Trang chủ Văn hóa Sơ lược lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam

Sơ lược lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam

94

Dẫn nhập


Báo chí Phật Giáo Việt Nam thực sự khai sinh và phát triển từ khi có phong trào chấn  hưng Phật Giáo vào thập niên 1930. Sự đóng góp to lớn của những tạp chí, nguyệt san nầy đều được các vị sư lãnh đạo các hội Phật Giáo điều hành.


Nội dung thường phản ảnh thực tế Phật Giáo trong từng giai đoạn. Có những cuộc kết hợp một số báo chí thời đó, nhưng đồng thời cũng có những cuộc tranh luận, đặc biệt là báo chí Phật Giáo ở một số tỉnh miền Nam Nam Bộ (Hội Lưỡng Xuyên và hội Kiêm Tế). Sau đây là lịch sử tiến triển báo chí PG quan trọng, trình bày theo từng miền Bắc, Trung, Nam.


Tạp chí Đuốc Tuệ


Tạp chí này ra đời vào đầu tháng Chạp năm 1935, do ông Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm. Đứng tên chủ bút là thiền sư Trung Thứ trú trì chùa Bằng Sở. Phó chủ bút là thiền sư Doãn Hài (Dương Văn Hiển), trú trì chùa Tế Cát. Quản lý là ông Cung Đình Bính.


Báo quán đặt tại chùa Quán Sứ, đường Richard Hà Nội. Hai cây bút bền bỉ nhất của tạp chí Đuốc Tuệ là Đồ Nam Tử và Thiều Chửu. Những cây bút khác là Thái Hòa, Thanh Đặc, Tố Liên, Đỗ Trần Bảo, Phạm Văn Côn, Đinh Gia Thuyết, Đỗ Đình Nghiêm, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ v.v…


Trong những số đầu, Đuốc Tuệ đăng nhiều bài có tính cách bênh vực cho phong trào chấn hưng Phật giáo chủ trương rằng đạo Phật là một đạo vì cuộc đời mà có chứ không phải trốn cuộc đời.


Ngay số đầu, Đuốc Tuệ đăng bài Đạo Phật Có Quan Thiết Với Sự Sống Của Đời Người của Phan Đình Hòe, trưởng ban đại ký chi hội Nam Định. Đuốc Tuệ số 2 (ngày 17.12. 1935) nêu rõ xã hội tính cần thiết của tôn giáo, tính cách Á đông và dân tộc của Phật giáo và tinh thần tự do, bình đẳng và hiếu hòa của đạo Phật. 


Ông Nguyễn Trọng Thuật đã viết một truyện dài rất có ý vị đăng nhiều kỳ trong Đuốc Tuệ. Đó là truyện Cô Con Gái Phật Hái Dâu, kể lại cuộc đời Ỷ Lan Phu Nhân, một cô gái thôn quê làm nghề hái dâu ở làng Thổ Lỗi (sau này là làng Siêu Loại) được vua Lý Thánh Tông, đã đem tinh thần đạo Phật mà dựng nước và cải tổ những bất công ở xã hội nông thôn. Đây là một truyện dài viết rất có nghệ thuật, hơn hẳn tác phẩm Quả Dưa Đỏ của cùng một tác giả.


Đuốc Tuệ cũng đăng thiên biên khảo Việt Nam Thiền Tông Thế Hệ của ông trong nhiều kỳ. Đây là một tác phẩm nói về hành trạng, thi văn và tư tưởng của các thiền sư Việt Nam các phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Ông Nguyễn Trọng Thuật đã căn cứ trên sách Thiền Uyển Tập Anh để viết thiên biên khảo này.


Ngoài tạp chí Đuốc Tuệ, Nguyễn Trọng Thuật còn viết về đề tài Phật giáo trong tạp chí Nam Phong. Bài Phật Giáo Tân Luận của ông được đăng trong cá số 208-209 trang 217-221 và 267-278 (năm 1934 và bài Bình Luận về Sách “Khóa Hư” của ông được đăng trong số 189 trang 315-324 (năm 1933). Trong Nam Phong, ông có viết nhiều đề tài quan trọng như Điều Đình Cái Án Quốc Học (số


Tạp chí Tiếng Chuông Sớm


Sự bất đồng tình giữa các sơn môn và hội Bắc Kỳ Phật Giáo xảy ra rất sớm, trước khi Đuốc Tuệ mới ra đời. Hội Bắc Kỳ Phật Giáo thành lập vào tháng Mười một năm 1934, nhưng mãi đến tháng Chạp năm 1935 tạp chí Đuốc Tuệ mới ra đời. Trong khi đó thì các sơn môn Linh Quang và Hồng Phúc đã đặt cơ sở cho một tạp chí Phật học Tiếng Chuông Sớm từ cuối năm 1934. Ngày 31.1.1935 thì có nghị định cho phép xuất bản Tiếng Chuông Sớm.


