Trang chủ Diễn đàn Sinh hoạt của Thanh thiếu nhi Phật tử

Sinh hoạt của Thanh thiếu nhi Phật tử

211

Nhận Định:

Thanh thiếu nhi Phật tử là một bộ phận hết sức phong phú và vô cùng quan trọng cho tương lai của Đạo Pháp. Ngoài xã hội thế hệ này đang được cả thế giới quan tâm và chăm sóc cũng như dành ưu tiên về mọi mặt cho tầng lớp này và đã dành cho họ những ngày lễ hằng năm nhằm nhắc nhở người có trách nhiệm, thế hệ đi trước không thể bỏ quên, thực tế trọng tâm này. Ngày Quốc tế thiếu nhi với khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, và “Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” v.v. . .

Trại họp bạn Thanh thiếu niên Thủ Đô

Thực trạng trước mắt:

Trên thực tế hiện nay, trước mắt, chúng ta cần mạnh dạng nhìn nhận 1 số mặt sau:
 
Tổ chức giáo hội chúng ta có GĐPT, một tổ chức có từ thời kỳ chấn hưng Phật giáo những năm 30. Tổ chức này ra đời ở giai đoạn lịch sử ấy cho thấy giới lãnh đạo Phật giáo đã có cái nhìn rất sâu xa trước bước phát triển của tổ chức giáo hội và yêu cầu của lịch sử dân tộc ở giai đoạn bấy giờ. Về mục đích và lý tưởng của tổ chức lúc này, có lẽ chúng tôi và quý vị đều đã rõ và chắc chắn rằng không một ai có thể có ý kiến và quan điểm khác hơn.
 
Tuy nhiên, ở đây, tại hội thảo lần thứ I của ngành Hướng dẫn Phật tử, chúng tôi trộm nghĩ các bậc tôn túc, các bậc huynh trưởng . . . nói chung là bộ phận lãnh đạo của TWGH và 15 tỉnh thành miền Trung và Tây nguyên về đây, không ngoài mục đích tìm vạch một hướng đi ngành HDPT trong đó có thế hệ thanh thiếu niên con Phật. Chỉ trên quan điểm đó, chúng tôi hân hạnh được có mặt trong hội nghị lần này, xin mạo muội có mấy điểm nhìn về tổ chức GĐPT hiện nay, trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
 
 
Một trại Huấn luyện Anoma – Ni liên Tuyết Sơn của một PBHD GĐPT vùng sâu tỉnh Đăk Nông
 
Như trên, chúng tôi đã nhắc lại mục đích và lý tưởng phục vụ GĐPT là ưu việt và vô cùng thiết thực, điều đó không ai chối cãi. Nhưng vì ý hướng chung của chúng ta là tìm 1 hướng đi, cho nên, trước phải mạnh dạng nhìn nhận những hạn chế, thì mới xác định được hướng đi lên. Từ bài thuyết pháp đầu tiên đức Phật cũng đã trình bày Khổ đế rồi sau mới đề cập đến Tập đế . . . vì thế, kính mong chư Tôn Đức cùng quý liệt vị thiện tri thức, có gì đó xin được chỉ giáo.
 
Trước hết, trên căn bản giáo lý nhà Phật, mọi sự mọi vật trong thế gian này đều biến dịch và đức Phật thường khuyên nhủ các hàng đệ tử luôn sống với thực tại. Lời kinh “ Nhất Dạ Hiền Giả”, đức Phật dạy các hàng đệ tử của mình nên sống và an trú trong hiện tại “Hiện tại lạc trú”. Vì con người chỉ sống với những gì đang hiện hữu trôi chảy trên nền trời của thực tại, không thể sống với bóng dáng mơ hồ của quá khứ và ảo ảnh xa xăm của tương lai.
 
Nếp sống hài hoà ấy chính là nếp sống buông xả, không còn chấp thủ và tham ái. Đối mặt với thực tại là đối mặt với vô vàn đa đoan trong cuộc sống, nhưng nếu hành giả biết quán chiếu và an trú vào tâm thức thuần khiết không ngã tướng và tham ái, thì sự đối mặt này quả là một cơ hội hy hữu, mà ở đó, quá khứ và tương lai đều đang dung thông và hiển hiện trọn vẹn trong khoảng khắc của hiện tại. Vì thế, khi ước nguyện về tương lai với tâm nguyện bao dung, vô ngã thì hành giả đã tự tạo một bệ phóng cần thiết, một định hướng chắc chắn cho tương lai dựa trên nền tảng của đời sống hiện tại.
 
 
Một buổi nói chuyện thân mật giữa HT. Thích Thanh Tứ – Phó CT Thường trực HĐTS GHPGVN với CLB Thanh thiếu niên Quán Sứ
 
Chúng tôi xin mượn lời diễn giải ý kinh “Hiện tại lạc trú” như muốn thưa cùng quý vị sinh hoạt trong tổ chức GĐPT suy nghĩ, như một mong muốn sự hàn gắng cần thiết để tổ chức GĐPT vững mạnh, phát triển, mãi xứng đáng là tổ chức giáo dục thanh thiếu niên của giáo hội, không phụ lòng của các giới Phật tử đang hướng về để gửi gắm con cháu chắt chiu của họ đến với tổ chức; đồng thời không phụ lòng các bậc tiền bối đã dày công xây dựng tổ chức GĐPTVN .
 
Thứ nữa, theo quan điểm xã hội xây dựng xã hội hiện nay, đi lên chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Tương tự như thế, tổ chức có trách nhiệm giáo dục thanh thiếu nhi của Phật giáo là GĐPT, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển thì GĐPT cần có nhứng nhân tố tích cực. Và như thế tổ chức GĐPT cần được hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của lịch sử dân tộc và loài người. Cụ thể: Trình độ Phật học và thế học của tầng lớp huynh trưởng phải được nâng lên, Trình độ chuyên môn sinh hoạt phải được cập nhật, đáp ứng được nhận thức của thanh thiếu nhi ngoài xã hội. Trình độ tâm lý giáo dục thiếu nhi phải am tường, phương thức sinh hoạt phải sinh động, uyển chuyện không quá cứng nhắc rập khuôn. Bên cạnh đó, người huynh trưởng cần nắm bắt các luồng văn hoá đa phương, đa dạng của của thời kỳ hội nhập để có tổ chức tốt cho sinh hoạt giáo dục thế hệ thanh thiếu nhi Phật tử, thế hệ kế thừa trong tương lai.
 
 
CLB TTN PT Quán Sứ trong Lễ Vu Lan – Báo Hiếu
 
Cuối cùng, tổ chức GĐPT phải là 1 tổ chức xuất phát từ tình thương, nó khác với các tổ chức khác về cơ bản. GĐPT không có điểm hướng cho tương lai của giới trẻ về quyền lợi, địa vị, cho nên tình yêu là môi trường nuôi dưỡng, Hoà tin vui là bước đi đến với đạo đức, rèn luyện nhân cách 1 PT 1 công dân tốt.
 
Qua đây, chúng tôi xin nêu mấy ý kiến lớn, nếu tổ chức GĐPT là bộ phận giáo dục, hướng dẫn sinh hoạt cho thanh thiếu nhi Phật tử thì:
 
– Bộ phận huynh trưởng phải được bồi dưõng đúng mức về mặt giáo lý, về hoạt động chuyên môn, về tâm lý lứa tuổi và cả về mặt đạo đức tâm linh.
 
– Có bộ phận nghiên cứu chương trình giáo lý, chương trình hoạt động chuyên môn cho từng đối tượng lứa tuổi, bên trong tổ chức giáo hội
 
 
Trình diễn Hợp xướng ” Vì Có Phật ”  của CLB TNPT TP.HCM

 Ngoài xã hội, những người có trách nhiệm đang kêu gọi hãy dành mọi sự tốt đẹp cho trẻ em và toàn xã hội có bổn phận chăm lo, thì tổ chức giáo hội, các ngành của giáo hội cần có hướng liên kết giúp đỡ cụ thể và thiết thực, như đào tạo giảng sư cho ngành trẻ, hỗ trợ mở các lớp năng khiếu trong dịp hè, đối với đối tượng là học sinh; hoặc thường xuyên đối với đối tượng không  còn đi học: như các lớp may mặc, vi tính v.v. . .

