Trang chủ Người thời nay Sư cô Hằng Liên – thiền sư tâm huyết và chan chứa...

Sư cô Hằng Liên – thiền sư tâm huyết và chan chứa yêu thương

3209

Chính những giọt nước mắt của thiền sinh, chính sự hân hoan của các trò, chính tình yêu thương vô bờ bến của sư cô, lòng vị tha quá lớn của cô khiến tôi gõ ngay những dòng chữ này để mong sớm được lan tỏa.

Sư cô Hằng Liên sinh ra trong một gia đình không may mắn mà như cô tâm sự “sinh ra từ bóng tối”. Chính nhờ nhân duyên này nên sư cô sống ở chùa từ nhỏ, và cô biết đến Phật pháp rất sớm, giác ngộ khi từ nhỏ và nhận ra sứ mệnh cuộc đời khi các bạn cùng lứa vẫn đang mải chơi.

Sư cô lớn lên khi đất nước mới thống nhất nên không có điều kiện được học hanh đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn rất vô cùng may mắn khi sư cô được học bổ túc văn hóa. Tôi nghe kể mà khâm phục tinh thần quyết tâm học tập của cô, quyết chí phấn đấu của cô, để cuối cùng được hoc tiếp tại học viện Phật giáo TP HCM ngay những khóa đầu tiên.

Chắc ít ai tin rằng sư cô với vóc người nhỏ bé, gặp bao khó khăn từ nhỏ lại nhanh nhẹn, hoạt bát và xông xáo đến vậy. Có nhiều người không tin rằng dù không có điều kiện học hành mà cuối cùng sư cô nhận đến 2 bằng tiến sỹ tại chính đất Phật Ấn Độ. Và thời gian cô du học và tu học tại vùng đất thiêng lên đến …16 (mười sáu) năm.

Tôi cũng nghĩ rằng khi học về cô sẽ chọn nơi cống hiến và hoằng pháp là 1 thành phố lớn, hay ít nhất là khu dân cư đông đúc. Nào ngờ “đất đóng đô” của sư cô Hằng Liên lại là chùa “rắn”. Gọi là chùa “rắn” bởi vùng đất này có rất hiều rắn. Rắn sống rất nhiều trong chùa và quanh chùa. Mọi người kể lại rằng khi mới về cô ngồi thiền cùng rắn, sống cùng rắn,… Nghe mà thấy sởn tóc gáy! Quá bái phục. Bởi nhà sư vốn đã quá nhỏ bé và lại là phụ nữ. Sống vùng rừng núi Nam Cát Tiên này đâu có dễ gì, ngay cả với đàn ông và quý tăng!

Ít tai biết rằng sư cô Hằng Liên phải bỏ tiền ra thuê cả hơn trăm xe chở cát đá tạo ra con đường vào chùa! Cả trăm triệu cứ không ít. Trước đây đường vào là vùng sình lầy, ruộng và nước. Tôi nhớ lần đầu tiên mình đến đây 4 năm về trước xe phải đỗ ngoài xa để đi bộ vào chùa. Người ta còn kể, mỗi lần có khách đến là sư cô phải ra đẩy xe…vượt lầy!

Bây giờ đến Hồng Trung Sơn, các thiền sinh đã được ngủ trong nhà mái tôn, có trai đường sạch sẽ. Lối đi đang được trải đá. Mặc dù gồ ghề, khó đi nhưng ít nhất không bị ngã bởi đất lầy sau mỗi cơn mưa. Sư cô bảo tôi “Thế lại càng tốt, bởi các thiền sinh càng có cơ hội tỉnh giác trong từng bước đi, quân bình trong mỗi giây phút của cuộc sống”.

Bây giờ từ đường cái nhìn vào chùa đã thấy bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất lớn và uy nghi. Riêng nhìn bức tượng nằm giữa hồ sen thôi đã biết công sức và sự đóng góp của các phật tử lớn như thế nào. Rằng sư cô Hằng Liên phải có uy tín và tâm huyết đến đâu để vùng đất nghèo, xa xôi này có duyên lớn đến vậy.