Chủ nhiệm sáng lập ra tạp chí này là thiền sư Đỗ Văn Hỷ, Tăng Cương chùa Linh Quang (Bà Đá), và quản lý là thiền sư Thanh Tường, trú trì chùa Trầm ở Hà Đông và chùa Vũ Thạch ở Hà Nội. Một nhân vật thứ ba nữa làm nòng cốt cho công việc này là thiền sư Đặng Văn Lợi, tăng trưởng chùa Trần Quốc. Chủ bút của tờ báo là thiền sư Bảo Giám, trú trì chùa Đông Lâm ở Bắc Ninh, và phó chủ bút là thiền sư Nguyễn Quang Độ trú trì chùa Bảo Phúc ở Hà Đông. Số đầu của Tiếng Chuông Sớm ra ngày 15.6.1935.


Trong bài Tình Hình Phật Giáo Trong Nước đăng ở số này, ký giả H.S. nhắc đến công trình chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ và Trung Kỳ và sự thành lập hội Bắc Kỳ Phật Giáo tại chùa Quán Sứ. “Hiện nay nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ, lại được tổ Vĩnh Nghiêm, một vị trưởng lão trong Tùng Lâm Bắc Kỳ chủ trương mọi việc ở Hội Chính. Tiếng Chuông Sớm này do Cổ Sơn Môn Hồng Phúc và Bà Đá cũng xin góp phần phục vụ…


Để ủng hộ cho Tiếng Chuông Sớm, thiền sư Thanh Tường đã mời một số các vị tăng sĩ có uy tín vào làm cố vấn cho tạp chí: Thiền sư Thanh Phán (chùa Triệu Khánh, Hà Đông), thiền sư Nguyễn Duy Trinh (chùa Hưng Khánh, Hà Đông), thiền sư Ngô Công Bốn (chùa Hàm Long, Hà Nội), thiền sư Nguyễn Văn Thi (chùa Hương Tuyết, Hà Đông), thiền sư Thạch Điều (chùa Đế Thích, Hà Nội) và thiền sư Thanh Trọng (chùa Mễ Sơn, Hà Đông). Ông lại còn mời các ông Mai Đăng Đệ, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Tiến Lãng vào ban biên tập. Nguyễn Tiến Lãng thì phụ trách phần tiếng Pháp và Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) thì phụ trách phần chữ Hán.


Số ra mắt Tiếng Chuông Sớm gây ảnh hưởng khá lớn trong Phật học giới, nhưng ông Nguyễn Năng Quốc hội trưởng Bắc Kỳ Phật Giáo không được hoan hỷ, bởi vì ông nghĩ rằng một Phật sự như thế phải nằm trong phạm vi hoạt động của hội. Ngày 25.6.1935 ông gửi một lá thư cho Tiếng Chuông Sớm trách rằng chùa Bà Đá đã không chịu hợp tác với hội Bắc Kỳ Phật Giáo, lại cho ra “báo riêng”. Một hành động như thế, theo ông, là một hành động “đối lập”, trái với tinh thần lục hòa.


Ban Quản Trị hội Bắc Kỳ Phật Giáo trong một buổi họp ngày 23.6.1935, nghĩa là trước đó hai hôm, đã quyết định “không đồng ý cổ động cho Tiếng Chuông Sớm.


Việc làm của hội Bắc Kỳ Phật Giáo không được phù hợp với truyền thống Phật giáo ở nhiều điểm: (a) Ban Trị Sự của hội chỉ toàn là cư sĩ. Thiền gia Pháp Chủ Thanh Hanh tuy ngồi đó nhưng chỉ có hư vị.  (b) Hội lập trường Phật học theo “lối mới” để đào tạo một thế hệ “sư mới”, như vậy là phủ nhận truyền thống học tập trong mùa kết hạ của thiền môn.


