Trang chủ Nghiên cứu Thiền học Rộng lòng trước đã

Rộng lòng trước đã

139

Vài năm trước, khi Ajaan Suwat hướng dẫn khóa tu ở IMS, tôi là người thông dịch cho Thầy. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của khóa tu, Thầy quay sang tôi nói: ‘Tôi thấy các vị này khi ngồi thiền trông quyết liệt quá!’ Nhìn khắp phòng, ai nấy đều đang ngồi hết sức nghiêm trang, mặt căng thẳng, mắt nhắm nghiền. Cứ như thể trên trán họ có viết lên hàng chữ Niết-bàn hay là Chết vậy.


Thầy cho rằng sự quyết liệt ấy là do hầu hết những người Tây phương ở đây đến với thiền tập Phật giáo không hề chuẩn bị một chút vốn liếng nào khác về Phật pháp. Họ chưa từng có chút kinh nghiệm nào về hạnh rộng rãi theo lời Bụt dạy về Thí (generosity).


Họ chưa từng có chút kinh nghiệm nào về sự phát triển giới hạnh theo giới luật nhà Phật. Họ đến với Phật pháp mà chưa từng thử nghiệm các giáo lý ấy trong đời sống hằng ngày, do đó họ không có sự tin tưởng cần thiết để vượt qua những giai đoạn khó trong thiền tập.


Thay vào đó, họ thấy mình cần phải dựa vào sự quyết tâm triệt để.


Nếu nhìn vào cách dạy thiền, giới, và thí ở đây (Tây phương), ta thấy đó là một trình tự hoàn toàn trái ngược với trình tự được dạy ở châu Á. Ở đây, người ta ghi danh vào khóa tu để học thiền, và khi đã đến chỗ tu học rồi họ mới được biết rằng mình sẽ phải giữ một số giới trong suốt khóa tu. Và đến tận cuối khóa tu, họ mới được biết rằng trước khi được phép về họ sẽ phải hào phóng. Tất cả đều đảo ngược.


Bên Thái Lan, sự tiếp cận đầu tiên của trẻ em với đạo Phật – sau khi đã học các cử chỉ cung kính –  là qua việc bố thí. Ta thấy phụ huynh dắt con mình ra khi có một nhà sư khất thực ngang nhà, họ bồng đứa trẻ lên, và giúp em bé đặt cơm vào bát nhà sư. Dần dần, các em tự động làm việc này, càng lúc càng bớt máy móc, và sau một thời gian các em bắt đầu ưa thích việc bố thí.


Lúc đầu, niềm vui này có vẻ đi ngược bản năng. Cho đi thì sẽ hạnh phúc, ý niệm này không tự động đến trong tâm trí trẻ thơ. Nhưng với sự thực tập, ta thấy điều ấy đúng. Xét cho cùng: khi cho, ta đặt mình vào vị trí giàu có. Quà tặng là bằng chứng ta có nhiều hơn đủ.


Đồng thời, nó cho ta ý thức giá trị bản thân. Ta có thể giúp kẻ khác. Hành động cho cũng tạo một cảm giác thông thoáng trong tâm, bởi thế giới ta đang sống được tạo lập bằng những hành động của chính ta, hành động hiến tặng tạo một thế giới rộng rãi thông thoáng: thế giới mà sự rộng rãi hào hiệp là nguyên tắc vận hành, thế giới mà mọi người có nhiều hơn đủ – đủ để sớt chia. Và điều này tạo một cảm giác tốt đẹp trong tâm.


Từ đó, trẻ em được tiếp cận với đức hạnh: sự thực tập Giới. Một lần nữa, từ góc nhìn của trẻ, điều này ngược lại với bản năng: ta sẽ hạnh phúc khi không làm một số điều mà ta muốn làm – như khi ta muốn lấy vật gì, hay khi muốn nói dối để che giấu sự hổ thẹn hoặc để tránh khỏi bị chỉ trích và trừng phạt. Nhưng dần dà ta bắt đầu phát hiện ra rằng: đúng rồi, có một cảm giác hạnh phúc, có một cảm giác lành mạnh đến từ việc sống có nguyên tắc, từ việc không phải che đậy bất cứ một sự dối trá nào, từ việc tránh các hành động bất thiện, từ việc có ý thức rằng các hành động bất thiện là bất xứng với mình.


