Số hóa và ấn hành toàn bộ báo chí Phật giáo trước 1975 sưu tầm được, nhằm bảo tồn và phát huy tư liệu Phật giáo. Mỗi trang báo được sao chụp chủ yếu từ văn bản gốc và dưới dạng một hình ảnh và được tẩy trắng nền, làm rõ chữ, đồ chữ nhưng tuyệt đối không tác động vào văn bản, không can thiệp vào chính tả, quy cách hay nội dung. Sau khi hoàn thiện được đưa in ấn trên loại giấy và mực tốt. Chúng tôi gọi việc làm này là ảnh ấn.
Trong những năm qua, Thư viện Huệ Quang đã số hóa và tuần tự ấn hành các ấn phẩm bảo chí như: Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Giữ Thơm Quê Mẹ, Phật Giáo Việt Nam, Từ Bi Âm, Hoằng Pháp, Liên Hoa Nguyệt San-Huế, Tam Bảo Chí, Đuốc Tuệ-Bắc, Bồ Đề Tân Thanh, Duy Tâm Phật Học…
Biên soạn tổng mục lục cho từng bộ báo. Đối với các bộ báo có nhiều số, Tổng mục lục sẽ in thành quyển riêng, giống như đã thực hiện đối với bộ Tư Tưởng trước đây. Đối với những bộ nhỏ như Hải Triều Âm, Hoằng Pháp, Giữ Thơm Quê Mẹ thì gắn vào đầu tập 1 bìa cứng/ số 1 bìa mềm. Tổng mục lục sẽ được soạn theo 4 kiểu tra: theo số báo, theo tác giả/ dịch giả, theo mẫu tự ABC của bài viết, theo chủ đề. Đầu Tổng mục lục sẽ có Lời giới thiệu tổng quát về nội dung, mô tả vật lý, nguồn gốc sưu tầm, quá trình thực hiện bộ báo.
Tổng mục lục rất tiện dụng cho việc học tập/ nghiên cứu, là nền tảng quan trọng cho việc hình thành các tuyển tập/ toàn tập. Nếu như tất cả báo chí đều được ảnh ấn và biên soạn Tổng mục lục, thì việc tuyển lại những bài viết của một tác giả nào đó trên báo chí là rất dễ dàng và đầy đủ. Ở nước ta, làm tuyển tập/ toàn tập ngại nhất là vấn đề này, vì không có bộ tổng mục lục đối với các báo đã xuất bản, và ngay cả bản thân tờ báo cũng đã khó sưu tầm cho đầy đủ.
Được biết, việc ấn loát của Thư viện chủ yếu mang tính bảo tồn tư liệu xưa. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc phát hành ấn phẩm này phục vụ cho các hoạt động của Thư viện Huệ Quang.
Theo TVHQ