Tiếng Chuông Sớm ra điều kiện: nếu hội Bắc Kỳ Phật Giáo sửa chữa lại Điều Lệ, bầu lên một Ban Trị Sự gồm toàn các thành phần tăng sĩ, với thiền sư Thanh Hanh làm hội trưởng, đem trụ sở về chùa Hòa Giai hay là chùa Bà Đá, thì Tiếng Chuông Sớm sẽ xin tự hiến mình làm cơ quan ngôn luận của hội .


Sự bất đồng ý kiến kéo dài từ giữa năm 1935 cho đến cuối năm 1935. Trong thời gian đó, các tổ đình Bà Đá, Hồng Phúc và Hòa Giai phối hợp với các chùa chi nhánh tại Hà Nội và các tỉnh để tổ chức Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn, đường lối là phát triển Phật giáo trong tinh thần duy trì truyền thống sinh hoạt cổ điển của thiền môn.


Tuy vậy, sơn môn Vĩnh Nghiêm đã không để cho sự chia rẽ trở nên trầm trọng. Sau những cuộc thăm viếng liên tiếp giữa các tổ đình Vĩnh Nghiêm và Linh Quang do thiền sư Thanh Hanh chủ trương, sự bất đồng ý kiến kia dần dần nhường chỗ cho sự cộng tác.


Đầu tháng Chạp năm 1935, Đuốc Tuệ ra mắt Phật học giới. Tiếng Chuông Sớm số 14 ra ngày 26.12.1935 mở lời chào mừng Đuốc Tuệ và đăng những bài có tinh thần hòa giải và cởi mở. Tiếng Chuông Sớm lại mời thêm một số nhà văn vào ban biên tập, như Nguyễn Mạnh Bổng và Nguyễn Trung Như, nhưng đến cuối tháng Năm 1936 thì báo đình bản vì lý do tài chính. Số chót của Tiếng Chuông Sớm là số 24, ra ngày 21.5.1936.


Vào thời gian này, những dị biệt giữa Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn và hội Bắc Kỳ Phật Giáo không còn nữa, cho nên sự suy tôn thiền sư Thanh Tường lên ngôi Thiền gia Pháp chủ được thực hiện một cách dễ dàng. Thiền sư Thanh Tường vốn là vị tôn túc cao niên nhất trong pháp phái Lâm Tế lúc bấy giờ và được tất cả các tổ đình Linh Quang và Hồng Phúc quy ngưỡng.


Tạp chí Viên Âm


Viên Âm ra mắt số đầu ngày 1.12.1933. Danh từ Viên Âm được giải thích như sau: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cũng tam giới khắp thập phương, lớn nhỏ xa gần đâu đâu cũng tròn cả


Đệ tử tại gia xuất sắc nhất của Giác Tiên hẳn là Tâm Minh Lê Đình Thám.  Bác sĩ Lê Đình Thám là một người có tư chất cực kỳ thông minh và trái tim đầy nhiệt tình. Ông sinh năm 1897 tại Quảng nam, con của thượng thư bộ binh Lê Đỉnh triều Tự Đức.


Từ hồi nhỏ ông đã được học Nho và đã làm được văn bài cùng thi phú cổ điển. Lớn lên ông theo tân học, đậu thủ khoa trong tất cả các kỳ thi từ cấp tiểu học đến Đại học. Ông tốt nghiệp thủ khoa Đông Dương Y Sĩ khóa 1916, và Y Khoa Bác Sĩ khóa 1930.  Tâm Minh Lê Đình Thám đã có căn bản Hán học lại có óc thông minh nên đã đi rất mau trên con đường học Phật.  Liên tiếp trong ba năm (1929-1932) ông được học tập dưới sự chỉ đạo của Giác Tiên và của thiền sư Phước Huệ, một cao tăng nổi tiếng bác thông minh kinh luận vào bậc nhất thời ấy


Trong số những vị cư sĩ tham dự vào việc vận động thành lập hội An Nam Phật Học, ta thấy có Ưng Bàn, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiêu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý và Tôn Thất Tùng.


