Trang chủ Nghiên cứu Sự nghiệp của Hưng Nhượng vương nhìn từ một vài mâu thuẫn...

Sự nghiệp của Hưng Nhượng vương nhìn từ một vài mâu thuẫn trong dòng họ nhà Trần

657

Tuy lịch sử không có nhiều ghi chép về ông, nhưng những gì còn truyền lại cũng đủ để khẳng định công lao to lớn của ông đối với đất nước, đặc biệt trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Sau thất bại của cuộc xâm lược Đại Việt lần đầu tiên (năm 1258), năm 1284, nhà Nguyên âm mưu giả cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để hòng thôn tính nước ta. Năm 1285, giặc Nguyên ồ ạt tràn sang cướp phá. Và đây cũng là lần đầu tiên lịch sử ghi danh Trần Quốc Tảng vào công cuộc chống giặc ngoại xâm: “Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên” (1).

Cho đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba năm 1288, cha con Hưng Đạo Vương vẫn luôn là những người đứng đầu xông pha trận mạc. Đến năm 1289, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên kết thúc thắng lợi, khi định công dẹp giặc, nhà vua đã “tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ”. Riêng “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng” (2).

Theo định chế của nhà Trần “con trưởng các vương thì phong vương, các con thứ thì phong hầu, coi đó là chế độ lâu dài” (3), nhưng cả ba người con trai được nhắc đến của Hưng Đạo vương đều đã được làm vương. Trần Quốc Nghiễn (Hưng Vũ Vương) luôn được nhắc đến ở vị trí đầu, tiếp theo là Trần Quốc Hiện (Hưng Trí Vương) và Trần Quốc Tảng (Hưng Nhượng Vương). Điều đáng nói, chức Tiết độ sứ được tiến phong cho Trần Quốc Tảng dù chưa rõ định mức uy quyền đến đâu, nhưng đây từng là một chức vụ mà Trung Hoa khi áp đặt sự cai trị nước ta đã đặt ra, nhằm cai quản các đạo. Trước đây nước ta bị Trung Hoa chia làm một đạo, Ngô Quyền từng giữ chức Tiết độ sứ, sau ông bỏ chức này và tự xưng vương.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Dần, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11 (1242): Mùa xuân, tháng 2, chia nước làm 12 lộ. Đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại tư xã, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2-4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan” (4). Nhà Trần chia nước làm 12 lộ và một số phủ khác, vậy chức Tiết độ sứ chắc chắn phải có vai trò quan trọng đối với vị trí địa lý của một số lộ, đặc biệt là một số vùng biên ải mà cha con nhà Hưng Đạo Vương được cắt đặt làm vùng đất thang mộc để phát triển.

Khi trước, mâu thuẫn giữa cha của Trần Quốc Tuấn và vua Trần Thái Tông xuất phát từ việc Trần Thủ Độ sắp đặt việc lập công chúa Thuận Thiên (vợ của Trần Liễu) làm hoàng hậu, tức vua Trần Thái Tông lấy vợ của anh. Chính điều này mới dẫn đến sự nổi loạn của Trần Liễu. Trần Liễu ở vào thế cô, bị Trần Thủ Độ xem là giặc, cuối cùng cũng phải ấm ức tuân theo sự sắp đặt này, song bản thân vua Trần Thái Tông, dù gánh trọng trách quốc gia, nhưng “trong lòng áy náy, ban đêm ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử rồi ở lại đó” (5). Chỉ đến khi Quốc sư Phù Vân khuyên ông “lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”, cùng với sức ép của Trần Thủ Độ, ông mới trở về kinh thành.

Nói đến những ứng xử trọng tình anh em thân tộc này, bản thân Trần Thủ Độ cũng phải thừa nhận: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận nghịch thế nào?” (6).

Cuối cùng mâu thuẫn này cũng được giải quyết bằng việc Trần Thái Tông “lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày nay) cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương” (7).

Sau này vua Trần Dụ Tông từng làm thơ ca ngợi lòng khoan dung, độ lượng của vua Trần Thái Tông:

Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử, Yên Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.
(Sáng nghiệp Việt, Đường hai Thái Tông,
Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong.
Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống,
Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng) (8).

Nhắc lại mâu thuẫn này, cùng với mâu thuẫn của cha con Trần Quốc Tuấn và Trần Quốc Tảng để làm rõ thêm chức tước của Trần Quốc Tảng được phong và liên hệ đến một số vùng đất ở Quảng Ninh mà ông từng gắn bó. Có thể thấy, sau thời Yên Sinh Vương, một số vùng đất thang mộc thuộc lộ Hải Đông có khả năng được mở rộng nhiều hơn nữa cùng với những công trạng mà cha con Hưng Đạo Vương lập nên đối với nhà Trần.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bình: “Theo quy chế của nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả. Đến khi vào triều làm Tể tướng mới thống lĩnh việc nước. Nhưng cũng chỉ nắm đại cương thôi, còn quyền hành thì thuộc về hành khiển. Người khinh mà thành trọng, người trọng mà thành khinh, mà không phải lo thêm một tầng công việc, cũng là có ý bảo toàn vậy. Vả lại như năm Đinh Tỵ đời Nguyên Phong, giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu cũng đem gia đồng và hướng binh thổ hào làm quân cần vương. Trong sự biến đời Đại Định (Dương Nhật Lễ tiếm ngôi và bị giết) lại đem người thôn trang sắm sửa nghi trượng đi đón vua, đó cũng là làm vững cái thế “duy thành” vậy” (9).

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra có một thầy tướng xem và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh Vương cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi”. Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.

Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Hưng Vũ Vương trả lời: “Dẫu có khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ”. Quốc Tuấn ngầm cho là phải.

Lại một hôm, Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”. Quốc Tuấn rút gươm kể tội: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”, định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây ông dặn Hưng Vũ Vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng” (10).

Những ghi chép trên cho thấy, thời gian “vận nước lung lay” rất có thể xảy ra trong lần xâm lược thứ hai của quân Nguyên Mông (1285), nên nếu có việc Hưng Đạo Vương vì những lời nói bộc trực kia mà đày Trần Quốc Tảng ra cửa bể Suất Ti như Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên chép, thì cũng là lòng thương muốn tránh họa cho con và gia quyến. Còn trong cuộc kháng Nguyên lần thứ ba (năm 1288) và kết thúc thắng lợi năm 1289, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã được định công và tiến phong Tiết độ sứ, cho thấy ông đã nhận được sự tin tưởng trở lại của Hưng Đạo Vương và của triều đình.

Vì thế, chỉ ba năm sau, vào năm 1292, “tháng 2 ngày mồng 3, lập Đông cung Thái tử Thuyên làm Hoàng thái tử. Lấy con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng làm phi cho Thái tử” (11). Điều này cho thấy biện pháp sử dụng hôn nhân trong nội tộc đã làm cho mối quan hệ giữa gia đình Hưng Nhượng Vượng và nhà vua ngày càng khăng khít, tốt đẹp. Thái tử Thuyên sau kế nghiệp vua Trần Nhân Tông, và Hưng Nhượng Vương trở thành bố vợ của vua Anh Tông.

Cho đến năm 1297, vua tin tưởng “sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi đánh sách A Lộc. Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng đi đánh sách Sầm Tử” (12). Năm 1301, “phong con trưởng của Hưng Nhượng Đại Vương là Quang Triều làm Văn Huệ Vương” (13). Văn Huệ Vương lấy công chúa Thượng Trân, sau công chúa mất, Văn Huệ Vương đi tu đến trọn đời, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của chùa Quỳnh Lâm và dòng thiền Trúc Lâm.

Năm 1313, Hưng Nhượng Vương mất, năm 1314 được truy tặng làm Thái úy (14).

