Trang chủ Nghiên cứu So sánh "Hội thánh tư gia" và "Đạo tràng tự phát"

So sánh "Hội thánh tư gia" và "Đạo tràng tự phát"

290

So sánh 2 hiện tượng này sẽ mang đến cho chúng ta trước hết là những kiến giải tôn giáo học lý thú. Sau đến, là những nhận thức có thể có ích đối với hoạt động hoằng pháp.

Điều tương đồng trước tiên và rất cơ bản, là cả 2 hiện tượng hội thánh tư gia Tin lành và đạo tràng tự phát Phật giáo đều lấy địa bàn hoạt động chính là tư gia, tách rời khỏi nhà thờ và chùa, là những cơ sở tôn giáo truyền thống. Chính nét tương đồng này đã là một gợi ý để so sánh 2 hiện tượng tôn giáo với nhau.

Điểm tương đồng thứ 2 là hội thánh tư gia Tin Lành và đạo tràng tự phát Phật giáo là cả 2 đang trong giai đoạn bùng phát. Tuy nhiên, hiện tượng đạo tràng tự phát Phật giáo chỉ bùng phát trong tín đồ Phật giáo người kinh, hầu như không có người dân tộc thiểu số, thì hiện tượng hội thánh tư gia Tin Lành phát triển đều khắp, cả ở miền xuôi lẫn miền núi và cao nguyên, gồm cả đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động tự do, không có tổ chức chặt chẽ, không quy định ràng buộc tín đồ, phụ thuộc vào ý định chủ quan người đứng đầu, không có sự ổn định, có thể lúc hợp, lúc tan là một nét tương đồng nữa giữa hội thánh tư gia Tin Lành và đạo tràng tự phát Phật giáo.

Môi trường hoạt động của hội thánh tư gia Tin lành và đạo tràng tự phát Phật giáo đều là các tôn giáo có tổ chức giáo hội tương đối lỏng lẻo. Tin lành và Phật giáo đều là các tôn giáo không có giáo hội có tính chất thiêng liêng, chặt chẽ, toàn cầu, đều không có giáo quyền mạnh. Đây là hoàn cảnh thuận lợi cho việc chia tách, thành lập, phát sinh những hệ phái mới, những hình thức sinh hoạt mới, trong đó có cả hình thức tách rời sinh hoạt tại các cơ sở thờ tự truyền thống đưa về nhà riêng.

Yếu tố nhà riêng – tư gia phát sinh gần như trùng với xu hướng phi giáo hội hóa. Đạo tràng tự phát Phật giáo hay Hội thánh tư gia Tin Lành đều là những dạng giáo hội mới, tuy có vẻ phi giáo hội (vì tách rời), những vẫn là một hình thức hội đoàn tôn giáo, nhằm mục tiêu liên kết những cá nhân lại với nhau trong sinh hoạt tôn giáo. Tự thân các từ hội thánh trong cụm từ hội thánh tư gia, đạo tràng trong đạo tràng tự phát đã nói lên tính chất tổ chức của dạng sinh hoạt tôn giáo mới phát sinh này. Dù là mang xu hướng phi giáo hội, tách rời giáo hội, nhưng hội thánh tư gia Tin Lành và đạo tràng tự phát Phật giáo đều là những dạng tổ chức tôn giáo mới, quy mô nhỏ, linh động, tư gia, “thầm lặng”.

Xu hướng phát sinh các cộng đồng phi giáo phái là một xu hướng quan trọng của đạo Tin Lành trên thế giới. Nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thành lập các hội thánh tư gia Tin Lành Việt Nam. Đó là một xu hướng du nhập từ Tin lành thế giới hiện nay, được chức sắc tín đồ Tin Lành Việt Nam tiếp thu, ứng dụng trong hoàn cảnh Việt Nam đương đại. Yếu tố nước ngoài ở đây rất rõ.

Trong khi đó, xu hướng phát triển đơn lẻ, cục bộ, tách rời là một xu hướng có trong Phật giáo từ rất lâu, nếu không muốn nói đã là truyền thống Phật giáo.Tuy có vẻ cùng tính chất với Tin Lành hiện đại, nhưng xu hướng cục bộ đơn lẻ ở Phật giáo không phải mới đột phá trong vài thập niên gần đây như Tin Lành. Ở đây, trong tương đồng, đã có sự dị biệt.

