Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Sống với rắn độc

Sống với rắn độc

89

Ðây là thời Pháp được thuyết giảng vì lợi ích của một vị đệ tử mới, sắp lên đường trở về Luân Ðôn (London). Ước mong rằng những lời dạy nầy sẽ giúp Cụ lãnh hội Giáo Huấn đã thọ nhận tại Wat Pah Pong nầy. Một cách giản dị, đây là pháp hành nhằm vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng luân hồi.

 
Nhằm thực hành pháp môn nầy xin Cụ hãy ghi nhớ nằm lòng: phải nhìn tất cả mọi sinh hoạt khác nhau của tâm, tất cả những gì Cụ ưa thích và tất cả những gì Cụ ghét bỏ, giống như Cụ nhìn một con rắn độc. Rắn độc vô cùng nguy hiểm. Nọc độc của rắn đủ sức làm cho ta chết ngay nếu vô phúc bị nó cắn. Những cơn vui buồn thương ghét của ta cũng dường thế ấy. Những cơn vui mà ta ưa thích là con rắn độc, và những cơn buồn mà ta ghét bỏ cũng là con rắn độc. Cả hai đều ngăn ngừa không để cho tâm của ta được tự do, và tạo chướng ngại, không cho chúng ta thông hiểu chân lý đúng theo như Ðức Phật dạy.
 
Như vậy cần phải cố gắng, ngày đêm gia công bảo trì chánh niệm. Dầu trong lúc đang làm gì, đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện hay bất luận làm gì khác, luôn luôn phải làm với chánh niệm. Khi niệm được củng cố vững vàng, sự hiểu biết rõ ràng sẽ phát sanh, chung hợp với niệm. Niệm và hiểu biết rõ ràng sẽ khởi duyên cho trí tuệ phát sanh. Như vậy niệm, hiểu biết rõ ràng và trí tuệ cùng chung nhau sinh hoạt và lúc ấy ta sẽ như người ngày đêm "thức tỉnh".
 
Những Lời Dạy mà Ðức Phật ban truyền cho chúng ta không phải là Giáo Huấn chỉ để nghe suông, hoặc chỉ giản dị để lãnh hội ở mức độ trí thức. Những Lời Dạy ấy là Giáo Huấn mà xuyên qua pháp hành, có thể thấm nhuần ăn sâu vào tâm thức. Dầu đi đâu hay làm gì ta luôn luôn có những Lời Dạy ấy. Ý nghĩa của đoạn "có những Lời Dạy ấy", hay "có Chân Lý" là: dầu chúng ta làm gì, dầu nói gì, chúng ta luôn luôn nói và làm với trí tuệ. Khi suy tư hay quán niệm, chúng ta suy tư và quán niệm với trí tuệ. Chúng ta nói rằng người có chánh niệm và giác tỉnh — niệm, hiểu biết rõ ràng, phối hợp với trí tuệ như vậy là người sống gần Ðức Phật.
 
Khi rời nơi nầy Cụ phải gia công đưa tất cả trở vào tâm mình. Hãy nhìn cái tâm của mình với chánh niệm, hiểu biết rõ ràng, và phát triển trí tuệ. Với ba yếu tố ấy chung hợp lại sẽ phát sanh trạng thái "buông xả", để cho tất cả đi qua, không dính mắc hay bám níu vào bất cứ gì. Cụ sẽ nhận thức rằng tất cả mọi hiện tượng đều luôn luôn sanh và diệt.
 
Cụ phải biết rằng cái gì phát sanh và hoại diệt chỉ là sinh hoạt của tâm. Khi một hiện tượng phát sanh nó liền hoại diệt, và liền theo đó chuỗi dài sanh-diệt không ngừng tiếp nối với nhau. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp ta gọi sự sanh diệt ấy là "sanh và tử", và đó là tất cả. Tất cả chỉ là vậy! Khi đau khổ phát sanh, nó liền trôi qua. Và khi nó trôi qua đau khổ phát sanh trở lại [*]. Chỉ có đau khổ phát sanh và hoại diệt. Khi thấy được bấy nhiêu Cụ sẽ có thể thấu hiểu một cách thường xuyên trạng thái sanh và diệt, và khi thông suốt như vậy Cụ sẽ thấy rằng trong thực tế chỉ có thế. Tất cả mọi sự vật chỉ là sanh và tử, không có bất luận gì tồn tại. Chỉ có sanh và diệt như thế ấy. Chỉ thế thôi!
 
[*] Nơi đây danh từ "đau khổ" hàm xúc đặc tướng bất toại nguyện của tất cả mọi kiếp sinh tồn trong thế gian vô thường luôn luôn biến đổi nầy. Ở đây không phải là sự đau khổ như thông thường được hiểu, nghịch nghĩa với hạnh phúc.
 
Lối nhìn nầy sẽ khơi động cảm giác thản nhiên an tĩnh đối với thế gian. Một cảm giác tương tợ phát sanh khi ta nhận thức rằng trong thực tế không có gì đáng được ham muốn; chỉ có sanh và diệt. Chúng sanh vào đời rồi từ giã cuộc đời. Ðó là khi tâm tiến đạt đến "buông bỏ", để cho tất cả mọi sự vật trôi qua theo bản chất thiên nhiên của nó. Sự vật phát sanh rồi hoại diệt ngay trong tâm của ta, và ta thông hiểu như vậy. Khi hạnh phúc phát sanh, ta thấu hiểu. "Hiểu biết hạnh phúc" có nghĩa là ta không tự đồng hóa mình với nó, không xem hạnh phúc là "của mình". Và cùng thế ấy, ta không đồng hóa và xem bất toại nguyện và những điều bất hạnh là "của ta". Khi đã không còn tự đồng hóa mình với, và bám níu vào, hạnh phúc và đau khổ, ta chỉ tách rời, sống riêng với đường lối thiên nhiên của vạn hữu.
 
