Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Sức hấp dẫn của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam

Sức hấp dẫn của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam

519
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông. Ảnh: phatgiao.org.vn

Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, về sau là Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, và ngày nay là Hệ phái Khất sĩ (năm 1981) là một trong chín tổ chức thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có nhiều đóng góp vào sự thống nhất và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, Hệ phái Khất sĩ luôn thể hiện tinh thần gắn bó với quê hương Việt Nam, tích cực hội nhập và phát triển.

Đạo Phật Khất sĩ là một sáng tạo độc đáo của Việt Nam, xuất phát từ Việt Nam và chỉ riêng ở Việt Nam mới có. Đây là một hệ phái Phật giáo biệt truyền do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, mở Đạo vào giữa năm 1944 ở Nam Bộ với tôn chỉ “Y bát chơn truyền; Nối truyền Thích Ca chánh pháp”.

Nếu so với nhiều tông phái, hệ phái khác của Phật giáo thì Hệ phái Khất sĩ tính đến nay chỉ mới tồn tại vừa đúng 77 năm (1944 – 2021). Quãng thời gian này ngắn so với trường kỳ lịch sử Phật giáo nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, nhưng Đạo Phật Khất sĩ lại có một sức sống, sức lan toả ảnh hưởng và sự phát triển có thể nói là nhanh chóng. Lúc mới thành lập, hệ phái này chỉ truyền thừa ở miền Tây Nam Bộ, bấy giờ giáo đoàn du tăng chỉ có khoảng vài mươi người, thì không lâu sau, Đạo Phật Khất sĩ đã lớn mạnh, nhiều đoàn du tăng được thành lập, đã mang y bát chân truyền và đem giáo lý từ bi của đức Từ Phụ đi phổ độ, hoằng hoá ở Sài Gòn – Gia Định và khắp các tỉnh thuộc Tây và Đông Nam Bộ. Từ sau năm 1954 đến trước năm 1975, Đạo Phật Khất sĩ đã được truyền bá rộng rãi đến các tỉnh ở khu vực Trung Bộ (từ Huế, Quảng Trị trở vào), rồi đến hôm nay, hệ phái Phật giáo này đã hiện diện trên khắp đất nước Việt Nam.

Điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn để Hệ phái Phật giáo này phát triển nhanh chóng đến thế? Cái làm nên sức hấp dẫn cùng niềm kính tin tâm linh đối với thế nhân, giúp cho Đạo Phật Khất sĩ phát triển lớn mạnh là nhờ đức Tổ sư khai sáng và các hàng đệ tử kế tục đã biết vận dụng giáo lý Khế cơ, Khế thời, Khế xứ, Khế lý của Đức Thế tôn một cách uyển chuyển vào thực tế đời sống xã hội ở Việt Nam và ở một số nước khác, với sự dung hợp đặc trưng của hai truyền thống Phật giáo đã tồn tại và phát triển lâu đời là Phật giáo Nguyên thuỷ và Phật giáo Đại thừa (Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền).

Từ thực tiễn hoạt động hoằng dương chánh pháp của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, có thể rút ra một số đặc điểm sự hấp dẫn của hệ phái Phật giáo này như sau:

Hình ảnh của đoàn du tăng khất thực hoá duyên, sống đời phạm hạnh

Đây là yếu tố đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn của Hệ phái. Về vật dụng tuỳ thân, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chọn hình thức tam y nhất bát. Hình thức pháp phục và bình bát của đoàn du tăng Khất sĩ Việt Nam giống như hình ảnh tăng đoàn đi khất thực hoá duyên thời Đức Phật còn tại thế. Chính Tổ sư đã tự mình phát nguyện thọ giới Tỳ kheo, giữ gìn và thực hành 250 giới cấm theo quy định về giới luật của Phật giáo Bắc truyền theo bộ luật Đàm Vô Đức và lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang mà không phải do một vị thầy Nam truyền hay Bắc truyền nào đặt pháp hiệu, dù trước đó, lúc còn trai trẻ, Ngài đã từng xuất gia tu học tại Campuchia.