 
Qua những trình bày trên, xin có mấy ý kiến đề nghị:
 
– Mạnh dạn xây dựng đội ngũ huynh trưởng có năng lực, trình độ chuyên môn vững cả về kiến thức bên ngoài lẫn Phật pháp.
 
– Đào tạo Tăng Ni có tâm huyết với lứa tuổi thanh thiếu nhi cố vấn hoặc trực tiếp hướng dẫn hoặc chỉ đạo cho sinh hoạt
 
– GĐPT cấp địa phương. Trước mắt, vị trụ trì của các chùa phải hiểu được tầm quan trọng của tổ chức  GĐPT và sinh hoạt của thanh thiếu nhi Phật tử, đồng thời có hướng giúp đỡ, ít ra là mặt giáo lý và đức hạnh cho các cháu.
 
Nếu trường hợp tổ chức GĐPT không thể thu hút toàn bộ thanh thiếu nhi Phật tử, mà còn một bộ phận lớn thanh thiếu nhi Phật tử đứng ngoài tổ chức này, thì xin có mấy ý kiến đề nghị với tính chất nghiên cứu:
 
 
CLB TTNPT Quán Sứ trong lễ trao quyết định thành lập
 
1. Các chùa, vị trụ trì hoặc ban đại diện nắm được số lượng con em các gia đình đạo hữu, hằng tháng tổ chức cho các cháu 1 buổi sinh hoạt, trước mắt là khởi phát tín tâm, dần đưa các em vào những kiến thức cơ bản về Phật pháp. Tất nhiên đối tượng này có cái khó của nó, đòi hỏi sự linh hoạt, tế nhị và đức hi sinh. Đặc biệt tạo sự gần gũi cởi mở hình bóng tu sĩ với giới trẻ.
 
2. Các ngày lễ lớn như Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo nên tổ chức riêng cho thanh thiếu niên 1 giờ hợp lý, trao đổi về ý nghĩa, giúp kiến giải cho các em những thắc mắc, nếu được. Trao cho các em kiến thức lịch sử, đây là một bộ môn khơi động về tình cảm và niềm tin, kể cả lịch sử Phật và dân tộc.
 
 
 
Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo lần 1 của CLB TNPT tỉnh Thanh Hoá
 
3. Kinh sách Phật học hiện rất đa dạng và phong phú, giới trẻ thì hạn chế về tiền bạc, không thể mua để đọc vì vậy mỗi cơ sở cần có tủ sách luân lưu , gợi cho các cháu thú đọc sách, kể cả sách truyện bên ngoài có nội dung tốt.
 
4. Chư Tăng Ni trẻ ngày nay đã nhiều lại có trình độ học vấn cao, giáo hội cần nghiên cứu hướng sử dụng để lớp tăng sĩ này có vị trí phù hợp năng lực, chung quanh các vị lãnh đạo giáo hội. Về lâu dài, hướng đào tạo tăng sĩ cần có phần chuyên sâu vào các ngành thuộc tổ chức giáo hội ở năm cuối.
 
 
CLB TNPT TP.HCM
 
5. Riêng tại tỉnh nhà, dù có muộn, đề nghị các địa phương mở các lớp dạy trẻ, 1 phần giúp bà con Phật tử, một phần chúng ta có điều kiện không để mất tâm thức của lớp măng non, tương lai của Phật giáo; cũng đỡ phần nào.
 
 
Trại họp ban Thanh thiếu niên thủ đô do BHP THPG TP. Hà Nội tổ chức vào tháng 7 – 2009
 
Trên đây là những ý kiến đóng góp mang tính tư duy là chính để từ đó rút ra các vấn đề, Tuỳ suy nghĩ ở từng góc độ. Những ý kiến và đề nghị chỉ dựa trên hiểu biết về thực tế. Tất cả vì niệm xây dựng mà thôi.
 
Xin cảm ơn và kính chúc chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, các tỉnh thành pháp thể khương an. Chúc khoá hội thảo thành công viên mãn.
 
Tham luận dự Hội thảo HDPT do BHDPT TW tổ chức tại Tây Nguyên – 2009 của cư sĩ Phước Hải Nguyễn Khánh  UV. Ban Văn hoá TW. GHPGVN