Vì lẽ ấy chúng ta nói rằng sinh hoạt tâm linh cũng tựa hồ như con rắn độc. Nếu ta không động đến rắn thì nó chỉ theo con đường của nó. Mặc dầu là rắn độc, dầu nọc độc của nó vô cùng nguy hiểm và nếu bị nó cắn ắt không phương cứu chữa, nhưng nếu không đến gần nó hay không nắm bắt nó ta vẫn không hề gì. Nó sẽ không cắn ta. Rắn độc chỉ hành động theo bản chất thiên nhiên của một con rắn độc. Nó là vậy! Nếu là người sáng suốt ta cứ để nó yên một mình. Cùng thế ấy, hãy buông bỏ những gì tốt đẹp, để nó yên. Ta cũng để yên những gì không tốt đẹp — hãy để cho nó theo bản chất thiên nhiên của nó. Hãy để yên những gì ta ưa thích và những gì ta ghét bỏ, cũng như ta để yên, không động đến con rắn độc.
 
Vậy người thông minh sáng suốt sẽ có thái độ tương tợ, đối với những cơn vui buồn khác nhau phát sanh đến tâm mình. Khi điều tốt đẹp khởi sanh, hãy để yên cho nó tốt đẹp, nhưng ta cũng thấu hiểu. Ta thấu hiểu bản chất thiên nhiên của nó. Khi điều không tốt đẹp khởi phát cũng vậy, hãy để yên cho nó theo đúng bản chất thiên nhiên của nó. Không nắm giữ lại, bởi vì chúng ta không muốn gì cả. Chúng ta không muốn điều xấu, cũng không muốn điều tốt. Chúng ta không muốn nặng, cũng không muốn nhẹ, không muốn hạnh phúc cũng không muốn đau khổ. Ðến chừng ấy, bằng đường lối nầy, lòng ham muốn chấm dứt và trạng thái thanh bình an lạc được củng cố vững chắc.
 
Khi được có loại an lạc nầy vững chắc củng cố trong tâm, ta có thể nương tựa vào và tùy thuộc nơi đó. Ta nói rằng trạng thái an lạc nầy đã phát sanh từ tình trạng vọng động mê mờ. Giờ đây rối loạn và si mê chấm dứt. Ðức Phật gọi sự thành đạt Giác Ngộ cuối cùng là "sự dập tắt", trong ý nghĩa giống như ta dập tắt một ngọn lửa. Khi ngọn lửa bên ngoài được dập tắt, thì có sự "mát mẻ". Khi các ngọn lửa tham ái, sân hận và si mê bên trong được dập tắt, ắt cũng có trạng thái "mát mẻ". Giác ngộ và si mê cùng hiện hữu ở một nơi, giống như nóng và lạnh. Giờ đây là nóng, ngay tại nơi mà trước kia là lạnh. Khi nóng là hết lạnh, và khi lạnh là không còn nóng. Niết Bàn và luân hồi cũng cùng thế ấy.
 
Ta dập tắt ngọn lửa ngay ở nơi mà nó khởi phát. Nơi nào nóng, ta có thể làm cho mát. Sự Giác Ngộ cũng vậy. Ðó là sự chấm dứt vòng luân hồi [*], ngưng lại cuộc vận chuyển triền miên của vòng quanh mê hoặc.
 
 
[*] Samsàra, Ta-Bà, vòng luân hồi — theo đúng ngữ nguyên, là cuộc đi thênh thang bất định triền miên — là danh từ thường được dùng để chỉ những kiếp sống thăng trầm trong biển trầm luân triền miên tiếp diễn, hình ảnh của tiến trình vô tận những hoàn cảnh sanh, già. bệnh, chết.
 
Ðó là bản chất thiên nhiên của sự Giác Ngộ, dập tắt lửa nóng, làm mát lại những gì trước kia là nóng. Ðó là an lạc, là chấm dứt luân hồi. Khi Cụ thành đạt Giác Ngộ thì đó là vậy. Ðó là chấm dứt cuộc vận chuyển, dừng lại mọi si mê trong tâm ta. Chúng ta mô tả trạng thái chấm dứt nầy bằng những danh từ khác nhau hàm ý "hạnh phúc", bởi vì đó là phương cách mà con người thế gian hiểu lý tưởng mình là như vậy, nhưng thật sự nó đã vượt lên khỏi, vượt ra ngoài mọi tưởng tượng của người thế. Nó vượt lên khỏi hạnh phúc và đau khổ. Nó là thanh bình an lạc toàn hảo.
 
Trong khi chuẩn bị lên đường Cụ hãy giữ lấy lời dạy của Sư ngày hôm nay và thận trọng quán niệm. Những ngày mà Cụ đã trải qua tại đây không được mấy dễ dàng và Sư không có nhiều cơ hội để chỉ dạy Cụ. Nhưng giờ đây Cụ đã có thể học hỏi ý nghĩa thật sự của pháp hành. Ước mong rằng pháp hành nầy có thể dẫn dắt Cụ đến hạnh phúc. Ước mong nó sẽ giúp Cụ trưởng thành trong chân lý. Ước mong Cụ sẽ thoát khỏi mọi đau khổ của vòng luân hồi.
Người dịch: Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumana Lê Thị Sương
Theo: Những lời dạy của ngài Ajah Chah