Hình ảnh các vị Khất Sĩ ôm bình bát đi khất thực với dáng hạnh trang nghiêm, nhiếp tâm, nguyện cầu và hoá độ chúng sinh vào mỗi buổi sáng và mỗi ngày chỉ ăn một bữa, tức thọ thực vào giờ ngọ là một đặc trưng của Phật giáo Nguyên thuỷ như lúc Đức Thế tôn còn tại thế Ngài đã quy định trong giới luật mà các vị khất sĩ trong tăng đoàn phải thực hiện. Quy định này hiện nay Phật giáo Nam truyền/Nam tông (Theravàda) vẫn thực hành. Nhưng khác với Phật giáo Nam truyền ở chỗ là nếu Phật giáo Nguyên thuỷ khi xưa và Phật giáo Nam truyền hôm nay, tín đồ Phật tử dâng cúng thức ăn gì thì độ thức ăn đó, không phân biệt chay mặn, trong khi đó giới luật của Hệ phái Khất sĩ quy định tu sĩ phải ăn chay. Đây là cách tiếp thu giới luật của Phật giáo Bắc truyền.

Về nguồn gốc, thuật ngữ Bhikkhu (Pali) hay Bhiksu (Sançrit) được phiên âm là Tỳ Kheo, Tỷ kheo, Tỳ khưu, Tỳ khâu, Tỷ khâu… là khái niệm của Bà la môn giáo, dùng để chỉ cho giai đoạn thứ tư tức “du hành kỳ” trong cuộc đời của tu sĩ Bà-la-môn1, trong đó người chủ gia đình rời bỏ đời sống gia đình, sống bằng hạnh khất thực và tìm cầu chân lí giải thoát. Trong Phật giáo, thuật ngữ này dùng để chỉ tăng sĩ Phật giáo, người từ bỏ cuộc sống thế tục, thụ lĩnh giới luật.

Đúng ra thuật ngữ Bhikkhu hay Bhiksu nên định danh là Khất sĩ. Gọi là Khất sĩ bởi vì theo quan niệm của Đức Thế tôn, với người xuất gia trên thì khất pháp (xin pháp) từ Đức Phật để tu thân dưỡng trí, dưới thì đến chỗ nhân gian thế tục để khất thực (xin ăn) nuôi thân. Cũng cần lưu ý là người hành khất (người ăn xin, ăn mày) ở thế gian chỉ xin cơm áo nuôi sống bản thân, không xin pháp và không hoá độ ai cả nên không được gọi là Tỳ kheo (Khất sĩ).

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, tăng ni đạo Phật đều sống bằng khất thực hằng ngày. Mục đích của việc khất thực là tạo ra mối liên hệ thân thiết giữa tu sĩ và dân chúng, tạo cơ hội cho tu sĩ hướng dẫn dân chúng Phật tử về mặt đạo đức và tâm linh, còn dân chúng thì có cơ hội cúng dường tu sĩ, tạo được phước đức cho bản thân mình, hay kết duyên lành với việc tu hành. Người xuất gia khi đã thọ Cụ túc giới (250 giới đối với nam, 348 giới đối với nữ) thì phải nương theo Tứ y pháp, trong đó có Y theo pháp, nghĩa là Tỳ kheo (Khất sĩ) phải bỏ nhà cửa gia sản, đi du hóa trong nhân gian, xin ăn nuôi thân, tùy nơi mà giáo hóa, độ kẻ có duyên phúc và độ người chưa tin, giúp họ có niềm tin Phật Thánh và nhân quả. Đó là xin ăn để nuôi thân xác và có dịp để độ người. Còn xin pháp để nuôi huệ mạng, nghĩa là cầu xin pháp Phật, nối liền cái trí tuệ công đức thành tựu của Phật với tâm của mình. Ấy là độ mình. Đủ hai điều kiện này mới được gọi là Tỳ kheo (Khất sĩ).