Bạn sẽ không thể biết chính sư cô Hằng Liên là người đã mang thiền minh sát tuệ Vipassana từ Ấn Độ về Việt Nam. Cô đã theo học nhiều khóa thiền 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày và 60 ngày để khám phá đến sâu xa, đến tận cùng giá trị siêu việt của thiền minh sát, để tìm ra vốn quý vô vàn từ thiền Vipassana do Đức Phật để lại. Suốt bao năm qua, dù điều kiện còn rất khó khăn nhưng mỗi năm ít nhất 6 khóa thiền, mỗi khóa kéo dài 10 ngày vấn được diễn ra đều đặn tại chùa. Tôi thì xúc động nhất khi biết rất rõ rằng, mỗi khi các thiền sinh về sư cô phải mất 10 ngày để thu dọn. Vậy mà cô vẫn rất hoan hỷ, rất vui.

Bạn có biết rằng mỗi khóa tu có đến cả hơn trăm thiền sinh. Bạn có biết rằng những chương trình lớn tại Hồng Trung Sơn có đến cả ngàn người về dự. Vậy mà ngôi chùa chỉ có 2 thầy trò: sư cô và đệ tử Trung Nguyện còn rất rất trẻ, tuổi dưới 20. Càng khâm phục nghị lực và tâm huyết của thầy trò cô hơn. Bởi đơn giản, nếu là tôi, chắc chắn không dám sống ở đây chứ không nói đến việc cải tạo, xây dựng vùng đất hoang, sình lầy thành ngôi chùa và thiền đường tuyệt đến vậy.

Tôi xúc động khi nghe chuyện sư cô bị tai nạn và nằm liệt giường cả mấy tháng trời. Cuối cùng nhờ thực tập thiền Vipassana mà sư cô đã khỏe lại. Cũng hình như bởi vậy nên cô càng có quyết tâm cao hơn trong việc hướng dẫn các thiền sinh tu tập. Và cách trả ơn Đức Phật và Chánh Pháp tốt nhất của sư cô chính là những gì sư cô đang làm: cống hiến thân tâm cho Chánh Pháp.

Mười ngày của khóa thiền Vipassana rồi cũng trôi qua. Từ những ngày đầu đau đớn, hoang mang, chán nản, nhất là phải đối diện với cái tâm hoang dã, cuối cùng niềm vui đã đến – ta tìm thấy con đường! Mỗi thiền sinh đều đã khám phá và đối diện, đã trải nghiệm tỉnh giác và buông xả trong từng nỗi đau, đã phấn đấu giữa hoang mang, đau nhức và tỉnh giác để quân bình và buông xả, để hạnh phúc được tăng dần. Cuối cùng bình minh đã lên sau giông tố, nụ cười chân thật đã đến với trái tim chan chứa yêu thương.

Tôi không tiện ghi hết ra đây những lời nói xúc động, những sẻ chia hết đỗi chân thành của các thiền sinh trong ngày thứ 10 của khóa thiền. Tôi không thể chép nổi niềm vui của các bạn thiền sinh đến từ mọi miền đất nước trước giờ chia tay. Tôi chỉ ghi ra ý kiến của 2 trò Duy Vũ, Duy Anh mà tôi đưa theo: Không muốn về nhà. Hóa ra rừng rú xa xôi cũng có sức hút kỳ lạ. Sức hút của thiên nhiên, đất trời, sức hút của sư cô Hằng liên!

Một tin vui lớn: năm nay sư cô đã quyết định mở khóa tu thiền Vipassana 10 ngày dành riêng cho thanh niên tuổi 18 đến 25 từ ngày 03/06 aal lịch tức 21/07 dương lịch.Tôi biết ơn tình yêu thương chan chứa của sư cô. Bởi như vậy, có cả trăm bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với Chánh Pháp, với Đạo Phật ngay trong mùa hè 2012 này.

Tôi mơ đến một thiền viện lớn Vipassana tại ngay Việt Nam ta.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà