Không hiếm gặp cảnh về quê ăn Tết vác cành đào héo rũ đứng chờ xe dưới bóng râm ven đường (chỉ thiếu nước quần đùi, áo may ô thôi). Còn ô tô thì phải bật điều hòa hết cỡ. Chập tối nhà nào cũng chờ ti vi đến màn dự báo thời tiết xem sao, cứ đà đó thì… mất Tết.
Ấy thế mà chỉ đến cuối ngày 29, trời bỗng chiều lòng người mà trở lạnh đột ngột vào ngày 30. Nhà vườn nở nụ cười rạng rỡ vì mai, đào đã tươi trở lại… Thời tiết đến sáng mùng 1 thì quá đẹp. Trưa hửng sáng. Trời ấm lên một chút, đủ để xo ro. Mưa nhỏ ở nhiều nơi như mang lộc đến đầu năm mới. Mùng 2 trời cũng rất đẹp dù có lạnh hơn một chút.
Mùng 4, mùng 5 cái lạnh được đẩy lên – trời giá rét căm căm. Bánh chưng, giò chả sẽ để được lâu hơn, nhiều nơi còn để lai rai đến tận Rằm mà không phải “luộc lại”. Năm nay, được ăn Tết đến tận mùng 9 – hiếm có năm nào lại được ăn Tết dài như vậy – vừa làm cho dân chúng hân hoan, nhưng một mặt nào đó quả là một “gói kích cầu” khôn ngoan của những người điều hành nền kinh tế.
Một cái Tết Bắc Bộ mà không rét thì chỉ còn một phần nửa cái Tết, nếu không muốn nói là “ăn Tết giữa mùa Hè”. Đi chơi Tết mà nắng chang chang, phải mặc áo cộc tay, đội nón, mũ (chứ không được xúng xính khăn áo) thì thật là “vô duyên”, chẳng khác nào cưới vợ không đúng mùa cưới vậy.
Còn nhớ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, nhà văn này khi sống ở Sài Gòn giữa cái nóng nực như đổ lửa đã “thèm” cái rét Bắc Bộ đến cỡ nào.
Nhớ tối mùng 3 Tết, trên ti vi, nhà văn Việt kiều Nguyễn Văn Thọ đã nói về cái Tết với người xa xứ, đại ý, rằng dù ở nước ngoài, điều kiện sắm Tết cổ truyền có dễ dàng hơn trước rất nhiều do giao thông thuận tiện, thế nhưng dù có bỏ ra hàng tỷ đô la cũng không thể thuê được ngành hàng không chở “không khí Tết” đất Việt sang bên đó. Trong cái không khí Tết mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói chắc hẳn là có cái vị rét Bắc Bộ.
Lại nhớ khi người Thụy Điển giới thiệu về đất nước của mình, họ có nhấn mạnh rằng thứ ánh sáng tuyệt diệu trong vắt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Bắc Âu này (nhờ vị trí địa lý) chính là một sản phẩm du lịch (ở Thụy Điển có những tuần lễ mà mặt trời không lặn, sáng cả ngày lẫn đêm).
Còn tôi thì nghĩ rằng cái rét ngày Tết, ngày Xuân ở Bắc Bộ trong lất phất mưa mùn, khi những chồi xoan vừa nhú lên cũng xứng đáng là một “giá trị” của Tết, của Xuân – một giá trị mà bất kỳ ai đã trải qua đều phải nhớ về.