối đến đối tượng. Với cách hiểu như vậy về sức mạnh mềm thì liệu đạo Phật có sức mạnh mềm?

Khái niệm sức mạnh là khái niệm vẫn có trong đạo Phật. Một trong 3 đức tính siêu việt của Đức Phật là từ bi, trí tuệ và hùng lực. Đức Phật là đấng đại hùng, đại lực. Không hề có việc đạo Phật đối lập với sức mạnh, không hề có sức mạnh.

Trong kinh Phật, hình ảnh sư tử hống vẫn thường được sử dụng, biểu trưng cho sức mạnh. Từ “nhiếp phục” trong đạo Phật chính là động thái thực hiện sức mạnh. Nếu xét sức mạnh liên quan đến việc tác động người khác, ngoài tự giác, thì một trong 3 yêu cầu của việc tu tập là giác tha, tức là đem sự giác ngộ đến với người khác, đưa họ đến với chính pháp.

Phật giáo là một tôn giáo, mà “tôn giáo vừa là một sản phẩm của văn hóa, một nhân tố cấu thành của văn hóa” (1). Sức mạnh mềm văn hóa đã là một khái niệm tương đối thống nhất. Vì vậy, sự tồn tại của sức mạnh mềm Phật giáo là điều hiển nhiên. Sức mạnh Phật giáo không phải là sức mạnh bạo lực, cưỡng bức, mua chuộc, đánh đổi…, mà phải là điều phát tâm, tự nguyện. Những yêu cầu như thế hoàn toàn tương đồng với sức mạnh mềm.

Gần đây, trong triết học phương Tây, lại có khái niệm “quyền lực tri thức” của A. Toffler. Đây là một khái niệm khác với sức mạnh mềm nhưng giữa chúng có mối liên hệ, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu. Ở đây, chỉ muốn nói rằng các yếu tố thuộc về hoạt động tư tưởng ngày càng được coi là có sức mạnh, tự thân đã là sức mạnh, càng được nghiên cứu như là những dạng sức mạnh, để sử dụng như một sức mạnh. Điều đó đương nhiên xác định sức mạnh mềm Phật giáo.

Thống nhất về sức mạnh mềm Phật giáo, ở đây chúng ta bàn luận xem, sức mạnh mềm Phật giáo có định lượng được không? Tìm hiểu vấn đề này chính là chúng ta tiến thêm một bước nữa trong việc xác định, tìm hiểu sức mạnh mềm Phật giáo.

Định lượng sức mạnh mềm

Trước khái niệm sức mạnh mềm, giới học thuật đã có những ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng khác với sức mạnh cứng, sức mạnh mềm không thể định lượng, mà chỉ có thể định tính, cảm giác mà thôi. Ở đây, có vẻ người ta hình dung mềm thì vô hình, sức mạnh mềm là sức mạnh vô hình, chỉ có thể có cảm tính về nó, khó mà xác định cụ thể.

Trong bài “Think again: soft power” (tạm dịch: Suy nghĩ một lần nữa: sức mạnh mềm), GS J. Nye bác bỏ ý kiến cho rằng không thể định lượng sức mạnh mềm. Ông cho là vẫn có thể định lượng sức mạnh mềm, thông qua các thao tác khoa học xã hội như: ghi nhận ý kiến, so sánh…

Sức mạnh mềm là một vấn đề khoa học xã hội. Mà khoa học xã hội vẫn là khoa học. Nó không trừu tượng, mà vẫn rất cụ thể, và có thể định lượng trong việc nghiên cứu bằng những phương pháp vẫn dùng trong khoa học xã hội.

Sức mạnh là sự điều khiển hướng đến một đối tượng. Kết quả đó có thể xác định bằng con số, vì nó là một thực thể, không phải vô hình mà chỉ có thể cảm thấy.

