Từ nghệ sĩ tuồng đến nhân duyên nhà Phật
Đến cửa chùa vào một trưa hè nắng nóng, xa rời cái ồn ào nơi phố thị, chúng tôi có một khoảng thời gian lắng lòng lại để nghe Đại đức Thích Thanh Phương tên thật là Lê Văn Quảng, hiện tại đang trụ trì chùa Đống Lim, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội kể câu chuyện của cuộc đời mình.
Sinh ra ở Đông Anh, Hà Nội trong một gia đình "nhà nòi", lại là con độc nhất, cả cha và mẹ đều làm nghệ sĩ múa Tuồng. Cũng chính vì thế mà của sư thầy Thanh Phương đã được cha mẹ uốn nắn trở thành nghệ sĩ múa ngay từ nhỏ. Tuổi thơ đã đi qua nhưng những ký ức gắn với những làn điệu cổ, những động tác múa dân gian đầy chất văn hóa, thấm đượm tinh hoa của mảnh đất ngàn năm văn vật vẫn còn trong ông chẳng chút phai mờ.
Đại đức Thích Thanh Phương và các sư thầy trong chùa Đống Lim biểu diễn Thiên Long Bát Bộ. Ảnh Hoàng Giang |
Trước khi từ giã cuộc sống của người phàm tục, sư thầy đã có một khoảng thời gian dài học múa ở khu Trung Tâm Văn hóa Mai Dịch – Từ Liêm – Hà Nội. Nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Những tưởng rằng đời mình sẽ lại giống cha ông, trở thành một nghệ sĩ múa thực thụ, nối tiếp truyền thống cho gia đình, nào ngờ cuộc sống có nhiều biến cố khó lường hết.
Năm 23 tuổi Đại đức Thanh Phương tốt nghiệp ra trường, thầy vui sướng cầm tấm bằng trên tay. Ông vào Đà Nẵng tham gia đoàn múa Tuồng nhưng do học Tuồng Bắc mà hát giọng miền Trung nên không hợp nên ông đã bỏ ra Bắc để lập nghiệp.
Ngay sau đó ông đi khắp xứ kinh bắc phồn hoa diễn Tuồng mưu sinh, ở nhờ trong nhà chùa. Số phận run rủi thế nào rồi ông được các vị sư cảm hóa, rồi vào chốn phật như là một cái duyên tiền kiếp.
Đại đức Thích Thanh Phương, Ảnh Hoàng Giang |
Còn nhớ lúc mới vào chùa, cũng có lời ra tiếng vào rằng thầy không thể tu được: vì bản thân là một kép hát, giống như một con ngựa bất kham, nay thích chốn này mai đi chốn khác, thật khó để cái tâm được tĩnh lặng, quên đi những ham muốn, dục vọng của cuộc sống.
Nhưng ở đời, xuất gia là chuyện hết sức hy hữu, cũng là chuyện duyên số, cũng cần đến quyết tâm từ bỏ những ham muốn đời thường. Phàm nếu muốn trở thành bậc xuất chúng anh tài thì phải nhẫn chịu những điều người khác không thể nhẫn chịu được, phải chấp nhận nổi khổ mà người khác không thể nhận nổi. Chỉ có tu luyện như vậy mới thành thân kim cang bất hoại.
Vào cửa chùa, thầy vẫn không thể nào quên môn nghệ thuật truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, với lối ca kịch chuyên nghiệp cao nhất. Mà khi diễn nó đòi hỏi lối diễn với những khuôn mẫu mang tính kinh điển.
Sống trong chùa am, tịnh thất… Sư thầy quyết tâm tu để học hỏi Phật pháp, tu hành và dẫn dắt chúng sinh trên đường học hỏi và tìm kiếm chân lý. Sau đó ngài về chùa Đống Lim, và nay đã thành Đại Đức trụ trì.
Với sư thầy Thanh Phương, khi đã xuất gia tu Ðạo trước hết phải trừ khử lòng tham, phá bỏ sân hận, diệt đi si mê. Tận trừ sạch sẽ ba thứ độc đó thì trí huệ tự nhiên hiện tiền. Nhưng làm sao có thể quét sạch những thứ đó một cách triệt để. Chuyện dùng "tam vô lậu học" để làm công cụ diệt trừ đi những "tham, sân, si" trong thiên hạ với thầy cũng khó khăn và gian truân không kém chút nào. Đó có lẽ đó là cái tu chung của những ai muốn vào cửa phật, quên đi cuộc sống trần tục, tiến đến với sự thanh cao của phật pháp vô biên.
Nghệ sĩ nơi cửa chùa
Người xuất gia tu hành cũng có thể làm nghệ sĩ múa, quan trọng là họ có năng khiếu và yêu quý cái nghề. Được cống hiến tài năng cho đời mà lại đem tài năng ấy để cảm hóa, phủ độ chúng sinh tránh cái ác, hăng làm việc thiện thì thật tốt biết bao.
Một lần, cán bộ của sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch Hà Nội sang làm việc với chùa Đống Lim đề nghị Đại đức Thích Thanh Phương đứng ra lập đội múa "Thiên Long Bát Bộ" để diễn trong Liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội lần II, 2008. Trước lời mời nghiêm túc ấy, Đại đức đã gật đầu và lập ngay đội múa do các sư trong chùa là "diễn viên".
Đại đức Thích Thanh Phương biểu diễn, Ảnh Hoàng Giang |
Theo Đại đức, nghệ thuật múa Thiên Long Bát Bộ rất gần gũi với nghệ thuật múa Tuồng. Người học Thiên Long Bát Bộ cần cái cơ bản của nghệ thuật múa Tuồng. Người xưa nhìn nhau mà học, còn bản thân thầy Phương đã được đào tạo bài bản, có bằng cấp nên việc học điệu múa Thiên Long Bát Bộ không khó khăn nhiều.
Từ những canh – kệ (múa – hát), đến chân đàn, tay ấn tráng lệ rồi cải tổ thành điệu múa. Điệu Thiên Long bát bộ hay còn gọi là múa Đàn Trấn, là động tác múa dân gian pha lẫn võ thuật thường được trình diễn trong những dịp lễ hội Phật giáo, khánh thành chùa, tổ đường, cầu siêu… với mong muốn dân làng được bình yên, an lạc, quốc thái dân an.
Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác.
Với thầy thì ngày đêm trôi qua như tên bắn, năm tháng chạy đi như thoi đưa. Sóng trên mặt sông, ngọn sau đẩy ngọn trước, cảnh đẹp mau tàn. Ðời người tuổi trẻ qua nhanh, chẳng mấy chốc sẽ già chết hủ diệt, không lưu lại dấu vết, đủ thấy mọi thứ thật vô thường. Thôi thì đã đành phận có duyên với múa nên lại múa cho tròn cái duyên.
Thầy dẫn dắt các tiểu ở chùa học điệu múa, do các trò cũng đã có được căn bản của nghệ thuật múa nên khi học điệu múa Thiên Long Bát Bộ không có chút khó khăn gì cả. Tiết trời có nắng nóng nhưng vì lợi ích của công việc được giao phó. Với thầy đã nhận lời là phải làm hết mình và làm cho bằng được. Nên năm thầy trò quyết tâm chuẩn bị chu đáo cho buổi diễn năm 2008. Tuy thành công không được viên mãn cho lắm nhưng với thầy để đạt được đến cái đích tinh hoa cũng không dễ dàng gì.
Để chuẩn bị cho Đại lễ Phật giáo và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đại đức Thích Thanh Phương cùng các chú tiểu trong chùa lại tất bật luyện tập điệu múa Thiên Long Bát Bộ. Mong sao sự đóng góp nhỏ của các sư thầy trong chùa Đống Lim sẽ đem đến một điều gì đó ý nghĩa.
Tuy nhiên để làm nghệ sĩ múa hay quyết tâm đến với Phật thì rất cần phải có tâm nhẫn nại thì việc mới viên mãn. Phải có tâm khắc khổ thì mới đắc trí huệ giác ngộ. Mình phải luôn luôn nhiếp tâm chuyên ý dụng công, đem tâm niệm thu hồi trở lại, không có vọng tưởng vẫn vơ, đó chính là quản thúc "tâm như ngựa, ý như khỉ." Ðừng để tâm mình chạy theo ngoại cảnh.
Với ngài, dù là người thường hay người của phật thì cái quan trọng nhất là được làm việc có ích cho đời mà không thấy hổ thẹn. Góp công sức, hoàn thành nghiệp tổ tiên mà lòng thanh thản.
Hy vọng điệu múa Thiên Long Bát Bộ – vũ điệu cổ ngàn năm của thành Thăng Long xưa sẽ làm cho chúng ta phần nào mường tượng được sức sống của nét tinh hoa đang dần lan tỏa. Những con người góp phần làm cho "Thăng Long mở hội sẽ tìm lại dấu xưa" như sư thầy Thích Thanh Phương chính là những giá trị sống mà chúng ta cần gìn giữ và tôn vinh.Điệu múa Thiên long bát bộ của các nhà sư chùa Đống Lim ở xã Long Biên, Hà Nội đã gây ấn tượng với biểu hiện quyền uy và sức mạnh phi thường của võ thuật. Chúng tôi tìm đến sư thầy Thích Thanh Phương để tìm hiểu về điệu múa chất chứa tính nhân văn của đất kẻ chợ xưa mà tưởng trừng đã nhạt nhoà theo năm tháng.