Trang chủ Đời sống Sử dụng hình ảnh Đức Phật trên bao bì hàng hóa: Những...

Sử dụng hình ảnh Đức Phật trên bao bì hàng hóa: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

547

Những rắc rối

Bộ đồ tắm của hãng Victoria’s Secret có hình Phật Thích Ca toạ thiền trên ngực áo và hình Quán Âm Bồ Tát ở phía dưới một chút. Ở Sri Lanka, một nhà sư đã kiến nghị Toà án Tối cao ra lệnh cấm sản phẩm này cùng với những sản phẩm khác như nến có dáng hình Phật, album nhạc có nhiều hình Phật của quán bar mang tên Buddha.

Kết quả Toà đã ra lệnh tịch thu tất cả các sản phẩm âm nhạc và bikini nói trên, căn cứ vào luật cấm sử dụng các biểu tượng tôn giáo vào mục đích thương mại. 

Ở Thái Lan phản ứng của công chúng mạnh mẽ đã dẫn đến việc chính quyền cấm nhập khẩu loại bikini “quái chiêu” ấy. Tháng 4.2004 Bộ Ngoại giao nước này còn yêu cầu Toà Đại sứ Hoa Kỳ kêu gọi hãng thời trang ngừng bán sản phẩm này trên toàn cầu.

Các Phật tử người Mỹ gốc Việt cũng lên tiếng. Bản thân tôi cũng nhận được một kiến nghị qua email có nhiều chữ ký và tôi cũng đã ký tên vào đó. Kết quả Hãng Victoria’s Secret lừng danh đã phải rút toàn bộ sản phẩm của mình trên thị trường và có văn bản xin lỗi gửi các Phật tử trên toàn thế giới.

Gỡ rối bằng luật

Những sự việc trên chứng tỏ hai điều: Thứ nhất, các sản phẩm tiêu dùng được tiếp nhận theo các truyền thống văn hoá khác nhau, và giữa phương Tây với phương Đông vẫn tồn tại không ít những khác biệt trong cách đối xử với những biểu tượng vốn được xem là “thiêng”.



Hình ảnh Phật trên áo tắm, sữa tắm… với người phương Tây có lẽ chỉ là một cái gì đó mang màu sắc “hương xa” (exotic) độc đáo, nhưng đối với đa số người phương Đông thì rõ ràng mang tính báng bổ, xúc phạm thần tượng.

Chẳng riêng thần tượng tôn giáo đâu. Hãy thử hình dung một sản phẩm tương tự mà mang hình một lãnh tụ chính trị hay anh hùng dân tộc chẳng hạn, sẽ bị phản ứng ra sao?

Thứ hai, các nhà kinh doanh, vốn coi khách hàng là thượng đế, bao giờ cũng phải quan tâm đến tâm lý của đa số người tiêu dùng, nếu không muốn hàng hoá của mình bị tẩy chay hay ghẻ lạnh. Mà niềm tin tôn giáo không những không mai một trong thời đại tưởng như vật chất lên ngôi, ngược lại đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong lòng người.

Song nói đi cũng phải nói lại. Nếu không khéo, việc cấm nhập/bán những mặt hàng “nhạy cảm” đối với tâm lý quần chúng có thể bị lạm dụng một cách tùy tiện, dựa vào cảm tính chủ quan của một số người có trách nhiệm nào đó.

Sẽ càng tai hại hơn khi mặt hàng thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, lĩnh vực mà ranh giới hay-dở, xấu-tốt nhiều khi rất khó phân định. Để tránh điều này, thiết nghĩ phải có khung pháp lý rõ ràng, cụ thể càng tốt – cũng như phải có định chế pháp quy để xử lý.

Mỗi nước sẽ có cách nhìn khác nhau về những sản phẩm nhạy cảm. Sri Lanka có luật cấm sử dụng biểu tượng tôn giáo vào mục đích thương mại, và cơ quan phán quyết là Toà án Tối cao.

Khách du lịch đến Thái Lan được hướng dẫn phải để tượng Phật như thế nào trong hành lý cho xứng hợp. Nhưng ở Nepal thì hãng máy bay mang tên Buddha lại rất đắt khách trong các chuyến bay dọc dãy núi Himalaya, và ở Ấn Độ, các tên Buddha (Phật), Gautama (Cồ Đàm) được lấy thoải mái để đặt cho các khách sạn.

Còn ở ta, đã có luật nào quy định những điều tương tự? Nếu có, lại phải xem nó có mâu thuẫn với các cam kết tự do thương mại của WTO hay không? Và cơ quan nào có quyền quyết định cho phép hay không cho phép nhập một sản phẩm như sữa tắm mang hình Đức Phật? Hình như những câu hỏi như trên ở ta vẫn bỏ ngỏ…