Trang chủ Tin tức Sự đối thoại giữa Phật giáo và Phúc lợi xã hội

Sự đối thoại giữa Phật giáo và Phúc lợi xã hội

82

I. Lời mở đầu

Xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng Phật tử cũng được nâng cao hơn.Phật giáo với vai trò là một tôn giáo lớn phải giữ được trọng trách tịnh hóa nhân tâm, ổn định xã hội nâng cao đạo đức văn hóa, kiến tạo nếp sống tường hòa, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Trong vai trò và trọng trách ấy với đội ngũ nhân lực gồm bốn chúng: tại gia là các cư sĩ nam và cư sĩ nữ, xuất gia là chư tăng và chư ni, phải được đào tạo và hướng dẫn như thế nào? Phải được hướng đạo ra sao để có thể phát huy trọn vẹn khả năng, tâm nguyện, lòng yêu nước thương dân ở mức độ cao nhất nhằm tạo ra được một không gian và vũ đài để mọi người trên cương vị và bổn phận của mình có thể cống hiến cho nhân quần và xã hội một cách thiết thực nhất.

Trong khuôn khổ của bài tham luận này chúng tôi chỉ bàn đến vai trò của Phật giáo đối với xã hội trên phương diện phúc lợi.

II. Phật Giáo và xã hội hiện đại

1. Xã hội sung túc về vật chất

Theo đà phát triển của xã hội, cuộc sống vật chất ngày một sung túc hơn, phương tiện thông tin truyền thông ngày một hiện đại và phổ biến hơn, điều kiện tu tập và tìm hiểu giáo lý của quần chúng Phật tử ngày một đa dạng và thuận tiện hơn, trình độ kiến thức của Phật tử cũng ngày được nâng cao hơn.Người Phật tử đã từ giai đoạn cầu nguyện cho sự may mắn và phước báo của tự thân chuyển dần sang giai đoạn biết đem tài sản và năng lực của mình ra để cống hiến, phục vụ tha nhân và xã hội.Cũng trên đà phát triển ấy, máy móc được thay thế cho sức người.Do vậy, không cần phải dùng nhiều thời gian nhưng năng suất lao động vẫn nâng cao, người lao động có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.

Trong cuộc sống, người Phật tử đã biết tận dùng thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn đấy để tu tập và tham gia các hoạt động phúc lợi phục vụ cho nhân quần và xã hội.Trong sự phát triển không ngừng ấy, nhất là trong thời đại thông tin và giáo dục được phổ cập như hiện nay, đã tạo rất nhiều cơ hội học tập và tiến triển cho quần chúng Phật tử, kể cả đoàn thể Tăng già cũng không ngừng tiếp thu những cơ hội học tập và phát triển ấy để từng bước thúc đẩy trình độ tri thức và tố chất của đoàn thể Tăng già lẫn Phật tử có nhiều chuyển biến tốt, với trình độ tri thức cao, họ hiểu rõ hơn về Phật pháp và nhận chân ra rằng cống hiến và phục vụ tha nhân chính là hạnh phúc của bản thân

2. Những thay đổi của xã hội đã nảy sinh nhiều vấn đề mới đe dọa cuộc sống

Với truyền thống và quan niệm của xã hội Phương Đông, người ta cho rằng muốn tiến thân và có được một chỗ đứng trong xã hội chỉ có một trong hai con đường để lựa chọn -đó là: Làm chính trị (nghĩa là làm quan) hoặc là làm kinh tế (nghĩa là làm đại gia).Nhưng với quan niệm của xã hội hiện đại ngày nay, điều đó không còn là yếu tố quan trọng  và quyết định nữa, mà trong xã hội hiện nay người ta có thể đơn thuần lấy công việc phục vụ làm nghề nghiệp chuyên môn để cống hiến và khẳng định thế đứng của chính mình trong xã hội.Mặt khác trong xã hội hiện nay, kết cấu truyền thống của gia đình về mọi mặt đã chịu sự tác động mạnh và thay đổi rất lớn ví như quan niệm “con là lộc” hay “trời sinh voi sinh cỏ” đã thay đổi làm cho số lượng nhân khẩu trong gia đình ngày một ít hơn.Kết cấu gia đình là một đơn vị kinh tế “tự cung tự cấp” trước đây đã không còn, làm cho giá trị và chức năng của gia đình bị thấp đi.Đo đó, đã xuất hiện nhiều nhu cầu mới mà những nhu cầu đó không thể hoàn toàn dựa vào nguồn cung ứng từ gia đình được như giáo dục, học đường, bệnh viện, y tế…Từ đó đã đưa con người đến với quan niệm và phương thức sống mới là cần phải có sự tương tác hỗ trợ giữa những người ngoài gia đình với nhau.