Tôn chỉ và chí nguyện của Hệ phái

Tôn chỉ và chí nguyện của Hệ phái do đức Tổ sư khai sáng đã nêu ra, theo thiển ý, đây là yếu tố quan trọng thứ hai để tạo nên sức hấp dẫn lớn của Đạo Phật Khất sĩ. Tôn chỉ và chí nguyện này cũng chính là giáo lý căn bản của Hệ phái Đạo Phật Khất sĩ, mà tư tưởng giáo lý này thể hiện trong các bài giảng pháp của đức Tổ sư, sau này có ghi lại đầy đủ trong bộ Chơn lý.

Khi mới mở đạo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã nêu lên tôn chỉ và chí nguyện “Y bát chơn truyền; Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Tư tưởng này có được là nhờ Tổ sư Minh Đăng Quang sau nhiều năm tu học tại Campuchia và tự nghiên cứu Tam tạng kinh điển của hai hệ phái Nam truyền và Bắc truyền tại Việt Nam, cùng sau này nhờ Thiền quán mà Ngài đã đắc pháp, từ đó Ngài đã chắt lọc các tư tưởng chính yếu trong giáo pháp của hai truyền thống Phật giáo này để nêu lên phương pháp hành trì tu tập của hệ phái. Tôn chỉ và chí nguyện này đã góp phần làm sống lại những hình ảnh đoàn du tăng khất thực và tư tưởng giải thoát của đạo Phật Nguyên thuỷ từ thời đức Phật còn tại thế, sống đời phạm hạnh, cầu giải thoát.

Bộ Chơn lý là sự tập hợp những bài thuyết giảng của Ngài đã giảng dạy cho hàng đệ tử với 69 bài giảng chứa đựng nội dung về kinh, luật và luận. Những bài giảng này vừa tóm gọn được tinh hoa của tư tưởng triết lý đạo Phật, rút ra cách nhìn nhận của Ngài về vũ trụ quan, công lý vũ trụ, nhân sinh quan, lại vừa chứa đựng những giáo pháp cao siêu, huyền diệu của Đức Phật. Từ đó, Ngài đề ra những phương pháp tu tập, như: du hoá, khất thực, thiền định, trên cơ sở giáo lý Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Tam vô lậu học, Bát chánh đạo… Những bài thuyết giảng của Ngài được giảng bằng một ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, rõ ràng, cụ thể, không dùng ẩn ngữ, với phương pháp diễn giải trực tiếp và lập luận rõ ràng vững chắc theo kiểu Tam đoạn luận, phù hợp với tâm lý và tính cách mộc mạc, giản dị của người dân Nam Bộ nói riêng, của người Việt Nam nói chung.

Trong những bài pháp của Tổ sư, Ngài đã kế thừa những tư tưởng phá mê khai ngộ, đoạn trừ tà kiến, phủ nhận uy quyền, thế lực của đấng Phạm Thiên, Đế Thích hay bất kỳ vai trò của thần thánh nào, như lời Đức Phật đã dạy. Tư tưởng đó đề cao vai trò của mỗi cá nhân con người. Tất cả mỗi người phải tự mình nỗ lực tu tập, “tự mình thắp đuốc mà đi”, tức mỗi người là ngọn đèn của chính mình, tự mình quyết định sự sống của mình bằng con đường Chánh đạo như lời Đức Phật đã dạy.

Chính sự giản dị, mộc mạc trong cách giảng thuyết cho đệ tử, cho tín đồ Phật tử ai nghe cũng hiểu được Phật pháp và thanh tịnh trong phương pháp tu hành, trong sở đắc, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ lúc khai lập Hệ phái (năm 1944) đến lúc Ngài vắng bóng (năm 1954), tức chỉ trong 10 năm, vậy mà Ngài đã để lại cho môn đồ kho tàng tri thức tâm linh cao vời, tạo được gốc rễ truyền đạo vững vàng mà bao thế hệ truyền thừa sau này phải thầm cảm phục, tri ân, tưởng nhớ. Đây là một đặc điểm nổi bật nhất và đáng tôn vinh nhất và cũng là niềm tự hào của cả Hệ phái. Đây cũng chính là cơ sở để sau khi Ngài vắng bóng, các hàng đệ tử kế tục nối truyền.

Về phương pháp tu tập

Đạo Phật Khất sĩ nêu ra một số chủ trương về phương pháp tu tập như: Hành trì tu tập Giới – Định – Tuệ theo Bát chánh đạo; Dung hợp hai pháp môn tu tập Thiền tông và Tịnh độ tông; Thực hành Tứ y pháp; Áp dụng tinh thần Lục hoà của Phật giáo Nguyên thuỷ trong đời sống tăng đoàn. Ngài chủ trương: Sống chung, học chung, tu chung, Ngài đã dạy: “Nên tập sống chung tu học: Cái sống là phải sống chung, Cái biết là phải học chung, Cái linh là phải tu chung” (Chơn lý); Chủ trương Tự tứ cả giáo đoàn, tức sau ba tháng an cư kiết hạ, đến ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, tất cả thành viên của giáo đoàn tập trung Tự tứ tại một Tịnh xá nào đó được cả giáo đoàn thống nhất lựa chọn và chỉ định. Điểm đặc biệt là Đạo Phật Khất sĩ lấy Giới – Định – Tuệ làm trung tâm để tu tập thiền định và đã dung hoà tinh hoa tư tưởng giáo lý của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền.

Tên gọi nơi trú xứ

Nơi trú xứ của hệ phái được gọi là Tịnh xá, chứ không gọi là Chùa, Tự viện, Thiền viện… như Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền đã gọi. Cách định danh này là gọi theo Phật giáo Nguyên thuỷ từ thời Đức Phật còn tại thế. Và hồi bấy giờ, các vị Khất sĩ không ở một nơi nào cố định trong một thời gian dài vài ba tháng. Tiếp thu cách tổ chức này của Phật giáo Nguyên thuỷ, Ngài Tổ sư Minh Đăng Quang đã quy định trong giới luật của Hệ phái là các tu sĩ xuất gia không được ở một nơi trú xứ nào đó quá ba tháng. Trước năm 1975, các giáo đoàn của Hệ phái tuân thủ quy định này một cách nghiêm cẩn, nhưng sau năm 1975 đến nay thì không còn quy định này nữa, bởi phải chấp hành sự quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là một cách ứng xử linh hoạt mềm dẻo theo tinh thần khế thời, khế xứ, khế cơ mà Đức Thế tôn từng giảng dạy.

Kiến trúc Chánh điện và Bảo Tháp nơi

Tịnh xá

Đây là nét kiến trúc rất đặc trưng của Hệ phái. Hồi mới mở đạo, Tổ sư khai sáng đã cho thiết kế xây dựng Chánh điện của Tịnh xá theo hình bát giác để biểu trưng cho Bát chánh đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mệnh, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định). Nóc dưới của Chánh điện có 8 mái, nóc trên có 4 mái, đặt búp sen, trên cùng là hình tượng ngọn đuốc, đặt trên búp sen, để biểu trưng cho ngọn đèn trí tuệ soi sáng chân lý.

