Sống giữa đời, ta không nhìn vào lỗi người để bình phẩm là ta đã nhẹ đi một phần nào gánh nặng ưu phiền và khổ đau cho đời sống của chính ta trong hiện tại và tương lai. Không những vậy, mà ta còn có khả năng giải tỏa những oán kết giữa ta và người trong hiện tại; ta có khả năng tháo gỡ những hạt giống vướng mắc không lành mạnh, không trong sáng và không tươi vui ở trong tâm thức của ta và của người trong quá khứ, và ta sẽ có đời sống hài hòa vô sự với nhau giữa ta và người trong tương lai.
Sống giữa đời, ta biết nhìn cái yếu của người để giúp người mà không khinh người, thì đức ta càng ngày càng sáng, oán của ta càng ngày càng tiêu, lòng nhân của ta càng ngày càng lớn, mà nghĩa cử của ta càng ngày càng đẹp, và ta biết nhìn cái hay, cái đẹp của người để tùy hỷ và tùy thuận là lúc nào và ở đâu ta cũng có điều kiện để tiếp xúc và thăng hoa sự sống.
Ta làm việc nghĩa mà không hề kể lể nhân nghĩa với người, thì hạt giống đại nghĩa trong tâm thức ta mới đích thực có mặt để chỉ đạo cho hành động và lời nói của ta đi về hướng ấy.
Ta cứu người, giúp vật mà không hề kể lể lòng nhân với người và vật, thì hạt giống đại từ, đại bi mới có mặt một cách đích thực ở trong tâm thức ta, để chỉ đạo cho hành động và lời nói của ta đi về hướng chí nhân và đại nghĩa.
Ta có thể nói theo cách nói trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay tàn bạo,…”.
Rõ ràng, ta không thể dùng hung tàn để chiến thắng hung tàn, ta không thể dùng tàn bạo để chiến thắng tàn bạo. Ta không thể dùng những lời nói ác độc để chinh phục những kẻ ăn nói thô bạo và ta không thể dùng những hành động tàn bạo để chinh phục những kẻ bạo tàn.
Tại sao không thể? Vì sống giữa đời không ai tàn bạo hơn những kẻ bạo tàn và không ai sống bất nhân nghĩa hơn những kẻ phi nhân nghĩa. Tàn bạo là sở trường của những kẻ bạo tàn và phi nhân nghĩa là sở trường của những kẻ bất nhân nghĩa và chúng là sở đoản của những bậc chí nhân và đại nghĩa.
Bởi vậy, những bậc chí nhân và đại nghĩa không sử dụng sở đoản của mình để đánh vào sở trường của người, mà chỉ dùng sở trường của mình mà chinh phục và chuyển hóa những kẻ ấy.
Nói theo cách nói trong bài Hịch Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ: “Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”. Nghĩa là ta không đem xăng dầu rưới vào lửa hay bơm không khí vào lửa, mà ta phải biết đem cát hay nước để dập tắt lửa hoặc lấy không khí ra khỏi lửa.
Sở trường của các bậc đại nghĩa và chí nhân là gì, đó là đại nghĩa và chí nhân. Đại nghĩa thì hành động không vì bản thân; chí nhân thì lòng thương không còn ích kỷ. Đại nghĩa thì hành động một cách tích cực mà tâm không còn thủ trước; chí nhân là ngồi trên danh lợi mà tâm và hạnh không hề bị vướng mắc lợi danh, nên hành xử rõ ràng.
Đối với bậc đại nghĩa và chí nhân mà lời nói và hành động của mình làm cho người khác khởi sinh cuồng nộ là mình có lỗi, mình không còn là đại nghĩa và chí nhân nữa.
Có lỗi là vì lời nói và hành động của mình không làm khơi dậy được thiện tâm hay nghĩa khí nơi họ. Có lỗi là vì lời nói và hành động của ta không khơi dậy được phật tính nơi những kẻ cuồng si và lòng từ bi nơi họ để giúp họ.
Và không phải là đại nghĩa, vì cái nghĩa cử hành động của ta còn chứa đựng những hạt giống ưa hơn và sợ thua người, nên không còn đủ khả năng để khoan dung với những gì phi ta, và phi của ta, do đó mà dẫn ta đến hành động phi nhân và phi nghĩa.
Và không phải là chí nhân, vì những hành động của ta đối xử với người, còn bị rơi vào phe nhóm, cục bộ; còn bị rơi vào những ý niệm tự tôn và tự ti; còn bị rơi vào giữa phi và thị; giữa thương và ghét; giữa thủ và xả; giữa ân và oán.