Trong bước đầu, Lê Đình Thám đảm nhiệm chức vụ hội trưởng, nhưng ông không ngồi mãi ở địa vị đó. Các vị khác như Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng v.v… cũng thay thế nhau là hội trưởng cho hội. Lê Đình Thám không những làm cái trục trung ương của hội mà còn là linh hồn của tạp chí Viên Âm nữa.


Sở dĩ ông làm việc được một cách bền bỉ là tại vì ông có đủ đức khiêm nhượng. Ông làm một chất keo dính liền các phần tử khác biệt về tuổi tác và về nhận thức chính trị. Hội An Nam Phật Học lúc đầu đặt trụ sở tại chùa Từ Quang và nguyệt san Viên Âm đã đặt tòa soạn tại số 13 đường Champeau Huế.


Các buổi giảng diễn Phật pháp đầu tiên được tổ chức tại chùa Từ Quang, và hai giảng sư phụ trách giảng diễn nhiều nhất là Mật Khế và Tâm Minh Lê Đình Thám. Cư sĩ Tâm Minh cũng viết những bài Phật pháp bằng Pháp văn để đăng trên báo Viên Âm nữa.


Trong các số đầu của Viên Âm, ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M.), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm), gọi đó là những “biệt khai phương tiện”. Tuy rằng truyện ngắn và truyện dài của ông có nhiều ý vị nhưng vì độc giả Viên Âm muốn dành hết số trang cho giáo lý nên đến số 4, ông hy sinh hai mục đó và chỉ giữ lại mục câu chuyện khôi hài, tức là câu chuyện của chú tiểu Cửu Giới. 


Sau lễ Phật Đản 1935, có nhiều bài báo công kích đạo Phật, cho rằng đạo Phật là đạo ru ngủ và phục hưng Phật giáo là một việc làm không hợp thời. Chẳng hạn báo Ánh Sáng ra ngày 8.6.1935 đã đăng một bài của Kính Hiển Vi. Nhan đề là Phật Giáo Dưới Kính Hiển Vi. Ký giả Nguyễn Xuân Thanh của Viên Âm bác bỏ các luận cứ của Kính Hiển Vi, và bảo rằng Kính Hiển Vi chỉ “có thể để xem vi trùng chứ không có thể xem Phật giáo”.


Ông cho rằng Phật giáo rất thích hợp với đời sống mới, rằng đạo Phật có đủ tinh thần cải cách, tinh thần độc lập, tinh thần thực hành và tinh thần dũng cảm   .


Tuy chứng minh đạo sư của hội là Giác Nhiên có viết thư khuyên Viên Âm “tránh sự cãi cọ như tránh hang lửa trừ khi phải hộ pháp”, tạp chí Viên Âm vẫn chứng tỏ làm một tạp chí có biện tài. Trong khi Tâm Minh đối chất với Bích Liên và những học giả khác về đề tài “Cái Hồn”, thì Nguyễn Xuân Thanh thẳng tay phê bình những bài viết trên các báo Tràng AnÁnh Sáng về đạo Phật. 


Chủ trương của Nguyễn Xuân Thanh là đạo Phật có thể luyện cho con người một tinh thần tự lập, khẳng khái, cương quyết, biết hy sinh, và thanh niên của đạo Phật là người có thể thực hiện được tinh thần ấy vì họ là những bậc đã phát bồ đề tâm.


Cây bút Nguyễn Xuân Thanh là cây bút thanh niên. Ông nhấn mạnh với đối phương: “Người nào muốn phê bình đạo Phật thì trước hết, ít nữa cũng phải biết đạo Phật là chi đã”. Nguyễn Xuân Thanh còn viết nhiều bài nữa để chứng minh rằng Phật học rất cần thiết để bổ túc cho khoa học.


Rất nhiều đoàn viên của Đoàn Phật Học Đức Dục đã đóng góp bài cho Viên Âm: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Đỗ Cung, Ngô Điền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Đồi, trong đó Phạm Hữu Bình là một trong những người có kiến thức giáo lý vững chãi nhất. Ông đã viết về Duy Thức trong nhiều số Viên Âm.  


Đoàn Phật Học Đức Dục lại có tổ chức Phật học Tùng Thư và xuất bản nhiều sách Phật, trong đó có cuốn Phật Giáo Và Thanh Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình và cuốn Phật Giáo Và Đức Dục của Đinh Văn Vinh. Hai cuốn này đều nhằm đến sự xây dựng phong trào thanh niên Phật tử.


Tuy làm được thật nhiều việc, ông vẫn có thái độ khiêm cung và sự khiêm cung và sự khiêm cung này được trông thấy nơi một bài thơ ông làm và đăng ở Viên Âm số 17 (tháng Chín 1935): Bấy nay vật vã kiếp phù trầm/ May đặng vào tai tiếng Phạm Âm/ Tùy tiện trau dồi gương chánh kiến/ Ứng cơ giảng giải lý duy tâm/ Ngộ mê vẫn đủ ngôn thân ý/ Sinh tử nguyên vì sát đạo dâm/ Tam bảo từ bi xin mật hộ/  Cho khi hoằng pháp khỏi sai lầm.


Nhiều ban Đồng Ấu mới được thành lập, và những ban này bắt đầu hướng dẫn, học tập và rèn luyện bởi những đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục. Cuốn sách căn bản về Phật học để giáo dục thanh thiếu niên hồi ấy là cuốn Phật Giáo Sơ Học được đoàn Phật Học Đức Dục soạn và ấn hành năm 1942. Thấy thế hệ trẻ làm việc có hiệu quả, Lê Đình Thám giao cho họ việc biên tập Viên Âm và sử dụng tạp chí này để tạo dựng một thế hệ Phật tử mới.


Từ số 48 trở đi, Viên Âm đổi mới hoàn toàn. Hầu hết mọi bài vở đều do đoàn viên Đoàn Phật Học Đức Dục viết. Văn của họ mới, gọn và dễ hiểu, hướng cả về tuổi trẻ. Truyện tiền thân của họ viết làm say mê thiếu niên và thiếu nữ. Trong phần Pháp văn họ viết về sự thực tập thiền định (Pratique de la Méditation), giới thiệu phần thực tiễn và tinh ba nhất của đạo Phật cho giới tân học.


Tạp chí Tam Bảo


Tạp chí xuất bản năm 1937 đã bị đình bản vào giữa năm 1938. Tờ Tam bảo là cơ quan truyền bá cuộc chấn hưng Phật Giáo ở miền Nam Trung Phần (Bình Định)


Hội Phật học Bình Định là một trong những hội hoạt động khá nhất ở Trung Kỳ. Tại chùa Long Khánh, một Phật học đường cấp trung đẳng được hội thiết lập đầu năm 1937 do thiền sư Phước Huệ đứng làm đốc giáo. Thiền sư Phước Huệ vì lý do sức khỏe, từ đây chỉ ở lại Bình Định và dạy Phật học đường Long Khánh, chứ không ra Huế nữa.


Vì lý do đó, nhiều học tăng lớp đại học tại Huế, trong số đó có nhiều vị được gửi từ Phật học đường Lưỡng Xuyên ra, đã theo về Bình Định và tiếp tục học nơi Phật học đường Long Khánh. Trong số đó ta có thể kể thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không và Bửu Ngọc.


Tạp chí này thường xuyên  đề cập đến nhu yếu thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong xứ thành một hội Phật Giáo Liên Hiệp. Bản ý và chủ đích hành động của hội Đà Thành Phật Học, theo Tam Bảo, là:


1) Phò khởi tăng giới, nguyện cùng chư Sơn Nam Bắc liên đoàn, để bảo tồn Tăng Bảo.


2) Nguyện cùng chư Sơn chấn chỉnh tôn phong, chung một điều lệ thi hành, cần nhất là phải giữ cho được hoàn toàn giới hạnh  .


Về một hội Phật giáo liên hiệp thống nhất, Tam Bảo đề nghị tổ chức hai cơ quan: cơ quan Hoằng Pháp và cơ quan Hộ Pháp. Cơ quan Hoằng Pháp do chư tăng chủ động, gồm có các trách vụ nghi lễ, tổ chức, truyền bá và giáo dục. Cơ quan Hộ Pháp, do cư sĩ phụ trách gồm có các trách vụ cứu tế, ngoại giao, kiểm sát, kiến trúc, điều độ và kinh tế..
 
Trước khi các tạp chí Viên Âm của hội An Nam Phật Học và Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt ra đời, tại Huế đã có đặc san Phật Giáo Văn Tập và tạp chí Giác Ngộ. Đặc san Phật Giáo Văn Tập được xuất bản lần đầu vào ngày Phật Đản 1947, do cư sĩ Tráng Đinh chủ trương.


