Sự việc các hũ cốt bị xáo trộn và bung di ảnh đã dần được giải quyết ổn thỏa. Cho đến thời điểm này, phần lớn các hũ tro đã được gia đình thân nhân nhận dạng chính xác, cơn sóng truyền thông tập kích vào chùa và Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu đã dần lắng, nhưng chắc hẳn việc lần này đã để lại trong lòng chư Tăng Ni, Phật tử không ít hoang mang và lo lắng.
Nhìn lại toàn cánh sự việc, ngày 1/9/2020, chùa Kỳ Quang đột nhiên phát hiện các hũ tro cốt bị xáo trộn và không có di ảnh. Gần như ngay lập tức, dường như có người trực sẵn quay phim chụp ảnh tung lên mạng, báo chí dồn dập tung bài về sự việc với nhưng tít giật gân nhằm vào Thầy Trụ Trì và chùa. Các trang của ngoại đạo cũng liên tục chia sẻ các tin tức thất thiệt mang tính công kích bôi nhọ Thầy.
Ngày 5/9/2020, Ban trị sư GHPGVN TPHCM họp bất thường và quyết định tạm ngưng chức trụ trì của HT Thích Thiện Chiếu, và cử thượng toạ Thích Quang Thạnh tạm thay vị trí trụ trì, chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của chùa Kỳ Quang 2 kể từ ngày 5-9.
Chỉ trong vài ngày, những sự việc liên tiếp xảy đến như một kịch bản dựng sẵn tấn công vào ngôi chùa chuyên cưu mang những hoàn cảnh khổ đau mà ngay cả gia đình hay trung tâm bảo trợ xã hội đã từ chối nuôi dưỡng, và vị đại lão hòa thượng chân chỉ đi đôi dép lào, đắp ba y hoại sắc cả cuộc đời đã cống hiến cho việc phổ độ chúng sinh cả sinh lẫn tử.
HT Thích Thiện Chiếu nuôi hơn 200 trẻ bất hanh ( Ảnh: Internet)
Những thông tin bôi nhọ Hòa thượng đã tràn lan trên mạng. Nhưng mong chư vị hãy tỉnh táo biết suy xét trước trước khi nhận định. Hãy lắng nghe lời của những Phật tử thân cận hay đến chùa làm công quả, hãy nghe lời của những gia đình sống gần chùa bao năm nay để hiểu và thông cảm cho chùa và quý Thầy.
Rất nhiều Phật tử đã khẳng định, và chính bản thân tôi được biết chùa Kỳ quang cho mọi người gửi cốt vào chùa không lấy tiền. Vậy mà lại có những kẻ táng tận lương tâm tung tin vu cáo Ngài lấy tiền bạc. Lại còn có kẻ tự xưng là cán bộ của Mặt trận tổ quốc lên tiếng chửi bới, xúc phạm Hòa Thượng, đòi chôn sống Ngài. Trong khi hỏi ra mới biết các vị này không có gửi cốt tại chùa? Vậy nguyên do gì họ lại kéo nhau tới chùa, tỏ ra bức xúc như thế ?
Quý vị nghe báo chí, dư luận định hướng mà chưa hiểu rõ nguồn cội vội vào phán xét, bình phẩm có phải là quá sức vội vã và oan ức cho Quý Ngài rồi không. Không loại trừ đây là một âm mưu dàn dựng để cố tình hãm hại đến chùa, đến danh dự Hòa Thượng và liên lụy cả Phật giáo. Vì vậy, tôi rất mong chư vị Phật tử, hãy tu học đầy đủ cả Bi- Trí- Dũng, để có được nhận định đúng đắn, ngoại hộ cho Phật Pháp, bảo hộ cho Chư Tăng Ni yên tâm tu hành trước tình hình ngoại đạo đẩy mạnh các hoạt động phá hoại Phật Pháp.
