Sáng sớm hôm nay, trời Sài gòn bỗng se lạnh
Vụt dậy bàng hoàng, tung cửa đón tin đau
Một giọng Huế hiền hòa, một đời đạo hạnh thanh cao
Đã vĩnh viễn đi vào miền tịch diệt.
Chuông điện thoại vang lên, bỗng dưng tôi có cảm giác không an khi hằng ngày vào giờ này ít khi có ai gọi. Từ bên kia đầu dây, Đạo Hữu Tánh Thuần thông báo một tin buồn: NI TRƯỞNG THÍCH NỮ BẢO NGUYỆT KHÔNG CÒN NỮA! Người đã thuận thế vô thường vào lúc bốn giờ sáng nay!
Tôi bàng hoàng đứng lặng một giây lâu rồi tiến đến thắp hương lên bàn thờ Phật. Chợt biết ánh mắt đã nhòe, tôi cứ để mặc cho hai dòng lệ tuôn trào.
Vậy là từ đây, trên bước đường đời hãy còn nhiều gập ghềnh hiểm trở này, tôi mất thêm một vị ân sư khả kính, một hình mẫu đã gieo biết bao cảm hứng trong văn thơ nhạc họa của tôi trên bước đường phụng sự văn hóa văn nghệ Phật giáo, về một vị Tỳ Kheo Ni: màu y vàng giải thoát với áo hậu lam hiền màu khói hương.
Chạnh nhớ thuở xa xưa, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, từ văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Quận 9, anh em chúng tôi đạp xe đến chùa Diệu Giác thường xuyên mỗi khi truyền đạt thư mời, nhất là với đoàn thể mới mẻ lúc đó: ĐOÀN HỌC SINH PHẬT TỬ MỤC KIỀN LIÊN do tôi làm đoàn trưởng.
Việc liên lạc gắn bó với Sư Bà còn mang nhiều dấu ấn đặc biệt hơn. Đó là những khi chuyện sinh hoạt lâm vào bế tắc hay vướng mắc những vấn đề với cảnh sát quận 9 thời bấy giờ, do đoàn thể của anh em chúng tôi tích cực tham gia vào các cuộc vận động của Viện Hóa Đạo. Sư Bà luôn là người vỗ về, an ủi chúng tôi như một người mẹ người chị khả ái trong mái nhà chung ánh đạo vàng.
Đó là quãng thời gian tôi gần gũi Sư Bà nhiều nhất. Đôi khi rảnh rỗi còn đến phụ sửa sang bàn ghế cho Ký Nhi Viện Diệu Giác, được Sư Bà và Ni sư Huệ Trí tiếp đãi nồng hậu. Khoái nhất là những lúc năn nỉ hai vị cho anh em chúng tôi xuống ruộng cùng chư Ni phía sau chùa để nhổ đọt môn – món chư Ni làm cho ăn không nơi nào tôi thấy lại, rất ngon.
Nói là phụ chứ chỉ toàn là “quậy “ thì có. Nhiều khi vui quá anh em chúng tôi đùa nghịch, chư Ni không la rầy mà còn mắng yêu rằng “Răng mà vui dữ rứa! Mấy con mệt chưa chừ lên bờ tề?”.
Khi lên bờ vào chùa, Sư Bà vẫn cười nhỏ nhẹ, xoay tròn bàn tay trên đầu tôi “Mi xứng đáng luôn là đứa cầm đầu”.
Ngày đó, Chùa Diệu Giác, dưới bóng cả đại từ của Sư Bà, luôn là một ngôi chùa của Ni Bộ điển hình, rất gương mẫu trong các hoạt động của Giáo Hội.
Đất Thủ Thiêm nói chung và An Khánh nói riệng, ngoài văn phòng Ban Đại Diện từng đón bước chân của Ôn Huyền Quang, Ôn Già Lam và Ôn Từ Đàm (những khi đi thị sát tình hình treo cờ PG mừmg Phật Đản), thì chùa Diệu Giác chính là nơi duy nhất được chư Tôn lãnh đạo Giáo Hội về nghỉ và giảng pháp, nhiều nhất là Ôn Già Lam.
Ngày đó chung quanh chùa là đồng không mông quạnh, lác đác vài ngôi nhà buồn tẻ nằm lẩn khuất sau các lùm cây. Xa xa kia là một bãi rác (lúc ấy gọi là “Sở Rác Mỹ”). Buồn lắm cái nhìn cõi trần đời như sáng đẹp lắm ánh sánh đạo hạnh.
Sau năm 1975, do hoàn cảnh chung, tình hình sinh hoạt các đoàn thể thanh niên Phật giáo phần lớn đều đình trệ tê liệt. Đoàn HSPT Mục Kiền Liên của anh em chúng tôi cũng không ngoại lệ, nhưng đáng tự hào hơn là sinh hoạt cầm chừng mãi đến năm 1977.
