Trang chủ Tin tức Rừng thiêng Yên Tử lại kêu cứu

Rừng thiêng Yên Tử lại kêu cứu

67

 

Nếu việc khai thác than được thực hiện, lò sẽ đào sâu từ 100 – 500 mét, ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực chùa Hoa Yên.

Theo công văn này, ngày 27/3/2009, Trung tâm Quản lý Di tích Danh thắng Yên Tử, được UBND Thị xã Uông Bí mời tham gia bàn giao mốc quản lý khoáng sản do Cty TNHH một thành viên 91 chủ trì.

Tại đây, Cty 91 đã đưa ra Quyết định  số 2809/GP-BTNMT, ngày 31/12/2008 của Bộ TN&MT, do ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Cục trưởng Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT ký.

Theo quyết định của Bộ TN&MT, Tổng Cty Đông Bắc, doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) được phép “khai thác bằng phương pháp hầm lò các vỉa than 4, 5, 7 thuộc khu đông mỏ Khe Chuối, xã Tràng Lương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh”.

Căn cứ theo các mốc tọa độ được ghi tại quyết định trên của Bộ, đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng, di tích và đất lâm nghiệp, theo Quyết định số 1068 / QĐ – UB ngày 23/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Ninh, về việc phê duyệt dự án đầu tư rừng đặc dụng Yên Tử, thì toàn bộ diện tích được cấp phép khai thác than nói trên, nằm hoàn toàn trong khoảnh 1, tiểu khu 9B, rừng đặc dụng Yên Tử.

Xét theo chiều ngang, khu vực  được cấp giấy phép khai thác này, cách trung tâm di tích Yên Tử gần một kilômét, với thời hạn khai thác là 14 năm, công suất 30.000 tấn/năm.

Yên Tử là đất Phật, một cõi đi về trong tâm linh của hàng triệu người Việt Nam và trên khắp thế giới. Những viên xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị đại anh hùng dân tộc, nhà khai sáng, người sáng tạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn đặt trong tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên.

Trước đây, Tổng Cty than Việt Nam từng có kế hoạch khai thác nơi này, nhưng không hợp lý nên đã bị hủy bỏ. Quyết định khai thác than đang được triển khai là đi ngược tinh thần bảo vệ rừng và các quy định bảo tồn di tích văn hóa Trung tâm Di tích Danh thắng Yên Tử .

Lãnh đạo Quảng Ninh không đồng tình với Bộ TN&MT

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao những thông tin phản ánh của Báo Tiền Phong về việc Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép khai thác than tại rừng Yên Tử và cho biết lãnh đạo tỉnh không đồng tình với quyết định của Bộ TN&MT.

Rừng thiêng Yên Tử. Ảnh : hanoitravel

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng cho biết, ông hoàn toàn bất ngờ trước thông tin Bộ TN&MT cấp phép cho Cty TNHH 91 khai thác tại Trung tâm di tích lịch sử Yên Tử. Việc cấp phép này đã không thông qua ý kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh ủy Quảng Ninh biết thông tin trên qua Tiền Phong và báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh. Ông Hưng cho biết, việc khai thác than sẽ xâm phạm di tích lịch sử Yên Tử. Quan điểm của Tỉnh ủy Quảng Ninh là không đồng ý với quyết định cho phép khai thác than của Bộ TN&MT, bởi việc khai thác sẽ tác động tới môi trường và cảnh quan của khu di tích Yên Tử nơi được coi là khởi nguồn của dòng Phật giáo Trúc Lâm cần bảo tồn và gìn giữ.

Tỉnh ủy sẽ đề nghị UBND Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ về vấn đề này. Quyết định của Bộ TN & MT đưa ra là trái với quyết định của Chính phủ về bảo tồn khu di tích Yên Tử. Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại việc khai thác than tại trung tâm di tích Yên Tử.

Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Hà Quang Long cho biết, khu di tích Yên Tử không chỉ là di tích văn hóa của quốc gia mà còn là nơi không thể xâm phạm với bất kỳ giá nào. Mỗi năm khu di tích Yên Tử đón 2-3 triệu du khách và là điểm nhấn của cả ngành du lịch Quảng Ninh. Sở này đề nghị không vì lợi ích thiển cận trước mắt mà phá vỡ cảnh quan môi trường khu di tích Yên Tử.