Trang chủ Bài nổi bật Sự việc chùa Ba Vàng, không nên bị cuốn theo truyền thông...

Sự việc chùa Ba Vàng, không nên bị cuốn theo truyền thông (*)

1612

Vừa đọc bài phỏng vấn Thượng toạ Thích Thanh Quyết trên Vietnamnet về vụ việc chùa Ba Vàng, ngoài những chuyện rườm ra không đáng có, thì ít nhiều tính “chuyên nghiệp” trong một vụ khủng hoảng truyền thông đã xuất hiện: chưa có kết luận chính thức không thể tuỳ tiện trả lời…

Nên áp dụng nguyên tắc luận sự bất luận nhân khi chưa có sự “nhận tội” của đương sự. Ở ngoài đời, ngay cả khi một vụ án được khởi tố, khi chưa có tuyên án của toà, với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, đương sự vẫn chưa phải phạm nhân. Mọi công kích, chửi bới cá nhân đương sự đều vi phạm quyền công dân.

Ở trong đạo, khi một vị tăng bị nghi phạm tội, chư tăng yết ma, bao giờ cũng phải có mặt đương sự, nếu trên tinh thần là một tỳ kheo, người xuất sĩ, lấy tự giác làm bản hoài, lấy hổ thẹn làm liêm sỉ, thì đương sự sẽ tự nguyện nhận tội và tuỳ vào tội phạm phải mà cho phép sám hối hay không. Nếu đương sự không nhận tội, không thể ép tội, bằng chứng xử lý ra sao tuỳ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ của tăng đoàn.

Ở trên thế giới, có không ít vụ việc truyền thông bị kiện ngược, nếu kết quả của các thông tin đưa ra không chính xác, thiếu khách quan và công bằng.

Vì thế khi Giáo hội tiếp nhận mọi thông tin đến từ các cơ quan truyền thông, báo chí (kể cả là Đài Truyền hình Quốc gia) thì cũng phải thận trọng xét đoán, yêu cầu báo cáo từ địa phương và mọi báo cáo kết luận từ địa phương phải có ý kiến giải trình, thậm chí bảo vệ của đương sự.

Khi đương sự đưa ra các lập luận không thuyết phục mà giáo hội địa phương không thể có đầy đủ kiến thức trí tuệ để xử lý thì xin ý kiến cấp cao hơn. Cụ thể đương sự là Uỷ viên dự khuyết Hội đồng Trị sự thì HĐTS họp giải quyết.

Khi chưa có kết luận của HĐTS thì mọi phát biểu phải tuân thủ nguyên tắc xét đoán vô tội.

Không nên vừa thấy báo chí ầm ầm thì Giáo hội cũng “sân si” kiểu “sẽ xử lý nghiêm”, “ông ấy nhiều lần phải sám hối”, không có “thỉnh oan gia trái chủ (nếu họ nói đúng từ triệu linh, giải oan cắt kết thì sao), “không có trong giáo lý”, “truyền bá mê tín dị đoan”…

Giáo hội đã lập quy chế phát ngôn, vậy khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, ai được phép phát ngôn? Tất cả các phát ngôn không chính thức của các thành viên Giáo hội gây nhiễu, quy kết khi chưa có kết luận của HĐTS đều phải bị xử lý kiểm điểm.

Giáo hội có Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, tất cả phải cùng vào cuộc. Kể cả khi có dấu hiệu hình sự, giáo hội cũng có một cuộc điều tra độc lập để bảo vệ các thành viên của mình nhằm giảm nhẹ ở mức thấp nhất có thể.

Bên cạnh đó, sự việc chùa Ba Vàng, nếu không có đơn thư tố giác cụ thể của các bị hại liên quan đến việc thỉnh oan gia trái chủ thì đó hoàn toàn là chuyện nội bộ diễn ra trong khuôn viên chùa. Cần làm rõ số tiền Phật tử đóng góp cho việc chữa bệnh thỉnh oan gia trái chủ xem họ có tự nguyện sau khi vong nhập ra giá hay không? Có ai bị mất tiền vị việc đó mà ấm ức không khỏi bệnh hay không? Số tiền đó vị trụ trì sử dụng vào mục đích thiện nguyện hay không?…

Tất cả các phát biểu nếu có từ phía Giáo hội nên ôn hoà, chừng mực, nhân văn thể hiện bản chất xử lý của tăng già, không nên có thái độ doạ dẫm, sân si…

Hy vọng đúng trên tinh thần tăng già hoà hợp, vụ việc chùa Ba Vàng được HĐTS họp xử lý vào ngày mai 26/3 cũng thể hiện tinh thần lắng nghe dư luận, khách quan và công bằng.

P/s: Bằng trực cảm cá nhân, nhất là từng tiếp xúc với thầy Thích Trúc Thái Minh tôi tin thầy không như những gì truyền thông cắt cúp nói. Ở một nơi phên dậu của tổ quốc, một trí thức xuất gia như thầy, còn bao nhiêu Phật sự khác lợi ích cho số đông cần thầy làm, hãy xem vụ thỉnh oan gia trái chủ là một sai lầm cần kinh nghiệm sửa chữa, bởi dù gì đã làm động niệm đến tăng già thì cũng nên thành tâm sám hối.

(*) Tựa bài do BTV Trần Trọng Hoàng đặt