Trang chủ Thời đại Sự tiếp nhận Phật giáo của giới trí thức

Sự tiếp nhận Phật giáo của giới trí thức

73

Giới trí thức Việt Nam xưa, quen gọi là giới Nho sĩ, từ nhỏ, nếu không nói từ trong thai, đã học đạo Khổng, Ý thức của họ được hình thành và phát triển theo quỹ đạo của đạo Khổng.


Đạo Khổng là học thuyết của giới cầm quyền, trị nước, đạo Khổng đào tạo ra những con người sẽ lãnh trách nhiệm cầm quyền trị nước, vốn được mệnh danh là quân tử. Quân tử nghĩa chữ là con của vua. Quân tử là những người cai tri, bọn thường dân được gọi là tiểu nhân, nghĩa chữ là người nhỏ. Quân tử đức phong tiểu nhân đức thảo thảo thượng phong phi.


Trái lại, đạo Phật là đạo của chúng sinh, trong phạm vi nhân loại, là quần chúng đông đảo.


Như vậy, những người được đạo Khổng đào tạo đứng ở vị trí đối lập với đạo Phật. Xin được nhắc lại nói vậy là nói chung về nho sĩ, chứ cũng có những nho sĩ hiểu và có cảm tình với đạo Phật như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du … thì đó là những người cá biệt.


Giới trí thức hiện nay, nếu không được trực tiếp đào tạo bởi đạo Khổng thì thông qua gia đình, sử sách, phong tục tập quán … vẫn chịu ảnh hưởng nhất định của Khổng giáo, và đó là một bức tường thành, hoặc ít nhất là một sự vật cản ngăn cách họ với đạo Phật.


Nói về phương pháp tư tưởng thì đạo Khổng chủ yếu là duy lý. Đã chịu ảnh hưởng duy lý của Khổng giáo qua truyền thống, họ lại bị nhồi sọ bỏi chủ nghĩa duy lý và tư tưởng khoa học phương Tây từ nhỏ đến lớn suốt cuộc đời. Các thế hệ từ đầu thế kỷ XX chủ yếu là được đào tạo từ các trường học theo chương trình giáo dục Pháp hoặc ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Kiến thức, phương pháp, tư tưởng của họ được đúc khuôn phương Tây. Rốt cuộc họ trở nên xa lạ với văn hóa phương Đông mà họ không hiểu, vì thế không chấp nhận, có chấp nhận kiểu nào chăng thì cũng là miễn cưỡng để khỏi mang tiếng là vong bản.


Trong những điều kiện ấy, Phật Giáo không được họ đón nhận, nếu không đến được với họ thì cũng rất khó khăn và không có gì đảm bảo chắc chắn là đã được hiểu rõ.


Tôi tự lấy mình làm dẫn chứng.


Khi đọc trong sách về những công án thì cách suy nghĩ duy lý trong tôi phản ứng ngay. Thí dụ tiếng vỗ của một bàn tay. Tại sao lại một bàn tay mà làm được tiếng vỗ? Muốn có tiếng vỗ thì phải hai bàn tay vỗ vào nhau chứ. Hoặc nói về sắc không cũng vậy. Làm sao vừa có vừa là không. Lý luận duy lý không thể chấp nhận dưới diện đó.


Khi nói về Nhân quả, Luân hồi v.v… thì cái học vấn khoa học trong tôi phản đối quyết liệt. Làm sao chứng minh những điều này một cách khoa học để được thuyết phục.


Đúng như một truyện Phật Giáo đã kể: tôi như một ly nưóc đã đầy đến tận miệng những trí thức khoa học, những luận lý duy lý, rót thêm vào thì nước chỉ tràn ra ngoài thôi. Hơn thế nữa, thứ nước cũ và thứ nước mới lại khác nhau, đối kháng nhau không thể hòa với nhau.


Muốn được tiếp nhận được nước mới, phải đổ hết nước cũ, không để một chút cặn. Nhưng làm thế nào thực hiện được, dù có muốn đi nữa. Trong tôi không phải chỉ là nước trong ly, những trí thức luận lý, khoa học ấy đã tạo thành nhân cách tôi rồi.


Cái khó của người trí thức hiện nay đến với đạo Phật là như vậy.


Đối với các thế hệ trí thức trẻ tuổi còn khó hơn nữa. Các con, các cháu tôi sinh ra, lớn lên trong thời đại khoa học kỹ thuật độc tôn, bá chủ này lại càng khó tiếp nhận đạo Phật. Chỉ một chữ “từ bi”, một chữ “nhẫn” đã gây chúng một sự phản đối kịch liệt. Chúng nhất quyết khẳng định – xin lỗi các vị – ấy là một triết lý chủ bại, đưa đến tàn lụi, diệt vong. Chỉ khoa học kỹ thuật, kinh tế mới cứu nhân độ thế được thôi. Quả thật, cái ý thức hệ của lớp trẻ nói chung bây giờ là như vậy. Nói sao với họ?


Tôi thấy không phải chỉ mới gần đây, mà đã từ nhiều năm qua, có những xu hướng hiện đại hóa Phật Giáo, cả về nôi dung tư tưởng và phương pháp giáo dục.


Cập nhật hóa, thích ứng, hòa nhập vốn là quy luật của tiến hóa. Đối tượng là những con người cụ thể, những con người ngày nay, Phật Giáo cũng phải nói với họ bằng ngôn ngữ ngày nay, không thể nào khác.


Nhưng tôi có sự cảm nhận, chưa thật chính xác, về mấy vấn đề cần suy nghĩ.


Một là, tôi được đọc, cũng ít thôi và chưa kỹ, một số sách của phương Tây, của phương Đông, của Việt Nam, trong đó có cả Thiền Luận nổi tiếng của Suzuki, tôi thấy có những điều cốt lõi, tinh túy của đạo Phật bị giản lược đi. Phải chăng vì những điều ấy xa lạ, xa vời, khó cảm thụ đối với người đời nay. Nhưng, như thế có đúng với chân diện mạo của đạo Phật không? Tôi không đủ tư cách và trình độ để trả lời, xin đề đạt câu hỏi đến các vị.


Hai là như trên đã nói, nói đạo là nói với từng con người cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể, ở vào những thời đại cụ thể, thuộc những vùng cụ thể, những nền văn hóa cụ thể, những dân tộc cụ thể. Cho nên dường như có nhiều sự dị biệt, thậm chí đi đến chỗ đối nghịch. Cái gốc thì là một, những cành nhánh thì cành là cành bống, cành đông, cành tây, cành năm, cành bắc, càng lên cao càng lên ngọn càng rậm rạp, đương nhiên như thế là phát triển và cây càng cao bóng càng cả, nhưng liệu tất cả có phải từ gốc mà ra, hay có khi là tầm gửi sống nhờ vào cây. Không phải cây, rồi lấn cành, có thể đến một lúc nào đó trông cây thì xum xuê, nhưng phần lớn chỉ là tầm gửi, lúc ấy sẽ nói thế nào. Tôi mạo muội suy luận như vậy, có gì thất thố mong quý vị lượng thứ, chỉ là có sự băn khoăn muốn xin lời trấn an của các vị đó thôi.


Ba là, từ nhiều thế kỷ qua, nói ngay ở Việt Nam thôi, đạo Phật đã bị các hệ triết học, các hệ tư tưởng khác tấn công, phê phán (thí dụ các nho gia xưa và các nhà Tây học sau này v.v…). Tất nhiên các nhà Phật học phải trả lời, phải tranh luận. Theo lô gich học thì trả lời tức là đã chấp nhận cách đặt vấn đề của người ta, tranh luận tức là phải dùng lý luận của người ta để phản bác lại, và như thế là đạo Phật đã dời khỏi chỗ đứng của mình, từ bỏ phương pháp đặc thù của mình (tôi nói rõ: trong những trường hợp trả lời, tranh luận) và tự đặt vào thế chống đỡ, và nếu được phép, các vị không quở trách, tôi xin nói đạo Phật đã xa vào kế dụ địch, như thế có bất lợi chăng? Tôi nghĩ đến một câu tục ngữ của dân gian rất chất phác nhưng cũng rất sâu sắc: “Phật ở trên tòa, khi nào gà dám mổ mắt”. Cho nên, theo ý riêng của tôi, Phật Giáo không cần trả lời, tranh luận.


Bốn là thời đại hiện nay, khoa học kỹ thuật được một thế lực áp đảo, lên ngôi bá chủ. Tự nhiên tất cả những hoạt động ý thức khác tự thấy muốn tồn tại phải xin làm chư hầu. Bất cứ lĩnh vực nào khoa học cũng xâm nhập, bất cứ cái gì cũng phải được giải thích bằng khoa học thì mới có sự thuyết phục. Khoa học là chân lý duy nhất, tuyệt đối. Đạo đức, Văn học, Nghệ thuật v.v… và cả tôn giáo nữa cũng đều tự biện hộ bằng khoa học, tự phát huy bằng phương pháp khoa học.


Như thế là sai. Mỗi hoạt động tinh thần đều nhằm đáp ứng một trong nhiều nhu cầu của con người, chúng có định vị rõ ràng của chúng trong bộ nào, chúng có phương thức vận động đặc thù của chúng. Khoa học không phải là vạn năng, mà có giới hạn của nó, chí ít thì hiện nay nó chưa đủ sức giải đáp được mọi vấn đề cuộc sống của con người đặt ra.


Thế kỷ trước, nhà triết học thực nghiệm Auguste Comte đã tuyên bố chủ quan và bồng bột: triết học giải phóng nhân loại khỏi những sự khủng khiếp của tôn giáo, khoa học xác thực, đề ra phương pháp thực nghiệm đã vượt qua sự hiểu biết triết học. Chính do vượt từ thời đại này lên thời đại khác (tôn giáo, khoa học, siêu hình) mà nhân loại tiến lên.


Chính các luận điệu ấy, nổi tiếng chừng vài ba chục năm đã bị vượt. Khoa học hiện nay phát triển cao hơn chính Auguste Comte nhiều, đã tỏ ra biết điều và khiêm tốn hơn nhiều.


Các quan niệm tôn giáo là di sản của thời kỳ mông muội càng sớm thanh toán càng tốt đã bị bác bỏ. Kết luận được đông đảo các nhà khoa học tán thành là tôn giáo rất cần, ít nhất cho sự định hướng phát triển văn hóa nhân loại và điều hòa những sự quá khích. Lịch sử đã chứng minh điều đó và điều đó vẫn đúng trong tương lai.


Tôi đã có lần nghe giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học kỹ thuật lớn, hơn nữa một nhà khoa học quân sự nổi tiếng nói: Coi như khoa học kỹ thuật ngày nay có một khả năng rất lớn, làm gì cũng được, nhưng nói Cách mạng Khoa học kỹ thuật thì khoa học phải được hiểu là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn và trước hết là triết học  và mỹ học. Người ta vẫn phải biết ý nghĩa của việc làm và làm gì thì cũng nhằm mục đích cho nhân loại sống đẹp. Cho nên khoa học kỹ thuật phải được hướng dẫn bởi triết học và mỹ học.


Ý kiến thật sâu sắc, và chúng ta có thể nói thêm: Và tôn giáo, vì nhân loại cần có niềm tin vào cải thiện. Như thế cổ xe tam mã Chân-Thiện-Mỹ dẫn nhân loại đi lên.