Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Sự chộp giật của báo Người Lao động

Sự chộp giật của báo Người Lao động

Một thói hư của tin mạng là không cần nhận thức xem tin ấy là đúng hay sai, cứ thấy báo Người lao động đưa lên là chửi rủa, vì họ cả tin rằng báo luôn đưa tin khách quan trung thực.

614

Một cơ quan ngôn luận đại diện cho tiếng nói của số đông thì phải đưa tin trung thực khách quan. Muốn cổ vũ một xã hội trung thực, công bằng thì các công cụ thực thi nó phải đi đầu trong nhận thức ấy, không cho phép đưa tin thiếu kiểm chứng nhằm giật view câu like.

Là một người tu hành, nhìn một cách khách quan, tôi chưa từng có một nhận xét nào bênh vực cho việc làm của cá nhân bà Yến, dù rằng với những gì diễn ra tại chùa Ba Vàng tôi cho rằng cần có những cách nhìn khách quan và nhiều chiều hơn, đặc biệt trong việc thực hiện các nghi thức tôn giáo khi trị liệu các chứng bệnh tâm thần hay “vong” nhập…

Bởi ngay vừa mới đây thôi, có một người Phật tử Việt Nam ở Ba Lan giới thiệu một người bạn Ba Lan, cô ta là nghiên cứu sinh đang du học ở Việt Nam, nhờ tôi giúp đỡ, vì đề tài luận án của cô là tìm hiểu về nghi lễ giải oan cắt kết trong Phật giáo.

Tôi xin trở lại với phóng viên Yến Anh – Trọng Đức và báo Người Lao động khi họ cho giật tít “Giáo hội Quảng Ninh nói gì về việc bà Phạm Thị Yến tươi cười xuất hiện tại Đại lễ Vesak?

Điều đáng nói trong bài viết họ ghi: “Trước đó, ngày 12-5, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh bà Phạm Thị Yến trong trang phục màu đỏ, cầm cờ được cho chụp tại chùa Tam Chúc – nơi diễn ra đại lễ Phật đản khiến dư luận xôn xao vì một Phật tử có nhiều tai tiếng lại vẫn được chọn tham dự đại lễ này.”

Là một người từng có thời gian dài làm báo, tôi cho rằng bài viết này không chỉ vô ý thức, thiếu trách nhiệm, đổ thêm dầu vào lửa mà còn là hành vi vô đạo đức trong nghề nghiệp.

Vì sao tôi nói rõ như vậy?

Vì ai cũng biết bà Phạm Thị Yến là tâm điểm của cơn bão dư luận vừa qua. Bất cứ hành động nào của Bà Yến mà sai sót cũng sẽ trở thành tâm bão của dư luận, gây ra sự phẫn nộ.

Vậy mà họ đã kéo hình ảnh mừng lễ Phật đản của bà ấy từ chùa Ba Vàng Quảng Ninh đến Đại lễ Vesak ở chùa Tam Chúc Hà Nam, nơi đang quy tụ rất nhiều tăng ni Phật tử, học giả, nguyên thủ quốc gia đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một nhân cách lầm lỗi như bà Yến mà “có vé mời” và xuất hiện tươi vui như thế trong Đại lễ Vesak, thì cơn giận dữ của dư luận sẽ trút xuống Phật giáo như thế nào?

Một thói hư của tin mạng là không cần nhận thức xem tin ấy là đúng hay sai, cứ thấy báo Người lao động đưa lên là chửi rủa, vì họ cả tin rằng báo luôn đưa tin khách quan trung thực.

Không ngờ báo Người lao động lại tiếp tay cho thói hư ấy bằng việc đưa tin thiếu lương thiện, khi không kiểm chứng thông tin, vì dẫu gì sự kiện Đại lễ đang diễn ra, không thận trọng là làm tổn thương tình cảm của đa số người Phật tử.

Còn về việc bà Yến xuất hiện tại chùa Ba Vàng Quảng Niinh là điều hoàn toàn bình thường, bởi bà không bị mất quyền công dân, bà không bị lệnh quản thúc hay lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc bà vui tươi trong ngày lễ Phật đản ở Quảng Ninh là cách thể hiện niềm tin tôn giáo của bà, bởi quyền tự do tín ngưỡng là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Ai biết vui với điều thiện thì điều thiện sẽ được thức tỉnh.

Sự chộp giật thông tin của báo Người lao động cho ra một hình ảnh chộp giật thông tin rộng lớn hơn, và người ta có quyền nghi ngờ về tính đúng đắn của nó trong hành vi dẫn dắt dư luận.