Trang chủ PGVN Cửa thiền Sư cô nặng nghĩa với mọi người

Sư cô nặng nghĩa với mọi người

302

Mới 14 tuổi, cô bé có đôi mắt sáng, thông minh lanh lợi với bao kỳ vọng của gia đình. Nhưng sau một đêm ngủ dậy, cả nhà bàng hoàng vì cô đã biến mất như chuyện cổ tích vậy. Ít hôm sau gia đình mới phát hiện bức thư cô để lại chỉ vỏn vẹn ít dòng: “Ba má đừng buồn vì con. Kể từ ngày hôm nay, con sẽ xa rời trần tục để đeo đuổi một ý tưởng riêng đã từng ấp ủ, nhằm giúp ích cho chúng sinh sau này, con nhớ ơn ba má!”.


 


Cô đã tìm tới cửa thiền xuất gia để tu học ở tịnh xá Ngọc Phương (quận Gò Vấp, Sài Gòn – nay là TP.Hồ Chí Minh). Sau đó ít lâu, năm 1970, Sư cô được điều về trụ trì tại tịnh xá Ngọc Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ rồi năm 1971 trụ trì tịnh xá Ô Môn cùng tỉnh này. Ý thức được rằng, muốn chăm lo và hiểu sâu đạo pháp, trước hết phải học để khai sáng cái tâm, năm 1973, Sư cô theo học Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Theo Sư cô, học như vậy có lao tâm khổ tứ nhiều hơn, nhưng bù lại tiết kiệm được khá nhiều thời gian để lo việc đạo pháp như lòng đã nguyện.


 


Trong thời gian học tập tại đây, Sư cô đã từng chứng kiến các cuộc biểu tình trong giới sinh viên, học sinh hết sức rầm rộ. Sư cô Xuân Liên đã cùng sát cánh với đội ngũ trí thức yêu nước chịu những trận vòi rồng, lựu đạn cay, dùi cui, ma trắc… của cảnh sát Sài Gòn thẳng tay đàn áp.


 


Cuối cùng, chiến thắng thuộc về những trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ học đường, trong đó có tu sĩ Xuân Liên.


 


Con đường học vấn đang rộng mở thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, hậu quả của 30 năm chiến tranh để lại thật nặng nề. Tình hình Phật giáo lúc bấy giờ cũng chưa thật ổn định, Sư cô Xuân Liên cùng một số Ni chúng gác bút nghiên rời thành thị về quê tìm ruộng rẫy làm kinh tế tự túc. Chương trình sản xuất tự lực cánh sinh này do cố Ni trưởng Huỳnh Liên đề xướng với phương châm “sống đoàn kết, học hạnh xả kỷ lợi tha, vì đá hóa ngọc, đất thành vàng, nhất tâm đoàn kết muôn vàn thạnh hưng”.


 


Địa bàn mà Ni sư và Ni chúng đặt chân tới lúc ấy là huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ngoài việc tăng gia sản xuất, chuyên cần kinh kệ, Ni sư vẫn dành thời gian dạy lớp học bổ túc văn hóa và cả dạy Anh văn cho một số cán bộ cách mạng ở rừng ra cùng thanh niên địa phương. Có thể nói, đó là những lớp học đặc biệt để lại những dấu ấn sâu đậm không thể mờ phai trong tâm trí thầy và trò. Năm 1978, với sự trợ duyên của huynh đệ và Phật tử gần xa, ngôi tịnh xá Ngọc Tuệ tại Phước Thái, Long Thành được tạo dựng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây vốn là rừng nối rừng, là cửa ngõ vào Chiến khu Rừng Sác đầy bom đạn và chất độc hóa học của kẻ thù. Sư cô được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì. Một sư cô mới 24 tuổi đời mà được bổ nhiệm trụ trì một tịnh xá quả là hiếm. Từ năm 1985 đến năm 1989, Sư cô tiếp tục chương trình đại học và đã tốt nghiệp cử nhân văn chương Đại học Tổng hợp và cử nhân Đại học Sư phạm (TP.Hồ Chí Minh). Tiếp đó, sau năm 1990, bốn năm liền học lớp giảng sư khóa hoàn thiện đầu tiên do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.


Những năm vừa qua, Sư cô Xuân Liên không chỉ chăm lo Phật sự tại tịnh xá Ngọc Tuệ mà còn tham gia giảng dạy tại các trường Phật học Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Định… Dưới sự chăm sóc về mặt đạo pháp của Ni sư, nhiều vị Ni ở một số trường Phật học đã bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp.


 


Chăm lo việc đạo, việc đời


 


Từ những năm 1990, Sư cô đỡ đầu 2 cháu cơ nhỡ ở tịnh xá Ngọc Uyển thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa được đi học từ lớp 1 đến hết cấp III. Nhờ vậy sau này các cháu tiếp tục học trường Phật học của Phật giáo tỉnh. Kể từ đó, lần lượt các cháu ở đây đó vì gia cảnh không thể cùng bạn bè tới trường Sư cô lại ghé vai nâng đỡ cho tập vở, quần áo, có khi cứu đói cho gia đình để an ủi cha mẹ động viên con cái tiếp tục đi học. Sư cô còn bảo trợ cho em Tràn Nguyên Lãm, ấp Hiền Đức, xã Phước Thái, sinh viên năm thứ 3 Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, mỗi kỳ 1.200.000đ; em Phạm Mai Thúy Hằng, tỉnh Đồng Tháp, Đại học Sư phạm TP.HCM năm thứ nhất một khoản kinh phí để em có điều kiện trang trải sinh hoạt cho tới khi các em tốt nghiệp.


 


Với ý nguyện “lấy lý tưởng giải thoát làm mục tiêu tối hậu”, NS Xuân Liên và Ni chúng tịnh xá Ngọc Tuệ đã đem hết sức mình cống hiến cho đạo pháp, cho cuộc đời theo hạnh nguyện của thầy tổ, người đã khai sáng tâm trí cho mình từ thuở nào.


 


“Nguyện xin hiến trọn đời mình/ Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương”