Hổ mang là loài rắn cực độc, một cú mổ của nó cũng đủ để giết chết con người. Các tâm trạng của chúng ta cũng như thế: các tâm trạng mà chúng ta ưa thích cũng độc, tâm trạng mà chúng ta không ưa cũng độc. Cả hai đều ngăn không cho chúng ta được giải thoát, và cả hai đều gây trở ngại không cho chúng ta hiểu được sự thật mà Đức Thế Tôn đã dạy.
Vì thế chúng ta phải duy trì chính niệm suốt ngày, suốt đêm. Dù cho quý vị đang làm gì đi nữa, đang đứng, ngồi, nằm, nói, hay là gì đi nữa thì cũng nên làm với chính niệm. Khi quý vị đã thiết lập được chính niệm, thì quý vị sẽ thấy xuất hiện cùng với nó là sự hiểu biết rõ ràng, và hai điều kiện ấy đưa đến tuệ giác. Cứ như thế, với chính niệm, hiểu biết rõ ràng, và tuệ giác hoạt động đồng thời, quý vị sẽ như là một người tỉnh thức suốt ngày đêm.
Lời dạy này của Đức Thế Tôn không phải chỉ để cho chúng ta nghe và ghi nhận ở tầng trí thức. Đây là lời dạy mà qua thực tập tuệ giác mới phát khởi và chúng ta tự biết rõ trong tâm mình. Bất cứ đi đâu, làm gì chúng ta phải ghi nhớ lời dạy này. Khi ghi nhớ lời dạy này, ghi nhớ sự thật này thì bất cứ chúng ta làm gì hay nói gì, chúng ta sẽ làm, sẽ nói với tuệ giác. Khi chúng ta suy nghĩ, hành thiền, chúng ta làm với tuệ giác. Người có chính niệm, hiểu biết rõ ràng, tuệ giác là người gần gũi với Đức Thế Tôn.
Khi quý vị rời khỏi đây, quý vị nên thực tập đưa mọi chuyện trở về với tâm trí. Hãy nhìn tâm trí mình với chính niệm, hiểu biết rõ ràng và phát triển tuệ giác. Với ba điều kiện ấy, sự buông xả sẽ phát sinh. Quý vị sẽ biết được sự sinh diệt thường xuyên của mọi hiện tượng.
Quý vị nên biết rằng cái sinh ra và diệt mất chỉ là hoạt động của tâm trí. Khi một cái gì đó phát sinh. nó hoại diệt và rồi kế đó là phát sinh và hoại diệt. Trong giáo pháp, chúng ta gọi cái phát sinh và hoại diệt này là “sinh và tử”, mọi sự là như thế – và đó là mọi sự.
Khi đau khổ phát sinh nó sẽ hoài diễn và khi nó diệt đi rồi, đau khổ sẽ sinh ra nữa. Đó chỉ là sự đau khổ phát sinh và hoại diệt. Khi quý vị thấy được như thế, quý vị có thể biết một cách thường trực sự sinh diệt này, và khi cái biết trở nên thường trực, quý vị sẽ thấy rằng mọi sự là như vậy thôi. Mọi sự chỉ là sinh và tử. Rõ ràng là không có cái gì tiếp diễn. Chỉ có sự phát sinh và hoại diệt – tất cả chỉ là như thế thôi.
Cái thấy này sẽ làm phát sinh một cảm giác nhẹ nhàng là không bằng lòng với thế giới này. Cảm giác như thế phát sinh khi chúng ta thấy rằng không có cái gì đáng ưa muốn: chỉ có sự phát sinh và hoại diệt, chỉ có phát sinh và hoại diệt, một cái gì đó sinh ra và tiếp theo sau đó là chết đi, và lúc đó tâm ta sẽ đi đến chỗ buông xả – để cho mọi chuyện trôi qua phù hợp với bản tính tự nhiên của nó.
Mọi chuyện phát sinh và hoại diệt trong tâm chúng ta và chúng ta biết đều ấy. Khi cảm giác hạnh phúc phát sinh, chúng ta biết nó, khi sự bất mãn phát sinh, chúng ta biết nó. Và “biết hạnh phúc” có nghĩa rằng chúng ta không còn đồng hóa với nó và bám víu vào hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta chỉ để cho mọi chuyện diễn ra theo cách tự nhiên của chúng.
Vì thế mà chúng ta nói hoạt động của tâm trí giống như con rắn hổ mang. Nếu chúng ta không can thiệp, con rắn sẽ đi theo đường của nó. Dù cho con rắn có độc, chúng ta cũng không bị ảnh hướng gì; chúng ta không đến gần nó hoặc tìm cách đe dọa nó thì nó không cần chúng ta.
Con rắn làm những gì mà nó làm theo bản tính tự nhiên. Chỉ có thế thôi.
Nếu quý vị là người thông minh, quý vị cứ để mặc nó. Cái gì tốt quý vị cứ để nó như thế, cái gì không tốt quý vị cũng để mặc nó – cứ để nó tự nhiên như vậy. Những cái thích và không thích của quý vị, quý vị cũng cứ để mặc. Hãy đối xử với chúng như đối xử với con rắn hổ mang vậy.
Đừng can thiệp. Chúng ta không muốn xấu, cũng chẳng muốn tốt. Chúng ta không muốn nặng, cũng chẳng muốn nhẹ, chẳng muốn hạnh phúc, cũng chẳng muốn đau khổ. Khi đó, bằng cách này, cái muốn cũng chấm dứt, và sự an nhiên được thiết lập vững vàng.
Khi chúng ta có sự an nhiên thiết lập trong tâm trí, chúng ta có thể nương tựa vào nó. Chúng ta nói ràng đây là sự an nhiên, vượt thoát khỏi sự điên đảo. Điên đảo đã tận. Đức Thế Tôn gọi việc đạt được giác ngộ là “dập tắt”, tương tự như cách lửa bị dập tắt.
Chúng ta dập tắt lửa ở nơi nó xuất hiện. Bất cứ nơi nào nóng, đó là nơi chúng ta làm mát. Cũng như thế đối với sự giác ngộ. Niết bàn được tìm thấy trong luân hồi. Giác ngộ và vô minh cũng ở một nơi, nóng và mát cũng thế. Nóng ở nơi đã có mát và mát ở nơi đã có nóng. Khi nóng phát sinh, mát biến mất, và khi có mát thì không còn có nóng. Niết bàn và luân hồi cũng giống như thế.
Chúng ta được dạy chấm dứt vòng luân hồi, có nghĩa là làm chấm dứt vòng quay của sự điên đảo. Chấm dứt điên đảo là dập tắt lửa. Khi ngọn lửa bên ngoài được dập tắt thì có sự mát mẻ. Khi ngọn lửa bên trong của ham muốn dục lạc, sân hận và ngu si được dập tắt thì cũng có sự mát mẻ.
Đây là bản chất của sự giác ngộ: đó là dập tắt ngọn lửa, làm mát cái nóng bức. Đấy là an nhiên. Đó là sự chấm dứt luân hồi, chu kỳ sinh tử. Khi quý vị đạt được giác ngộ, nó là như thế. Đó là sự chấm dứt vòng quay và biến đổi không ngừng, chấm dứt tham lam, sân hận, và ngu si trong tâm trí. Chúng ta dùng từ lạc để diễn tả nó vì đó là cách mà người đời hiểu lý tưởng là như thế, nhưng thực ra nó vượt ra ngoài lạc và khổ. Nó là an nhiên tuyệt đối.
Trần Ngọc Bảo dịch
Trích từ cuốn Thực Phẩm Cho Tâm