Trang chủ Diễn đàn Sự kiện Phật ngọc: Nhận diện thủ đoạn của CN Ngô Đình...

Sự kiện Phật ngọc: Nhận diện thủ đoạn của CN Ngô Đình Diệm mới đối với PG

78

Đọc bài Tám điều cầu sám hối trên Phattuvietnam.net, theo đường dẫn vào bài viết là đối tượng mà tác giả Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn nêu ý kiến, chúng tôi thấy cần có bài viết này, trình bày một ý kiến khác với tác giả bài  viết nói trên.

Chúng tôi nhận thấy xung quanh “sự kiện” Phật ngọc thiết tưởng, không có vấn đề cần sám hối hay không cần sám hối, một vấn đề đặt ra đối với người trong đạo Phật, thật sự tin Phật, mà thực chất vấn đề nằm ở cần nhận diện bản chất nằm ẩn phía sau sự việc, nguyên nhân sâu xa của những bài viết, những ý kiến mà từ đó, tác giả Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn đã phải lên tiếng.

Điều có thể nhận thấy dễ dàng là những ý kiến đại loại như bài viết mà tác giả Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn đề cập về việc Phật ngọc có một mẫu số chung với các ý kiến phản ứng tiêu cực trước sự kiện rước xá lợi Phật.

Trung tâm điểm cũng vẫn là những sự kiện Phật giáo được tổ chức thành công, thu hút được đông đảo tăng ni Phật tử, tạo được tiếng vang, không khí, dư âm kính ngưỡng và hoan hỷ trong xã hội.

Cái khác chăng là ở chỗ, sự kiện rước xá lợi Phật sớm kết thúc, nên những ý kiến tiêu cực cũng theo đó mà lắng đi. Trong khi việc cung nghinh Phật ngọc còn kéo dài ở một số nước phương Tây, vì vậy, những ý kiến tiêu cực về sự kiện cứ thỉnh thoảng lại vang lên đâu đó.

Đối với người theo đạo Phật, từng đọc kinh Phật, thì chắc chắn không thể có những ý kiến mà như tác giả Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn ghi nhận: “lời hung dữ, mạ lỵ, ngã mạn thường có tác dụng tâm lý gây thù chuốc oán…” đối với sự kiện chiêm bái một tượng Phật, dù là bằng gì, ở đâu, do ai tổ chức, trong bất kỳ hoàn cảnh nào…

Một sự công kích mang màu sắc hiềm hận, đối kháng búa rìu, lời lẽ đao kiếm, chỉ có thể đến từ phía đỏ mắt trước các sự kiện Phật giáo tổ chức thành công, từ trong nước đến ngoài nước.

Chúng tôi muốn nói đây chỉ là bộ phận trong một chiến dịch kéo dài do các “Diemist”, tức những người theo chủ nghĩa Ngô Đình Diệm tổ chức, một thứ chủ nghĩa phục thù đối với Phật giáo, mà hiện nay bộc lộ mạnh mẽ qua việc đỏ mắt, cay cú trước các sự kiện Phật giáo nổi bật.

Cái tâm tỵ hiềm, phục hận đó chúng ta cảm thấy ngay khi đọc vào các bài viết tiêu cực đối với việc cung nghinh Phật ngọc Hoà Bình, cách trình bày các bài viết như thế trên những trang web liên hệ, kết hợp với những dữ liệu video, audio dùng kèm.

Đối với các “Diemist”, thì đó là phản ứng đương nhiên, ắt có, khi mà Phật giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đạt được những thành quả nào đó trong hoạt động hoằng pháp.

Mục tiêu của “chiến dịch” liên quan đến sự kiện Phật ngọc hiện nay, bên cạnh bộc lộ ẩn ức của các Diemist, nhằm giải tỏ áp lực thù hận nặng nề trong họ có từ gần 50 năm trước, từ tháng 11/1963, còn hướng tới mục tiêu sâu xa hơn, đó là “mượn Phật đánh người”.

Phật ngọc chỉ là một cái cớ, để từ đó tung ra những chiêu thức huỷ phá Tăng bảo, nhằm vào các vị tôn đức, vốn là những cái gai trong mắt họ. Và người ta không ngại nêu tên, đưa ảnh, những người là mục tiêu họ nhằm vào, trong tinh thần, như đã trích dẫn: “Hung dữ, mạ lỵ, ngã mạn thường có tác dụng tâm lý gây thù kết oán”.

Các cách trình bày như thế mang tính chất cục súc, sảng loạn, thô thiển, xuẩn động và hạ cấp đậm nét!

Còn một chút gì Phật giáo ở đây? Những cách tư duy, nói năng và hành động như thế chỉ có ở những “Diemist”, những kẻ theo chủ nghĩa Ngô Đình Diệm.

Việc cung nghinh Phật ngọc để tăng ni Phật tử chiêm bái với hành trình tại Việt Nam và qua nhiều nước trên thế giới được những Diemist gọi một cách hằn học là một cuộc “lưu diễn”. Tính chất chủ nghĩa Diệm bộc lộ rõ mồn một. Việc đưa một thánh tượng đi nhiều nơi theo một hành trình chiêm bái là hoạt động chung của nhiều tôn giáo, chứ không riêng gì Phật giáo.

Khoảng năm 1974, tại Sài Gòn, giữa lúc có bạo động bùng phát tại các xóm đạo ở khu Ông Tạ (Tân Sa Châu, Tân Chí Linh…), thì nhiều nơi khác ở Sài Gòn và miền Nam tổ chức hoạt động phối hợp bằng cách rước từ nước ngoài về một tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà bình, nghe nói đã có phép lạ chảy nước mắt.

Nào ai gọi việc rước tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà bình đó bằng từ “lưu diễn” đâu? Và cũng có ai bàn luận gì đến tên gọi “Hoà bình” của bức tượng?

Cái cách ám ảnh hình dung một thứ dịch tiết nào đó chảy ra từ một thánh tượng tượng tôn giáo, hay cảm nhận, “trông thấy” phép lạ nào đó, là cách làm thường xuyên của tôn giáo nào, chắc chúng ta đều hiểu…

Chính người viết vì hiếu kỳ muốn xem phép lạ Đức Mẹ khóc đã đến xem tượng Nữ Vương Hoà Bình này tại nhà thờ Đồng Tiến, đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10, Sài Gòn. Chủ lễ cung nghinh là Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. Người dự rất đông, tổ chức không khác gì cung nghinh Phật ngọc.

Vì vậy, không mấy gì lạ khi những Diemist bới móc, đơm kết, bình phẩm những chuyện như thế chung quanh Phật ngọc Hoà bình hiện nay với sự thiện nghệ, nhạy bén và chuyên nghiệp hiếm thấy.

Số người chiêm bái Phật ngọc Hoà bình càng đông đảo, càng thành kính, thì sư công kích từ phía các Diemist càng dữ dội, càng lồng lộn. Mục tiêu sắp tới đơn giản là các Diemist muốn làm số người đến chiêm bái Phật ngọc Hoà Bình giảm đi, làm mất uy tín những vị tôn đức tổ chức chiêm bái Phật ngọc, và trên hết là được tiếp tục phục thù Phật giáo.

Ai đó, từ Phật giáo, hoà chung tiếng nói “gây thù kết oán” như thế, thì chẳng qua cũng là những Diemist không khác. Chúng ta đừng quên là vào năm 1963, đã có những Diemist Phật giáo, mặc áo nhà tu Phật giáo, nhân danh Phật giáo gởi văn bản khắp thế giới ủng hộ việc đàn áp Phật giáo của Diệm.

Như vậy, đặt vấn đề sám hối với những tác giả nghĩ như các Diemist, nói như các Diemist, hành động như các Diemist, liệu có là vấn đề cần đặt ra? Vì người viết thiết tưởng là vô ích!