Cách thiết kế nơi không gian thiêng liêng đã cho thấy nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ có khác với Chánh điện của Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Bắc truyền. Tất cả các Tịnh xá của Hệ phái tại Chánh điện chỉ tôn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nơi trung tâm điện thờ. Đây là điểm giống với Phật giáo Nam truyền, bởi Phật giáo Nam truyền (Nguyên thuỷ) cũng chỉ thờ phụng Phật Thích Ca nơi chánh điện. Ở một nơi không gian thiêng liêng khác, Đạo Phật Khất sĩ còn thờ Bồ tát Quán Thế Âm, Phật Di Lặc. Điểm này Đạo Phật Khất sĩ có khác với Phật giáo Nam truyền và có nét giống với Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa), dù nơi Chánh điện của Phật giáo Bắc truyền thờ nhiều hơn, bởi các chùa của Phật giáo Bắc truyền bên cạnh thờ Tam thế chư Phật, cỏn thờ nhiều vị Bồ tát khác như Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng…

Về biểu tượng hoa sen và Ngọn đèn chân lý. Hình ảnh hoa sen rất quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam. Từ phẩm chất của hoa sen, sống “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (Ca dao Việt Nam), đức Tổ sư đã rút ra bài học để giảng dạy cho hàng đệ tử: “Đời sống của hoa sen, lá sen, quả sen thật là từ bi và trí huệ, sống trong khoảng không trung bao quát mà không thiếu phần lợi ích cho cả chúng sanh phía dưới. Thế sao chúng ta lại chẳng noi gương theo, tuy cái sống không mùi vị mà được lắm sự thanh cao, ý nghĩa quý báu”2. Hình ảnh Ngọn đèn chân lý còn được gọi là “Đuốc tuệ” hay “Đuốc trí tuệ” là biểu tượng cho “Bó đuốc soi sáng chân lý”. Chân lý là lẽ sự thật của hiện tượng tự nhiên hay thực tại. Theo nhà Phật, có ba chân lý mà người tu theo Phật thường khắc ghi trong tâm trí của mình, nhà Phật gọi đó là “Tam pháp ấn”: Chư hành vô thường, Chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh. Người học Phật nếu thông tỏ được các pháp hữu vi đều vô thường, tức không thường trụ tồn tại vĩnh hằng, tất cả đều phải theo quy luật: thành trụ hoại diệt, sinh lão bệnh tử; hiểu rõ các sự vật đều chẳng có tự ngã, tất cả do nhân duyên mà sinh ra và cũng do nhân duyên mà tự diệt; thì từ đó mới đạt được cảnh giới tâm tự tại, trống rỗng, lặng lẽ, hư tịch, an tịnh, sống an nhiên tự tại trong cõi trần thế. Đó chính là Niết bàn, là “Phật tại tâm”, là “Bụt làm lòng”. Theo Tổ Sư khai sáng Hệ phái thì tất cả mỗi người phải tự là ngọn đèn của chính mình, tự mình tìm đến chân lý, và sau khi giác ngộ đủ đầy thì mới giáo hoá cho người khác: “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn” như lời Đức Phật đã từng dạy.


Nguyễn Công Lý

PGS, TS, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Theo Bà-la-môn giáo, cuộc đời của con người (nam giới) phải trải qua bốn thời kỳ: 1. Phạm trí kỳ: Từ nhỏ ở với gia đình, khi lớn lên, khoảng 10 tuổi đến khi trưởng thành tìm thầy học đạo, chủ yếu là học kinh văn Veda và Upanishad; 2. Gia cư kỳ: Khi học kinh điển; thông suốt, lúc này đã trưởng thành thì về nhà lập gia đình, làm nhiệm vụ gia trưởng, chăm lo cúng tế (thầy tư tế), sinh con đẻ cái; 3. Lâm cư kỳ: Làm xong nghĩa vụ gia đình, gia tộc, lúc này con cái đã lớn, thì vào rừng tu tập khổ hạnh theo phạm chí; 4. Du hành kỳ: Lúc này hành giả đã già, du hoá khất thực, tìm cầu chân lý với phong thái tự tại, thong dong.

2. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, bài Trên mặt nước, Nxb. Tôn giáo, 2009, trang 491.