Trang chủ Diễn đàn Sửa đổi, thêm bớt kinh Phật: Không dịch kinh mà phóng tác...

Sửa đổi, thêm bớt kinh Phật: Không dịch kinh mà phóng tác kinh

157

Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết “Bàn về “Việc đổi tựa kinh và biên tập trong bản dịch”. Nhân đọc bài “Kinh Phật cho người tại gia thiếu tôn trọng đức Phật của tác giả Minh Thạnh” của tác giả Định Tuệ, đăng trên trang “Đạo Phật Ngày nay” do chính thượng tọa Thích Nhật Từ biên tập, chúng tôi thầy cần phải nêu ra vấn đề liệu đây còn là bản dịch.

Đăng trên trang web do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ biên, bài viết của tác giả Định Tuệ đương nhiên đã thông qua thượng tọa Thích Nhật Từ. Trong đó trình bày cụ thể việc có sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn phân đoạn, lắp ráp tạo kinh mới.

Dịch một tác phẩm, nếu người dịch trung thành tuyệt đối với nguyên tác, giữ được “tín” là 3 tiêu chuẩn hàng đầu trong dịch thuật (tín, đạt, nhã), thì đó là một bản dịch có chất lượng.

Còn nếu người dịch đã can thiệp sâu vào bản dịch, có sự sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn đoạn văn, lắp ráp tạo thành những đơn vị tác phẩm mới, như trường hợp đã làm đối với tác phẩm “Kinh Phật cho người tại gia”, thì tác phẩm không còn là tác phẩm dịch mà đã là tác phẩm phóng tác.

Tác phẩm phóng tác nguyên khởi vẫn là tác phẩm dịch, nhưng người dịch không tôn trọng sự toàn vẹn nguyên bản khi dịch, không đưa yêu cầu “tín” lên hàng đầu, không giữ tiêu chuẩn chính xác khi dịch. Thay vào đó, người dịch theo suy nghĩ riêng, chủ quan, sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn tổ chức văn bản tạo tác phẩm mới, đặt tựa đề mới, như đã làm đối với “Kinh Phật cho người tại gia”.

Với cách làm được xác nhận như vậy, mặc nhiên, “Kinh Phật cho người tại gia” đã là một tác phẩm phóng tác. Đối với tác phẩm phóng tác, không có người dịch, mà chỉ có tác giả hay người biên soạn (có lẽ Thượng tọa Thích Nhật Từ đã hướng tới ý này khi dùng cụm từ “soạn dịch”), vừa soạn vừa dịch, soạn song song với dịch, soạn được kể đến trước và có lẽ được coi là quan trọng hơn dịch. Khi đã sửa, đổi, thêm, bớt, thay tên, xáo trộn văn bản, lắp ráp thành tác phẩm mới, thì đã phát sinh quyền và nghĩa vụ tác giả, không còn là dịch giả.

Nếu tác phẩm “Kinh Phật cho người tại gia” được chính tác giả xác định lại là tác phẩm phóng tác, thì đương nhiên chúng tôi không thể bình luận đó như là một tác phẩm dịch, việc đã làm trước đây.

Xác nhận đã làm việc sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn phân đoạn lắp ráp thành tác phẩm mới thì đã đương nhiên xác nhận vai trò tác giả của mình, vì người dịch không được phép làm việc này mà chỉ giới hạn trong việc chuyển ngữ, và không tự nhận mình có “soạn”.

Tác phẩm phóng tác vẫn có thể là những tác phẩm có giá trị cao, trong đó vai trò của tác giả là người sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn phân đoạn, lắp ráp thành tác phẩm mới được xác định rõ ràng.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, các tác phẩm phóng tác tiểu thuyết Pháp của nhà văn Hồ Biểu Chánh là một ví dụ. Việc phóng tác đã tạo cho ông chỗ đứng vững vàng và trang trọng trong văn học sử nước nhà. Ông cũng làm đúng cái việc sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn phân đoạn tạo tác phẩm mới.

Hiện nay, do những quy định chặt chẽ, có phần gây nhiêu khê và phiền phức, về tác quyền trong tác phẩm văn học nghệ thuật, nên đã xuất hiện nhiều tác phẩm phóng tác. Tuy vậy, người ta dùng từ phóng tác, càng không có từ “dịch” mà chỉ ghi tác giả là người soạn, hay biên soạn. Có sách ghi rõ soạn theo tác phẩm… (là nguyên bản tiếng nước ngoài), nhưng cũng có sách không ghi hay chỉ liệt kê như sách tham khảo chính.

Trong trường hợp này, người dịch cũng sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn đoạn văn, lắp ghép thành tác phẩm mới, để không thể nhận dạng là một bản dịch. Trong số những sách loại này, vẫn có những sách có giá trị, cho thấy đóng góp của người soạn, hay biên soạn.

Người theo đạo Phật vốn trọng sự trung thực. Đúng là có sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa đề, xáo trộn phân đoạn, lắp ghép thành tác phẩm mới đối với bản dịch thì nên xác định rõ đó là tác phẩm phóng tác hay biên soạn, người đã làm việc đó là tác giả hay người biên soạn, người soạn không nên giữ yếu tố “dịch” làm gì, vì thực ra nào còn phải đâu là tác phẩm dịch?

Thượng tọa Thích Nhật Từ, tác giả chứ không phải người soạn dịch, đã đi gần hết trên con đường xác định “Kinh Phật cho người tại gia” là sách phóng tác, sách biên soạn, qua quan điểm và chi tiết việc làm mà tác giả Định Tuệ ghi nhận, miêu tả. Bây giờ chỉ còn là việc chính thức xác nhận, chính thức thay đổi sự thể hiện, chính thức thay đổi trên bìa sách.

Tinh thần học thuật, thái độ học thuật chính là ở chỗ này. Xin kính đề đạt đến thượng tọa lời đề nghị.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.