Trang chủ Đời sống Sức khỏe và hạnh phúc

Sức khỏe và hạnh phúc

88

Hạnh phúc là một khái niệm khá mơ hồ. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: hạnh phúc là vận may, phúc tốt, mọi sự được như ý; và chua thêm tiếng Pháp là “bonheur”. “Bonheur” trong tiếng Pháp tương đương với từ “happiness” trong các từ điển Anh, Mỹ. Tự điển Larousse (Le PetitLarousse illustré) giải thích “bonheur” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là trạng thái hoàn toàn hài lòng, hoàn toàn đầy đủ (État de complète satisfaction, de plénitude); nghĩa thứ hai là sự ngẫu nhiên may mắn, vận hội may mắn; niềm vui, sự hài lòng (Heurex hasard, chance; joie, plaisir). Còn “happiness”, theo chú thích trong Tự điển The American College Dictionary của Random House, thì đó là một trạng thái tinh thần “xảy ra khi có được hay đạt được một điều gì đó mà người ta xem là tốt đẹp” (…result from the possession or attainment of what one considers good).


 


Như vậy, hạnh phúc có thể hiểu là một trạng thái tinh thần biểu thị sự hài lòng trọn vẹn về cuộc sống của một con người nhờ những điều tốt và sự may mắn đem lại để có được hay đạt được những điều gì mà con người cho là tốt đẹp.


 


Trong thực tế cuộc sống, con người luôn luôn tìm mọi cách để có được hay đạt được những gì mà họ xem là điều kiện thiết yếu của hạnh phúc. Và trong một thế giới bị vật chất hoá đến cực độ như hiện nay, các điều kiện thiết yếu của hạnh phúc thường được nhận diện là việc tích tụ được nhiều của cải, được nhiều người biết đến và có thể chế ngự được người khác. Nói khác đi, đó là việc đạt được danh lợi và quyền thế. Thế nhưng danh lợi và quyền thế cũng chỉ có giới hạn mà nhu cầu của con người và số lượng những con người tham gia vào việc tranh giành danh lợi và quyền thế thì vô hạn. Vì vậy, cuộc sống hiện ra dưới những sắc thái tranh đoạt quyết liệt giữa người với người.


 


Nền khoa học hiện đại ra đời đã giúp con người chế tạo ra những phương tiện cơ khí để giải phóng sức lao động, làm tăng năng lực sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, con người liền nghĩ rằng khoa học sẽ mang lại hạnh phúc cho loài người. Tuy nhiên, ngay khi những nhu cầu này được thoả mãn, con người lại phát hiện ra mình còn có những nhu cầu khác. Không những thế, việc phân phối của cải không đồng đều giữa người yếu với kẻ mạnh tiếp tục mang lại những cuộc chiến tranh đẫm máu. Và vì vậy, đã có lúc con người cảm thấy thất vọng vì khoa học.


 


Giữa thế kỷ hai mươi, vì ê chề với hai cuộc thế chiến và hàng loạt những cuộc chiến tranh cục bộ, những cái đầu tỉnh táo của loài người đã tìm cách liên kết với nhau tìm ra biện pháp thăng tiến chất lượng cuộc sống. Những nghiên cứu vì mục đích hạnh phúc nhân loại đã dẫn các nhà khoa học đến với một học thuyết từ lâu đời bị che phủ bởi những lớp bụi mê tín, đó là phương pháp Thiền. Những biện pháp thanh lọc tâm để đạt tới sự tỉnh thức mà cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm đã được Đức Phật giảng dạy, ngày nay đang được các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tâm thần học nghiên cứu rốt ráo bằng những phương pháp khoa học và những phương tiện hiện đại.


 


Phải nói rằng, trong việc lôi kéo các nhà khoa học đến với Thiền, có sự đóng góp vô cùng lớn lao của những bậc thầy vẫn hàng ngàn đời tắm tưới trong dòng sống tâm linh Phật giáo. Khoa học và Phật giáo đang có những nỗ lực hợp tác với hy vọng cống hiến cho xã hội loài người một biện pháp thực tiễn để đạt được hạnh phúc.


 


Một nhà nghiên cứu về tâm thần học tại Viện Đại học Harvard là bác sĩ Daniel Gillbert đã viện dẫn những nghiên cứu của chính mình cùng các nghiên cứu của nhiều người khác để đưa ra một số kết luận mà con người cần phải nhận thức rõ trên đường mưu cầu hạnh phúc. Những kết luận ấy đã được ghi rõ trong tác phẩm Stumbling on Happiness (tạm dịch là Loạng choạng trên Hạnh phúc), bao gồm tám điểm chính yếu:


 


1. Con người có thói quen phóng đại những cảm xúc vui buồn được mang lại bởi những biến cố xảy ra có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của mình. Họ quên rằng ngay cả những biến cố lớn lao nhất cũng nhạt dần theo thời gian.


 


2. Trừ những người thiếu quân bình về tâm thần, hầu hết mọi người đều có sẵn cho mình một điểm đến cố định về những cảm xúc vui buồn, hay nói khác đi, mỗi người đều có sẵn một cực độ cảm xúc về niềm vui hay nỗi buồn. Đạt tới cực độ cảm xúc đó, niềm vui hay nỗi buồn dần dần tan loãng. Bấy giờ, người ta lại trở về với trạng thái tinh thần quân bình.


 


3. Khi gặp cảnh khổ đau hay bất như ý, người ta luôn tìm cách lập luận nhằm hợp lý hoá tình trạng không như ý ấy để làm dịu niềm đau, nỗi buồn của mình.