Một số đạo tràng tự phát Phật giáo có ảnh hưởng từ nước ngoài, cụ thể từ những giáo phái Tịnh độ, Đài Loan, nhưng những đạo tràng như vậy không chiếm đa số. Xu hướng hành đạo đơn lẻ, cục bộ đối với Phật giáo, vẫn là xu hướng của Phật giáo truyền thống, không phải từ nước ngoài du nhập. Từ những đặc trưng riêng của Phật giáo, đạo tràng tự phát Phật giáo có những nét đặc thù, hoàn toàn khác với hội thánh tư gia Tin lành.

Các đạo tràng tự phát Phật giáo không phải hình thành từ sự chỉ đạo từ ngoài nước như các hội thánh tư gia Tin lành. Các đạo tràng tự phát Phật giáo, tuy có yếu tố tổ chức nhưng vẫn cơ bản là tự phát (vì vậy, tên tự phát rất thích hợp). Trong khi đó, các hội thánh tư gia Tin Lành hầu như đều có sự chỉ đạo từ nước ngoài, là chân rết của tổ chức nước ngoài. Vì vậy, trong khi các hội thánh tư gia Tin lành tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội rất cao, thì ở các đạo tràng tự phát Phật giáo, nguy cơ như thế là rất thấp.

Có thể coi các hội thánh tư gia Tin Lành là sự tiềm phục, ẩn lậu, dấu mình của các thế lực tôn giáo nước ngoài, đang chờ đợi những thời cơ thích hợp.

Bài nghiên cứu “Hiện tượng gia tăng các “Hội thánh tư gia” Tin Lành hoạt động độc lập – Những tiếp cận và nghiên cứu ban đầu” của tác giả Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong sách “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc”, tổ chức biên soạn: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Trung Sơn – Trung Quốc, nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2011 viết như sau về tình trạng nguy hiểm này: “Sự bùng phát của phong trào giáo phái “Hội thánh tư gia” trong đạo Tin lành thời gian gần đây tại Trung Quốc và Việt Nam là hiện tượng tôn giáo xã hội rất đáng chú ý. Phải chăng với hình thái này, giới chức Tin Lành đang tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh “biến đổi xã hội” trong tương lai gần như họ từng tuyên bố?” (trang 235).

Còn đối với phía Phật giáo, tính chất gây biến đổi như trên là không có sự tự phát chỉ gây một mức độ lộn xộn chừng mực, không thể kiểm soát, quản lý, hơn là diễn tiến nguy hiểm, không có mưu đồ “biến đổi xã hội”.

Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi đi vào nghiên cứu chi tiết sự khác biệt giữa Hội thánh tư gia Tin lành và đạo tràng tự phát Phật giáo.

Nhân sự lãnh đạo các hội thánh tư gia Tin lành, theo sách đã dẫn, là “một bộ phận chức sắc, tín đồ bật mãn vì chức vụ, vị trí quyền lợi trong khi các chi hội lớn đã quá tải, các chi hội mới không được mở, việc phong chức, điều chuyển, bổ sung nhân sự bị ách tắc, v.v…”

Trong khi đó, nhân sự lãnh đạo các đạo tràng tự phát Phật giáo chỉ là những tín đồ, trước đây đã từng sinh hoạt ở chùa chiền, am hiểu nghi lễ tán tụng. Họ thành lập các đạo tràng tự phát trước hết chỉ do nhu cầu sinh hoạt độc lập, khác hẳn với động cơ bất mãn, chức quyền riêng tư, quy tụ tín đồ để thỏa mãn nhu cầu giáo quyền cũng như những toan tính xa hơn về “biến đổi xã hội” (từ được dùng trong sách đã dẫn). Tình trạng bất mãn, cát cứ của những người đứng đầu các hội thánh tư gia Tin Lành, cộng với yếu tố chỉ đạo từ nước ngoài, hình thức thầm lặng, tiềm phục, ẩn mình đã làm gia tăng tính chất nguy hiểm đối với ổn định, dễ gây “biến đổi xã hội” của các hội thánh Tin lành tư gia.

Đặt nhân sự lãnh đạo đạo tràng tự phát Phật giáo trong sự so sánh với nhân sự hội thánh tư gia Tin lành như thế, sẽ càng thấy rõ tính chất ôn hòa, của phía Phật giáo.

Đạo tràng tự phát tuy liên kết tập thể, nhưng không từ sự bất mãn với giáo hội, không có tính cát cứ. Trong khi đó, lý giải nguyên nhân hình thành hội thánh tư gia Tin lành, tác giả Nguyễn Xuân Hùng, trong tài liệu dẫn trên có nói đến nguyên nhân từ tổ chức hội thánh: “Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tổ chức giáo hội lớn duy nhất đang ở trong tình trạng trì trệ về tổ chức, nhân sự. Với nội quy giáo luật, kỷ luật chặt chẽ nhưng đang ở trong tình thế không có sự quản lý có hiệu lực đối với chức sắc, tín đồ” (trang 227).

