Trang chủ Đời sống Sống thiền một ngày tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Sống thiền một ngày tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

336

Muốn nhắm mắt nhưng vẫn thấy rõ chính mình, muốn đối mặt với bức tường mà thấu triệt cả vũ trụ thì đừng làm du khách. Trúc Lâm Thiền Viện không có bóng du khách mới thật cõi thiền. Muốn vậy, hãy khoác chiếc áo tràng màu xám của một thiền sinh vào sống đôi ngày trong Thiền Viện.


Du khách thường xuyên lui tới chốn này chỉ quanh quẩn ở Khu Ngoại viện. Hết vào chánh điện thắp hương bái Phật, họ lại lũ lượt kéo nhau chụp hình lưu niệm ở tháp chuông Hồng Chung Lâu hay gác trống Đại Cổ Các. Chắc rằng không phải ai cũng mang theo thành tâm trong hành trang.


Cái đoạn “Cố tả cố hữu / A thích thích địa / Náo quát quát địa” (Ngó tả ngó hữu / Lau chau mồm mép / Ồn ào náo động) trong bài kệ Hữu cú vô cú (Câu có câu không) của vua Trần Nhân Tông – Tổ sư Trúc Lâm Thiền phái – dường như từ 8 thế kỷ trước đã tiên đoán sự bùng nổ của dịch vụ tour!


Nội viện của Trúc Lâm là một thế giới khác.Khuất sau một rừng thông nhỏ bên trái Khu Ngoại viện, thế giới của trầm mặc vô ưu bắt đầu từ Khu Nội viện tăng, bao trùm khu tịnh thất của Hoà thượng Viện trưởng và trải dài xuống ngọn đồi xa bên dưới của Khu Nội viện ni. Tuy cách biệt nhau, hai khu nội viện này đều có chung một kiểu quy hoạch với trung tâm là một Thiền đường là nơi toạ thiền chung. Bao quanh là khu nhà ở (Tăng đường hay Ni đường), nhà ăn (Trai đường) và xa hơn là những khu Thiền thất dành cho các thiền sư và thiền sinh thay phiên nhập thất từ 49 ngày cho đến 3 tháng. Qua khỏi khu Thiền thất là vườn rau và vườn cây hồng. Trên nền xanh viên mãn của vườn rau và rừng thông, những thân hồng trụi lá, trơ cành trắng ngời lên như một biểu tượng khổ hạnh.


Ngay từ khi khánh thành Trúc Lâm Thiền Viện tháng 3.1994, Nội viện đã là nơi chuyên tu, “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Với những kẻ tu tập không chuyên như chúng ta, khu nhà khách 2 tầng bên phải chánh điện là chính chốn nương náu tạm thời để quên lãng ưu phiền tục luỵ. Gọi là tạm thời, nhưng một khi đã khoác lên người chiếc áo tràng xám là ta đã thấy mình thành một con người khác, sống một cuộc đời khác.


Một ngày đêm sống ở đây được đánh dấu bằng 3 phiên toạ thiền vào lúc 3g30 sáng, 2g30 trưa và 7g30 tối. Mỗi phiên kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Sau phiên toạ thiền đầu tiên, toàn bộ mọi người tập trung ở Khu Ngoại viện để quét dọn, làm vệ sinh cảnh quan trước khi khách tham quan bắt đầu viếng chùa. Không kể bữa ăn sáng nhẹ (gọi là “tiểu thực”) lúc 6g15, mọi thiền sinh dù ngắn hạn hay chuyên tu đều chỉ ăn mỗi ngày một bữa duy nhất (gọi là “thọ trai”) vào buổi trưa. Đừng ngạc nhiên nếu không thấy có bữa ăn chiều trong thời khoá biểu ở đây. Ngoài giờ toạ thiền hay nghỉ ngơi, mọi người sẽ tham gia lao động vào buổi sáng trước bữa ăn trưa và tụng kinh sám hối trước phiên toạ thiền buổi tối.


Cái khoảnh khắc những tia nắng hừng đông đầu tiên xuyên thấu qua Hồng Chung Lâu và Đại Cổ Các, từ từ toả rộng và nhuộm chín Trúc Lâm Thiền Viện trong một ánh vàng lộng lẫy là phần thưởng chỉ dành cho những ai sống trọn một ngày thiền ở đây. Những du khách bình thường sẽ chẳng bao giờ chiêm ngưỡng được cảnh tượng kỳ diệu ấy. Mặt hồ Tuyền Lâm dưới chân núi trở thành tấm gương phản chiếu những lớp sương khói chuyển sắc từ tím sang hồng. Đỉnh núi Voi phía chân trời đội trên đầu những vầng mây ngũ sắc rực rỡ và mặt trời vút hiện ra loé sáng.


Tôi đứng trên Hồng Chung Lâu, đọc đi đọc lại bài kệ của Sư tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà khắc trên quả chuông đồng:


“Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can ngắm núi mây”.


Trúc Lâm Đà Lạt chỉ là 1 trong số 30 thiền viện mà Hoà thượng Thích Thanh Từ đã sáng lập từ Bắc chí Nam và cả ở Mỹ, Úc, Pháp, Canada từ năm 1971, nhưng tôi tin rằng chỉ có ở đây mới có cái khoảnh khắc bình minh thoát tục ấy. Và cũng là cái khoảnh khắc giác ngộ. Ánh sáng khai mở đầu ngày trên đỉnh núi Phụng Hoàng khiến ai cũng phải bừng tỉnh một tâm thức mới. Tôi cũng nhận ra một điều mới mẻ cho riêng mình: Thỉnh thoảng cũng cần sống thiền một ngày để có sức đương đầu với tục luỵ một đời.



Khu Thiền đường dành cho những người tu tập không chuyên



Trúc Lâm Thiền Viện nhìn xuống hồ Tuyền Lâm bên dưới và núi Voi cuối chân trời



Một ngày đêm sống ở đây được đánh dấu bằng 3 phiên toạ thiền vào lúc 3g30 sáng, 2g30 trưa và 7g30 tối. Mỗi phiên kéo dài 2 tiếng đồng hồ



Quả chuông đồng 1,1 tấn ở Hồng Chung Lâu từ 3g30 mỗi sáng đã ngân nga báo hiệu một ngày Thiền.



Với các thiền sinh sống nội trú ở đây thì toàn bộ thời gian trong ngày đều dành cho việc tu tập, không toạ thiền thì nghiên cứu kinh sách



Ở đây thiền và thiên nhiên Hoà nhập làm một




Quét dọn 500m bậc thang dẫn lên Chánh Điện là một công việc các thiền sinh và thiền sư phải làm hàng ngày trước giờ Trúc Lâm Thiền Viện mở cửa đón du khách



Khu Thiền thất là nơi dành cho các Thiền sinh thay phiên nhau nhập thất



Hình 11 Bữa ăn sáng nhẹ (gọi là “tiểu thực”) bắt đầu lúc 6g15 sau khi mọi người đã tham gia làm vệ sinh toàn bộ Ngoại viện



Hình 9 Các non bộ, vườn đá và tiểu cảnh được bố trí rải rác khắp Trúc Lâm Thiền Viện là sáng tạo của các nhà sư ở đây



Hình 12 Bài trí đơn sơ trong khu nhà trọ dành cho thiền khách



Hình 13 Thọ đường (nhà ăn) nhìn ra bốn bề cây xanh