 


4. Con người luôn tưởng tượng rằng khi có được cái này hay cái kia thì mình sẽ đạt tới hạnh phúc. Điều này hoàn toàn sai. Thực tế cho thấy, ngay khi đã có được thứ mà mình khao khát như mua hay xây được ngôi nhà mới, mua được một chiếc xe mới, được tăng lương, được thăng chức, trúng số, hay được sống với người mình yêu, thì niềm vui sướng của con người lập tức đạt tới cực độ cảm xúc và bắt đầu nhạt dần.


 


5. Sau khi đạt tới điều mong ước mà vẫn không có được hạnh phúc, con người lại tiếp tục nghĩ tưởng sai lầm rằng hạnh phúc của họ nằm ở việc đạt được những khao khát khác chứ không phải ở những khao khát vừa được thoả mãn. Thực ra, họ chỉ tiếp tục lao theo vết xe đổ.


 


6. Những mối bất hạnh mà con người gặp phải như tai nạn, bệnh tật, mất mát…có thể trở thành một cơ hội tạo ra niềm hạnh phúc. Chẳng hạn, chúng ta vẫn có thể bắt gặp một người không may bị bại liệt phải ngồi trên xe lăn nhưng người ấy vẫn cảm thấy vui vẻ.


 


7. Trong số những người hoạt động sản xuất hăng hái hay sống một cuộc sống đầy sáng tạo như các nhà tư bản, nghệ sĩ…rất nhiều người không bằng lòng với hiện tại. Họ không bao giờ hài lòng với những gì họ đang có, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền thế…và họ luôn luôn cố gắng hoạt động để thay đổi hiện tại hay làm cho tương lai tốt đẹp hơn. Những người này thực sự rất ít có hạnh phúc.


 


8. So với sự tưởng tượng của con người, thực ra hạnh phúc rất ít ỏi và thường không kéo dài như họ vẫn nghĩ. Và con người cũng cần phải nhận thức rằng, ngay cả sự bất hạnh cũng không có tính cách trường cửu.


 


Người ta cho rằng những kết luận mà bác sĩ Daniel Gillert rút ra từ những nghiên cứu và những viện dẫn nghiên cứu của ông rất gần với quan niệm của Phật giáo về hạnh phúc. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trong những kết luận nêu trên nằm ở điểm cuối cùng ở trên (điểm thứ tám), cho rằng ngay cả sự bất hạnh cũng không có tính cách trường cửu. Tuy nhiên, chỉ dựa vào những kinh nghiệm sống thật của con người, bác sĩ Daniel cho rằng hạnh phúc thật ít ỏi và thường không kéo dài, trong khi đạo Phật dạy con người những biện pháp kéo dài hạnh phúc.


 


Thật vậy, kinh Trung Bộ ghi lại lời Đức Phật Thích Ca có nói: “Này các Tỷ Khiêu, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự dứt khổ”. Ở đây, Đức Phật không nói đến hạnh phúc mà chỉ khẳng định rằng con người hoàn toàn có khả năng chấm dứt sự khổ đau của họ. Mà chấm dứt khổ đau là gì nếu không phải là hạnh phúc.


 


Những kết luận của bác sĩ Daniel tuy không mới, nhưng nó quan trọng ở chỗ đó là sự đúc kết từ những nghiên cứu khoa học, và những nghiên cứu này nằm trong hàng loạt những nghiên cứu về ảnh hưởng của các phương pháp thanh lọc tâm trí (meditation) đối với việc nâng cao năng lực tinh thần của con người, trong việc ứng dụng để chữa trị các bệnh về tâm thần, gợi ý những cách sống có thể mang lại hạnh phúc cho con người.


 


Như đã trình bày ở trên, hạnh phúc đòi hỏi sự hài lòng trọn vẹn về cuộc sống, mà trước hết, con người phải có sức khoẻ. Có lẽ vì thế mà những cuộc nghiên cứu gần đây của khoa học về hạnh phúc loài người đều được thực hiện bởi những khoa học chuyên về các lĩnh vực sức khoẻ.


 


Với những kinh nghiệm về Thiện, nhiều chuyên gia tâm thần học đã đưa ra những biện pháp thực hành giúp con người cải thiện khả năng chống chọi với tình trạng căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những chương trình được nhiều người biết đến trên khắp thế giới là MBSR (Mindfulness based stress reduction, Giảm căng thẳng tỉnh thức) do Tiến sĩ Sinh học Jon Kabat-Zinn thuộc Trường Đại học Y khoa Unass Viện Đại học Massachusetts thành lập từ hơn 25 năm qua. Nội dung chính trong việc tập luyện để giảm căng thẳng bao gồm các buổi ngồi thiền mà kỹ thuật áp dụng không khác gì việc quán niệm hơi thở đã từng được Đức Phật chỉ dạy từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước.


 


Kể từ khi con người bước vào thời kỳ khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu đua nhau nhìn ra bên ngoài tìm cách khống chế thế giới tự nhiên để phục vụ cho hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, nếu những phát minh mới có đem lại tiện nghi cho cuộc sống, chúng cũng kích thích con người tham muốn ấy đã mang con người đến những cuộc chiến tranh kéo dài.


 


Ngày nay, các nhà khoa học như Mathieu Ricard đã tìm cách nhìn vào bên trong, và họ đã nhận biết rằng hạnh phúc không chỉ nằm ở chỗ có được hay đạt được những gì mà người ta cho là có giá trị, mà ở chỗ biết cách hài lòng trọn vẹn với cuộc sống của mình, biết dừng lại với tâm luôn tỉnh thức. Và hơn hết, họ đã dùng những phương tiện hiện đại nhất của y khoa để chứng minh được thế nào là hạnh phúc.


 


Chúng ta có quyền tin rằng con người của thế kỷ XXI sẽ được hưởng những thành quả từ những nghiên cứu hết sức tỉnh thức ấy.