Ngày xưa thời Phật, trên đất nước Ấn Độ, có chàng trai Vô Não đã chạy theo tà kiến cuồng si, nên cần phải giết đủ 1.000 người để chặt đủ 1.000 ngón tay xâu lại đeo vào cổ để được sanh thiên. Chàng định giết mẹ chàng cho đủ số 1.000, nhưng còn may cho mẹ chàng và chàng, Đức Phật đi ngang qua, chàng đã thay đổi ý định giết mẹ bằng cách chạy theo giết Phật để chặt ngón tay của Ngài, xâu vào cho đủ số lượng 1.000 để đeo vào cổ.
Đức Phật thì chậm rãi, bước đi từng bước thong dong và tự chủ, còn Vô Não thì đem hết sức mình rượt theo, nhưng chẳng bao giờ đuổi kịp. Vô Não vừa chạy, vừa hung hăng, vừa la: “Hỡi ông kia đứng lại”. Đức Phật cười và nói: “Hỡi chàng Vô Não, Như Lai đã dừng lại lâu rồi, nhưng ngươi đã biết dừng lại chưa!”.
Vô Não nghe Phật nói, như ông đang được đánh thức để khơi dậy một sự hiểu biết tối thiểu nào đó về những hành động vô nghĩa và tàn bạo của mình, nên ông liền dừng lại.
Đức Phật nói: “Này Vô Não, ngươi muốn nói chuyện với ta, thì hãy vứt con dao ấy đi!”.
Vô Não liền quỳ xuống và vứt con dao ấy xuống một bên.
Đức Phật nói: “Không phải Như Lai bảo ngươi vứt con dao đó, mà phải vứt ngay con dao ở trong tâm của ngươi đi!”.
Bấy giờ, Vô Não thưa: “Dạ, con đã vứt con dao ở trong tâm của con rồi!”.
Sau đó, Vô Não đã được Đức Phật giáo hóa, dạy dỗ, hướng dẫn, dìu dắt, nâng đỡ, khiến cho ông ta trở thành một người có đời sống chánh kiến, hữu ích và cao thượng.
Cũng vậy, ta muốn nói chuyện với ai, với tư cách của một con người biết phục thiện, thì không những ta phải biết buông bỏ những khí cụ bạo động nơi tay ta, buông bỏ những khí cụ của ngôn ngữ bạo động nơi lời nói của ta, mà còn phải biết buông bỏ, những khí cụ bạo động ở trong tâm thức của ta nữa.
Việc buông bỏ những khí cụ bạo động ở trong tâm thức ta mới là hành động buông bỏ đích thực. Nếu những khí cụ bạo động trong tâm thức ta không được buông bỏ một cách triệt để, thì những hành động của ta đều còn bị rơi vào những tư duy và nhận thức nhị kiến và tà kiến, nên chúng không thể gọi là hành động của đại nghĩa và chí nhân.
Sống và hành động với chí nhân và đại nghĩa đích thực, chắc chắn ta sẽ làm thay đổi được bộ mặt của ta, của gia đình ta và của xã hội chung quanh ta, để tiến lên với những gì tốt đẹp.
Nhưng bộ mặt của ta, của gia đình ta và của xã hội chung quanh ta, chưa có sự đổi thay nào đáng kể, mà còn có nhiều tệ hại hơn, điều đó chứng tỏ rằng, những gì ta nói về chí nhân và đại nghĩa, chỉ là ngôn từ hoa mỹ nghe cho vui tai người, mà không có khả năng làm thay đổi lòng người và cuộc sống.
Vậy, với con mắt thiền quán, ta phải biết rõ đâu là căn nguyên của phi nhân và phi nghĩa, và đâu là chí nhân và đại nghĩa để ta có thể tự cứu lấy bản thân mình, tự cứu lấy gia đình mình và chính đó cũng là hành động tích cực để góp phần cứu nguy xã hội.
Chấp nhận những cái hay, những cái đúng, những cái có ý nghĩa, từ nơi những cái phi ta và phi của ta để sống, là ta bắt đầu có tư duy của một người lớn, có cách nhìn của một người truởng thành, và có cái trí của những bậc có trí ở trong đời, để tạo ra một sinh lộ đúng đắn và một luồng không khí mới mẻ cho ta, cho gia đình và xã hội.
Sinh lộ và luồng không khí mới ấy, có đang và sẽ hiện hữu hay không, chúng hoàn toàn tùy thuộc vào những hành động cụ thể có thực chất chí nhân và đại nghĩa hay không của mỗi chúng ta ngay trong từng giây phút của sự sống này.