Trang chủ PGVN Cửa thiền Sư cả Chùa Dơi hết lòng vì đạo và đời

Sư cả Chùa Dơi hết lòng vì đạo và đời

60

Chùa Mahatúp tức Chùa Dơi (Sóc Trăng) đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Song có không nhiều người biết được rằng nơi đây từng có một thời nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng và người có công thực hiện nhiệm vụ đó chính là sư cả Kim Renne, người đã được tín nhiệm phong làm sư cả từ năm 1978 đến nay.


Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông (cụ Kim Rực) vốn là người sớm giác ngộ cách mạng từ thời chống Pháp ở xã Đôn Châu huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Vì bị địch truy đuổi gắt gao nên ông đã lánh sang Sóc Trăng hoạt động rồi bị địch bắt tra trấn rất dã man nhưng ông vẫn nhất định không khai. Không khai thác được gì từ ông, bọn chúng buộc phải thả, nhưng vì hậu quả của những trận đòn roi đó đã khiến ông không qua khỏi sau một tháng.


Tiếp nối truyền thống của cha, năm 1969, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vào tu học tại Chùa Dơi cho đến ngày nay. Quá trình tu học, ông là người tích cực hoạt động trong lòng địch. Chùa Dơi chính là nơi che giấu, nuôi dưỡng và cung cấp tiền bạc, lương thực cho cán bộ, đồng thời là nơi đấu tranh không khoan nhượng với chế độ Mỹ ngụy về bắt lính, đàn áp tôn giáo…


Sau giải phóng, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Năm 1977, ông chính thức được phong sư cả trụ trì chùa cho đến ngày hôm nay. Những ngày sau giải phóng, trong vai trò là sư cả trụ trì chùa, ông đã tích cực cùng với chính quyền địa phương vận động bà con phật tử cùng chung tay xây dựng lại quê hương, như đào kênh, đắp đường… hình thành nên những ngôi nhà mới, làng quê mới.


Song song đó, ông còn tổ chức, củng cố lại nơi thờ cúng, đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ đàn dơi quạ để duy trì “thương hiệu” của ngôi chùa cũng như để bà con phật tử có nơi, có chỗ hành đạo.









Sư cả Kim Renne và vợ chồng ông Davis James bên bảng công nhận Di tích LSVH cấp Quốc gia. Ảnh: PV.


Sư cả Kim Renne tâm sự: Hồi đó, ngoài giờ hành đạo, tôi thường xuyên xuống tận phum sóc vận động bà con lao động sản xuất. Để tiếng nói của mình đến được với đồng bào cũng như để đồng bào hiểu rõ hơn chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tôi đã tham gia vào thành viên của Mặt trận Tổ quốc TP Sóc Trăng từ những năm 1981 đến nay để lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như truyền đạt những chính sách mới của Nhà nước để bà con thực hiện tốt”.


Dù ở bất cứ cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt từ năm 1999, khi Bộ VHTT – nay là Bộ VH-TT&DL công nhận Chùa Dơi là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, ông là người tích cực đứng ra vận động bà con giữ gìn, không săn bắt dơi.


Đồng thời, vận động bà con tích cực ủng hộ ngày công, tiền của để cùng với Nhà nước xây dựng lại khuôn viên chùa, phòng đọc sách, phòng học để con em trong vùng đến học chữ Khmer trong mỗi dịp hè, cũng như các tuyến đường giao thông nông thôn trong phum sóc để bà con có điều kiện đi lại, phát triển sản xuất.


Theo anh Triệu Tha -Trưởng ban nhân dân ấp, từ khi Nhà nước đầu tư Chương trình 134, 135 trên địa bàn, sư cả Kim Renne là người tích cực vận động bà con hưởng ứng ngày công, có lúc ông huy động đến gần 200 người để cùng nhau làm đường. Vì vậy, từ chỗ điều kiện đi lại khó khăn, canh tác chỉ 1 vụ/năm thì ngày nay bà con mình đã được Nhà nước đầu tư đường giao thông, 100% có điện thắp sáng, bơm tưới; 85% có nước sạch sinh hoạt…


Có một thực tế là dù Sóc Trăng có đến 92 ngôi chùa Khmer nhưng tại Chùa Dơi này không chỉ nổi tiếng về những đàn dơi quạ mà còn là địa chỉ để du khách tìm hiểu về văn hoá Khmer Nam bộ, đặc biệt là về tín ngưỡng cho các bạn sinh viên, du khách nước ngoài.


Hôm chúng tôi đến chùa, chứng kiến cảnh vợ chồng ông Davis James, du khách người Anh trầm trồ, kinh ngạc khi được sư cả Kim Renne giải thích về những phong tục tập quán, tín ngưỡng của bà con Phật tử Khmer cũng như vai trò của chiếc ghe ngo trong đời sống tinh thần của bà con…


Thời gian qua, nhờ công tác vận động quần chúng, tại đây không hề xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự nào nghiêm trọng. Ông đã được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương Vì an ninh Tổ quốc bởi thành tích 15 năm liền không để xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng.


Chùa Dơi ngày nay không chỉ là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn là địa chỉ để bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Đặc biệt sự hiện diện của đàn dơi quạ hàng chục ngàn con chính là biểu tượng của vùng “đất lành chim đậu”. Trong đó vai trò của sư cả Kim Renne là rất lớn