1/. Không trực tiếp giết ai.
2/. Không xúi giục người khác giết ai.
3/. Không nhìn người khác giết ai.
Có nghĩa là, nếu phật tử dâng cúng những thức ăn có thịt thì sư vẫn có quyền dùng mà không phạm giới luật. Đó là triết lý của hệ phái tiểu thừa.
Khi đạo phật du nhập vào Trung Hoa, người Trung Hoa mới sửa đổi triết lý phật pháp chút ít dựa trên nền tảng văn hóa Trung Hoa, từ đó sản sinh hệ phái Phật Giáo Đại Thừa ( ăn chay hoàn toàn – kiêng thịt). Vì vị tổ sư sáng lập ra đạo phật là người Ấn Độ, khi đạo phật tới Trung Hoa, người Trung Hoa muốn cổ vũ cho phật pháp nên họ cũng đã suy tôn những vị cao tăng đắc đạo hay những người có công “hoằng dương” phật pháp thành những vị phật của riêng họ như Mục Kiềng Liên ( Mục Liên Thanh Đề), Đường Huyền Trang ( Đường Tam Tạng), Đấu Chiến Thắng Phật ( Tôn Ngộ Không)….
Khi đạo phật đến Việt Nam, cũng như người Trung Hoa, người VN cũng muốn có những vị phật riêng cho dân tộc mình nên mới có Quan Âm Thị Kính, tổ sư hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử (Vị hoàng đế, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông (1258 -1308), sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên -Mông đã tử bỏ ngai vàng về đây sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm – thiền phái độc lập đầu tiên của Phật giáo Việt Nam)…..
Chùa Đất Sét mang đậm nét văn hóa Việt Nam vì nguyên thủy, chùa chỉ thờ Phật. Nhưng triết lý của chùa Đất Sét và rất nhiều ngôi chùa khác trên khắp VN là ” tam giáo đồng qui” ( Phật – Lão – Nho). Cho nên, tại chùa Đất Sét ( Bửu Sơn Tự), các bạn sẽ thấy chùa vừa thờ các vị phật như Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Quán Thế Âm lại có các vị thần Thiện , Ác ( đạo Lão) và cũng có các “Mẫu” đặc trưng của người Việt.
* Những nét đặc biệt của chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét là một ngôi chùa của dòng họ Ngô. Lúc ban đầu, chùa được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có tại địa phương như cây, tre, lá. Qua bao năm tháng, chùa cũng hư mục nhiều lần và đã được con cháu dòng họ Ngô tu bổ nhiều lần. Xin nói thêm, khi ra đời, Bửu Sơn Tự là một ngôi chùa nghèo nên không có tiền mua tượng Phật về thờ. Nhưng với lòng mến mộ Phật pháp, ông Ngô Kim Tòng ( trụ trì đời thứ 5) đã miệt mài xây đắng ngôi chùa Đất Sét hiện nay trong suốt 42 năm ròng rã. ( Nếu ngày xưa ông Ngô Kim Tòng có tiền thì ắt hẳn ông đã “thỉnh” những pho tượng bằng thạch cao hay xi măng hoặc giả là ông sẽ thuê thợ về tạc tượng chứ không tự mình nặn ra các bức tượng của chùa Đất Sét ngày nay, vậy là cái khó đã ló cái khôn vậy).
Theo lời kể của người giữ chùa hiện nay, khi còn trẻ, ông Ngô Kim Tòng là một người hay đau yếu nhưng rất mộ đạo. Vì lòng mộ đạo nhưng lại không có tiền nên một hôm, ông Ngô Kim Tòng nằm mơ thấy Phật đến chỉ bảo cho ông đi về hướng tây để lấy đất sét về xây đắp tượng mà thờ. Có lẽ do đức tin cùng với lao động mà sức khỏe của ông ngày một cải thiện. Trong suốt 42 năm miệt mài sáng tạo, ông Ngô Kim Tòng đã dùng đất sét trộn với “mạt cưa làm nhang” ( bột hương) và keo Ô Dước để ngày nay, theo thống kê, chùa Đất Sét có 1991 tượng đất sét lớn nhỏ do một tay ông Ngô Kim Tòng làm ra. Trong đó, có những tác phẩm hết sức kỳ công như: 3 đỉnh; 6 lư hương; 1 toà sen nghìn cánh, mỗi cánh có 1 tượng Phật; 1 tháp Gia Bảo 13 tầng có 208 cửa, 208 tượng Phật và 156 con rồng nâng toà tháp. Tòa bảo tháp là một kỳ công mà ông Ngô Kim Tòng đã tạo ra để thỉnh Xá Lợi Phật về làm lễ trong vòng 2 giờ đồng hồ rồi mang trả lại. Tòa bảo tháp này có hình bát giác, theo nhiều người,hình bát giác là tượng trưng cho triết lý bát quái của Á Đông và đạo giáo ( càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài) nhưng theo tôi, hình bát giác đó là tượng trưng cho Bát Chánh Đạo ( Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm & Chánh định ) của Phật giáo hơn là Đạo Giáo. Tuy nhiên, để biết ai chính xác hơn, nếu bạn nào có dịp thì xin hãy đến chùa Đất Sét để xác minh lại nhé!
Ngoài hàng ngàn bức tượng bằng Đất Sét ra, chùa còn có 8 đôi đèn “cầy” ( nến) khổng lồ rất đặc biệt. Để đổ được 8 đôi đèn này, ông Ngô Kim Tòng đã phải mua sáp “thiệt” ( sáp nguyên chất, không lẫn tạp) từ “Sài Gòn” về nấu chảy ra rồi mới “đúc” đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá to nên ông Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp nên ông đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn “đúc” đèn. Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẵn, khi dở bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn!!!!! Sau đó, một đôi đèn nhỏ đã được thắp lên ròng rã trong 32 năm mà không tắt kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch.
Một chi tiết khá thú vị khác là người giữ chùa hiện tai là một ông lão tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Năm 2001, tôi có dẫn một người bạn, lúc đó là phó giám đốc viện bảo tàng tỉnh An Giang và một đoàn khách cùng đi tham quan chùa. Đến chùa, ngoài sự độc đáo của ngôi chùa ra, sự am hiểu của người giữ chùa cùng với vốn tiếng Pháp điêu luyện của ông cũng làm cho mọi người thán phục. Lúc tôi đưa đoàn khách tỉnh an Giang đến viếng, ông lão giữ chùa đang bận thuyết minh về ngôi chùa cho một đoàn khách đến từ Thụy Sĩ. Các ngưòi bạn tôi đã thốt lên ” nói tiếng tây như bẻ cây”.
Sau khi nghe thuyết minh xong, các vị khách đã hết sức thán phục trước tài năng, sự sáng tạo và lòng kiên trì của ông Ngô Kim Tòng để ngần ấy hiện vật ra đời trong suốt 42 năm ròng rã.
* Vấn đề bảo tồn di tích
Trải qua bao năm tháng, ngôi chùa có nhiều hiện vật bi xuống cấp do ý thức giữ gìn của một số du khách chưa cao. Do ông Ngô Kim Tòng khéo tay, các tượng “đất sét do ông nặn ra khá tinh xảo lại được sơn phủ bên ngoài bằng sơn, kim nhũ nên các hiện vật trông rất giống đồng thao, thạch cao hay xi măng. Có nhiều du khách hiếu kỳ đã bẻ gãy hiện vật để xác định xem tượng làm bằng vàng!!!!! hay đất sét. Trên các đôi đèn sáp thì có “hằng hà sa số” vết vân móng tay của du khách như ghi dấu lại kỷ niệm của những lần viếng thăm.
Trên đây là những kiến thức hạn hẹp của tôi về một công trình văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà. Nếu các bạn thấy chổ nào chưa chính xác hoặc còn thiếu thì xin bổ khuyết cho. Và dĩ nhiên vốn kiến thức hạn hẹp của tôi không thể nào chuyển tải hết cái hay, cái đẹp của chùa Đất Sét tới các bạn được. Nếu bạn nào chưa đến thăm chùa thì hãy đến thử một lần để thưởng thức cái hay của công trình này. Còn ai đã lâu chưa trở lại thì xin hãy viếng thăm ngôi chùa một lần nữa để có thể phát hiện nhưng cái hay của ngôi chùa mà lần viếng thăm trước bạn đã bỏ sót.