Nụ cười an lạc của HT. Thích Thiện Chiếu bên những đứa bé mồ côi ( Ảnh: Internet)
Ngoài ra, chư vị hãy đến để thấy hơn 200 những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa đang được chùa cưu mang, chữa trị bao năm nay. Quý vị Phật tử tại gia nuôi 2 đứa con thôi đã thấy rất vất vả, vậy mà Hòa thượng một lúc nuôi hàng trăm trẻ em. Đặc biệt hơn các cháu là trẻ mồ côi, có người bị bại não, có người bị tâm thần, có người bị khuyết tật. Chỉ có những vị có trái tim Bồ tát mới có sự hi sinh, tâm từ bi rộng lớn như vậy. Ngài phải lo kinh phí để đảm bảo từng bữa cơm, miếng ăn giấc ngủ, học hành, trị bệnh, giáo dục, đào tạo cho các cháu có nghề. Mở mắt ra biết bao chi phí, vậy mà Ngài bao năm qua hàng ngày vẫn tự tại chăm nom các cháu. Chùa khi xưa sập xệ, bao năm nhờ Ngài đứng lên xây dựng khổ cực mà có được cảnh quan và cơ sở vật chất như hiện nay. Vậy mà Ngài vẫn luôn nhớ thăm hỏi chia sẻ với các gia đình cư ngụ xung quanh chùa. Có nhiều video mọi người kể về ngài, tôi thấy rất cảm động. Ngài còn chẳng quản lao nhọc, đi tận nhà ân cần thăm hỏi, biếu quà động viên cho những hoàn cảnh khó khăn. Có những Phật tử đã rơi nước mắt khi nhắc đến Ngài, đến công ơn của Ngài cho chúng sinh. Dù có thế nào, công đức lớn lao của Hòa Thượng là không thể phủ nhận. Vậy mà giáo hội đã nhanh chóng ngưng chức vụ trụ trì của Ngài mà chẳng tác pháp yết ma như Pháp.
Tôi tự hỏi SỐ PHẬN HƠN 200 TRẺ EM BẠI NÃO, KHUYẾT TẬT, CÔ NHI & VÀ CÁC CỤ GIÀ NEO ĐƠN SẼ RA SAO NẾU SAU NÀY HOÀ THƯỢNG KHÔNG CÒN TRỤ TRÌ?
Nhân chuyện của Ngài, tôi lại ngẫm về thân phận Thầy Trụ Trì thời nay. Hai chữ “Trụ Trì” bây giờ sao mong manh quá. Để từ một thảo am xây dựng thành ngôi chùa vô cùng khó khăn, đó là mồ hôi, là nước mắt, là bao công sức tâm huyết của thầy trụ trì. Tôi nói thật: không xây cũng bị nói, xây cũng bị nói. Không xây thì họ bảo “sao ở chùa mà không xây chùa”. Nhìn ngôi Tam Bảo theo thời gian mà xuống cấp, làm sao chúng tôi đành lòng cho đặng. Phật tử đến chùa tu học, cần cơ sở vật chất để thuận lợi tu hành, mà xây chùa to thì bảo tu hành xây chùa to để làm gì? Chư vị Tăng ni chúng tôi ăn chay, tụng kinh niệm Phật, ba y một bình bát, nếu chỉ cho nhu cầu bản thân thì cần chùa to Phật lớn để làm gì? Nói ra liệu ai thấu hiểu, mà cũng không biết làm sao cho hợp lòng mọi người.
Giáo hội cho chủ trương, phương hướng, còn tất cả mọi sự còn lại là do Thầy trụ trì cố gắng. Có vị xây chùa xong mắc nợ, thì họ lại bảo “có thì xây không thì thôi, tu hành ai bắt xây đâu”. Nghe qua thì rất dễ, ai chẳng muốn thế, có ai muốn làm khổ mình đâu. Nhưng mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Xây chùa xong, thầy trụ trì mang nợ, còn chùa là của dân. Nếu dân hiểu đạo, thực là phúc đức quá, còn chẳng hiểu, họ lại có thể đuổi chư Tăng Ni ra khỏi chùa. Có người còn nói “đi tu sướng lắm”, tôi thành tâm mong chư vị vào tu đi cho sướng. Các vị Trụ trì hiểu thế sự, hiểu bản chất của đời nên khi khó khăn thì vẫn hoan hỷ chấp nhận, vẫn tỏ ra bình thường, vì không muốn Phật tử buồn chứ không phải chư vị Tăng Ni không biết buồn đâu. Nói cho cùng chúng tôi cũng là con người có máu thịt, biết vui, biết buồn, và đôi khi cũng cần chia sẻ. Chư vị Tăng ni cũng tập tu, đang tu, đang sửa thay đổi mỗi ngày chứ có phải là thánh đâu.
Cuộc đời tu hành, đều là từ phàm mà tu lên bậc Thánh. Thượng căn từ trung căn mà lên, trung căn từ hạ căn mà có. Nếu chúng ta không bao dung tha thứ cho nhau, không đặt mình vào vị trí người khác, không biết lắng nghe, không biết suy xét thì làm sao có thể gạn đục khơi trong, làm sao có thể từ cát sỏi mà ra được châu ngọc. Thói thường mình sai bao nhiêu lần cũng được, nhưng với người khác thì rất nghiêm khắc. Cứ ai gặp nạn, chưa biết đúng sai đã thi nhau nhảy hùa theo chửi bới các kiểu. Ai đau mặc ai, thích nói gì nói, vô trách nhiệm với lời nói của mình để rồi tạo nghiệp, làm tổn hại lẫn nhau, tổn hại cả Phật Pháp.
Tôi lại nhớ đến lời Đức Thế Tôn dạy trong luật Ma ha tăng kỳ:
“ Này các Tỷ kheo! Những người đồng hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Này các Tỷ kheo! Ví như các con sông Hằng, sông Diêu Phù Na, sông Tát La, sông Mê Hê chảy vào biển cả, liền mất tên cũ mà hòa chung thành một hợp thể, gọi là đại dương. Các ông cũng như vậy, ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ mới là Sa môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc? Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, mỗi người đều khác họ, rồi cùng vượt đại dương đi kinh doanh trên thương trường thì được gọi là người đi buôn trên biển.. Cũng như thế đó, các Tỷ kheo, các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ là Sa môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?”
Thân ngân người đã khuất tới tìm tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (Ảnh: GNO)
Người tu chúng tôi, cắt ái từ thân, ngoài bản thân mình, trên chỉ còn biết nương tựa vào Tăng đoàn, vào Thầy Tổ, bên ngoài thì nhờ vào sự hộ trì của cư sĩ Phật tử. Giờ đây, trước những pháp nạn như thế này, nếu trên chẳng bảo vệ, ngoài chẳng hộ trì, thì chư Tăng Ni sẽ ra sao, Phật Pháp rồi sẽ ra sao?
Quay lại trường hợp của HT Thiện Chiếu, tôi tin chúng ta đều có chung cảm nhận về những nỗi oan trái Ngài đang phải hứng chịu, sự xúc phạm mà Ngài đã phải trải qua, lại còn cả cuộc sống của biết bao con người sẽ bị ảnh hưởng nếu như Ngài thôi giữ vị trí trụ trì của chùa. Vì vậy thiết nghĩ, mong chư Tăng Ni, Phật tử hãy cũng nhau lên tiếng đề nghị phục chức Trụ trì lại cho Ngài. Dẫu biết thời buổi nhiễu nhương này, những giá trị chân chánh đang bị phai mờ, nhưng tôi tin rằng, nếu mỗi người chúng ta cùng góp sức thì những gì tốt đẹp vẫn chiến thắng.
Nguyện mong Phật Pháp trường tồn, chúng sinh trọn thành Phật đạo.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Tỳ kheo Thích Quảng Tú