Trang chủ Tin tức Sức mạnh chống ngoại xâm – đỉnh cao thời đại nhà Trần

Sức mạnh chống ngoại xâm – đỉnh cao thời đại nhà Trần

94

Có mặt tại Hội thảo, có hơn 300 đại biểu là giáo phẩm thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tôn giáo, cư sỹ, phật tử đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc và Việt Nam.


Trần Nhân Tông – vị Hoàng đế đặc biệt


Từ 6h sáng, hàng trăm tăng ni và người dân thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, dân tộc từ rất nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước đã có mặt trong khuôn viên khách sạn thương mại Uông Bí, Quảng Ninh, để theo dõi hội thảo qua màn hình lớn do phòng họp của khách sạn không đủ sức chứa.



Hội thảo được mở đầu bằng việc đọc lời chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua lá thư gửi tới hội thảo, Đại tướng khẳng định: Trần Nhân Tông là một vị vua văn võ song toàn, Phật hoàng đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc.




Hội thảo lần này đáp ứng được niềm mong đợi của đại đa số quần chúng tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sự hiện diện của đông đảo mọi người tại hội trường này đã cho thấy sức thu hút to lớn từ tấm gương của Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm của mỗi người. Điều đó càng khẳng định sự nghiệp của Đức Vua mãi mãi là đối tượng khám phá và học hỏi đối với con cháu ngày nay”, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức đại lễ, phát biểu khai mạc.




Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh nhận định: “Trần Nhân Tông là một hoàng đế đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước và mở nước. Song điểm được coi là nổi bật nhất trong sự nghiệp, cuộc đời Trần Nhân Tông là việc sáng lâp ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt”.


Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng thời đại nhà Trần có hai đỉnh cao là tư tưởng Phật giáo và sức mạnh chống giặc ngoại xâm.



 “Trong lễ mừng chiến thắng, Trần Nhân Tông ghi lại hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Giang sơn nghìn thuở vững âu vàng), đó là tinh thần Phật giáo Việt Nam đặt “quốc gia xã tắc lên trên”.


Đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo nhập thế đã thể hiện rất rõ ở vị vua đã đích thân hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông nhưng không màng danh lợi ở triều đình mà lui về chốn thanh cao để sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là giáo phái lớn nhất Việt Nam tồn tại cho đến ngày nay”, tiến sỹ Nguyên khẳng định.



Đến từ Nhật Bản, Giáo sư, Hòa thượng Yoshimizu Daichi nhận định: “Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, độ lượng, người đã khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc Việt Nam thuần túy. Nếu vua Trần Nhân Tông, người Việt Nam, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì ở Nhật Bản Pháp Nhiên, người Nhật Bản đã sáng lập ra tịnh độ tông Nhật Bản. Đây là hai quốc bảo của nhân gian”.




Vì sao vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành?


Ông Nguyễn Trần Trung, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đem đến cho hội thảo một sự ngạc nhiên khi ông thử lý giải vì sao vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành.



Theo ông, nhận định của Hải Lượng Thiền sư ở thế kỷ 13 và nhiều học giả khác về sự kiện Điều ngự Giác hoàng lên Yên Tử tu hành vì sợ người phương Bắc mạnh mẽ, thường thường lên Yên Tử dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm chỉ là võ đoán, vì thực tế lên trên đỉnh Yên Tử không ai có thể nhìn tới tận phương Bắc và phương Đông. Nhận định võ đoán như vậy chẳng khác nào xem Thượng hoàng là người canh giữ biên cương.


Ông cho rằng, ngược lại, Giác hoàng lên Yên Tử tu hành vì 3 lý do chính: Vì Yên Tử là “linh địa”, Yên tử là nơi tu hành đạt đạo của tiền nhân, Yên tử có những điều kiện để giúp người tu hành đạt đạo, không kém gì xứ sở Phật đà già la (NairanJana) của Đức Phật Thích Ca.


Không bàn tới yếu tố tĩnh mịch, linh thiêng hay yếu tố phong thủy của núi này mà xét tới tính khoa học của vấn đề: Những quả núi lâu đời như Yên Tử, Himalaya (Tây Tạng), Phú Sỹ (Nhật Bản)… đều có lực từ trường khá lớn. Những luồng điện này sẽ làm tăng thêm lực cho dòng nhân điện trong thân thể của những người ngồi ở núi đó”, ông Trung khẳng định.



Hôm nay, 27/11 Đại lễ Tưởng niệm sẽ tiếp tục diễn ra với các hoạt động văn hóa chính: Rước lễ vật tiến cúng Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, trình diễn văn nghệ, dâng hương và đốt nến cầu nguyện hòa bình.