Văn hóa không phải là việc cảm thấy, mà có thể định lượng, bằng nhiều đại lượng, thậm chí bằng tiền. Thí dụ, xu hướng làn sóng văn hóa Hàn, được coi là một đại lượng về sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc, có thể tính bằng giá trị hiện kim thu được qua việc xuất khẩu phim ảnh Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong sức mạnh mềm, có đại lượng không thể đo được hoặc không thể định lượng chính xác.

Cũng thí dụ đối với làn sống văn hóa Hàn. Sức mạnh mềm từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc có thể định lượng qua số lượng các sản phẩm Hàn Quốc khác xuất khẩu dưới tác động của làn sóng văn hóa Hàn. Nhưng trong thực tế, không thể xác định đâu là sản phẩm Hàn Quốc xuất khẩu dưới tác động của làn sóng văn hóa Hàn. Vì vậy, nếu nói có thể định lượng sức mạnh mềm, thì chỉ là một phần mà thôi.

Sức mạnh mềm vẫn có yếu tố vô hình và cảm tính, có nghĩa là phi định lượng. Điều đó gồm cả đối với sức mạnh mềm quốc gia, sức mạnh mềm văn hóa, sức mạnh mềm tôn giáo.

Thí dụ dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung về vấn đề vừa nói.

Vatican là một quốc gia. Vì vậy hoàn toàn áp dụng được khái niệm sức mạnh mềm quốc gia, sức mạnh mềm văn hóa (trong sức mạnh mềm quốc gia), là các khái niệm của khoa học quan hệ quốc tế.

Nhưng Vatican là thiết chế trung ương của Giáo hội Ca tô La Mã toàn cầu. Vì vậy, có thể vận dụng cách hiểu sức mạnh mềm tôn giáo ở đây, và cả sức mạnh mềm cá nhân, chẳng hạn đối với giáo hoàng.

Việc giáo hoàng Phăng-xi-cô nhận chức đã tạo ra chuyển biến mới trong sức mạnh mềm trong các trường hợp nói trên. Nhưng ở đây có những điều định lượng được và không định lượng được.

Số người tham dự các thánh lễ của tân giáo hoàng tại quảng trường thánh Phê-rô có tăng, phản ánh việc gia tăng sức mạnh mềm. Đại lượng này định lượng được bằng kỹ thuật không ảnh chụp đám đông (không ảnh là ảnh chụp từ máy bay hay vệ tinh). Nhưng sự chuyển biến trong suy nghĩ, tâm tư tình cảm của đám đông đó, phản ánh sự gia tăng các loại sức mạnh mềm nêu ở trên, không thể định lượng được.

Định lượng sức mạnh mềm Phật giáo

Vì cũng là sức mạnh mềm, nên sức mạnh mềm Phật giáo có thể định lượng một cách tương đối, như đã nói ở trên.

Ở Phật giáo Việt Nam, việc định lượng ít được chú trọng. Chẳng hạn như số lượng tín đồ. Vì vậy, khi nghiên cứu về sức mạnh mềm Phật giáo Việt Nam, thiết tưởng nên chú ý nhiều đến những yếu tố định lượng, gồm các con số thống kê trong nghiên cứu khoa học xã hội như thống kê tín đồ, tu sĩ, ấn bản phát hành, xuất bản phẩm, số lượng truy nhập các website Phật giáo, diễn tiến tịnh tài hiến cúng, diễn tiến số người tham dự các lễ hội, hành hương…, các ý kiến về những vấn đề cụ thể…

Đây là những con số định lượng có thể quan tâm từ nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh sức mạnh mềm Phật giáo.

MT

(1)    Trần Quốc Vượng: Tôn giáo và văn hóa, dẫn theo Thích Thanh Thắng “Những thách thức đối với Phật giáo Nam tông trong tiến trình hội nhập văn hóa”, trong “Phật giáo Nguyên thủy – từ truyền thống đến hiện đại” nhà xuất bản Hồng Đức, 2013, trang 574.