Trước khi chính thức ngừng sinh hoạt, anh em chúng tôi còn tổ chức được một cuộc trại mang tên chính đoàn thể mình, và cuộc trại đáng nhớ, để đời này được sự đùm bọc, che chở của chính Sư Bà và Ni Sư Huệ Trí – những người trực tiếp hỗ trợ anh em chúng tôi suốt ngày trại ấy.
Khi đó chùa Diệu Giác thân yêu của anh em chúng tôi chưa xây mới, tượng Quan Âm lộ thiên còn phải dựng tạm góc khuất bên trái chùa, mặt tượng hướng ra phía cầu đen. Chính ngay dưới thềm chân tượng Quan Thế Âm này, tất cả doàn sinh, huynh trường tập hợp ngay hàng thẳng lối, nghe Ni Sư Huệ Trí thay mặt Sư Bà truyền trao cho anh em chúng tôi những lời đạo vị, chan chứa một cõi an lành, làm hành trang cho anh em chúng tôi cất bước đến tận ngày hôm nay.
Về sau này, trong công tác Phật sự, nhiều lần gặp lại Sư Bà, tôi chưa kịp đến vái chào thì Sư Bà đã nhanh hơn thốt lên “Ư! Anh Thành đấy hả!”. Nhiều lúc không kìm được cảm xúc, tôi nắm lấy tay Sư Bà như thủa còn trẻ nũng nịu trên chùa. Khi tôi chợt tỉnh thoáng chút bối rối thì Sư Bà nói “Có chi mô! Rứa con nhà Phật cả thôi Anh Thành hỉ!”.
Mới hơn một năm qua thôi, Sư Bà thường xuyên lâm bệnh, rất yếu. Nhưng khi nghe tin tôi đến thỉnh Sư Bà chủ trì lễ Hằng Thuận cho đứa cháu tại chùa Diệu Giác, thì đích thân Sư Bà đã đứng ra lo liệu tất cả cho tôi.
Một chi tiết đáng nhớ nhất là khi gia đình hai họ vân tập đủ đầy nơi chính điện, Sư Bà từ bên trong Ni phòng đi ra và đang chỉ chư Ni làm chi đó, nhưng tiến sát gần tôi thì cũng chính Sư Bà thốt lên trước “Anh Thành nớ à” làm tôi lúc ấy hết sức tự hào và cũng hết sức bàng hoàng cảm động.
Gần gũi và thân thương đến như vậy đấy!
Làm sao tôi không chan chứa, tiếc nuối đây.
Có thể nói, những thành quả Phật sự tôi có được ngày hôm nay có sự hun đúc tinh thần rất lớn từ nơi Sư Bà truyền trao. Tuổi thanh niên đầy hoa mộng, tôi bước vào đời đã gặp được đạo, gặp được bóng cả đại từ của Sư Bà, gọt giũa dáng đứng cho một cái tên GIÁC ĐẠO DƯƠNG KINH THÀNH thêm sáng đẹp.
Vậy nên tự thân tôi đã thấy được phúc báu của mình nó to lớn biết ngần nào.
Giờ Sư Bà không còn nữa rồi để tôi nuôi cái ước nguyện rằng sẽ có một ngày nào đó, con lại sẽ cùng quý chư Ni chùa Diệu Giác lội xuống ruộng, để nhớ lại cảm giác chân bị dính bùn dơ ra sao và ghi nhớ mãi ra sao trên bước đường đời hãy còn rất dài phía trước. Để được Sư Bà “Thọ ký” một lần nữa rằng “Mi xứng đáng luôn là đứa cầm đầu”.
Ngưỡng bạch Giác Linh Ni Trưởng!
Con biết! Khóc thương chỉ làm nhòe đi con đường tiến tu để giải thoát. Nhưng còn sống giữa cõi trần, chung quanh nhiều sự thế nhiễu nhương. Một giọt nước mắt rơi để tưởng nhớ một thâm ân vẫn chưa đủ để thức tỉnh những tâm hồn còn lưu lạc. Vậy thì xin cho con – MỘT KẺ XỨNG ĐÁNG LÀ ĐỨA CẦM ĐẦU này được khóc, để được nghe lại những thanh âm ngày xưa mà con chắc rằng khó có ai trong đời tu học như con có được. Rồi sẽ bơ vơ, mất mát thêm một nguồn cội thâm ân, một chỗ an dựa tinh thần không nhỏ mà tuổi thanh xuân của con ngày đó may mắn được thọ hưởng. Thôi thì ngưỡng mong Giác Linh Ni Trưởng – vị Sư Bà Bảo Nguyệt thân yêu của con, cho con tiếp tục mang theo bên mình những tháng ngày lung linh sáng đẹp ấy, để con có thể sống tốt hơn, làm nhiều hơn nữa cho Đạo Pháp hôm nay và mai sau. Con cúi đầu vọng bái! |