Nghe câu trả lời, tôi không hiểu ý anh muốn nói gì, nhưng nhớ lúc đó cũng là vào cuối tháng Mười, tôi hỏi thêm: “Ồ, anh sửa soạn cho ngày lễ Halloween đó hả?”
“Không phải,” anh đáp, “Tôi mới vừa xong một tháng trời thiền tập, quán chiếu về đề mục các bộ xương, và tôi rất bị thu hút vào đó.” Tôi hỏi: “Rồi anh cảm thấy thế nào?”
“Mới đầu thì rất là ghê tởm,” anh đáp. “Nhưng sau một thời gian, có một tuệ giác đặc biệt dần dần hiển lộ – nó không giả dối, không màu mè che đậy – tôi đi vào phòng ăn và thấy mình chỉ là một bộ xương và người chung quanh cũng là những bộ xương. Mà sự thật chỉ là như vậy thôi.”
Khi nghe anh nói, tôi liên tưởng đến một triển lãm tại bảo tàng viện về nghệ thuật dân gian tại Santa Fe. Nơi ấy có trưng bày một hoạt cảnh gồm những hình người nhỏ đang tiếp xúc với nhau trong những sinh hoạt hằng ngày – như là nấu ăn, nghe nhạc – nhưng mỗi hình người chỉ là một bộ xương khô. Những bộ xương đang đọc báo, chiên trứng, chơi đàn vĩ cầm, v.v… Hình ảnh ấy nói lên một sự thật sâu kín mà chúng ta thường ít ai muốn nghĩ đến!
Phương pháp mà người bạn tôi đã thực hành là một phần của pháp môn thiền tập gọi là asubha, hay cửu tưởng quán, tức quán chiếu về những tính chất bất tịnh của thân thể. Mặc dầu phương pháp thực tập này có thể làm khởi lên trong ta một nỗi sợ hãi và ghê tởm, nhưng đó không phải là mục đích của nó, mà ngược lại, là để làm sao có thể mang lại sự tự do và sáng suốt trong tâm ta.
Mục đích ấy tuy có vẻ như không đi đôi với phương pháp lắm. Một nghĩa khác chính xác hơn của danh từ Pali asubha có thể giúp ta hiểu rõ hơn mục đích và hoa trái của phương pháp thiền tập này. Asubha thật ra có nghĩa là “nghịch lưu” hay là đi ngược lại dòng. Và phương pháp thực tập này chắc chắn là đi nghịch lại dòng của xã hội rồi đó! Chúng đi ngược lại sự tin tưởng rằng thân thể mình là một đối tượng mà chúng ta cần phải tô điểm và làm đẹp tối đa, để đúng với tiêu chuẩn của xã hội. Chúng đi ngược lại với niềm tin rằng sắc thân ta có thể trẻ trung và khỏe mạnh mãi mãi, và ta có thể tin cậy là nó sẽ không bao giờ làm cho mình thất vọng.
Trong xã hội ngày nay, nhìn thẳng vào bản chất của thân ta là một hành động đi ngược dòng. Ta lúc nào cũng bị nhồi sọ – qua báo chí, phim ảnh, quảng cáo – rằng có một cơ thể bất toàn hoặc không đầy đủ là một điều rất xấu hổ. Nhưng ai có thể thật sự kiểm soát được cơ thể mình? Vì vậy điều kiện xã hội này đã tạo nên biết bao khổ đau và những mặc cảm tự ti không cần thiết. Chúng ta đã cố gắng dùng đủ mọi cách nhưng không bao giờ hoàn toàn kiểm soát được cơ thể mình. Chúng ta không thể nào giữ cho nó đừng thay đổi. Và hoàn toàn không có ai trong chúng ta, không cần biết đã bỏ ra bao nhiêu tiền bạc, của cải để theo đuổi cái đẹp, mà lại không già, không chết. Nhưng dù vậy, người ta vẫn cứ che giấu cái chết như thể nó là một cái gì trái tự nhiên và ô nhục, như thể việc chết đi là một điều gì sai trái lắm. Chúng ta sẽ được tự do và bớt khổ đau biết bao nếu ta hiểu, như nhà thơ William Butler Yeats nói, chúng ta ai cũng đang “bị buộc vào một con thú đang hấp hối”.
Quán bất tịnh, hay cửu tưởng quán,[1] chỉ có một mục đích duy nhất là giúp ta thấy được bản chất của thân ta như nó thật sự là, và đó là một giải thoát rất lớn. Nó không liên quan gì đến việc ta không biết thương mình hoặc không biết quý trọng cuộc sống. Nó không dính dáng gì đến một nơi chốn cô đơn và lạnh lẽo trong ta, lúc nào cũng sợ rằng mình không đáng yêu. Nó cũng không liên can gì đến sự can đảm mở tung ra những gì từ lâu vẫn hằng đậy kín. Chúng ta chỉ đơn giản nhìn để thấy sâu sắc được bản chất của sự vật, thế thôi. Và khi ta nhìn thẳng vào sự thật, điều đó không có gì để ta sợ hãi, cũng không có gì để ta ghê tởm. Bản chất của sắc thân này là một điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ.
Khi dám sống với sự thật chúng ta sẽ được hoàn toàn tự tại, không bị ràng buộc bởi sự giả dối và chối bỏ. Dầu sao, chúng ta cũng sống trong một xã hội mà người chết được trang điểm như là sắp sửa đi dự dạ hội; nơi mà người ta thường chết trong cô đơn, không hơi ấm của một bàn tay nắm; nơi mà những gì gây khó chịu đều được tẩy sạch để ta không bao giờ còn phải nhìn thấy chúng. Như thế làm sao chúng ta không cảm thấy lo âu và sợ hãi? Cố gắng trốn tránh không dám nhìn vào sự thật cuộc đời là một việc làm rất mỏi mệt và gây nhiều sợ hãi. Nó gây khổ đau không những cho chính ta mà còn cho người khác, khi chúng ta cùng thông đồng với nhau để tin vào huyền thoại của một sắc thân không bao giờ hoại diệt.
Bệnh hoạn, sình thối, máu mủ, và xương khô là những hình ảnh rất khó nhìn, nhưng đối diện chúng sẽ giúp ta có được một sự thấy biết sáng tỏ hơn. Nhiệm mầu thay, khi quán chiếu những phần tử trong cơ thể mình lại có công năng giúp ta giải thoát. Vì vậy, nếu ta hiểu rằng người chiên trứng cho ta chỉ là một bộ xương, và ta, người ăn trứng, cũng chỉ là một bộ xương, thì có lẽ từ đó ta có thể nhìn sự việc một cách rộng rãi hơn, không còn chán ghét cơ thể này khi chúng già yếu, không loại bỏ những người bệnh hoạn hoặc hấp hối, không bất mãn khi thực tại chỉ biểu lộ như nó thật sự đang hiện hữu! Cũng như anh bạn của tôi kể lại công phu quán chiếu đã khiến anh nhìn thấy mọi người như những bộ xương, mà “sự thật chỉ là như vậy thôi!”
Nguyễn Duy Nhiên dịch
———————————————————–
[1] Đối tượng của phép Cửu tưởng quán là tử thi người chết, được hành giả quán tưởng từ khi bắt đầu sình thối, ứ nước, hoại rữa từng phần, hoại rữa toàn phần, bị chim thú, côn trùng xâu xé, cho đến chỉ còn lại xương cốt, rồi xương cốt ấy khi thiêu đốt chỉ còn lại một nắm tro tàn…