Vấn đề nằm ở chính sự khác biệt nhân sự này: sẽ dẫn đến hệ quả rất khó để quản lý các hội thánh tư gia Tin Lành và ngược lại đối với các đạo tràng tự phát. Với sự khác biệt này, một bên sẽ có sự đề kháng đối với việc quản lý, vì động cơ của những người lãnh đạo hội thánh tư gia Tin lành là muốn vượt ra khỏi sự quản lý, dấu mình, ẩn lậu. Trong khi đó, các đạo tràng tự phát có thể sẵn sàng chấp nhận những hình thức quản lý nhất định, khi họ được tự do hoạt động. Điều này có thể thấy được bước đầu trong thực tế Hội thánh tư gia Tin lành khi đã có thể đăng ký hợp pháp, điều chắc là họ vẫn sẽ không mặn mà gì. Đơn giản là vì tính chất muốn vượt ra khỏi sự quản lý, vốn là động cơ hình thành dạng giáo phái này. Ngược lại, họ sẽ khai thác tối đa tình trạng tự do, ẩn mình, không chịu sự quản lý trong nội dung truyền giảng, nghi lễ, sinh hoạt.

Trong khi các đạo tràng tự phát Phật giáo về cơ bản vẫn giữ nghi lễ tụng niệm Phật giáo Bắc Tông, chỉ khác là không có người tu sĩ, mà hoàn toàn 100% tín đồ, thì nội dung truyền giảng, nghi lễ của các hội thánh tư gia Tin lành có khác biệt lớn so với Tin lành nhà thờ (tạm gọi để phân biệt với Tin lành tư gia).

Tin lành nhà thờ là dạng Tin lành công khai, ít nhiều gì cũng chịu sự quản lý, sinh hoạt trong vòng kiểm soát. Vì thế nội dung truyền giảng của họ cố gắng giữ nét thuần túy tôn giáo, không đả phá tôn giáo truyền thống bản địa, kêu gọi cải đạo lộ liễu. Về nghi lễ, thì Tin Lành nhà thờ chỉ hát thánh ca, ít có những hình thức đi quá đà như nhảy múa, gào thét, la hét, vật vã, khóc lóc, co giật, hú rú…

Ở Tin Lành tư gia, tính chất riêng tư, bí mật, giấu mình tự do được bộc lộ rõ. Do thoát khỏi mọi sự kiểm soát, hội thánh tư gia Tin Lành rất bạo miệng trong truyền giảng.

Bài viết in trong sách đã dẫn có ghi nhận tình trạng “đả kích, bài xích các tôn giáo khác” (trang 235). Âu cũng dễ hiểu, bản chất của Tin Lành là đi cải đạo, thì trong chỗ bí mật, ẩn lậu, họ đâu có ngần ngại gì. Điều mà sách “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc” ghi nhận không lạ.

Triệt để khai thác thế bí mật, riêng tư, các hội thánh tư gia Tin Lành coi việc triển khai các nghi lễ không có ở nhà thờ Tin Lành là một thế mạnh. Một mục sư với mươi tín đồ đóng cửa tư gia lại, thế là tha hồ gào thét, khóc lóc, thậm chí vật vả, lăn lộn, giãy gụa, co giật, hú rú… để thờ phượng Thiên chúa (cụ thể, có thể xem trên You Tube). Đây cũng là phương thức để họ lấy tín đồ nhà thờ, vì ở Việt Nam hội thánh tư gia “độc quyền” những nghi lễ kỳ dị, đưa con người đến đỉnh điểm phấn kích này. Sách dẫn trên cũng ghi nhận hội thánh tư gia Tin lành “tự do hơn trong các quy định bắt buộc của đời sống tín đồ, như vấn đề quan hệ nam nữ, hút thuốc, uống rượu (vốn để thu hút tín đồ không bỏ đi nhóm khác)”.

Như vậy, là cùng môi trường hoạt động tư gia, nhưng phía hội thánh tư gia Tin Lành triệt để khai thác yếu tố tư gia, thành riêng tư, ẩn lậu, thầm lặng, giấu mình, bí mật. Còn các đạo tràng tự phát Phật giáo thì hành đạo công khai tụng niệm ở các đám tang, nhà có người hấp hối, tuyệt đối giữ vẻ trang nghiêm về tôn giáo.

