Ban đầu, nồi cháo tình thương phục vụ mỗi tuần ba bữa, mỗi bữa 40-50 suất; nay đã phục vụ ở tất cả các ngày trong tuần (chủ nhật thay bằng sữa đậu nành), với 450 suất, và được mở rộng thêm ở 4 bệnh viện khác ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ).
Sư cô Thích Nữ Chúng Liên bộc bạch chân tình: “Mình theo đạo Phật cũng là đi theo con đường nhân ái “cứu một người phúc đặng hà sa” ; khi không thể chữa bệnh cho người nghèo thì mình giúp họ miếng cơm, bát cháo”. Thế là sư cô đứng ra vận động quyên góp rồi xin phép cơ quan chức năng tổ chức nấu cháo chở đến bệnh viện bằng tất cả tấm chân tình.
12 năm qua, ngoài việc tổ chức bát cháo tình thương, Sư cô Chúng Liên còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho rất nhiều cảnh đời bất hạnh vì bệnh tật, thiên tai,… Cụ thể như giúp hội người mù các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kinh phí mở các lớp học chữ nổi Braille; mua sắm các phương tiện cơ khí giúp họ tiện lợi hơn trong sản xuất chổi đót, tăm tre, đũa ăn để góp phần cải thiện đời sống. Sau bão Chanchu, sư cô đã vào tận Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cấp thường xuyên 31 suất học bổng, mỗi suất 200.000 đồng/tháng cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi bão Chanchu; cấp hơn 60 suất học bổng khác cho học sinh nghèo các trường THPT Trần Cao Vân, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ), mỗi suất 300 – 500 nghìn đồng/năm. Tới đây, dự kiến 10 suất học bổng nữa cũng sẽ được cấp cho 10 học sinh dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đang theo học tại Trường Cao đẳng Y tế tỉnh.
Điều mà Sư cô Chúng Liên luôn tâm niệm là: “Sáng kiến tình người khác với những sáng kiến khoa học, bởi nó không có sự bất chợt như khoảnh khắc quả táo Niutơn mà phải xuất phát từ con tim, sự nuôi dưỡng tình cảm nhân ái với đời qua thời gian mà có”.