Trang chủ Diễn đàn Sẽ có nhiều nhà sư nữa bị đánh, nếu …

Sẽ có nhiều nhà sư nữa bị đánh, nếu …

128

Là đại đức trụ trì một ngôi chùa, do giáo hội bổ nhiệm, trường hợp hành hung này không phải chỉ giới hạn ở phạm vi một cá nhân.

Chùa  mà đại đức trụ trì là chùa chung của bá tánh, trên có chư tôn đức giáo hội huyện, tỉnh, trung ương, dưới có Phật tử.

Đã xuất gia thọ giới, đại đức cũng chính là tăng bảo, là  một trong 3 ngôi tôn kính trân quý của Phật giáo.

Đánh một đại đức trụ trì trọng thương, xuất phát từ vấn đề tín ngưỡng, không chỉ là một sự xúc phạm đến cá nhân đại đức đó, mà là một sự xúc phạm láo xược và thách thức đối với toàn thể tăng ni Phật tử Việt Nam.

Bản chất của đạo Phật là từ bi. Người theo đạo Phật không thù oán với đối với những người mang tâm niệm hiềm hận và có hành vi bạo  ác. Không hề có vấn đề “báo thù”, “trả đũa”.

Tuy  nhiên, chúng ta phải nhìn về tương lai.

Trong việc hoằng hóa chánh pháp, tất nhiên không tránh khỏi những va chạm. Trong kinh Phật đã có đề cập đến tình trạng như vậy và đương nhiên quan điểm của đạo Phật là nhẫn nhịn. Tu càng cao, tâm từ tâm bi phải càng lớn.

Người ngoài cũng biết rõ điều đó, nên họ cho rằng đánh một nhà sư, nhất là một vị sư đạo hạnh, họ nắm trong tay phần thắng. Nhà sư chắc chắn không đánh lại, cũng không báo thù. Phải chăng vì vậy người ta ngang nhiên kéo nhau vào tận trong chùa để đánh sư?

Một trường hợp như vậy, khi được nhiều người biết đến, sẽ là một phép thử.

Hôm nay, có mâu thuẫn tín ngưỡng, người ta có thể ngang nhiên xông vào chùa  làng để đánh một nhà sư trụ trì, đánh đến trọng thương và người đánh không sao cả.

Điều đó chắc chắn khuyến khích, mai kia, có mâu thuẫn tín ngưỡng, thì người ta sẵn sàng kéo vào bất cứ một ngôi chùa nào khác, kể cả chùa trụ sở Phật giáo huyện, Phật giáo tỉnh hay thậm chí cả ở trung ương để vây đánh chư tăng ni, tôn đức.

Người ta biết rằng có đánh sư thì chắc là đánh thắng và không sao cả, nên họ sẽ được sự “động viên” của những tiền lệ.

Không cho họ vào chùa bán giấy photo in quẻ tử vi, xem bói, xin ăn, đem thú vào chùa xẻ thịt…, hay thậm chí móc túi ư, thì cứ đánh sư! Người ta đã đánh rồi đó, có sao đâu? Sư không làm theo ý muốn, thì đánh nữa!

Người theo đạo Phật tu hạnh từ bi, không đem lòng oán hận, không tính chuyện đánh trả, báo thù, nhưng cũng không thể tạo môi trường thuận lợi có tác dụng khuyến khích người ta dùng bạo lực với những bậc tu hành, đưa những hành vi hạ đẳng, côn đồ vào chùa.

Vì vậy, trong trường hợp đại đức trụ trì chùa Thắng Quang bị hành hung theo kiểu lưu manh, côn  đồ, Phật giáo Việt Nam phải có phản ứng thích đáng.

Nếu  để sự việc trôi qua, kẻ thủ ác táo tợn không bị đưa ra pháp luật, thì vô tình sẽ tạo tiền lệ khuyến khích những vụ hành hung tương tự xảy ra. Đánh đại đức trụ trì chùa Thắng Quang được, thì khi có mâu thuẫn với nhà sư, cứ mà dùng bạo lực giải quyết. Đại đức Thanh Trung còn trẻ, mà còn có thể đánh như vậy, thì đối với các thượng tọa hòa thượng cao tuổi hơn còn đánh dễ tới mức nào!

Xin nhắc lại, trường hợp Đại đức Thích Thanh Trung đã là một phép thử, một trường hợp test, có tính chất thăm dò.

Tăng ni và  Phật tử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản ứng bảo vệ Đại đức Thích Thanh Trung, yêu cầu sự  nghiêm minh của pháp luật chính là bảo vệ tăng ni Phật tử, bảo vệ sự tôn nghiêm của giáo hội, ngăn ngừa những trường hợp tương tự tái diễn.

Một số  ý kiến trên diễn đàn Phattuvietnam.net nói đến vấn đề an toàn khi hoằng pháp ở những làng quê vùng sâu, vùng xa. Thực ra vùng sâu, vùng xa không phải không có Phật tử và giáo hội cấp trên. Đã đánh được sư mà không sao cả, thì ở đâu mà người ta có thể không đánh, sợ gì mà không đánh.

Cho nên, toàn thể tăng ni Phật tử Việt Nam quan tâm đế trường hợp của Đại đức Thích Thanh Trung là  quan tâm đến sự an toàn của chính mình và sự an toàn của tất cả các ngôi chùa trên cả nước.

Rất tiếc là một số trang web Phật giáo dường như không quan tâm gì đến sự kiện mà chúng tôi nghĩ  rằng, là sự thách thức đối với Phật giáo Việt Nam này.

Im lặng trước một vụ hành hung không phải như là một im lặng trước trăng sao, cây cỏ. Càng đáng nói hơn là  người bị hành hung là một tăng sĩ Phật giáo.

Im lặng trong lúc Đại đức Thích Thanh Trung còn đang chịu sự  đau đớn , sợ hãi trước hành động cục súc, hung bạo là đi ngược lại với tinh thần vô úy thí của Phật giáo.

Về phía mỗi tăng ni Phật tử, chúng tôi xin đề xuất những phản  ứng cụ thể, tùy theo khả năng từng người:

– Lên tiếng trên diễn đàn Phattuvietnam.net và gửi mail đề nghị các trang web, cơ quan truyền thông Phật giáo khác cùng lên tiếng, lưu tâm đến trường hợp Đại đức Thích Thanh Trung.

– Tổ chức các đoàn thăm viếng, an ủi đại đức và  đi thăm đại đức với tư cách cá nhân. Chúng ta không trách cứ người hành hung, nhưng chỉ mong cầu tinh thần thượng tôn pháp luật. Dù người bị vây đánh một cách tàn nhẫn đến nỗi trọng thương chỉ là một người dân, chúng ta với tinh thần từ bi của nhà Phật, cũng cần giúp đỡ, chăm sóc người bị nạn, huống nữa đây là một nhà sư. Số đông người đến thăm là sự thể hiện sức mạnh từ bi của Phật giáo.