Và lúc ta đến với thiền tập, qua nẻo thí và đức, ta đã nếm được kinh nghiệm rằng có những dạng hạnh phúc trên đời này đi ngược lại với bản năng. Trong khi tập làm quen với giáo pháp đức Phật, ta đã thấy được thứ hạnh phúc thâm sâu đến từ sự hiến tặng, thứ hạnh phúc thâm sâu đến từ sự tự chế đối với các hành động bất thiện, cho dù ta có muốn làm các hành động ấy bao nhiêu chăng nữa. Lúc đến với thiền tập ta đã phát triển một mức độ tin tưởng nào đó, rằng cho đến giờ phút này Bụt đã đúng, và vì vậy ta mở lòng với Ngài trong lĩnh vực thiền tập.


Niềm tin này cho ta vượt qua bao nhiêu trở ngại ban đầu: những chuyện làm phân tâm, sự đau nhức. Đồng thời, không gian đến từ tấm lòng rộng rãi cho ta một tâm thái ứng hợp với việc tu Định, một tâm thái ứng hợp với việc tu Tuệ – vì khi ngồi xuống chuyên chú vào hơi thở, ta ngồi với loại tâm thức nào? Loại tâm thức đã được bồi đắp qua các hành động đức hạnh và vị tha.


Một tâm hồn thoáng rộng, không phải là tâm chật hẹp của kẻ còn đang thiếu thốn. Đó là tâm thoáng rộng của một người có dư dả để sớt chia, tâm của một người không hối tiếc về những hành động trong quá khứ.


Tóm lại, đó là tâm của một người đã nhận thức rõ rằng: trong hạnh phúc chân thật, không có sự rành rọt phân ranh giữa phúc lợi riêng tư và phúc lợi của kẻ khác. Ý niệm hạnh phúc nằm ở chỗ ta làm vì động cơ vị kỷ hay vị tha đến mức phải hy sinh bản thân – là một ý niệm hết sức Tây phương, ý niệm ấy đối lập với giáo pháp của Bụt. Theo giáo pháp của Bụt, hạnh phúc chân thật là điều có tính chất phổ cập.


Chăm lo lợi ích chân thật của mình cũng là đang chăm lo cho lợi ích của người. Và chăm lo cho lợi ích của người cũng là đang chăm lo cho chính mình. Trong hành động hiến tặng, ta có được những đền bồi. Trong hành động trì giới, kiên trì với những nguyên tắc của mình, bảo hộ cho người tránh được những lỗi lầm, ta cũng có những đền bồi. Ta đạt được chánh niệm, ta ý thức được phẩm giá, lòng tự trọng của mình. Ta bảo hộ bản thân.


Ta bước vào thiền tập, sẵn sàng áp dụng cùng những nguyên tắc ấy vào việc rèn luyện sự tĩnh lặng và sáng suốt. Ta nhận rõ rằng thiền không phải là một dự án ích kỷ. Ta ngồi đây, tìm cách hiểu những tham đắm, giận hờn và mê muội của mình, tìm cách làm chủ chúng – điều này có nghĩa là ta không phải là kẻ duy nhật được lợi lạc từ thiền tập.


Người khác cũng sẽ – hay đang – được hưởng lợi lạc. Khi ta trở nên chánh niệm hơn, thức tỉnh hơn, khéo léo hơn trong việc giảm đoạn những triền cái trong tâm mình, người khác cũng bớt phải hứng chịu những triền cái ấy. Tham lam, sân hận, và si mê sẽ bớt đi trong các hành động của ta, và người xung quanh ta sẽ bớt khổ.


Việc tập thiền của ta là món quà cho họ.


Sự rộng rãi, tiếng Pāli là caga, nằm trong nhiều giáo lý. Như giáo lý về các môn tu tập dẫn đến việc tái sinh trong hoàn cảnh tốt. Giáo lý này không chỉ ứng với việc tái sinh sau khi chết mà còn ứng với các trạng thái hiện hành, các tâm thái ta tự tạo cho mình trong từng giây từng phút, và bước vào trong mỗi phút giây. Qua hành động của mình, chúng ta tạo ra thế giới trong đó mình sống. Bằng sự rộng lòng – không chỉ với vật chất mà còn với thời gian, năng lực, sự tha thứ, thiện chí sống công bằng chính trực với tha nhân – ta tạo nên một cảnh giới tốt đẹp mà ta sống trong đó.


Nếu các tập khí của ta thiên về hướng bỏn xẻn, chúng tạo ra một cảnh giới hạn hẹp, vì chẳng bao giờ đủ. Luôn luôn thiếu cái này, thiếu cái kia, hay sợ một cái gì sẽ bị tước đi hay vuột khỏi tay mình. Và đó là thế giới nhỏ hẹp, lo âu – ta tạo ra khi không biết mở lòng, trái ngược với thế giới tin yêu, mở rộng – ta tạo ra qua hạnh rộng rãi.


Rộng rãi cũng được xem như một trong những hình thái Giàu Có Cao Thượng, vì giàu có là gì nếu không phải là thấy mình có nhiều hơn, đủ hơn? Nhiều người nghèo về vật chất, nhưng xét về thái độ họ lại rất giàu. Và nhiều người của cải rất nhiều nhưng lại hết sức nghèo nàn. Những kẻ không bao giờ có đủ: Họ là những người lúc nào cũng cần có an ninh hơn, lúc nào cũng cần có thêm để cất giấu.


Họ là những người luôn phải xây dựng các tường thành quanh nhà, phải sống trong các khu dân cư có cổng gác vì sợ người ta lấy đi những gì mình tom góp được. Đó là một thứ đời sống nghèo nàn, hạn hẹp.


Nhưng khi tập mở lòng, ta mới nhận ra rằng ta có thể sống an ổn với ít hơn, và có một niềm hỷ lạc đến trong việc hiến dâng. Chính ngay đó, ta thấy mình giàu có. Ta có nhiều hơn là đủ. Đồng thời, ta phá đi các bức rào cản. Các tương quan tiền bạc tạo ra những rào cản. Tiền trao cháo múc, tức là có một bức rào ngay tại đó. Bằng như nếu ta không trả tiền, vật kia sẽ chẳng vượt rào đến với ta.


Nhưng với sự hiến tặng không đòi hỏi, bức rào cản được hạ xuống. Ta trở nên một phần quyến thuộc của người kia. Ở Thái Lan, các nhà sư gọi thí chủ của mình với cách xưng hô dùng cho họ hàng. Món quà tương trợ tạo nên ý thức liên đới. Tu viện tôi sống trước đây – từ tu sĩ đến cận sự – là một đại gia đình. Điều này cũng đúng với nhiều tu viện khác ở Thái Lan. Có một ý thức liên đới, không có ranh phân.


Chúng ta đã nghe người ta nói nhiều về ‘tính tương quan’ (interconnectedness) Nhiều lần, đặc tính này đã được diễn giải bằng giáo lý Duyên Sinh (Dependent Coarising), và đó quả là một ứng dụng không phù hợp với giáo lý. Lý Duyên Sinh dạy về sự tương quan giữa vô minh và khổ, sự tương quan giữa thèm khát và khổ.


Đó là mối tương quan trong tâm thức, và đó là mối tương quan ta muốn cắt trừ, bởi nó tiếp diễn chuỗi dài đau khổ, lặp đi lặp lại hết vòng này sang vòng khác. Nhưng có một loại tương quan khác, sự tương quan cố ý, đến từ các hành động của chúng ta. Đó là các liên hệ về nghiệp.


Ở Tây phương ngày nay, chúng ta thường có vấn đề với giáo lý về Nghiệp, đó có thể là lý do tại sao chúng ta muốn một giáo lý tương quan không có nghiệp. Và chúng ta sục sạo trong các giáo lý khác của Bụt để tìm một cơ sở hợp lý cho giáo lý tương quan, nhưng nền tảng đích thực của ý thức liên đới lại đến từ nghiệp. Khi ta giao tiếp với kẻ khác thì liên hệ được thiết lập.


Và đó có thể là một liên hệ tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc vào chủ hướng. Với sự rộng rãi vị tha, ta tạo ra một liên hệ tích cực, một liên hệ hữu ích, một liên hệ trong đó ta vui mừng vì ranh giới đã được lấy đi, một liên hệ trong đó những điều tốt lành được thông thương qua lại.


Nếu đó là một nghiệp bất thiện, ta đang tạo một quan hệ, ta đang tạo một khởi đầu mà sớm muộn gì ta cũng sẽ hối tiếc. Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có một câu nói rằng: bàn tay không thương tích có thể cầm chất độc mà không bị hại. Nói cách khác, nếu ta không có nghiệp xấu, nghiệp quả xấu sẽ không đến với mình. Nhưng nếu tay ta có thương tích mà lại cầm chất độc thì chất độc đó sẽ thấm vào vết thương và giết ta. Nghiệp bất thiện cũng vậy, là một vết thương. Đó là một khởi đầu cho các độc tố đi vào.


Nguyên tắc ngược lại cũng đúng. Qua hành vi thiện, một liên hệ tốt lành được hình hành. Liên hệ lành này bắt đầu bằng sự rộng rãi vị tha, và tăng trưởng bằng món quà đức hạnh. Như Bụt dạy, khi ta trì giới – cho dù việc gì xảy ra cũng không có ngoại lệ — thì đó là món quà an ổn cho mọi loài. Ta hiến tặng sự an ninh không giới hạn cho mọi người, và rồi ta cũng được dự phần trong sự an toàn không giới hạn đó. Với món quà thiền tập, ta bảo hộ cho kẻ khác khỏi những ảnh hưởng của tham, sân, và si của mình. Và ta cũng được bảo hộ.


Đây là điều mang lại từ sự rộng rãi vị tha: nó giúp tâm ta thông thoáng hơn và tạo nên những liên hệ tốt lành với người xung quanh. Nó xóa đi những lằn ranh ngăn không cho hạnh phúc được lan rộng.


Vào thiền tập với tâm thái này sẽ thay đổi hoàn toàn cách ta tu tập. Rất nhiều người đến với thiền với câu hỏi: ‘Tôi sẽ thu thập được gì khi bỏ thì giờ ra tập thiền?’ Đặc biệt trong thế giới hiện đại, thời giờ là cái chúng ta rất nghèo. Cho nên câu hỏi ‘thu thập, thu thập, thu thập được gì trong thiền tập?’ luôn lẩn quẩn phía sau.


Ta đã được khuyên xóa đi ý niệm thu về, nhưng ta không thể xoá bỏ nếu ta không tu tập điều này như một phần nhuần nhuyễn trong tâm. Nếu đến với thiền bằng kinh nghiệm rộng rãi vị tha, câu hỏi sẽ trở thành: ‘Tôi đóng góp gì vào cho thiền?’ Ta đóng góp cho thiền sự chú tâm trọn vẹn của ta. Ta đóng góp cho thiền nỗ lực, ta hoan hỷ dồn năng lực vào, vì ta đã học được từ kinh nghiệm rằng: nỗ lực tốt đặt vào tu tập sẽ mang đến những kết quả tốt.


Và sự nghèo khó nội tại trong câu: ‘Tôi sẽ thu thập được gì từ buổi thiền này?’ được xóa bỏ. Ta đến với thiền bằng cảm giác giàu có: ‘Tôi đóng góp được gì cho sự thực tập này?’ Ta nhận ra, lẽ đương nhiên, rằng: rốt cuộc ta thu thập nhiều hơn khi bắt đầu bằng thái độ hiến dâng.


Tâm ta sẵn sàng hơn với thử thách: ‘Ta có thể dành thêm thời gian cho thiền chăng? Ngồi thiền cho đến khuya hơn lệ thường chăng? Dậy sớm hơn chăng? Chuyên chú tâm hơn với điều mình đang làm chăng? Ngồi lâu hơn với cơn đau nhức chăng?”


Thiền tập trở nên một tiến trình cống hiến, và đương nhiên ta vẫn đạt các kết quả. Khi ta không miễn cưỡng bỏ thời gian và nỗ lực, ta bớt đi dần những hạn chế trong tiến trình thiền tập. Bằng cách này, các kết quả chắc chắn cũng sẽ ít miễn cưỡng hơn, bớt giới hạn hơn.


Vì vậy, chúng ta nhất thiết phải phát triển sự Giàu Có Cao Thượng của tấm lòng rộng rãi để mang vào thiền tập. Các vị Thầy có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiền nói rằng khi thối chí trong thiền tập, khi thiền tập kiệt khô, thì ta nên nhìn lại sự rộng rãi của mình trong thời gian qua. Những việc ấy sẽ cho ta thêm tự tin và khích lệ. Nhưng nếu mình không từng có gì gọi là rộng rãi hết thì mình sẽ nhìn lại những gì? Đó là lý do tại sao khi đến với thiền tập ta cần phải có sự thực tập tâm rộng rãi một cách hết sức có ý thức.


Nhiều lần ta hỏi: ‘Làm sao để mang thiền vào cuộc đời?’ Nhưng mang các đức tính của cuộc đời – những đức tính trong đời sống thường nhật – vào thiền tập, và phát triển thường xuyên các đức tính ấy cũng quan trọng không kém.


Việc tưởng lại các hành động rộng rãi bao dung sẽ trở thành khô khan, cạn kiệt sau một thời gian, nếu đã lâu rồi mình chưa có thêm một hành động nào như thế.


Để được nuôi dưỡng, khích lệ, chúng ta cần có một tấm lòng rộng rãi tinh khôi. Đó là vì sao, khi nói về các dạng phước, Bụt nói: ‘Đừng sợ phước, vì phước là một tên gọi khác của hạnh phúc.’


Trong ba dạng chính của phước, dạng đầu là dana, thí –  biểu hiện của sự rộng rãi. Có đức hạnh là một phước phần, xây dựng trên một hạnh giản dị là thí. Và thiền là phước, xây dựng trên hai hạnh này.


Lẽ đương nhiên, phần lớn của thiền là sự xả buông: xả buông những điều làm phân tâm tán trí, xả buông những tư tưởng bất thiện. Nếu ta đã quen thuộc với sự buông xả vật chất thì sẽ dễ hơn khi bước vào việc thử buông bỏ những thái độ vụng về của tâm – những thứ mà mình vẫn nắm níu lâu ngày đến nỗi nghĩ rằng mình cần chúng, nhưng khi thật sự nhìn vào chúng mới biết rằng mình không cần.


Trên thực tế, ta thấy chúng là gánh nặng không cần thiết đã gây ra đau khổ. Khi ta thấy cái khổ và sự không cần thiết của nó, thì ta có thể buông bỏ được. Như vậy, thí là một lực đẩy đưa ta đi trong suốt cuộc tu hành, và ta nhận ra rằng thí chẳng hề tước đoạt gì nơi ta cả. Đây chẳng qua cũng như một cuộc trao đổi mậu dịch. Ta cho đi một đồ vật và tăng thêm những phẩm chất hào phóng nơi tâm. Ta cho ra những cấu uế của mình, và đạt được tự do.


Trích từ sách Thiền Tập (Meditation) của Thanissaro Bhikkhu,
Việt dịch: TN Chân Giải Nghiêm