Vì thế, tính tư gia trong đạo tràng tự phát Phật giáo chỉ nên hiểu là tách biệt với nhà chùa. Còn tính tư gia trong hội thánh tư gia Tin Lành thì chẳng những tách biệt với nhà thờ, mà còn là bất mãn, đối kháng, bí mật, ẩn lậu, cạnh tranh..

Tác giả Nguyễn Xuân Hùng, trong tài liệu đã dẫn, viết về hội thánh tư gia Tin lành: “Hoạt động truyền giáo bằng hình thức cạnh tranh, tranh giành tín đồ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và tranh giành lẫn nhau, sống nhờ nguồn tài trợ truyền giáo ngắn hạn, theo từng chiến dịch, hỗ trợ truyền giáo từ các tổ chức Tin Lành bên ngoài là đặc trưng hoạt động truyền giáo của các nhóm Tin Lành này” (trang 232).

So sánh, phía đạo tràng tự phát Phật giáo hầu như không hề có hình thức tài trợ có tính tổ chức từ nước ngoài.

Chỉ có một số đạo tràng tự phát Phật giáo chủ trương tách rời với hoạt động chùa chiền, yêu cầu tang chủ giao kết không mời thỉnh tăng ni khi đã thỉnh mời đạo tràng tự phát hộ niệm. Đây là biểu hiện tiêu cực nhất của đạo tràng tự phát Phật giáo, có phần tương tự như tính chất cạnh tranh với nhà thờ Tin Lành của các hội thánh tư gia Tin lành. Nếu phía Phật giáo khéo léo giải quyết được vấn đề đối kháng tu sĩ và chùa chiền này của đạo tràng tự phát, gắn đạo tràng tự phát Phật giáo vào sinh hoạt Phật giáo địa phương, là hầu như sẽ không còn vấn đề đạo tràng tự phát nữa.

Trong khi đó, hội thánh tư gia Tin lành sẽ là một vấn đề phát triển ngày càng phức tạp và chứa đựng trong đó ngày càng nhiều nguy cơ, cả đối với Tin lành nhà thờ, các tôn giáo khác và cả xã hội. Đó là do tính chất cực đoan, cạnh tranh gay gắt, kích thích phần khích động đan xen với quan điểm thầm lặng, riêng tư, bí mật của nhóm Tin lành này. Từ đó, dẫn đến một số tệ nạn (xin xem bài viết đã dẫn).

Trong tương lai gần, có thể các hội thánh tư gia Tin lành khó có thể phát triển thành một hệ phái lớn. Đây cũng là nhận định của tác giả Nguyễn Xuân Hùng (sách đã dẫn trang 233).

Tuy nhiên, từ chỗ bị coi là bất hợp pháp sau Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là qua việc triển khai thực hiện “Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2004, tất cả các nhóm, hệ phái Tin Lành tư gia đều được phép đăng ký hoạt động miễn là không vi phạm pháp luật. Sách đã dẫn cho biết: “Các hệ phái lớn, có thời gian hoạt động tương đối lâu, có hiến chương, điều lệ rõ ràng… được nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động trên toàn quốc và được công nhận tổ chức tôn giáo hợp pháp” (trang 233).

Như vậy, hiện tượng hội thánh Tin lành tư gia có thể giải quyết được vấn đề cơ bản, là có thể được cấp phép. Có được giấy phép họ sẽ không gặp khó khăn trở ngại khi sinh hoạt.

Nhưng họ vẫn duy trì hình thức sinh hoạt tư gia, tức là vẫn phân tán, tiềm phục, giấu mình, hợp tan, ẩn hiện… Còn theo sách đã dẫn, thì việc cấp phép, công nhận cũng chỉ áp dụng đối với “các hệ phái lớn, có thời gian hoạt động tương đối lâu, có hiến chương điều lệ rõ ràng”. Trong khi, bản chất của Tin lành tư gia là phân tán, xé nhỏ, là thầm lặng, ẩn mình.

Chính đây là vấn đề. Và vấn đề này cũng chính là sự khác biệt cơ bản giữa đạo tràng tự phát Phật giáo và hội thánh tư gia Tin Lành. Một bên, hội thánh tư gia Tin Lành, sẽ là vấn đề lâu dài, ngày càng phức tạp. Còn một bên, đạo tràng tự phát Phật giáo, chỉ là vấn đề trước mắt, có thể tháo gỡ dễ dàng nếu khéo léo, tế nhị.

MT