Trang chủ Tuổi trẻ Sinh viên Hà Nội “Tìm lại chính mình”

Sinh viên Hà Nội “Tìm lại chính mình”

138

Chương trình được tổ chức bởi các bạn sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nằm trong chuỗi hoạt động Sinh viên hướng về Phật Pháp. Sau đây là nội dung thời Pháp thoại mà ĐĐ. Thích Giác Tại dành thời gian chia sẻ cùng toàn thể đại chúng.

Tìm lại chính mình hay nói cách khác chính là ta tìm lại cội nguồn hạnh phúc sau bao ngày làm chàng cùng tử bỏ nhà ra đi theo tinh thần Kinh Pháp Hoa. Thấy cha quá dỗi giàu có so với sự nghèo cùng của mình nên dù được cha hết mực mong muốn giao lại kho báu nhưng vẫn không nghĩ đó là của mình. Nghĩ mà thương cho chàng khố rách áo ôm vậy!

Hình ảnh chàng cùng tử cũng chính là hình ảnh của mỗi chúng ta. Sự phát triển của khoa học, của nền kinh tế đã mang lại cho con người cuộc sống tiện nghi hơn, vật chất được đáp ứng một cách phong phú hơn và ta có nhiều sự lựa chọn hơn cho đời sống

Thế nhưng, thử hỏi mấy ai hạnh phúc với những tiện nghi ấy? Hay ngược lại ngày càng khổ đau bởi lẽ chạy theo những gì bên ngoài mà quên đi niềm an lạc nội tâm mới chính là cội nguồn và giá trị trong kiếp người?

Bằng chính việc” tìm lại chính mình” nên cách đây 2556 năm Thái tử Sỹ đạt ta đã mang lại cho loài người con đường an lạc tự thân chứng nghiệm qua việc tu tập và phát triển các căn lành. Có thể nói, bằng sự thực nghiệm của chính bản thân ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rõ nguyên nhân và sự diệt khổ qua Tứ diệu đế và Bát Chánh Đạo. Giáo lý ấy đến nay vẫn là lộ trình cho chúng ta trên con đường tìm về chính mình.

Trong Phật giáo, ta thấy có hai loại sự thật: sự thật tương đối, gọi là thế tục đế (loka samvrti) và sự thật tuyệt đối, gọi là chân đế (paramartha). Sự thật tương đối là những gì có tính cách ước lệ: có sinh, có diệt, có có, có không, có trước, có sau, có ta, có người… Sự thật tuyệt đối vượt thoát mọi phạm trù ấy của tâm thức. Phật nói: “Có cái không sinh, không diệt, không tạo tác, không hình thành. Nếu không có cái không sinh, không diệt, không tạo tác, không hình thành ấy thì thế giới của những cái có sinh có diệt, có tạo tác và có hình thành sẽ không có nẻo thoát”. Cái không sinh, không diệt, không tạo tác và không hình thành ấy chính là niết bàn, nền tảng cho những cái có sinh diệt, tạo tác và hình thành. Cái vô vi làm nền tảng cho cái hữu vi.

Quán chiếu được vô thường và duyên sinh là thấy được vô ngã. Vô ngã là không có một cái gì thường tại, bất biến, không có một cái gì có thể tự mình tồn tại. Tất cả đều nương vào nhau mà tồn tại. Và sự tồn tại này không bền lâu, chỉ xảy ra trong một sát na. Vì vậy duyên sinh cũng là vô thường mà vô ngã cũng là vô thường.

Tuệ giác vô thường, duyên sinh và vô ngã cũng đưa tới tuệ giác không. Không nghĩa là không có một thực thể nào chắc thật, có thể một mình tồn tại riêng biệt. Không cũng có nghĩa là không có bản chấtKhông nghĩa là trống rỗng, không có cốt lõi. Thấy được không là thấy được vô sinh. Vô sinh có nghĩa là không thực sự có sinh có diệt, có có có không, có tới có đi, có một có khác. Đây là cái thấy sâu sắc nhất, gọi là cái thấy trung đạo và là con đường tốt nhất cho ta tìm lại chính mình.

Nhìn bề mặt, nghĩa là trên mặt hiện tượng, ta thấy có sinh có diệt có, không, có tới có đi, có một có khác. Nhưng quán chiếu sâu sắc vào tự tính của mọi hiện tượng, nghĩa là nhìn vào bản thể của chúng, ta thấy tất cả đều có tự tính không sinh, không diệt, không có, không không, không tới, không đi, không một, không khác. Tự tính của thế giới không phải là có cũng không phải là không. Thế giới không có bắt đầu cũng như không có chung cục. Thế giới không phải đã từ không mà trở thành có, và sẽ không từ có mà trở thành không, bởi vì bản chất thế giới là vô sinh bất diệt. Thời gian và không gian cũng chỉ là hai biểu hiện của một thực thể, thời gian và không gian nương nhau mà biểu hiện. Có thì cùng có, không thì cùng không, nghĩa là không phải có cũng không phải không. Tự tính bất sinh bất diệt này, tự tính không có không không này được Bụt gọi là niết bàn. Niết bàn là sự vắng lặng của mọi ý niệm. Cái thấy này đem lại trạng thái mát mẻ. Niết bàn có nghĩa là thanh lương, là mát mẻ, là sự vắng mặt của mọi ý niệm, của mọi lo lắng, sợ hãi, phiền muộn và thèm khát do những ý niệm ấy gây ra. Niết bàn là sự chấm dứt của cái đốt cháy. Cái gì đốt cháy? Những ý niệm có không, còn mất, sinh diệt…tạo nên đam mê, lo lắng, tuyệt vọng, sợ hãi và khổ đau. Đó là những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Đạt được chánh kiến, vượt thoát được mọi ý niệm thì lửa tắt và có sự mát mẻ.

Cái thấy vô sinh này là nền tảng của một nếp sống đạo đức được cụ thể hóa bằng con đường Bát Chánh Đạo và Năm phép hành trì chánh niệm. Bát Chánh Đạo và Ngũ Giới là sự thể hiện cụ thể của cái thấy bất nhị và trung đạo nói trên. Cái thấy này được gọi là cái thấy tương tức.

Một hôm đức Phật cầm trong tay một nắm lá “sinsapa” và nói với các vị đệ tử xuất gia: “Các con nghĩ sao? Lá trong tay ta nhiều hơn hay là lá trong rừng này nhiều hơn?” – “Bạch đức Thế Tôn, những ngọn lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá trong rừng thì quá nhiều” – “Cũng như thế đó, này các con, những cái ta biết thì rất nhiều, nhưng những cái ta đem ra dạy các con thì rất ít. Tại sao ta không đem tất cả ra để dạy các con? Bởi vì những cái ấy không có lợi gì cho các con cả. Chúng không giúp gì cho sự giải thoát cho nên ta không đem ra dạy. Ta dạy những gì? Ta dạy về sự khổ, nguyên nhân cái khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những thứ ấy có ích lợi, vì chúng có thể đưa các con đến chỗ giải thoát” (Samyutta).

Ta thấy rõ ràng đạo Phật là một con đường và là một con đường duy nhất đưa đến chỗ diệt khổ. Đạo Phật chỉ là một lối sống, một lối thực hành, không phải là một thuyết lý vô ích, một “hý luận”. Bởi vì đạo Phật nhận thấy cái cần thiết của sự diệt trừ mê vọng. Đức Phật nói: “Này các thầy tỳ kheo, đừng nghĩ vớ vẩn rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù cho thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, dù cho nó hữu cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải nhận là hiện hữu ở đời này, là những khổ đau: sinh, lão, bệnh, tử” (Anguttara).

Vậy đạo Phật chủ trương dẹp bỏ tất cả các lý luận vọng tưởng, cấm trí óc phiêu lưu vào trong những thế giới suy tưởng siêu hình mà đạo Phật quyết chắc rằng chỉ là những vọng tưởng hư ngụy và vô ích. Đạo Phật kéo con người trở về với thực nghiệm. Thực nghiệm này là một thực nghiệm bao la rộng rãi. Đó là sự nhận thức cái “khổ” ở đời

“Khổ” là một chân lý thực nghiệm. Không những chỉ sinh lão bệnh tử mới là khổ. Còn bao nhiêu cái khổ khác, lặt vặt hơn, nhưng phiền toái hơn, và dày vò con người thường xuyên hơn. “Nhận thức cái khổ” không phải chỉ là xác nhận cảm giác khổ thọ là thực hữu. Nhận thức cái khổ – dukkha – nghĩa là phải nhận chân một cách rõ rệt và sâu xa tính cách vô thường vô ngã chống đối nhau của vạn sự, vạn vật. Rộng rãi hơn, nhận thức cái khổ tức là biết mình sống đau khổ trong một thế giới khổ đau với một nghiệp báo không tốt đẹp. Tất cả những giáo lý Phật dạy đều hướng về chủ đích làm cho con người có ý thức về cái khổ, và nhận chân được cái khổ theo định nghĩa rộng rãi như trên. Con người trước tiên phải thực nghiệm một cách sâu xa và rộng rãi cái “khổ” ấy, cái sự thực Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn ấy. Có thực nghiệm như thế rồi, con người mới đặt vấn đề cần thiết: tìm nguyên do của sự khổ và phương pháp diệt khổ.