Cư sĩ Tráng Đinh là một người có lòng đối với nền văn học Phật giáo; ông đã liên lạc với các cây bút tăng sĩ và cư sĩ hồi đó để đề nghị sáng tác và đã đứng ra xuất bản văn tập này ba tháng một lần với phương tiện tài chính do chính ông vận động.


Phật Giáo Văn Tập ra đời trước khi hội Việt Nam Phật Học được thành lập. Đến năm 1949, ông vận động xin phép xuất bản tạp chí Giác Ngộ, mời nhà văn Võ Đình Cường làm chủ bút, còn mình thì đứng làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Viên Âm (bộ mới) ra đời đầu năm 1950, do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định đứng làm chủ nhiệm, thiền sư Trí Quang làm chủ bút, và cư sĩ Tôn Thất Tùng làm quản lý.


Viên Âm chuyên về khảo cứu giáo lý, khác hẳn với Giác Ngộ có tính cách văn nghệ và thời sự. Cộng tác với Giác Ngộ, ngoài Võ Đình Cường còn có Nguyễn Hữu Ba, Cao Khả Chính, Nguyễn Khắc Ngữ, Tống Anh Nghị, Trương Tú, Trinh Tiên và Lê Bối.


Viên Âm là cơ quan chính thức của hội An Nam Phật Học; thiền sư Trí Quang cũng đã viết trong tạp chí này với những bút hiệu như Thích Kim Sơn và Thích Thuyền Minh. Các thiền sư Thiện Siêu, Thiện Minh, Mật Nguyện và cư sĩ Chơn An đều có cộng tác với tạp chí này.


Tạp chí Liên Hoa


Là Tạp chí cuả Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, được xuất bản năm 1959, do thiền sư Đôn Hậu đứng làm chủ nhiệm và thiền sư Đức Tâm đảm nhiệm trách vụ chủ bút. Tạp chí này có sự cộng tác của nhiều học tăng đang du học tại ngoại quốc.


Ngoài phần giáo lý, tạp chí cũng đăng nhiều bài có tính cách văn nghệ. Tạp chí này đình bản vào năm 1966. Tại Đà Lạt, từ năm 1950 đã có tạp chí Hướng Thiện do thiền sư Thiện Minh làm chủ nhiệm. Đến năm 1951, tạp chí này đình bản.


Tạp chí Liên Hoa


Một tạp chí khác ra đời lấy tên là Liên Hoa, do cư sĩ Huỳnh Văn Trọng chủ nhiệm. Tạp chí này được một tổ chức Phật tử trí thức tên là Phật Giáo Thiện Hữu trợ lực về phương diện tài chính. Trong tổ chức này có những cư sĩ như Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Minh Tâm, André Migot và Pierre Marti. Bác sĩ Migot đã gây nhiều chấn động thế giới Công giáo vì tác phẩm Phật Giáo Với Văn Minh Âu Tây, trong đó ông chủ trương nên để cho người Á Đông theo tôn giáo của họ là Phật giáo và chấm dứt truyền bá Cơ Đốc giáo trong xã hội của họ.


Cư sĩ Pierre Marti, pháp danh là Long Tử, đã từng diễn thuyết về Phật giáo tại các chùa cao nguyên Trung Phần bằng tiếng Việt. Ông là quản lý cho tập san Liên Hoa từ năm 1951 đến 1954. Chủ bút của tạp chí này là thiền sư Nhất Hạnh. 


Tạp chí Pháp Âm   


Năm 1923 trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ngài Khánh Hoà, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là hội Lục Hòa liên Hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam Toàn Quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo.


Trong số những người cộng sự của ông, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia. Năm 1927, Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động. Tại đây, Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ v.v…, nhưng gặp nhiều trở ngại, cuộc vận động bất thành.


Sau mùa an cư tại Quy Nhơn, Khánh Hòa trở về Nam đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam Kỳ trước. Năm 1928 ông cùng ba vị tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn đường Duaumonht Sài Gòn.


Năm 1929, Khánh Hòa và Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho Thư Xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn.


Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm. Pháp Âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra đời ngày 13.8.1929.  


