Là một người thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thường không ngạc nhiên về số liệu thống kê khác nhau về số lượng tín đồ Phật giáo ở Việt Nam.
Một số quý Thầy của GHPGVN cũng có những công bố khác nhau về số Phật tử. Lúc thì 45 triệu người, lúc thì 80% dân số… Nhiều tác giả Phật giáo hay Phật tử cũng có nhận thức khác nhau về số lượng tín đồ Phật giáo.
Vì thế, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu tác giả Minh Mẫn có thể nhận định “vu vơ” về số liệu này, nhất là khi Minh Mẫn thể hiện qua nhiều bài viết là người nghĩ gì viết nấy, nghe gì nói nấy hơn là tìm hiểu, kiểm chứng hay suy xét.
Thế nhưng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi Minh Mẫn cho rằng người khác, cụ thể ở đây là báo Giác Ngộ và tác giả Minh Thạnh nhận định “vu vơ” qua bài viết “Tín đồ PGVN chỉ còn 6.802.318 người” của báo Giác Ngộ là thông tin ‘vu vơ’.
Thực ra, vấn đề số lượng tín đồ Phật giáo đã được tác giả Minh Thạnh đề cập trong bài “Chấn hưng Phật giáo: Phật giáo Việt Nam đã là thiểu số?” đăng trên Phattuvietnam.net ngày 26/7/2012. Vậy con số 6.802.318 tín đồ Phật giáo có vu vơ không?
Để chắc chắn nhất, tôi đã vào trang web của Tổng cục Thống kê, đơn vị phụ trách thống kê các số liệu của Nhà nước, cũng là đơn vị chủ trì cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009. Và con số này đã được tìm thấy trong tài liệu sau đây (trang 2, dòng 5). Cụ thể là, xin trích “Cũng theo số liệu của Tổng điều tra, nước ta có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có 3 tôn giáo với số người tin theo lớn hơn 1 triệu người. Đó là: Phật giáo có 6.802.318 người, chiếm 43,5% trong tổng số người theo các tôn giáo; Công giáo có 5.677.086 người (36,3%), và Phật giáo Hoà Hảo có 1.433.252 người (9,2%).“
Có thể con số thống kê không hoàn toàn chính xác, có sai số do nhiều nguyên nhân mà ai cũng biết, song đó là con số chính thức của một cuộc điều tra dân số cả nước chứ không thể là vu vơ.
Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về thực trạng tín đồ Phật giáo qua những mối quan hệ cá nhân. Lớp đại học của tôi có 50 người, không có ai là Phật tử (kể cả tôi, vì lúc ấy tôi chưa là Phật tử, chỉ là người mến mộ hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Phật). Lớp cao học của tôi có 45 người có mỗi mình tôi là Phật tử. Hội sở của công ty thứ nhất nơi tôi làm việc có 300 người thì số Phật tử chỉ đếm trên đầu ngón tay (Phòng tôi làm việc có 30 người duy nhất tôi là Phật tử). Công ty thứ hai nơi tôi làm việc cũng không khá hơn. Phòng tôi làm việc có 19 người thì chỉ có 2 người theo đạo Phật. Gần đây thì tín hiệu có vẻ khả quan hơn đôi chút nhưng không đáng kể.
Bạn bè, đồng nghiệp vẫn chưa biết thế nào là Phật tử. Họ hỏi Phật tử có phải là người đi tu không? Có được ăn mặn không? Có được lập gia đình không…
Thế đấy! Chúng ta có thể không buồn vì con số 6.802.318 người kê khai là tín đồ Phật giáo trong cuộc Tổng điều tra Dân số năm 2009 vì vẫn còn niềm an ủi là đa số (là bao nhiêu%?) người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
Nhưng tôi sẽ vô cùng thất vọng khi những người mang danh là Phật tử nhìn thấy con số 6.802.318 mà không thao thức, trăn trở tìm giải pháp và nỗ lực dấn thân hành động để trong cuộc Tổng điều tra dân số lần tới, con số đó có thể tăng lên, ít nhất cũng tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số (chứ không dám mơ tăng nhanh hơn các tôn giáo khác), và để Phật giáo Việt Nam sẽ không giống như Phật giáo Hàn Quốc một khi kinh tế ngày càng mở cửa, tạo ra mảnh đất màu mỡ để các tôn giáo lắm của nhiều tiền gieo hạt và gặt hái tín đồ trên những người “chịu ảnh hưởng của đạo Phật”, thậm chí cả những người theo đạo Phật.
Vì thế, tôi thất vọng về quan điểm, góc nhìn của tác giả Minh Mẫn trong bài viết vừa rồi. Minh Mẫn chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn xa hơn. Tôi sẽ trao đổi cụ thể về những luận điểm trong bài viết của Minh Mẫn trong một bài khác. Ở đây, chỉ hi vọng quan điểm của Minh Mẫn là thoảng qua, hoặc là do bất đồng âm ỉ với báo Giác Ngộ bấy lâu nay.