Nhìn từ những mâu thuẫn, o ép, những tranh giành quyền bính thế tục trong dòng họ, thì lời căn dặn lúc lâm chung của An Sinh Vương đối với Trần Quốc Tuấn và những lời bị cho là “phản loạn” của Trần Quốc Tảng nằm trong mạch suy nghĩ “thừa cơ dấy vận” để lập nên công nghiệp thiên thu. Song tài lãnh đạo xuất chúng của các vua Trần đã điều hòa không ít những mâu thuẫn, bằng cách khéo léo sử dụng nhân tài, độ lượng hơn người trong ứng xử, tin tưởng khi nhìn ra nhân cách trung hiếu lưỡng toàn của Hưng Đạo Vương. Và chỉ có Hưng Đạo Vương mới có thể phù nghiêng đỡ lệch để tháo gỡ những mâu thuẫn trong dòng họ nhà Trần.

Nếu như mâu thuẫn giữa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được chính hai người chủ động hóa giải, thì mâu thuẫn giữa Trần Quốc Tảng và Trần Khắc Chung không dễ hàn gắn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung, thì nhà Trần rồi mất về nó chăng? Khắc Chung thường sợ hãi né tránh” (15).

Người quan tâm đến sự tồn vong của nhà Trần như Trần Quốc Tảng, phần nào cho thấy những đối thoại của ông với cha mình về việc chủ động lấy lại quyền bính thiên hạ là khí khái bộc trực của một con người “thị tài”, nhưng vẫn biết lấy lợi ích dòng họ, nước nhà làm trọng. Hưng Đạo Vương hiểu hơn ai hết lời dặn dò của An Sinh Vương về việc “lấy lại thiên hạ” và ông đã “không cho là phải”. Bởi vai trò chi phối rất lớn của Trần Thủ Độ lúc đó đối với triều đình, được miêu tả là “quyền át cả vua”, cũng như việc cảm thấy hối lỗi của vua Trần Thái Tông trong hoàn cảnh “thân bất do kỷ”, đã cho thấy sự tỉnh táo khi nhìn nhận đại cục của Hưng Đạo Vương.

Ông ghi nhớ lời cha dặn cũng để dè chừng với các hành vi có thể bị quy kết tội phản nghịch, và nếu đối đầu triều đình chắc chắn sẽ phải nhận lại những hậu quả khôn lường. Vì thế không ít lần ông đã vượt qua giới hạn của bản thân để chủ động xóa đi những hiềm khích cũ.

Sử chép vào năm 1285, “khi thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên. Lúc ấy xa giá nhà vua phiêu dạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương, nên nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vất đi chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế” (16).

Khi bàn về việc này, Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy” (17).

Sự tin tưởng giao cho Hưng Đạo Vương toàn bộ binh quyền, rồi các cuộc thăm hỏi, bàn về kế sách chống giặc và trị quốc, kể cả việc phân phong đất đai, cắt đặt quyền bính, thúc đẩy những cuộc hôn nhân nội tộc, tất cả đã khẳng định sự chung sức đồng lòng của quý tộc nhà Trần, gác thù riêng, trả nợ nước.

Lợi ích của dòng họ là một phần trong ứng xử của nhà Trần, liên hệ một cách chặt chẽ đến chủ trương “hôn nhân nội tộc”, với tính chất trong họ ngoài làng đan xen, vừa gia ân, vừa thị uy một cách uyển chuyển. Chính vì đặc điểm này mà những mâu thuẫn hiềm khích dễ dàng được thúc ước, chi phối lẫn nhau, buộc phải tạo ra những tình huống hóa giải, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm.

Và cũng từ những đặc điểm này mà phần nào có thể khái quát, hình thành một giá trị ứng xử có “tính cách dân tộc”, đó là tình đoàn kết, tương trợ và sự cân nhắc kỹ càng trước những tình cảnh “nợ nước, thù nhà”, ở đó bao giờ yếu tố “nợ nước” cũng được đặt lên hàng đầu.

