Khi tôi đang viết bài này, thì cuộc thăm viếng của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Mỹ vừa bắt đầu.
Một đài phát thanh Mỹ nói tiếng Việt, sau khi bắt đầu bản tin về chuyến thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, sau quốc thiều của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được cử lên hùng tráng, thì ngay đó là chuyện vấn đề Tây Tạng, sự kiện sẽ chiếm một phần quan trọng trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Tại sao cứ lại là vấn đề Tây Tạng, khi chuyện đã xảy ra đã nửa thế kỷ rồi, và còn biết bao nhiêu chuyện khác tương tự, cũng như bao vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết?
Nhìn vào lãnh thổ cao chót vót, nằm giữa lục địa châu Á, cách biệt với thế giới bên ngoài, khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên còn mập mờ…, thì dù Mỹ có mơ tưởng đến quyền lợi gì ở đó, thì cũng không phải nhiều nhặng gì, để họ lao tâm khổ trí bàn tới bàn lui như vậy?
Nhưng không chỉ riêng Mỹ, mà cộng đồng châu Âu, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ…, cũng quan tâm đến chuyện Tây Tạng, cứ đem ra mà đàn hặc Trung Quốc.
Tại sao?
Thời gian, sự khôn ngoan của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự hùng mạnh, vị thế mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên trường quốc tế, không đủ sức làm im chuyện về một vùng đất hẻo lánh thưa dân, dưới sự lãnh đạo của một thầy tu già luôn luôn nói chuyện ôn hòa, mềm mỏng, và cũng sẵn sàng nhẫn nhịn.
Đó chính là do sức mạnh mềm của Phật giáo Tây Tạng, sức mạnh của những nhà sư từ bi, nhẫn nhục, khoan hòa, nhưng không cam chịu.
Đoàn sư tăng lưu vong đó đi khắp nơi trên thế giới, hình thành những đạo tràng Phật giáo mới, chuyên tâm tu học, tinh tiến.
Những điều đó đã làm nên sức mạnh. Tây Tạng trở thành một siêu quốc gia, một quốc gia không còn lãnh thổ, nhưng được biết đến, được kính trọng trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, cũng là nguyên thủ quốc gia của nước Tây Tạng không còn lãnh thổ, trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới, một ông thánh sống, một thần tượng của không biết bao nhiêu người.
Có được điều đó cũng là do sự gắn bó giữa dân tộc Tây Tạng và Phật giáo.
Trên thế giới hiện vẫn còn một số lãnh thổ mưu tìm độc lập, nhưng số phận của họ thường không phải là vấn đề quốc tế quan tâm chia sẻ, ưu tư.
Đức Dalai Lama không đòi độc lập, hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc. Ngài chỉ muốn được tôn trọng văn hóa tín ngưỡng bản địa.
Thực ra, yêu cầu cũng không cao. Phải nói rằng chính phủ Trung Quốc quá khắt khe và lo xa.
Nhưng chính vì vậy nên vấn đề Tây Tạng cứ ghim ở đó như một cây gai đối với Trung Quốc, mà lần này lại “nhức nhối” trong cuộc gặp thượng đỉnh Hồ Cẩm Đào – Obama.
Với sức mạnh mềm, có tinh thần nhân ái, khoan hòa của Phật giáo, người Tây Tạng đoàn kết cả thế giới sau lưng mình.
Đức Dalai Lama không phải là một nhà chính trị, nhưng ngài đã làm chính trị theo đường lối vô vị, như tinh thần của một bài thơ thiền Việt Nam đời Lý:
“Vô vi cư điện các
Xứ xứ dứt đao binh”
Vô vi tức là không dụng tâm tạo tác, không bày mưu tính kế, nhưng nhờ vào đức mà cảm hóa được lòng người, tạo ra sức mạnh mềm, hơn cả đao binh.
Sức mạnh mềm của Tây Tạng chưa đủ để thực hiện những điều mà Đức Dalai Lama mong muốn, nhưng nó vẫn tồn tại và lớn mạnh, chuyển biến. Việc Tổng thống Obama nêu vấn đề Tây Tạng với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong cuộc nghênh đón lần này là một ví dụ.
Có ai so sánh cái sức mạnh mềm của Phật giáo Tây Tạng do Đức Dalai Lama lãnh đạo với sức mạnh của kiểu đánh bom liều chết, khủng bố xả súng, bắt con tin của một số lực lượng có cùng yêu cầu độc lập?