Cùng lúc đó tuổi thọ của con người trong xã hội ngày nay được nâng cao.Khi con người sống lâu hơn đã hình thành nên những quan niệm và nhu cầu mới mà ở những xã hội trước đây chưa từng có như việc cung ứng nhu cầu học tập lâu dài của con người theo mức độ thăng tiến ngày càng cao của cuộc sống, hay việc làm thế nào để đáp ứng đầy đủ những ý nguyện muốn được tiếp tục phục vụ của các cá nhân trong xã hội.Hơn nữa việc “lão hóa” trong xã hội đã đưa đến một nhu cầu rất lớn là phúc lợi xã hội giành cho người cao tuổi cũng vô cùng cấp thiết.Ngay cả vấn đề “dưỡng sanh tống tử” như nhà dưỡng lão, nhà an dưỡng, cơ sở tịnh dưỡng, nhà vãng sinh, nhà tang lễ theo đúng nhu cầu và tín ngưỡng riêng biệt của nhóm đối tượng cũng là một điều kiện sống tất yếu không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Mặt khác, khi xã hội phát triển đã hình thành nên những yếu tố mang tính chất nguy hiểm mới sẽ không ngừng phát sinh trong xã hội theo cấp số thay đổi phi thường của cuộc sống hiện đại.Con người đứng trước hoàn cảnh luôn biến đổi ấy đã nảy sinh trạng thái lo âu và tình trạng bị dồn nén về tâm lý, hoang mang trước tương lai của cuộc sống.Tất cả những yếu tố nguy hiểm trong xã hội trước đây thường chỉ xuất phát từ bản thân của mỗi người những ngược lại, trong cuộc sống hiện tại những yếu tố nguy hiểm ấy không chỉ đơn thuần phát sinh từ nơi bản thân của chính mình mà còn được phát sinh từ những hoàn cảnh khách quan của cuộc sống.Do vậy làm cho con người phải cần đến sự hỗ trợ của những người xung quanh mình.

Một vấn đề quan trọng nữa trong cuộc sống hiện này đó chính là “tình người ngày thêm bạc bẽo hơn”.Với tốc độ đô thị hóa hiện nay cùng với cuộc sống công nghiệp đã đưa người ta đến tình trạng xa lạ với người xung quannh “đèn nhà ai nấy tỏ, ngõ nhà ai nấy hay”.Mọi người sống trong hoàn cảnh các mối giao hảo lạnh nhạt và xa lạ với những người xung quanh nên càng không cảm thấy an toàn trước người khác.Cộng thêm vào đó là lối sống tranh đấu với người để đoạt lợi cho mình đã làm cho tinh thần nhân văn bị đánh mất, nền tảng đạo đức chung của xã hội không còn.Truyền thống văn hóa tương thân tương ái bị ảnh hưởng trầm trọng.Mọi người chỉ biết sống cho lợi ích riêng không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng xã hội, con người sống buông thả với ý thức “makeno”(mặc kệ nó) không còn để ý đến vấn đề đạo đức chung làm cho nội tâm của con người ngày thêm trống vắng, lo lắng lâu dần không còn cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống.Tiền bạc tuy nhiều hơn nhưng sự an lạc ngày một ít đi.

Đó chính là những vấn đề mà con người trong xã hội hiện nay đang đối mặt.Nói cách khác đó cũng chính là những vấn đề mà Phật giáo chúng ta đang đối mặt.Trước thực trạng đó Phật giáo chúng ta cần phải nhận thức được điều gì và cần phải làm gì để đạt được trọng trách phục vụ nhân quần xã hội trong lý tưởng “phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật” và “hộ đạo giúp đời”.Hay như lời của Hòa thượng Trí Thủ khẳng định: “Những gì làm cho Đạo pháp chính là làm cho Dân tộc và những gì làm cho Dân tộc cũng chính là làm cho Đạo pháp”

III. Phật Giáo cần làm gì? Và dùng cái gì để phục vụ xã hội nhân quần?

1. Tài sản của Phật giáo

Phật giáo có nguồn tài sản quý giá làm nền tảng để đối mặt, dấn thân vào phục vụ, cải hóa cuộc sống xã hội.Nguồn tài sản quý giá đó chình là tư tưởng TỪ BI, KHOAN DUNG, LỢI THA, TẾ CHÚNG trong giáo nghĩa TỪ-BI-HỶ-XẢ

Phật giáo có một đoàn thể tăng già nhiều về sống lượng lại sung mãn về tinh thần “Vô tư bất vụ lợi” hi sinh lợi ích cá nhân cho xã hội và nhân quần trong tâm nguyện “Vô ngã vị tha”.

Phật giáo lại có một đội ngũ tín đồ cũng vô cùng hùng hậu, lại thấm đượm ý chí “Vì hành phúc của tha nhân” hiểu và tu tập thực hành theo hạnh nguyện của Bồ Tát “hành lục độ, lợi quần sinh”.

Về tổ chức các cơ cấu đoàn thể của Phật giáo là những tổ chức được hình thành trên nguyên tắc vô tư, cống hiến nên là những đoàn thể được xây dựng trên nền tảng “hiệp lực tổ chức” rất dễ hợp tác với tất cả các đoàn thể khác trong nội bộ Phật giáo và kể cả với các đoàn thể khác trong xã hội vì một mục tiêu chung là “Phục vụ xã hội và nhân sinh”.Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển, Phật giáo đã tích lũy cho mình một nguồn tài sản quý giá về vô hình lẫn hữu hình để đủ sức đón nhận và cải hóa cuộc sống mới.

2. Đối tượng phục vụ của Phật giáo

Đối tượng phục vụ của Phật giáo có thể là những tổ chức của chính bản thân Phật giáo như Tăng đoàn hay tín đồ Phật giáo.Ngay chính trong nội bộ Phật giáo cũng cần phải thay đổi quan niệm và chú trọng đến việc phục vụ cho đoàn thể Tăng đoàn như việc hạn chế xây dựng chùa viện để đem nguồn tài chính ấy xây dựng các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường học, ký nhi viện, trạm y tế, cô nhi viện…vừa để phục vụ cho nội bộ tổ chức Phật giáo, vừa để phúc lợi cho những tổ chức khác trong xã hội ngoài Phật giáo, và cũng để tạo nên những đạo tràng cho Phật tử ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong cuộc sống để thực hành tâm hạnh Bồ Tát phục vụ quần sinh.

Đối tượng phục vụ của Phật giáo là phạm vi nội địa quần chúng xung quanh những cơ sở Tự Viện Phật giáo đang trú đóng, nâng dần nên phạm vi cả nước và mở rộng ra ngoài lãnh thổ, vượt qua sự hạn chế của biên giới hướng đến phúc lợi quốc tế theo tinh thần TỪ BI VÔ NGÃ của Phật giáo.

Ngoài ra đối tượng phục vụ của Phật giáo là các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng biên ải, là những người di dân đến thành thị và các địa phương mới đang rất cần sự nâng đỡ để ổn định và hòa nhập vào cuộc sống.Những đối tượng là người hợp tác lao động từ nước khác đến (đối tượng này ở Việt Nam chưa có vì đang là nước xuất khẩu lao động)nhưng phải chú trọng đến việc giúp đỡ cho người Việt Nam đi lao động hợp tác ở các nước khác.

3. Tổ chức phục vụ của Phật giáo

Tổ chức phục vụ của Phật giáo là những tổ chức sau:

TĂNG ĐOÀN

Về Tăng đoàn cần phải xây dựng thành đoàn thể Tăng đoàn vì xã hội phục vụ.Muốn làm được điều này cần phải có sự cải đổi trong kết cấu của Tăng đoàn để xây dựng Tăng đoàn thành những cơ cấu sau

TĂNG ĐOÀN TU TẬP

Gồm những vị lớn tuổi hay những vị có trình độ chuyên môn xã hội thấp, hoặc những vị có chí hướng đi sâu vào sự tu tập thuần khiết…để xây dựng thành đoàn thể gồm những vị tu sĩ chuyên tập trung vào viêc tu tập, hành trì pháp môn, giữ gìn giếng mối giới luật.

TĂNG ĐOÀN HOẰNG PHÁP

Là những vị chuyên việc thuyết giảng và xây dựng phát triển các đoàn thể tu tập của tín đồ Phật tử.

TĂNG ĐOÀN PHỤC VỤ

Gồm những vị có chí nguyện và khả năng chuyên môn, đem tri thức của bản thân phục vụ mọi lĩnh vực của xã hội.

TÍN ĐỒ

Phải tổ chức thành nhiều đoàn thể khác nhau nhằm đáp ứng cho nhu cầu tu tập và phục vụ của Phật giáo.Ngoài ra Phật giáo cũng cần đầu tư xây dựng và kiện toàn pháp nhân hóa những tổ chức của mình như quỹ, hội từ thiện, bệnh viện, trường học, nhà xuất bản…Nhằm phục vụ đắc lực và hiệu quả cho công tác phúc lợi xã hội của Phật giáo.Đồng thời Phật giáo cũng phải xây dựng những bộ phận do cư sĩ đảm trách có trình độ và năng lực để hợp tác với các đoàn thể khác trong công tác phục vụ xã hội gọi là bộ phận hợp tác hay bộ phận chi viện để giúp đỡ các đoàn thể khác cùng phục vụ xã hội.Điều cần chú ý ở đây là các nhà lãnh đạo Phật giáo phải biết đào tạo, xây dựng và sử dụng đội ngũ cư sĩ Phật tử có trình độ, có chuyên môn, có tâm huyết và có nguồn tài chính dồi dào để phục vụ và cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo và xã hội

4. Vấn đề quản lý các tổ chức phục vụ của Phật giáo

Khi có các tổ chức trực thuộc Phật giáo, vấn đề mấu chốt là quản lý các tổ chức như thế nào cho tốt.Dù là tổ chức từ thiện phục vụ xã hội nhưng nếu quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Phật giáo và kết quả phục vụ sẽ không cao.Ngoài ra phải quản lý có phương pháp và tự quản lý tốt, phải minh bạch về tài chính của các bộ phận thuộc tổ chức Phật giáo để đề phòng và ngăn trừ sự lợi dụng của các cá nhân dùng danh nghĩa của Phật giáo để mưu lợi riêng.

Làm thế nào để sử dụng và phát triển tài sản của Phật giáo trong công tác phục vụ xã hội nhằm đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề vô cùng quan trọng.Có nên đưa nguồn tài sản của Phật giáo vào đầu tư kinh doanh có quản lý hay không, đang và sẽ là vấn đề cần đầu tư nhiều suy nghĩ và bàn cãi chuyên môn để tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất.Việc quản lý tài sản cần đặt ra ở phương diện xây dựng, trong vấn đề xây dựng chùa viện cần phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ minh bạch.Đồng thời công trình xây dựng trong thiết kế phải chú trọng đến việc đa công năng sử dụng sau này, phải chú ý đến hướng xây dựng có thể sử dụng các công trình tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, văn hóa, hoạt động xã hội nhằm phát huy cao độ hiệu ích của công trình chính là phát huy tối đa hiệu ích của nguồn tài sản công mà quần chúng xã hội đóng góp cúng tặng trong ý niệm “một đồng sử dụng thành hai ba”.

Các bộ phận trực thuộc Phật giáo cần phải được pháp nhân hóa để trở thành nguồn tài sản công, tài sản tập thể của xã hội như các quỹ từ thiện, giáo dục, văn hóa phải được đưa vào hệ thống pháp luật quản lý bằng các tài đoàn pháp nhân, hoặc xã đoàn pháp nhân (sở hữu tập thể) để giám sát và quản lý có hiệu quả tránh tình trạng bị các cá nhân đem sử dụng vào mục đích khác hoặc mục đích riêng tư.Ngoài ra trong quản lý cũng cần phải tránh tình trạng tập trung nguồn sức mạnh của Phật giáo chỉ để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người mà không phải là cho lợi ích của nhân quần đại chúng.

5. Sự hạn chế trong việc phục vụ xã hội của Phật giáo

Vì mục đích đặt ra là không tham danh lợi, không buôn bán kinh doanh nên làm thế nào để có được một nguồn ngân quỹ to lớn, cố định không chịu sự ảnh hưởng của việc kêu gọi cúng dường quyên góp là vấn đề bị hạn chế rất lớn.

Mặt khác, khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các đoàn thể khác, Phật giáo bộc lộ nhiều nhược điểm về chuyên môn và trình độ quản lý của Phật giáo thường không bằng các đoàn thể tôn giáo khác.Cộng thêm vào đó hình thức phục vụ của Phật giáo thường là truyền thống và không hiện đại.

Sự hạn chế trong lĩnh vực nhân sự cũng cần được khắc phục và để phát triển nguồn nhân lực.Phật giáo cần có kế hoạch bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực không hạn cuộc trong nội bộ tu sĩ Phật giáo và tín đồ của mình, phải mở ra nhiều phương hướng và kế hoạch mới nhằm thu hút và bổ xung nguồn nhân lực.

Trên phương diện giới luật và giáo nghĩa đôi khi cũng đưa đến sự hạn chế trong việc phục vụ xã hội của Phật giáo như việc làm thế nào để kinh doanh phát triển nguồn tài sản Phật giáo mà vẫn phù hợp với giáo nghĩa và giới luật…

6. Nội dung phương thức và nguyên tắc phục vụ của Phật giáo

Nhằm tạo được sự tin tưởng của xã hội đối với các tổ chức Phật giáo, vấn đề quan trọng là phải có được tính lâu dài và bền bỉ trong các loại phục vụ.Ngoài ra cũng cần có những loại phục vụ mang tính cấp thời nhằm khắc phục một cục diện nào đó, đồng thời cũng cần có những hình thức phục vụ đặc biệt nhằm vào một nhóm đối tượng đặc biệt nào đó.Nói tóm lại cần phải có tính chuyên môn và đa dạng từ tổ chức đến hình thức phục vụ.

Về phương thức có thể là chủ động từ Phật giáo đứng ra tổ chức, cũng có thể là trước một tình hình nào đó Phật giáo nhận lời yêu cầu của các đoàn thể xã hội mà đứng ra đảm nhận.Ngoài hai phương thức trên Phật giáo cũng có thể chọn các phương thức sau để tham gia như tài trợ giúp đỡ trên một vài phương diện nào đó để các đoàn thể khác đứng ra tổ chức nếu tự thân Phật giáo không có khả năng tổ chức, hoặc ủy thác cho các đoàn thể khác đảm nhận hay cũng có thể liên kết với các đoàn thể khác để cùng đảm nhận.

Các tổ chức trực thuộc Phật giáo có thể phục vụ xã hội trên tất cả mọi phương diện như thành lập các cơ quan thông tin báo chí, đài truyền thanh truyền hình, trường học bệnh viện, cơ sở văn hóa xã hội hay phục vụ tại các cơ quan nói trên nếu không thể tự thành lập.

Ngoài ra cũng có thể phục vụ nhằm vào các lĩnh vực đặc thù như nhà lao, quân đôi, nạn nhân, người già, trẻ em, người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người nước ngoài, người có thu nhập thấp…

Nguyên tắc cần phải tôn trọng đó chính là:Lấy nguyên tắc đề phòng làm ưu tiên, vượt qua sự giới hạn của các thuộc tình như màu da, giới tính, tuổi tác…Phải công khai minh bạch các quyết sách và tài chính.Người lãnh đạo và các thành viên tham gia trong các tổ chức phục vụ xã hội của Phật giáo phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc căn bản là :Phải sống đời sống thanh bạch và liêm khiết.Phải biết trân trọng và nâng cao hiệu quả của đồng tiền và tài sản mà các nhà hảo tâm đóng góp.Phải chú ý nâng cao tinh thần văn hóa và tinh thần nhân văn trong mọi hoạt động phục vụ

IV. Kết luận

Trước thời đại mới, Phật giáo phải đối mặt, dấn thân xây dựng và cải hóa xã hội bằng tinh thần “trí tuệ từ bi” để “tịnh hóa nhân tâm”, xây đắp “nhân gian tịnh độ” tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội và phát huy văn hóa dân tộc.

Công tác phục vụ xã hội của Phật giáo nhằm vào mục tiêu cao đẹp ấy nhưng trong thực tế hiện tại công tác phục vụ xã hội của Phật giáo vẫn còn tồn tại một số phương diện chưa được kiện toàn.Mặc dầu vậy nhưng nếu tăng đoàn và tín đồ đồng tâm hiệp ý xây dựng thì trong tương lai chuyển biến tốt nhất định sẽ đạt được.

Nhằm thực hiện được trọng trách và mục tiêu cao đẹp đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo phải biết vận động các nhà lãnh đạo đất nước đồng ý mở ra các cơ chế và điều kiện để cho Phật giáo và và các đoàn thể tôn giáo khác dấn thân và phục vụ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực phúc lợi xã hội phát huy văn hóa dân tộc.

Phật giáo nghìn đời luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong tinh thần “Hộ quốc an dân” .Quá khứ đã vậy, hiện tại cũng thế, và tương lai cũng không bao giờ thay đổi…Đạo pháp và dân tộc luôn là chất liệu muôn đời của Phật giáo.

Thích Giải Hiền

Hội trưởng hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức