Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Sư "lợi dưỡng" và sư "giả", sư nào đáng "quan tâm" hơn?

Sư "lợi dưỡng" và sư "giả", sư nào đáng "quan tâm" hơn?

96

“Lợi dưỡng” là vấn đề có từ thời Đức Phật, vì vậy, ngày nay, giữa thế giới vật chất, lợi dưỡng, tất nhiên, sẽ là vấn đề nóng lên.

Điều này không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là tăng ni, Phật tử phải thường xuyên ý thức về vấn đề thường trực này, dùng mọi biện pháp để hạn chế nó ở mức tối thiểu có thể, giảm bớt những tác động tiêu cực của nó đối với Phật giáo.

Các cơ sở truyền thông Phật giáo hiện có, đặc biệt là các trang web, có thể đóng góp tích cực cho mục tiêu này.

Thực ra, ngày nay với điều kiện kinh tế cải thiện, đời sống vật chất được nâng cao, thì khó có thể yêu cầu tăng ni cách ly với tiện nghi vật chất.

Việc một vị sư làm việc trong phòng có máy điều hòa không khí, sử dụng laptop, điện thoại di động, đi xe hơi, nghỉ đêm ở khách sạn…bây giờ đã là điều có thể chia sẻ, dù rằng đã cách xa lắm hình ảnh chư tăng thời Đức Phật: y phấn tảo, đi bộ, khất thực…

Tuy vậy, ở điểm này người viết cũng cảm thấy lấn cấn. Liệu đã ổn khi chủ quan “điều chỉnh” những tiêu chuẩn của người tu sĩ Phật giáo xuống so với chuẩn vẫn còn nguyên vẹn trong kinh điển. Chúng ta có thể thảo luận ở đây.

Điều diễn ra trong thực tế là những tiện nghi mà người tăng sĩ hưởng dụng phổ biến không thể duy trì như thời Đức Phật. Lại có thể lý giải vấn đề bằng từ “phương tiện” với nhiều cách hiểu? Phải chăng, với những “phương tiện” như thế người tăng sĩ có thể phục vụ tốt hơn trong Phật sự?

Dù sao, chấp nhận một mức chuẩn như vậy, thì chúng ta mới có thể nêu vấn đề đối với một chuẩn cao hơn: sự xa hoa.

Xa hoa là đỉnh điểm của sự thụ hưởng những tiện nghi vật chất.

Có lần, người viết đến một ngôi chùa, là trụ sở của giáo hội một địa phương. Trong văn phòng thành hội đang diễn ra một cuộc họp. Lề đường trước cổng chùa đậu san sát những chiếc xe hơi. Điều đáng chú ý là xe hơi hạng sang. Người viết không dám nghĩ đó là xe  của quý thượng tọa, đại đức dự họp bên trong chùa, mà cứ cố nghĩ đó là xe của các Phật tử, trong đạo tràng “xe hơi hạng sang” mà Phật tử Diệu Yến có lần đề cập đến trên diễn đàn Phattuvietnam.net.

Nhưng dù sao, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy các nhà sư lướt đi trên những chiếc xe hơi bóng loáng, giá trị lên đến 6 – 7 trăm triệu đồng.

Còn chuyện nhà sư đi xe tay ga, dùng điện thoại di động loại mười mấy triệu đồng, laptop giá tiền cũng thế… thì dễ gặp hơn.

Chúng tôi cũng có lần thấy qua “thất” của một vị sư, xây dựng theo kiểu biệt thự lộng lẫy như một cung điện nhỏ. Còn thất nghĩ dưỡng ở vùng núi thì là một ngôi nhà toàn gỗ đánh bóng, trong một hoa viên xinh đẹp chăm chút cẩn thận.

Trên Phattuvietnam.net, cũng có lần bạn đọc Singapore bức xúc bàn luận về chuyện một vị sư Singapore có xe BWM trị giá 128.000 Úc kim, là thành viên của một câu lạc bộ nghỉ dưỡng thời thượng ở Úc, chỉ nghỉ lại ở các khách sạn 5 sao.

Có rất nhiều lời bình về việc xài tiền của vị sư này, nhưng cho dù dịch một cách thận trọng: “tôi không coi tiền bạc là quan trọng. Nếu có thì tôi dùng…”, thay vì “tôi luôn coi tiền bạc là cỏ rác. Nếu có thì tôi xài xả láng…”, thì cách xài tiền xa hoa, phung phí của nhà sư nói trên cũng không thể nào có được một sự thông cảm từ những người đồng đạo.

Có ý kiến bàn rằng, ai tu nấy chứng, chấp chi vào việc của người, họ xa hoa không phải bằng tiền của mình, thì bận tâm làm gì?

Nhưng chuyện liên quan đến trách nhiệm của mọi người con Phật đấy chứ. Những vị sư xa hoa lợi dưỡng vẫn còn hình tướng tăng, còn cầm giới điệp. Tam bảo là ba ngôi mà chúng ta thờ phượng, trong đó có tăng bảo.

Nếu chúng ta đã bận tâm với sư giả nhếch nhác, dơ bẩn, làm tiền ở phía bên này bao nhiêu thì ở đầu bên kia phía ngược lại, chúng ta càng bận tâm đến vấn đề sư xa hoa, vương giả bấy nhiêu.

Xa hoa đến mức một tăng sĩ Singapore đã nói ở trên, bị tòa truy tố, thì vị sư xa hoa đó vẫn có thể coi là một dạng sư giả.

Sư giả xin ăn làm bôi bác diện mạo trang nghiêm của Phật giáo, còn sự xa hoa thì tác hại có lẽ còn hơn. Đó là vấn đề bào mòn tín tâm của Phật tử.

Trường hợp cá nhân tôi, khi nghe “nhà sư” bỏ tu cải đạo sang Tin Lành nói xấu các vị chức sắc Phật giáo ở miền Nam lúc bấy giờ (thập niên 1970) chơi xe hơi châu Âu, chơi đồ cổ…, thì với sự xét nét, bồng bột của tuổi trẻ, người viết cũng đi tìm hiểu thử.

Kết quả là có Hòa thượng Trí Thủ (Viện Trưởng Viện Hóa đạo bấy giờ) có đi xe hơi châu Âu thực, nhưng đó là một chiếc xe Citroen 2 ngựa “con cóc”, xe loại rẻ tiền của giới bình dân và đã rất cũ kỹ. Còn “đồ cổ”, thì thượng tọa Tâm Châu (người đứng đầu phái Việt Nam Quốc Tự, được coi là thân Mỹ, được đồn đoán là có nhiều đô la, di tản năm 1975) cũng có vài tủ kính để lại ở chùa Từ Quang, quận 10, nhưng đồ cổ, đồ giả cổ xen lẫn với đồ thủ công mỹ nghệ, tặng vật kỷ niệm, chẳng bằng một góc nhỏ các bộ sưu tập đồ cổ của các đại gia mà chúng tôi xem trong phim. Thế là lời nói xấu hiện nguyên hình ác ý thâm độc.

Nhưng bây giờ, nếu có ai đó lại nói xấu như thế, mà người Phật tử sơ cơ lại thấy đây đó các vị thượng tọa, hòa thượng, thậm chí đại đức trẻ đi xe hơi như doanh nhân, dùng laptop như doanh nhân, dùng điện thoại di động như doanh nhân, “thể hiện đẳng cấp”, “thể hiện sự khác biệt”…như các slogan quảng cáo hàng hiệu, thì…!

Đối với quan chức nhà nước, sự xa hoa được coi là vấn đề của đạo đức cách mạng. Nhiều người tuy có tiền nhưng vẫn khoác bên ngoài hình thức thanh bạch, giản dị. Nhiều vị lãnh đạo bị kỷ luật vì duyệt chi mua ô tô không phù hợp với vị trí của mình. Còn đối với các vị đại đức, thượng tọa, hòa thượng trên những chiếc xe hơi “thể hiện đẳng cấp”, đang cầm trên trong tay những chiếc điện thoại giá trị đến mức “mọi người phải quay lại nhìn”… như một ông chủ nhà băng kia, thì đâu có quy chế gì kỷ luật họ.

Chúng ta bàn luận thế nào ở đây?

Tuy nhiên lại có những Phật tử đem tiền hiến cúng để quý thầy dùng cái gì thì phải phải đều là hàng hiệu, hàng sang, đạo tràng kéo nhau đi đến đâu thì lại thể hiện đặc trưng bằng hàng đoàn xe đời mới sang trọng, quý phái nối đuôi nhau. Nhưng thật buồn cười, họ cùng nhau đến lễ lạy “một người ăn xin tiêu biểu”: Đức Phật. Các vị thượng tọa, hòa thượng đến trên những chiếc xe hơi đắt tiền như chủ nhà băng đó, khi hành lễ, cũng lại khoác trên người chiếc áo của người ăn xin, mà theo truyền thống, may bằng những mảnh vải vụn nối lại.

“Lợi dưỡng”, xa hoa là gắn mác tu giả rõ ràng (như đối với vị tăng Singapore chẳng hạn). Ấy thế mà Phật tử như Trung Hoa ở Singapore cũng vẫn cúng hồng bao (bao đựng tiền lì xì) cho ông (như tin đã đưa). Không lẽ Phật giáo chuyển biến đến đỗi vậy chăng. Người tu sĩ có tiền xa hoa thì chỉ là hiện tượng cá nhân, còn số đông Phật tử ủng hộ tiền của cho sự xa hoa vô lý đó, thì giải thích làm sao? Nhà sư đâu phải chủ ngân hàng. Họ phải nhận tiền cúng dường từ Phật tử để mua xe hạng sang, cất thất như biệt thự…Có phải là một sự  tán thành tập thể?

Người viết có nghe câu chuyện hạt gạo nhà chùa đè chìm chiếc y, với lời giải thích là hạt gạo đàn na, tín thí cúng dường nặng đến như vậy. Lẽ nào các vị sư hưởng dụng vật chất như chủ nhà băng kia lại không biết luật nhân quả? Không nghĩ đến nỗi khổ trả nợ về sau?

Thiết tưởng, các diễn đàn Phật giáo trên mạng cần phải lên tiếng tích cực để hạn chế tình trạng các vị tỳ kheo lợi dưỡng, xa hoa. Xin nhắc lại, cái họa nhà sư hưởng thụ như chủ nhà băng không kém gì họa sư giả. Một đàng không phải người ăn xin, nhưng đóng giả làm người ăn xin để đánh vào lòng thương hại của người khác, còn một đàng chính là người ăn xin, đệ tử của người bỏ cung vàng điện ngọc đi làm người ăn xin, lại lấy “tiền ăn xin” đi để tập tành vẻ bên ngoài của chủ ngân hàng để người ta phải nể trọng, theo kiểu làm mọi người phải nhìn lên họ như đối với người giàu sang, quyền quý.

MT