Ngô Sỹ Liên nhận xét: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong trận giặc, tùy cơ ứng biến, chống đỡ cho chúa trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử. Đủ biết, nhà Trần dùng người, vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm…” (18).

Cụ thể, để vỗ về nhận thức của người trong hoàng tộc, năm 1268, Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) nói với người trong họ rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”. Vua lại xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất rằng “khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau… Các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng” (19).

Nhưng sự tin dùng của các vua Trần không phải không có giới hạn khi một số con cháu hoàng thất vì nghi kỵ, vì sợ trả thù mà bỏ theo giặc, nên chỉ có giữ lòng trung mới bảo toàn được cái thế “duy thành”.

Việc truyền ngôi theo huyết thống đã mặc nhiên thống nhất quyền lực chính trị vào tay một dòng họ và họ buộc phải chia đều lợi ích cho tông thất bằng việc hình thành nên quy chế “cát cứ”, tức cắt đặt chức vụ, phân phong đất đai, phủ đệ, như một mô hình thể hiện quyền lực và sự ảnh hưởng của người trong hoàng tộc ở mỗi vùng trọng yếu.

Không ai thay thế được sự ảnh hưởng của nhau một khi nhà vua còn giữ được vai trò điều hòa lợi ích và cảm thấy ngai vàng của mình vẫn bền vững. Hoàng tộc càng vững mạnh thì chính quyền trung ương càng nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, át đi sự nhòm ngó của những người ngoại tộc, bởi dẫu gì nhà Trần cũng từng lấy ngai vàng từ tay nhà Lý bằng hôn nhân.

Vụ việc Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đầu hàng giặc càng dấy lên những mối quan ngại nếu những mâu thuẫn dòng họ không được giải quyết một cách hài hòa. Đây cũng là tầm nhìn sáng suốt và tài lãnh đạo của một số vị vua đầu triều Trần. Không ít lần nhà vua hỏi Hưng Đạo Vương về thế giặc, tình hình giặc và lệnh cho Hưng Đạo Vương đốc thúc vương hầu, tôn thất điều động quân lính, chế tạo thuyền bè. Ngay cả khi Hưng Đạo Đại Vương ốm nặng, sắp mất, vua vẫn hỏi về quốc kế trị nước: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” (20).

Có thể nói, ngoài tài lãnh đạo anh minh, sáng suốt, nhà Trần thuyết phục bách tính thiên hạ bằng nghĩa khí xông pha trận mạc của một hàng ngũ tướng lĩnh xuất sắc trong hoàng tộc, giữ vai trò nòng cốt trong tất cả các cuộc kháng chiến, khẳng định tính chính thống trong việc bình định, cai trị thiên hạ. Vì vậy, việc một số quý tộc nhà Trần chạy theo đầu hàng giặc cũng không ảnh hưởng nhiều đến cục diện chung.

Không những thế nhà Trần cũng đề cao việc thực hiện lễ minh thệ, mượn vào tín ngưỡng thờ thần linh để tạo ra sự ràng buộc vô hình. Nghi thức của lễ minh thệ như sau: “Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn” (21).

Hình thức tín ngưỡng thờ cúng, phong sắc cho các vị thần có công chống giặc ngoại xâm là một hình thức tín ngưỡng đề cao các trật tự đạo đức cộng đồng, cố kết tình cảm quốc gia, một trong những nội dung quan trọng của tình đoàn kết, sau này trở thành một thứ “chủ nghĩa yêu nước anh hùng”. Vì thế có biết bao thế hệ con cháu nhà Trần đã dấn thân lập danh trong chính môi trường sinh tử khắc nghiệt này. Từ Trần Quốc Tuấn đến Trần Quốc Tảng và biết bao tông thất nhà Trần khác đều đem con cháu mình ra nơi đầu sóng ngọn gió để khẳng định sức mạnh, chính nghĩa. Và chỉ có ở hoàn cảnh đó mới có thể làm mờ đi hình ảnh ích kỷ, mưu lợi cá nhân.

Một số chính sách cai trị của nhà Trần còn liên hệ mật thiết tới vai trò của Phật giáo. Điều này được thể hiện qua lời khuyên của quốc sư Phù Vân đối với Trần Thái Tông, một vị vua mở đầu triều Trần: “Phàm là kẻ làm vua thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.

Phật giáo thời Lý đã ở địa vị “quốc giáo”, sang đến thời Trần còn phát triển thực chất hơn nữa. Thực tế ứng xử nhân từ, độ lượng của một số vị vua Trần chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo, đã ít nhiều thuyết phục được cảm tình của dân chúng và tầng lớp trí thức đương thời, nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của tầng lớp tăng sĩ. Năm 1231, “Thượng hoàng xuống chiếu rằng, trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ” (22). Sự hưng thịnh của Phật giáo là một yếu tố cơ bản để tạo nên những ứng xử mà có thể theo cách nhìn của Nho giáo phần nào tạo ra yếu tố “lệch chuẩn”, nhưng cũng chính vì thế mà khiến những xung đột xã hội, dòng tộc trở nên bớt gay gắt hơn.

“Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính” (23).

Nho thần Lê Quát (?-?), người làm quan dưới thời vua Trần Minh Tông (1300-1357) từng viết: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hoá dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta” (24). 

Nhà Trần vừa tạo ra hình ảnh minh quân lương tướng, vừa tạo ra hình ảnh tín ngưỡng tôn giáo để tranh thủ niềm tin và tình cảm của dân chúng, vì vậy đã dung hòa lợi ích và củng cố quyền lực dòng họ, đề cao dòng họ. Một số nhà nghiên cứu đánh giá công nghiệp nhà Trần, đặc biệt trong những lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược là chính sách đoàn kết quốc gia, song mặt khác sự thống nhất tư tưởng trong dòng dõi quý tộc nhà Trần đã tạo nên sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực, đây là điểm khác biệt giữa sự thống nhất Tam giáo trong triều Trần và triều hậu Lê. Bởi nhiều vua Trần từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông đến Trần Nhân Tông… đều đậm nhạt chỉ ra tính cách minh vương, triết vương trong con người họ.

Nói chung cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Tảng gắn liền với những mâu thuẫn dòng họ, những cuộc xông pha trận mạc và kết thúc bằng một mối quan hệ tốt đẹp với dòng dõi nhà vua. Cách Trần Quốc Tảng và các quý tộc nhà Trần khác thể hiện vai trò dòng họ của mình có những điểm khác biệt, vì họ đều là những vị tướng tài, những trí thức, thiền sĩ dấn thân tích cực. Nên việc họ thể hiện thái độ trước cuộc đời, trước biến động thời thế, dù đúng dù sai, khi quyết liệt, lúc chần chừ, đều là cách họ đánh thức suy nghĩ của mọi người, để họ vận động và lựa chọn một thái độ thích hợp khi lịch sử và thời cuộc thật sự cần đến vai trò của họ.

Sở dĩ nói như vậy, vì từ những điều An Sinh Vương trăng trối cho đến thái độ và hành xử của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã thử thách tài cầm quyền của các vua Trần, thử thách cả tinh thần Phật giáo mà một số vị vua Trần chịu ảnh hưởng. Ở đó có kỷ cương, phép nước, nhưng cũng chứa chan tinh thần khoan dung, độ lượng, đặc biệt khi thời điểm nước nhà trong cơn nguy biến, và tình huynh đệ, nghĩa đồng bào đã hình thành nên một hào khí Đông A, cùng nhau góp phần tích cực tạo ra các thắng lợi, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

(Tham luận tại Hội thảo Khoa học 700 năm ngày mất Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – Quảng Ninh tháng 9/2013)

Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, trang 75, 95, 23, 24, 19, 20, 20, 60, 45, 119-120, 101, 111, 129, 152, 139, 79, 80, 162, 53, 117, 12, 15, 96-97, 237.