Trang chủ Tết Việt Phong tục Rằm tháng giêng với người Việt

Rằm tháng giêng với người Việt

61

Trong các tháng lễ hội, có lẽ tháng Giêng dường như là tháng có nhiều lễ hội nhất bởi ông bà ta xưa quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…Và lễ hội được tổ chức “đình đám” nhất, “to” nhất không nói ai ai cũng biết đó là Lễ hội rằm tháng Giêng!

“Tôi lên chùa” … Hôm nay là rằm tháng Giêng, hay còn được gọi là lễ Thượng Nguyên. Từ xa xưa, trong dân gian Việt Nam đã truyền tụng câu ca:

"Lễ Phật quanh năm
không bằng ngày rằm tháng Giêng”

Vì sao có Lễ hội Rằm tháng Giêng?

Lễ hội rằm tháng Giêng được du nhập vào Việt Nam theo phong tục Tết Nguyên Tiêu của người Hoa. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới (Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm.) Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm (ngày rằm tháng giêng âm lịch). Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên bởi vì còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng mười).

Vì ảnh hưởng tam giáo (Nho, Lão, Phật) cho nên người Việt cũng có Lễ Thượng nguyên mà chúng ta vẫn thường gọi là Rằm tháng Giêng:

“Rằm tháng giêng ai siêng thì quải,
Rằm tháng bảy kẻ quải, người không.
Rằm tháng mười, mười người mười quải.”

Trong tâm thức người Việt…

Những người Việt xưa và nay theo đạo Nho coi Lễ hội rằm tháng Giêng là Tết Trạng nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.

Viết đến đây, tôi lại nhớ có người nước ngoài đã nói: “Trong tâm hồn người Việt Nam luôn có một ông quan và một nhà thơ”. Ông quan thì tôi chưa chắc lắm, nhưng “nhà thơ” thì đúng rồi. Gần 10 năm nay, Hội nhà văn Việt Nam đã lấy ngày rằm tháng Giêng làm Ngày thơ Việt Nam để tôn vinh thơ ca. Tất cả các tỉnh thành đều tổ chức ngày thơ như một lễ hội và bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng là “diễn văn” khai hội chào mừng…

Với những người theo đạo Phật, thật ra rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.

Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng… Nhưng không ai có thể quên bày mâm cỗ để cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả…

Mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Giêng theo từng tín ngưỡng của từng gia đình sẽ có sự khác nhau và tùy từng vùng miền…

Gia đình theo đạo Phật sẽ cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào…

Ở các chùa thôn quê, làng quê, cỗ bàn chỉ dùng tương chao, hoa quả nấu với đậu khuôn, đậu phụng, dầu phụng, không thêm nhiều hương liệu nên khi ăn người ta hay bảo nhau: ăn chay phải trộn nhiều món vào một tô mới ngon.

Ở miền Trung, nhiều người không theo đạo Phật thì ngày rằm cúng chè xôi và cúng mặn. Cỗ bàn mặn cũng gồm các món cơm canh tuy không thịnh soạn như ngày Tết Nguyên đán…

Một nét văn hóa chung gặp nhau của cả 3 miền Bắc- Trung – Nam của Lễ hội rằm tháng Giêng chính là dòng người từ già đến trẻ, đi lễ đầu xuân, lên chùa cầu an. Đây được xem là một phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Không biết những thỉnh cầu có đến được cửu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm hay đi trảy hội trở về, tâm hồn của họ như được thắp sáng lên và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.

Và đêm nay (đêm 15 tháng giêng) sẽ là đêm Nguyên tiêu 2011, đêm đẹp nhất của ánh trăng của năm Tân Mão…Dù bao biến đổi của đất trời đã và đang diễn ra nhưng xưa và nay, vầng trăng tháng Giêng vẫn vẹn nguyên như thế, tròn và trong sáng giữa trời xuân. Thế thôi cũng đủ để lòng người ta cảm tạ trời đất ban cho mặt trời còn tặng cả vầng trăng. Trăng già còn trăng non, trăng tròn thêm trăng khuyết. Trăng mùa đông tàn thì còn trăng xuân đón đợi. Đó chính là vầng trăng tỏa sáng cái tết trăng tròn đầu tiên khởi sự cho một năm: rằm tháng Giêng!