Kẻ nào chỉ có ý thức nông cạn về cái khổ thì không thể tìm đến nguyên nhân của cái khổ được. Khi con người đã chứng nghiệm một cách đầy đủ và sâu xa cái khổ Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn, con người sẽ tìm đến nguyên nhân của cái khổ một cách dễ dàng. Đã có chân lý thứ nhất là Khổ đế, thì có chân lý thứ hai là Tập đế, nguyên nhân sự khổ. Đức Phật bảo rằng nguyên nhân sự khổ là mê vọng, ác nghiệp, là ái nhiễm, và con người cũng nhận thấy như thế. Nguyên nhân của sự khổ cũng như sự khổ, không phải là một kết quả do những suy tưởng siêu hình đem lại mà là một chân lý có thể thực nghiệm. Ai cũng có thể thực nghiệm chân lý ấy cả. Kinh nghiệm sống dạy cho con người chân lý ấy. Đức Phật muốn cho con người có ý thức rõ rệt về chân lý ấy. Giáo điển đạo Phật đã thuyết minh rõ ràng về chân lý ấy.

Vậy Khổ-đế và Tập-đế là những điều thực nghiệm rộng rãi và đầy đủ dùng làm nền tảng cho phương pháp đạo Phật. Đứng trước những chân lý thực nghiệm ấy, con người cố nhiên phải nhận thấy con đường của mình: giải thoát diệt khổ.

Nếu nguyên nhân của đau khổ là dục vọng thì diệt-trừ dục-vọng tức là diệt trừ đau khổ. Đó là một điều quá giản lược mà không ai không thấy. Cuộc đời là khổ. Và nguyên nhân của cái khổ ấy là dục vọng. Tiêu diệt được dục vọng tức là tiêu diệt được cuộc đời đau khổ. Vậy, theo đạo Phật, cuộc đời khổ đau, con người phải tiêu diệt cuộc đời khổ đau ấy để tiến đến Niết-bàn.

Đừng vội la lên rằng: như thế thì đạo Phật là quá ư tiêu cực, là chủ trương đừng sống, là chủ trương xa lánh cuộc đời, là chủ trương biến tất cả thành hư vô. Dục vọng là nguyên nhân của sự khổ đau, là gốc của sinh, lão, bệnh, tử và ngàn muôn khổ thọ khác. Nhưng con người không phải chỉ có dục vọng mà thôi. Con người còn có những gì thanh thoát cao siêu hơn dục vọng, như lòng từ bi, như trí tuệ… Vậy tiêu diệt dục vọng chỉ là tiêu diệt cuộc đời khổ đau; nói một cách khác hơn, là tiêu diệt phần khổ đau của cuộc đời. Phần dục vọng bị tiêu diệt, nhưng còn phần tinh ba cao khiết sẽ ra sao? Phần tinh ba cao khiết này, khi dục vọng tiêu diệt, cố nhiên sẽ được thực hiện toàn vẹn. Không lẽ sự thực hiện toàn vẹn của phần này lại đưa đến một kết quả hư vô?

Vậy khi dục vọng tiêu diệt, phần xấu xa của cuộc đời (vô thường – khổ đau – vô ngã – bất tịnh) bị tiêu diệt, nhưng phần tốt đẹp của cuộc đời (thường – lạc – ngã – tịnh) phải được thực hiện toàn vẹn, vì ở con người, phần tinh ba cao khiết đã được thực hiện toàn vẹn. Vậy Niết bàn không phải là hư vô, mà là sự thực hiện toàn vẹn của những gì cao khiết nhất, thanh tịnh và nhiệm mầu nhất.

Sống trong cuộc đời vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử, mà không thấy có vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử ấy: đó là Niết-bàn.

Đạt đến chỗ diệt trừ dục vọng, con người được giải thoát, hoàn toàn tự do, không còn bị nô lệ cho một thứ gì nữa. Vấn đề Giải Thoát chỉ là vấn đề thay đổi nhận thức. Dục vọng tiêu diệt, bi trí thực hiện, tức thì nhận thức biến đổi. Vô thường, khổ đau, vô ngã, bất tịnh, trước nhận thức giải thoát, biến thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Sinh tử triền phược là ở đấy. Niết bàn giải thoát cũng ở đấy. Và Niết bàn không rời sinh tử, “Niết bàn, sinh tử thị không hoa”.

Tìm lại chính mình là ta sống với bản lai diện mục. Cũng có nghĩa ta đang xây dựng một thái độ sống vững chãi, thảnh thơi giữa dòng đời biến đổi. Cổ đức Trần Nhân Tông đã chỉ cho hậu thế niềm an lạc nội tâm khi an trú trong thành bảo sở qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Dịch nghĩa:

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên

Đói thì ăn no mệt ngủ liền

Trong nhà có của, đừng tìm nữa

Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền.

Mời đạo hữu, anh chị em Phật tử xem thêm hình ảnh sinh hoạt tại chương trình: