Chúng tôi nhớ như in ngày đầu tiên bước chân vào Học viện, và vết hằn dài nhất là kỳ thi tuyển sinh. Choáng ngợp trước phố hội, bồi hồi trước phòng thi, háo hức giờ thi đến làm cảm xúc như muốn bung vỡ khỏi lồng ngực.
Bốn năm một lần mới có kỳ tuyển sinh vào Học viện, chúng tôi chắt chiu từng cơ hội để ngòi bút thi triển những hiểu biết cơ bản về Phật học. Kỳ thi không chỉ đánh dấu một chặng đường mới mà mở ra một chương mới trong quá trình học Phật. Bao nhiêu ánh mắt lo toan, chen lẫn nỗi niềm phấn chấn và không hề thiếu sự ganh đua của tuổi trẻ.
Bốn năm tại Học viện không quá dài nhưng chỉ đủ cho chúng tôi kịp tiếp thu mà chưa tiêu hóa hết khối kiến thức. Mỗi giáo viên đều để lại phong cách, riêng không xen lẫn đâu được. Nhớ những bước chân còn ngập ngừng trên bục giảng của Thượng tọa Tâm Minh; những lần dò bài thót tim của thầy Nguyễn Khuê; nhưng câu chuyện lịch sử sống động của thầy Nguyễn Khắc Thuần; những bước chân lạnh ngắt của thầy Tổng giám thị. Và đâu đây ánh mắt từ hòa của Hòa thượng Viện trưởng mỗi đầu tuần xuống khu hành chánh.
Bốn năm ròng trông đợi kỳ thi tuyển sinh dài bao nhiêu thì ngày tốt nghiệp lại mau chóng bấy nhiêu. Chúng con nhớ như in lời phát biểu tận đáy lòng của Hoà thượng Viện trưởng: “Văn bằng chỉ đánh dấu một chặng đường nỗ lực hoàn thiện tự thân, chứ không phải mục đích của việc học tập, càng không phải là mục đích của người xuất gia tu Phật”. Việc học, Hòa thượng nhấn mạnh: “học là để sống tốt, sống thiện, sống hạnh phúc an lạc, lợi mình lợi người. Mục đích của người học Phật là thực nghiệm an lạc Niết-bàn và chia sẻ niềm an lạc ấy với mọi người”1.
Nhìn lại chặng đường đi qua, tiếc nuối chưa kịp vơi thì luyến lưu lại đến. Luyến lưu những kỷ niệm bên mái trường khang trang mà chúng tôi là những thế hệ đầu tiên được thừa hưởng. Khó tả thành lời khi trở về đây nhìn trường cũ vẫn còn mà người xưa đâu còn nữa. Nhìn dòng người bất tận, chợt nhận ra:
“…thức tâm mấy độ in hình mộng
Vạn tượng sơn hà vắng chủ ông”
Những giọt mồ hôi dài lo toan của chư tôn đức Hội đồng điều hành Học viện chưa ráo lại phải gồng lo những nỗi lo khác, ngày ra trường chúng tôi thầm nguyện: nguyện hết mình tận hiến cho sự nghiệp trồng người thiêng liêng nhưng không ít trăn trở này.
Con đường giáo dục như lời phát biểu đã thành chân lý của Hòa thượng nguyên Phó Viện trưởng thường trực: “Không có con đường nào thiêng liêng, tốt đẹp nhưng thật dài và đầy trăn trở ưu tư như con đường giáo dục. Nhất là con đường giáo dục ấy lại là con đường giáo dục Phật giáo, con đường giáo dục Giới-Định-Tuệ, một con đường không nhắm đến đào tạo hay huấn luyện con người thành những con người khoa học kỹ thuật, phiến diện mà trở nên những con người toàn diện, đầy đủ Hạnh đức, Tâm đức và Tuệ đức, có khả năng khai phóng tự thân, làm lợi ích nhân quần và xã hội”.
Rảo quanh khung trời cũ, chúng tôi nhận ra thấp thoáng đâu đây bóng áo vàng mượt mà mà mỗi chiều Người được đệ tử dẫn quanh khuôn viên trường cũ. Bao ký ức lại ùa về, chúng con chỉ biết lặng nhìn Người trong im lặng và đầy kính ngưỡng. Thầm nói lên hai chữ tri ân đến muôn một cõi lòng. Nhìn dòng người, dòng đời tấp nập, vai bị giật mạnh bởi bàn tay người trông xe già năm xưa. Mắt nhìn nhau ngấn lệ, miệng không nói thành câu, thầm chung nguyện ước Vạn Hạnh ơi, reo mãi khúc ân tình!
.
Thích Hương Yên
(Tăng sinh lớp Tăng 2, khóa V, Học viện PGVN tại TP.Hồ Chí Minh)