Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Rồi đây Tết sẽ ra sao?

Rồi đây Tết sẽ ra sao?

101

Một mùa xuân mới đã về. Nhà nhà, người người lại háo hức với ngày đầu xuân, với ngày Tết mà từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một mỹ tục văn hoá. Nhớ thời chưa xa, khi tem, phiếu mua hàng Tết còn như “báu vật” của mọi gia đình, thì ngày giáp Tết quả là cam go. Ngày thường rau cháo thế nào cũng xong, nhưng ngày Tết thì dù giàu hay nghèo cũng phải lo lấy nồi bánh chưng, sắm manh áo mới, toan tính sao cho mâm cỗ ngày Tết được đầy đặn.


Thế nên người hàng phố thì tích luỹ tem phiếu, mua được vài cân thịt mang về nhà là ai nấy hả hê, chỗ này gói bánh, chỗ kia giò xào, rán tý mỡ, rồi kiếm cái chân giò nấu măng.


Người ở trong làng thì rủ nhau “đụng” lợn. Mờ đất đã nghe tiếng lợn kêu inh ỏi, trẻ con tíu tít chạy ra chạy vào. Đến lúc tất cả được bày trên một cái nong to, chia sao thật đều thì đúng là ai nấy hớn hở. Rồi cành đào. Rồi câu đối. Rồi lá dong. Rồi mấy thanh củi “gộc” cho nồi bánh chưng. Rồi đôn đáo bên nội bên ngoại. Rồi dọn dẹp nhà cửa, sửa sang bàn thờ tổ tiên. Rồi viếng mộ, thắp hương…


Bao nhiêu công việc dồn vào trong vài ba ngày và các bà nội trợ chỉ thở phào yên tâm khi chiều Ba mươi thức nào thức ấy đã “hòm hòm”, để ba ngày Tết còn đi chúc Tết, mời anh em bè bạn đến dự bữa cơm đầu năm. Thêm lúc đi hội, đi chùa…


Xưa kia, vòng quay không đổi của chu kỳ canh tác nông nghiệp lúa nước với mỗi năm hai vụ chiêm – mùa và điều kiện kinh tế không phải khi nào cũng no đủ của đa số dân chúng, đã làm cho mấy ngày Tết trở thành sự kiện trọng đại. Nếu về mặt tinh thần, ngày Tết là biểu thị cho sự mở đầu của một năm mới với khát vọng may mắn, no ấm và yên lành thì về mặt vật chất, câu tục ngữ “đói quanh năm no ba ngày Tết” đã nói lên tất cả.


Ở một đất nước với nền kinh tế mang đặc trưng nông nghiệp, cư dân làng xã chiếm tỷ lệ áp đảo so với cư dân đô thị, thì sự lên ngôi của thời vụ, của ngày mùa là điều tất yếu. Qua hàng nghìn năm, chu kỳ canh tác nông nghiệp dựa theo thời tiết đã ổn định đến mức làm cho nông lịch trở thành thời gian biểu hàng năm của toàn xã hội. Hầu như mọi người đều biết ngày nào thì gieo mạ, tuần nào thì làm cỏ, khi nào thì gặt lúa về nhà. Rồi sau Tết là tháng nông nhàn, vì ra giêng ngày rộng tháng dài nên cha ông mới có câu ca: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”.


Nhưng rồi thời gian, cùng với sự xuất hiện của vô số yếu tố kinh tế – xã hội mới, đã làm cho mọi thứ dần thay đổi. Quan sát hàng chục năm nay, không khó để nhận ra ngày Tết của người Việt Nam đã bắt đầu có một số chuyển dịch, mỗi năm mỗi khác và dường như đã có quan niệm mới về ngày Tết đầu năm.


Phải nói rằng, lâu nay khoảng cách văn hoá – văn minh giữa đô thị với nông thôn ở Việt Nam đã phần nào được thu hẹp và sự lan toả nhanh chóng của các giá trị vật chất – tinh thần có ý nghĩa thời đại đã đưa tới nhiều chuyển dịch lý thú, sinh động.


Hơn một thế kỷ trước, văn minh phương Tây đã tạo ra quá trình “âu hoá” trong rất nhiều sinh hoạt xã hội Việt Nam, nhưng quá trình ấy dù mạnh mẽ vẫn chưa thể thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp… Nó phải chấp nhận tình trạng lưỡng phân, như chấp nhận sự chung sống giữa khăn xếp áo the và complet, giữa giầy Jonh và guốc Kinh, rau diếp và salade, khoai lang và khoai tây… Tình trạng lưỡng phân kéo dài trong nhiều thập kỷ và chưa lúc nào “âu hóa” tỏ ra lấn lướt.


Còn đến hôm nay, mọi sự đã khác, như trong mâm cúng gia tiên ngày Tết ở nhiều gia đình đã thấy có mặt thịt hun khói, jambon, ngô ngọt xào, xúc xích Đức… các món ăn mà mấy chục năm trước chưa thể len lỏi vào mâm cỗ Việt. Rồi một cách tự nhiên, mọi người chấp nhận lời chúc mừng năm mới qua telephone, SMS, email mà không thấy có điều gì thất thố.


Và vào lúc mức sống, nhịp sống kiểu công nghiệp đưa tới cho sinh hoạt xã hội một tiết tấu mới, thì ngày nghỉ cuối tuần cùng các ngày lễ tết như đã không còn là ngày để các gia đình tụ tập “cải thiện”. Khi mà bánh chưng – bánh của ngày Tết đã trở thành chuyện của cái thường ngày thì với nhiều gia đình, nồi bánh chưng đêm Ba mươi tháng Chạp cũng không còn là yêu cầu bức thiết, chỉ mua đôi ba “cặp” là đủ dùng; và tất nhiên, đám con trẻ sẽ không bao giờ biết tới thú vui khi ông bà vét voi đỗ gạo gói cho chiếc bánh con con…



Mức sống, kiểu sống đã chuyển dịch, đó là thực tế và làm cho nông lịch cổ truyền hầu như không còn giữ được vai trò chi phối. Như Tết cơm mới chẳng hạn, Tết “song thập” (10/10) ngày nay không còn nhiều ý nghĩa, nồi cơm mới hạt còn xanh màu cốm, vừa dẻo vừa ngọt vừa bùi như đã là chuyện của ngày xưa. Năm hai vụ lúa, thậm chí là năm ba vụ lúa đã làm cho kinh nghiệm canh tác ngàn năm không còn thích ứng triệt để.


Vì thế, Tết Nguyên đán – bắt đầu một chu kỳ mới của năm âm lịch – cũng dường như trở thành ngày của vui chơi, ngày của đoàn tụ, ngày của gặp gỡ và chuyện ăn uống không còn là điều hệ trọng. Cứ nhìn các đoàn tàu xe đông nghịt trong ngày cuối tháng Chạp, cứ nhìn những đoàn ôtô từ đô thị lăn bánh ra ngoại ô hoặc đi các tỉnh xa, cứ nhìn các đoàn xe máy từ các làng xã đổ về đô thị trong ngày Tết, cứ nhìn các khu vui chơi giải trí chật ních người đến tham dự… là có thể nhận biết một kiểu nghỉ Tết mới đã manh nha hình thành.



Tóm lại, đã có nhiều chuyển dịch văn hoá đang bắt đầu, đã có một số nội dung văn hoá mới đang hình thành và phần nào đã được thừa nhận. Các thói quen, tập quán lâu đời đã và sẽ đứng trước các thách thức mà nếu không có biến đổi để thích nghi, sẽ dễ trở thành cổ truyền. Bối cảnh ấy làm người quan tâm không thể không đặt ra câu hỏi: Rồi đây, Tết sẽ ra sao? Quả là một câu hỏi khó trả lời. Bởi, Tết Nguyên đán là biểu tượng cho sự bắt đầu của mùa xuân, mở đầu niềm vui hân hoan đã in đậm dấu ấn vào tâm thức của dân tộc.



Với người dân Việt, Tết cổ truyền vẫn là “cái gì đó” thiêng liêng như một giá trị “tâm linh” chứ không chỉ là dấu ấn thời gian. Thiết nghĩ, Tết có thể tiếp tục chuyển dịch, song có lẽ sẽ là chuyển dịch về nội dung cho phù hợp với mức sống và điều kiện sống mới hơn là chuyển dịch về thời điểm. Và dường như vì thế, có lẽ Tết sẽ dần dà trở thành ngày của vui chơi, nghỉ ngơi.