Phật giáo Người Hoa là một Tông phái được biệt truyền từ những vị Tăng sĩ Trung Hoa cho Tăng sĩ người Hoa tại Việt Nam mang đậm nét truyền thống văn hóa Trung Quốc giao thoa với văn hóa bản địa, tạo ra một sắc thái riêng khác với Phật giáo Người Hoa ở các nước khác.
Nói đến người Hoa ai cũng dễ dàng xác định được những phong tục tập quán khác với người Việt, nhưng ít ai biết được sự khác nhau giữa các phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng nhóm ngôn ngữ như Phước Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Hẹ, Nùng v.v…
Về quan niệm tín ngưỡng của người Hoa dựa trên tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” kết hợp với tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, một ngôi đình miếu có thể thờ nhiều vị thần khác như Ngọc hoàng, bà Thiên Hậu, Quan Công v.v…
Những ngôi chùa Hoa đầu tiên là những Hội quán của người Minh Hương gồm các nhóm ngôn ngữ Phước Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hẹ, Nùng được xây dựng ở những trung tâm thương mại của người Hoa là chỗ dừng chân của người Hoa mới di dân đồng thời hỗ trợ đồng hương người Hoa trong việc làm ăn. Trong thời gian nầy các vị Tăng sĩ người Hoa phải tạm cư tại các hội quán vì chưa có cơ sở sinh hoạt thuần túy Phật giáo.
Cho đến những năm 1930, hàng loạt các chùa thuần túy Phật giáo được xây dựng lên ở Chợ Lớn như chùa Nam Phổ Đà, Từ Ân, Vạn Phật, Thảo Đường v.v… đã đặt nền móng cho Phật giáo Hoa Tông sau nầy. Tuy các chùa được xây dựng nhiều nhưng sinh hoạt riêng lẽ từng chùa và theo nhóm ngôn ngữ riêng biệt, đến năm 1968 HT. Siêu Trần, HT. Thanh Thuyền, đứng ra vận động thành lập Phật giáo Hoa Tông mãi cho đến năm 1973 mới Đại Hội thành lập Giáo hội Phật giáo Hoa Tông.
Đến năm 1975 do một số chư Tôn Đức lãnh đạo Hoa Tông định cư nước ngoài, vì vậy HT. Thích Phước Quang đã tổ chức Đại hội Hoa Tông bầu ban chấp hành mới và tán thành Phật giáo Hoa Tông tham gia Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước và trở thành thành viên của tổ chức này.
Ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, hội nghị thống nhất Phật giáo, Đại hội quy tụ 9 hệ phái Phật giáo trong cả nước mà Phật giáo Hoa Tông là một bộ phận của Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước do cố HT. Thích Thiện Hào làm trưởng đoàn, trong Đại hội HT. Thích Phước Quang được cử làm thành viên HĐCM – GHPGVN.
Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập đến nay, Phật giáo Người Hoa đã trải qua 3 nhiệm kỳ tiêu biểu của chư vị sau đây:
1./Nhiệm kỳ của HT Thích Phước Quang (1981 – 1988)
2./ Nhiệm kỳ của HT Tăng Đức Bổn (1989 – 2002)
3./Nhiệm kỳ của TT Thích Tôn Thật (2003 – nay)
Trong 25 năm qua nhờ sự hỗ trợ của Chính quyền cũng như Giáo hội tầm quan trọng của giới Người Hoa càng được nâng cao, tạo sự gắn bó giữa hai cộng đồng dân tộc Hoa Việt, nhứt là trong những năm gần đây chính sách Đại Đoàn Kết toàn dân tộc của Nhà nước và sự quan tâm sâu sắc của Giáo hội, đặc biệt là sự nhiệt tâm của TT. Tôn Thật đã gặt hái những thành quả như: các phong trào Từ Thiện Xã Hội như cuộc vận động “Vì người nghèo” xây dựng nhà Tình Nghĩa, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng .v.v…. khuyến khích Tăng Ni người Hoa theo học các trường Phật học, các lớp đào tạo giảng sư của Giáo hội. Mở lớp Phật học dạy giáo lý cho Phật tử Người Hoa và tổ chức thuyết giảng vào các chủ Nhật hàng tuần …
Kính thưa Hội nghị,
Trong nhiều thế kỷ qua Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc, đất nước hưng thịnh thì Phật giáo cũng hưng thịnh. Do đó trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, nhất là vừa qua Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị APEC và trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, để đạt được thành quả đó là do đất nước có sự ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc, giao lưu với thế giới, cải cách hành chính, chống tham nhũng v.v… Vì vậy dựa trên thành quả 25 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên đồng hành cùng đất nước, tạo một bước đột phá trên mọi lĩnh vực như đổi mới cơ cấu tổ chức, cải cách hành chính và chống tham nhũng.
Một trong những chính sách ổn định để phát triển đất nước của Nhà Nước là chính sách Đại Đoàn kết dân tộc, do đó Giáo hội cũng cần có sự quan tâm hỗ trợ các Sơn Môn, hệ phái và thành phần dân tộc tạo sự đoàn kết gắn bó góp phần ổn định và phát triển Giáo hội hơn nữa.
Đối với Phật giáo Người Hoa mang 2 tính chất: Sơn môn và dân tộc Hoa có sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán phương pháp tu tập nên chưa được phát triển so với các hệ phái khác, nhân sự Tăng Ni của Phật giáo Người Hoa rất ít do đó chúng tôi cũng mong muốn Trung ương Giáo hội, các Ban Trị Sự Tỉnh Thành phía Nam cũng như các Ban Đại Diện Phật giáo tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề xác nhận hồ sơ lý lịch, cơ cấu nhân sự, tấn phong Giáo phẩm, ưu tiên cho Tăng Ni người Hoa thi vào các trường Phật học, các lớp đào tạo giảng sư và các Phật sự chuyên nghành.
Ngày nay vấn đề tranh chấp đất đai liên quan đến Tăng Ni, tự viện ngày càng phức tạp gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo cũng là nguyên nhân làm suy yếu Giáo hội. Đối với Tự viện Người Hoa tại các địa phương tuy Ban Đại Diện quản lý nhưng quý vị cũng cần xin ý kiến Sơn Môn Hoa Tông để khỏi xảy ra tranh chấp về sau.
Trong thời đại giao lưu và hội nhập thế giới, đã có nhiều đoàn Phật giáo các nước nói tiếng Hoa viếng thăm Giáo hội Phật giáoViệt Nam, vì vậy Giáo hội cũng nên cử đoàn viếng thăm và giao lưu với Phật giáo bạn và tạo điều kiện cho tu sĩ nước ngoài được hành đạo tại Việt Nam.
Tóm lại:
Trong quá trình hội nhập vào cộng đồng Tổ quốc Việt Nam từ vô thức cho đến ý thức trải qua các thế hệ người Hoa qua mặc dù có sự khác biệt về Văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán nhưng Người Hoa vẫn thích nghi tồn tại và phát triển theo chiều hướng đổi mới của đất nước. Đặc biệt là chính sách ưu tiên cho người dân tộc của Đảng, Nhà Nước và sự nâng đỡ nhiệt tình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người Hoa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo Người Hoa là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng sẽ phục vụ hết mình cho nước nhà và Giáo hội với vai trò là một bộ phận không thể tách rời của khối Đại Đoàn Kết toàn Dân tộc.