Nhưng Thiện Chiếu cho từ báo ấy là “xưa” quá, cho nên ông tự ý vận động xuất bản một văn tập lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Tờ này đặt căn cứ tại chùa Chúc Thọ ở Xóm Gà (Gia Định). Trong khi công việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến thì Khánh Hòa cùng các bạn đồng chí quyết định thành lập một hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng Hội.


Ông triệu tập các đồng chí, và với sự cộng tác của một số cư sĩ tại Sài gòn như các ông Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ và Nguyễn Văn Cần… thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Hồi đó Khánh Hòa đã được năm mươi lăm tuổi. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập năm 1931, điều lệ của hội được phê y ngày 26 tháng Tám năm ấy.


Tạp chí Từ Bi Âm


Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm chánh hội trưởng. Khánh Hòa giữ trách vụ phó nhất hội trưởng và chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm. Tạp chí này chào đời ngày 1.3.1932. Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Ông Trần Nguyên Chấn làm phó nhì hội trưởng. Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở, ngay cạnh khu đất riêng của ông Trần Nguyên Chấn.


Ngay sau  khi hội được thành lập, sáu căn nhà ngói được khởi công xây dựng gần chùa Linh Sơn, trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn với sự đồng ý của ông này. Khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện cũng được xây cất trên đất ông Chấn. Thư viện này có tên là Pháp Bảo Phương. Tục Tạng Kinh được đem an trí tại đây. Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Hoa.


Thất vọng về hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đầu năm 1933 Khánh Hòa từ bỏ chức vị phó hội trưởng và chủ nhiệm Từ Bi Âm. Lúc đó Từ Bi Âm đã ra tới số 45. Ông rút về Trà Vinh để cùng các thiền sư Huệ quang và Khánh Anh để tìm con đường mới.


Một vị thiền sư ở chùa Thiên Phước quận Trà Ôn tên là Chánh Tâm được mời giữ chức chủ nhiệm Từ Bi Âm. Tuy vậy nhờ sự hợp tác của các thiền sư Bích Liên và Liên Tôn mà Từ Bi Âm còn đóng được một vai trò hoằng pháp đáng kể.


Từ Bi Âm không đóng góp được gì trong việc xây dựng ý thức văn hóa dân tộc, nhưng trong mười năm trời cũng đã làm được công việc phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ. Bích Liên và Liên Tôn phát xuất tại Bình Định. Chính Khánh Hòa đã khám phá được hai người này khi ông ra thuyết pháp tại giới đàn Long Khánh ở Quy Nhơn và năm 1928. Nhận thấy thực tài của hai người, ông bèn kết làm thân hữu và mời hai người vào Nam họat động.


Bích liên đã làm chủ bút Từ Bi Âm trong khi Liên Tôn làm phó chủ bút. Trần Nguyên Chấn làm quản lý của tạp chí này, và đã không bao giờ để cho Từ Bi Âm chết vì lý do tiền bạc.


Trong các tập san Từ Bi ÂmTam Bảo, Bích Liên còn viết nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát. Năm 1938, ông được mời về làm giáo sư tại Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn.


Tạp chí Từ Bi Âm có thể nói là đóng góp đáng kể gần như duy nhất của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Tuy nhiên, Bích Liên và Trí Độ không làm việc được mãi với hội này. Cuối năm 1936, Bích Liên trở về Bình Định, nhận chức giáo thọ cho Phật học đường chùa Long Khánh, Quy Nhơn; Trí Độ cũng về Bình Định và sau đó ra Huế dạy trường An Ban Phật học ở Báo Quốc.


Tạp chí Duy Tâm


Năm 1935, hội xuất bản sách Phật Học Giáo Khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán. Tạp chí Duy tâm của hội Lưỡng Xuyên Phật Học được ra mắt vào tháng Mười năm 1935. Huệ Quang đứng làm chủ nhiệm và quản lý là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe. Tòa soạn được đặt tại chùa Long Phước. Tạp chí khởi dịch từ các kinh Ưu Bà Tắc Giới và Quán Vô Lượng Thọ Phật.


Hồi ấy phong trào Phật học đã lan rộng cho nên báo Lục Tỉnh Tân Văn tại Sài Gòn cũng mở “Trang Phật Học”. Duy Tâm thường lên tiến kêu gọi thành lập một Phật Giáo Tổng Hội để thống nhất tổ chức Phật Giáo Việt Nam.


Từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào Duy Tâm cũng có bài bàn về vấn đề thành lập Phật Giáo Tổng Hội. Hội Lưỡng Xuyên Phật Học có nhiều liên lạc thân hữu với hội An Nam Phật Học và với sơn môn Thừa Thiên. Năm 1936, hội gửi bốn học tăng xuất sắc ra học trường Sơn Môn Phật Học. Năm 1939 lại gởi ra thêm sáu vị nữa.


Trường của hội bị đóng cửa trong mấy tháng vì thiếu tài chính, sau nhờ có một nữ cư sĩ ở Đa Kao là bà Thái Văn Hiệp pháp danh là Chân Nhật nhận trợ cấp bảy mươi lăm đồng một tháng cho nên mới mở cửa lại được. Lúc bấy giờ học tăng Hiển Thụy ra Huế học tốt nghiệp. Ông trở vào trường Lưỡng Xuyên cũng mời thêm các thiền sư Mật Thể và Như Ý từ Thừa Thiên vào để phục lực giảng dạy Phật pháp.


Nhưng đến cuối năm 1941, trường lại bị đóng cửa vì thiếu tài chính, và hội Lưỡng Xuyên Phật Học chỉ còn đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương như Sa Đéc, Phú Nhuận và Kế Sách.


Những liên hệ giữa hội Lưỡng Xuyên Phật Học và Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học không được tốt đẹp. Trần Nguyên Chấn vì không ưa sự hiện diện của hội Lưỡng Xuyên, nên đã có lần kích bác hội và tạp chí Duy Tâm trên báo Từ Bi.


Tạp chí Tiến Hóa  


Là cơ quan truyền bá Phật pháp và cứu tế xã hội của hội Phật Học Kiêm Tế  (lập năm 1936). Số đầu ra vào ngày đầu năm năm 1938; Phan Thanh Hà đứng tên chủ bút. Thiền sư Thiện Chiếu không giữ chức vụ nào trên mặt giấy tờ cả; ông chỉ làm việc phía sau.


Những bài trên Tiến Hóa do ông viết được ký tên bằng bút hiệu. Chủ nhiệm của Tiến Hóa là ông Đỗ Kiết Triệu. Tạp chí Tiến Hóa số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện Kiêm Tế, một cô nhi viện có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hóa số 1 cũng đăng hình hội Phật Học Kiêm Tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết rằng hội đã nuôi ăn từ 200 đến 300 nạn nhân bảo lụt tại trụ sở của hội trong thời gian hai tháng. Hình chụp ngày 26.9.1937.


Ngoài chủ ý muốn chứng minh rằng hội Phật Học Kiêm Tế không phải là hội “chịu nói suông”, Tiến Hóa lại tuyên bố rằng tờ báo không những sẽ “tuyên truyền” cho Phật học mà còn ‘tuyên truyền” cho “bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui”. Theo Tiến Hóa, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái thì đều được Tiến Hóa công nhận là “Phật pháp” cả.


Ký giả Trầm Quân của Tiến Hóa giữ mục triết học thường thức. Bắt đầu từ số 1 ông viết về đề tài “Triết học là gì?”. Trong số 4, ông đã trình bày Duy Vật Biện Chứng Pháp. Từ các số 6 trở đi, ông phê bình những hình thức khác nhau của Duy Tâm Luận. Đứng về phương diện lý thuyết. Tiến Hóa chủ trương những điểu sau đây:


1. Người Phật tử mới phải có sự giác ngộ mới. Những sự giác ngộ mới này do các khoa học khám phá. Người Phật tử phải học khoa học để biết rằng không hề có Thiên Đường cùng Địa Ngục. Phải học kinh tế học để biết rằng quan niệm giàu nghèo tại mạng là sai, rằng những đau khổ của con người là do những chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chứ không phải do một vị thần linh ban phúc giáng họa.


2. Phật Thích Ca chỉ là bậc “sáng suốt hoàn toàn” trong thời đại của Ngài mà thôi. Bây giờ cái biết của nhân loại đã trở thành rộng lớn; phải nắm hết tất cả những cái biết về các khoa học ngày nay thì mới được gọi là Phật.