Bài học nhỏ trên đường
Khoảng thư giãn hiếm hoi khi xe dừng lại cho khách ăn trưa trên một đỉnh đèo heo hút gió thật quý giá. Không khí mát lạnh phả vào mặt, tạm thời xua tan mệt mỏi.
Một căn nhà lá dựng tạm, bàn ghế thô sơ nhưng sạch sẽ. Đồ ăn bán theo suất, có đủ món Âu – Á. Người phục vụ là thanh niên trẻ măng, thái độ lễ phép, gương mặt sáng sủa, nói tiếng Anh trôi chảy, trông giống một sinh viên đi làm thêm ngoài giờ. Có một hành động của anh làm chúng tôi đặc biệt chú ý. Sau khi mang đồ ăn cho khách, anh đi vòng quanh, nhặt túi ni lông, vỏ trái cây, giấy gói bánh kẹo mà ai đó vô tình ném xuống đất, bỏ vào thùng rác. Chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà một người bạn từng đi Lào về kể. Ở xứ này, nếu nhìn thấy ai đang xả rác ngoài đường thì chắc chắn đó không phải là người Lào.
Hành động của người thanh niên đã cho chúng tôi một thực chứng và một bài học đáng suy nghĩ. Để có được cách ứng xử đơn giản ấy, nhưng ăn sâu vào ý thức của từng người dân, thật không dễ, bởi đó là văn hoá.
Sau hơn 6 giờ đồng, cuối cùng chúng tôi đã đến được kinh đô cổ của nước Lào. Trời đổ mưa rào, chúng tôi co ro đứng trong bến xe bốn bề trống trải. Kinh nghiệm từ nhiều chuyến du lịch “bụi” dạy chúng tôi nên tranh thủ làm quen với các bạn đồng hành phương Tây. Họ thường chuẩn bị rất chu đáo cho hành trình của mình theo… sách hướng dẫn, như xem gì, chơi gì, ăn gì, ở đâu, với tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, sạch sẽ, và giá cả phải chăng. Chúng tôi đã gặp may khi tán gẫu với cặp vợ chồng người Anh đang đi hưởng tuần trăng mật. Anh chồng từng làm việc ở Luông Prabăng cho một dự án bảo tồn nào đó nên khá thông thạo.
Theo chân họ, chúng tôi đã thuê được một khách sạn nhỏ tên là Lotus, khá tiện nghi và ấm cúng, nằm ngay trung tâm thành phố với giá 10 đôla/ngày. Phòng bốn bề lát gỗ, rất ấm cúng, đường truyền wifi nhanh bất ngờ. Sau khi tắm nhanh để rũ sạch bụi đường thì trời cũng vừa xâm xẩm tối. Chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá đầu tiên: đi chợ đêm.
Đêm Luông Prabăng
Đã từng đi chợ đêm ở nhiều nơi, nhưng bước vào chợ đêm Luông Prabăng chúng tôi có một cảm giác thật khác lạ. Lẽ thường, chợ phải là nơi ồn ào, náo nhiệt, nhưng ở đây, sao mà lặng lẽ, thong thả, yên tĩnh như đi trong bảo tàng. Không hề thấy tiếng đon đả chào mời, níu kéo khách mua. Người bán hàng hầu hết là phụ nữ, mặc trang phục dân tộc. Dường như họ đang ngồi nghỉ trong ngôi nhà của mình, xung quanh có những đứa trẻ tha thẩn chơi, ai hỏi thì tiếp, ai lờ thì thôi.
Chợ đêm ở Luông Prabăng. Ảnh: X.T |
Hàng hoá chủ yếu là đồ thủ công mỹ nghệ thuần Lào, không thấy bóng dáng những mặt hàng Thái, Trung Quốc… theo kiểu tạp pí lù như chợ ở nhiều nơi khác. Sang Lào, thứ đáng mua nhất chính là những món đồ tinh xảo chế tác từ bạc với phong cách mang đậm chất bản địa. Hàng thổ cẩm cũng rất độc đáo, từ những tấm vải, chiếc áo nhiều mầu sắc, đến những cái túi nhỏ xinh xắn, cái nào cũng thêu hình một chú voi. Ngoài ra còn có những bức tranh Phật vẽ trên giấy dó, tay cầm ô…
Chợ đêm mở lúc 6h tối, nhưng đến 9h đã đóng cửa. Không có sinh hoạt kiểu “cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm” (Kiều) như ở những vùng du lịch khác. Còn sớm, nên chúng tôi thuê một cuốc xe tuk tuk dạo quanh thành phố. Đường quy hoạch theo ô bàn cờ, vuông vắn, hướng ra bờ sông Mê Kông. Những ngôi biệt thự kiểu Pháp ánh đèn vàng mờ ảo khuất sau lùm cây có vẻ như đã chìm vào giấc ngủ.
Thời gian giống một sợi dây chùng xuống. Nhịp sống như chậm lại, ru ta về chốn bình yên. Và bỗng ước gì có thể đi suốt đêm trong sự ảo huyền ấy, để tìm lại những giá trị của sự im lặng mà ta đã đánh mất đi trong cuộc sống xô bồ hiện tại.
Ngày Luông Prabăng
Nấn ná với đêm Luông Prabăng, hôm sau chúng tôi dậy muộn nên bỏ lỡ một nghi lễ hàng ngày rất quan trọng ở xứ này, xem các nhà sư đi khất thực. Nghi lễ bắt đầu vào lúc 6h sáng với hàng trăm nhà sư khất thực để nhận sự thành kính và lòng biết ơn của các phật tử. Là kinh đô cổ của nước Lào, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới năm 1995, Luông Prabăng đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Những khu phố cổ kiến trúc kiểu Pháp hoà quyện với những ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi tạo nên một sự bổ sung cân xứng giữa truyền thống và hiện đại, làm nên sức hút của vùng đất này.
Chùa Xiêng Thoong nằm ngay bên bờ sông Mê Kông được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Đông Nam Á. Vẫn một nhịp sống rất chậm. Cô gái bán vé đang ngủ gục trên bàn và chúng tôi đã phải đánh thức cô dậy để mua vé vào chùa! Khung cảnh thật vắng vẻ, không có cái chen chúc, tấp nập, nghi ngút hương khói như ở bên ta.
Khách vào chùa, bỏ giày dép bên ngoài, khe khẽ ngồi xuống, như được chìm vào không khí thiền định. Chúng tôi để ý thấy nhiều du khách phương Tây, dựa lưng vào cột, cầm sách trên tay chăm chú đọc. Đi hàng ngàn cây số tới đây để vào chùa ngồi đọc sách ư? Âu cũng là một cách nghỉ ngơi khác thường và tao nhã mà Luông Prabăng mang đến cho họ.
Luông Prabăng nhìn từ đỉnh núi Phounsi. |
Trong khuôn viên chùa có một am nhỏ, để một pho tượng Phật bằng đồng nặng khoảng hơn 10 cân. Bình thường, nhấc lên không dễ. Bên cạnh có một tấm biển gỗ dạy rằng, nếu quỳ xuống, thành tâm nói lên điều ước của mình, và Phật chứng cho điều ấy sẽ thành sự thật, thì bạn có thể nhẹ nhàng nhấc bổng tượng qua đầu. Chúng tôi đã thử làm theo, và đã nâng được pho tượng lên không mấy khó khăn. Vẫn biết ước muốn là một chuyện, có đủ can đảm, kiên nhẫn và khát vọng thực hiện ước muốn ấy không lại là chuyện khác. Nhưng nhấc được pho tượng lên, giống như có một sự hậu thuẫn về tâm linh, tự thấy lòng vui.
Bên kia đường, trên sông Mê Kông, những chiếc thuyền lá tre, dài và mảnh đang xuôi dòng. Nếu không vì trời quá nắng thì chúng tôi đã đi một chuyến dọc bờ sông, thăm động Tham Tinh – Pak Uo, nơi được coi là rất linh thiêng, lưu giữ hàng nghìn pho tượng Phật; ghé bản Xang Hai nổi tiếng với nghề cất rượu truyền thống. Nhưng ngồi lại trên bờ dưới tán cây cổ thụ, nhâm nhi ly càphê, ngắm dòng sông đỏ nặng phù sa thao thiết chảy cũng thật thi vị.
Phousi, một ngọn núi không cao, nhưng từ đây có thể quan sát toàn cảnh Luông Prabăng. Leo hơn 300 bậc thang dưới rừng cây rậm rạp, đã thấy mướt mồ hôi vì trời quá nắng. Đỉnh cao nhất của núi chính là ngôi chùa dát vàng, hình bút tháp, chỉ lên trời xanh. Xa xa, vẫn dòng Mê Kông uốn lượn ôm lấy thành phố.
Đến các ngôi chùa, hiếm khi chúng tôi nhìn thấy các vị sư, ở đây cũng vậy. Ngoài sân chỉ có một bà lão bán những bông hoa vàng, kết thành từng ngôi tháp nhỏ. Chúng tôi chợt nhận ra một nét phong tục quen thuộc giống ở quê nhà khi thấy những chiếc lồng chim, tục phóng sinh. Chúng tôi đã mua chung một chiếc lồng, chọn nơi cao nhất và mở cửa. Hình như có một thoáng ngần ngừ, rồi các chú chim hối hả bay vút ra ngoài. Nhưng chúng không bay xa, chỉ lượn một vòng rồi đậu lên tán cây gần đó, bình thản rỉa lông.
Còn nhiều nơi ở Luông Prabăng để bạn khám phá hàng tuần không hết. Bạn có thể chọn cách đi ào ào, và mang về vài chục MB ảnh để khoe với bạn bè. Nhưng bạn cũng có thể chỉ đến một nơi thôi, bĩnh tĩnh ngồi xuống, sống với nhịp chậm rãi, hiền hoà của vùng đất này mà vẫn có một ấn tượng Luông Prabăng của riêng mình.